Pages

31 tháng 10, 2016

GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC



Chiều nay gió về trên phố
Mang theo giá lạnh đầu mùa
Xạc xào lá bay cùng gió
Mặt hồ hiu hắt dưới mưa

Chiều nay gió mùa đông bắc
Lướt qua thổi vắng con đường
Chớm đông, chưa kịp giá rét
Gió tràn bay hết yêu thương

Mùa thu trôi theo ngày tháng
Hương hoa sữa vẫn nồng nàn
Em ngỡ tình còn nắm chặt
Ai ngờ, trượt tay vỡ tan

Em biết, anh à, em biết
Tình mình nồng ấm ngày hè
Cuối thu tình chợt tàn úa
Đón mùa đông lạnh tái tê

Em tìm anh chiều lá đổ
Nắng thu rơi rớt vai gầy
Xót xa chật lòng nỗi nhớ
Nỡ đành buông bỏ bàn tay

Sao anh bước rời xa thế
Mặc em ngơ ngẩn giữa đời
Thời gian cũng dần hữu hạn
Hẹn thề đắng ngắt trên môi

Chiều nay gió mùa đông bắc
Mùa thu cũng hết mất rồi
Về đi bên em anh nhé
Cuộc đời ngắn lắm anh ơi.


31/10/2016

Chúc mừng các bạn sinh nhật tháng 10!

Chào Tháng Mười, Tháng có nhiều người SN nhất trong năm!
Chúc mừng các bạn có tên sau đây

1/ Nguyễn Minh Tâm 2/10
2/ Nguyễn Mạnh Hùng 11/10
3/ Nguyễn Thu Thanh 11/10
4/ Hoàng Hồng Gian...g 12/10
5/ Vũ Quang Ngh...iêu 12/10
6/ Nguyễn Minh Nguyệt 21/10
7/ Phạm Xuân Thắng 24/10
8/ Nguyễn Hoa Mai 31/10

Chúc một sinh nhật thật đặc biệt đến với các bạn
BLL

Suy ngẫm: Lý do chúng ta tồn tại trên đời

Lý do để chúng ta tồn tại trên đời này không phải là sự thành công. Chúng ta tồn tại trên đời là vì còn phận sự phải hoàn thành. Trẻ em còn những điều phải học, người phu quét đường còn rác phải quét, bác sĩ còn bệnh nhân chưa được chữa trị, các nhà bác học còn nhiều điều bí ẩn chưa được tìm ra…
Ca ngợi sự thành công đến mức cuồng nhiệt vô tình đã làm cho nhiều bạn trẻ lung lay và lo sợ. Cái lo sợ vô hình nhưng ghê gớm đó có thể dẫn đưa người ta đến lối suy nghĩ nông cạn và hành động dại khờ.
Ca ngợi thành công đến mức cuồng nhiệt còn làm cho những kẻ có quyền thế chỉ chăm chăm tích lũy tiền của mà không màng đến bổn phận. Nếu bị phản đối thì họ sẽ tìm cách mị dân hoặc tệ hơn, là sẵn sàng gây phương hại cho những ai cản bước đến thành công của họ.
Chúng ta không phản đối sự thành công, chúng ta chỉ đặt nó dưới giá trị của con người. Giá trị của con người là nhân ái, vị tha chứ không phải thành công về tiền bạc hay danh tiếng. Những ai đi ngược lại đều nguy hiểm, nhỏ thì bị coi thường, lớn thì bị lịch sử phán xét, từ dân tới vua đều như thế, không tránh đâu được.
Vì vậy các bạn trẻ đừng quá lo sợ khi gặp cảnh khó khăn, còn những kẻ quyền thế thì đừng quên sự phán xét của lịch sử. Xin nhắc lại lần nữa: Lý do để con người tồn tại trên đời chính là vì còn có những sứ mệnh nhân ái phải làm xong.
ST

Chúc Mừng Sinh Nhật Hoa Mai 31/10

Chúc Hoa Mai 1 sinh nhật thật vui và đầm ấm bên bạn bè và người thân nhé!
Happy Birthday To You!
Ban Liên Lạc 

30 tháng 10, 2016

11 điều con bạn không được dậy ở trường

Gửi tất cả mọi người có con em nhỏ đang đi học! Dù bạn yêu hay ghét ông, thì những điều Bill Gates chia sẻ dưới đây chắc chắn bạn nên nói lại với con cái của mình.
Trong bài phát biểu tại một trường trung học do Cnet thuật lại, tỉ phú Bill Gates đã chia sẻ về 11 điều bạn đã và sẽ không bao giờ được dạy tại trường học. Ông cũng nói thêm rằng việc chỉ dạy những giáo lí được cho là đúng đắn đã tạo nên một thế hệ trẻ không có khái niệm về thực tế và điều này làm họ gặp thất bại trong cuộc đời.
Bill Gates, tỉ phú, đồng sáng lập hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft.
Điều 1: Cuộc sống không công bằng, hãy quen với nó!
Điều 2: Thế giới không hề quan tâm tới lòng tự trọng của bạn.Thế giới chỉ trông đợi bạn hoàn thành được điều gì đó trước khi bạn cảm thấy hài lòng về bản thân.
Điều 3: Bạn sẽ không thể kiếm được 60.000 USD sau một năm rời ghế nhà trường. Bạn sẽ không thể là một phó tổng thống với một chiếc xe hơi tiện nghi có gắn điện thoại ở bên trong cho tới khi bạn kiếm được đủ tiền để mua cả hai.
Điều 4: Nếu bạn nghĩ giáo viên của mình khó ưa, hãy chờ cho tới khi bạn được gặp ông chủ của mình.
Điều 5: Đi bán bánh mì kẹp thịt không làm mất đi giá trị của bạn. Ông bà của bạn ngày xưa gọi công việc bán bánh mì kẹp thịt với một cái tên khác, họ gọi đó là "cơ hội".
Điều 6: Nếu bạn gặp rắc rối, đó không phải lỗi của cha mẹ bạn, vì vậy đừng rên rỉ khi mắc sai lầm, hãy cố gắng học hỏi từ chúng.
Điều 7: Trước khi bạn được sinh ra, cha mẹ của bạn không hề trông buồn chán như bây giờ. Họ trở nên như vậy là do phải nghĩ cách thanh toán hóa đơn cho bạn, làm sạch quần áo cho bạn và lắng nghe bạn nói về việc bạn phải trở nên sành điệu như thế nào. Trước khi kêu ca về sự buồn chán của thế hệ cha mẹ bạn, hãy cố gấp quần áo trong tủ của bạn sao cho gọn gàng trước đã.
Điều 8: Trường học có thể là nơi loại bỏ sự thắng thua nhưng cuộc đời thì không. Ở một số ngôi trường, họ có thể loại bỏ những điểm kém và cho bạn nhiều cơ hội để làm lại cho tới khi có đáp án đúng. Điều này hoàn toàn không giống chút nào với cuộc đời.
Điều 9:Cuộc đời không hề chia thành các học kì. Bạn sẽ không nhận được kì nghỉ hè và rất ít ông chủ thích thú tới việc giúp bạn tìm được chính bản thân mình. Vì vậy, bạn phải tự dùng thời gian của mình để làm việc đó.
Điều 10:Đời thực không giống như trên TV. Ở ngoài đời thực, mọi người đều phải rời quán cà phê và đi làm đúng giờ.
Điều 11: Hãy đối xử tốt với một kẻ khác người. Có thể bạn sẽ phải làm việc dưới quyền của một kẻ như vậy.
Nguyễn Long

Em sẽ thôi mơ

Bức tranh ấy có lẽ là bức cuối cùng
Em sẽ thôi mơ
Về những gì huyễn ảo
Ngày anh bên em
Sao anh không vẽ cho em những bức tranh xỉn màu hơn thế
Để em biết cuộc đời không đẹp đẽ như tranh?

Run rẩy vẩy màu lên toan
Em vẽ một bức tranh xám ngắt
Dù điểm tô vằn vện xanh, đỏ, vàng, hồng, tím
Vẫn chẳng thể nào như xưa

Em thôi vẽ tranh 
Em sẽ thôi mơ
Lặng lẽ nhặt nhạnh từng mẩu chì nho nhỏ 
Em biết mình chẳng bao giờ gặp lại được nữa
Người hoạ sĩ lạ lùng 
Của một bức tranh xưa...

BH 25/5/2016
Hoạ bài 'Em đã thôi mơ' của Hoa Cỏ May

29 tháng 10, 2016

RANH GIỚI VÔ HÌNH




Chỉ biết rằng khi anh đã xa em
Bỗng nhận ra mình khác nhau nhiều quá
Phải chăng mình đã yêu nhau vội vã
Nên bây giờ thấy xa lạ phải không em?

Anh một mình tự thú với màn đêm
Bởi đã từng yêu em nhiều hơn thế
Cố gắng thật nhiều mà sao anh không thể
Khoả lấp đầy những khoảng trống mong manh

Để tình này vẫn giữ lại màu xanh
Những khát khao nồng nàn như ngày ấy
Là hạnh phúc mình từng vui biết mấy
...sao bây giờ chỉ còn nỗi buồn thôi

Có phải tình yêu đã xa khuất chân trời
Đã chìm dần và rơi vào vị kỷ
Rồi một ngày tình mình thành cũ kỹ
Anh sẽ chẳng níu giữ nổi tình em

Sẽ chẳng thể níu kéo lại thời gian
Khi dòng đời cứ miên man chảy mãi
Rồi không thể giữ tình này ở lại
Hạ sẽ tàn, thu chớm đến đông sang

Rồi một mai em khóc với muộn màng
Khi đánh mất tình mình trong buồn bã
Cũng có thể.... mình khác nhau nhiều quá
Thôi em cứ về....chốn ấy chẳng có anh

Thơ Giáng Hương

ĐỪNG CHO EM TRỞ THÀNH TÌNH CŨ



Đừng, anh nhé, đừng cho em - tình cũ
Để trái tim như giông gió trở mùa
Cơn xoáy lốc quật ngang đời bão tố
Khi một ngày, người bỗng hoá người xưa.

Đừng, anh nhé, đừng cho em quá khứ
Đừng buông tay khi tình ái đang nồng
Đời rất rộng, gặp được nhau quá khó
Có nhau rồi, xin cùng nắm – đừng buông

Đừng, anh nhé, đừng như người xa lạ
Tình chợt như con sóng cuốn xa bờ
Bao nồng ấm chợt chìm sâu đáy biển
Người hững hờ, sao em vẫn ngu ngơ?

Đừng, anh nhé!
Đừng cho em – tình cũ…

LÀM GÌ KHI TÂM HỒN TA THAN KHÓC?

Người nào có chút nhận biết về bản thân đều nhận ra trong hầu hết thời gian tương giao với tha nhân, ta đều đeo một chiếc mặt nạ (persona). Hay nói cách khác, ta sống với bộ mặt giả.

Nhưng tại sao ta lại phải sống như thế?

Theo Carl Jung thì, "bộ mặt giả... tồn tại bởi người ta cần phải thích nghi với cuộc sống, bởi sự tiện lợi cho bản thân." Nói nôm na, ta đeo mặt nạ là bởi là ta cần được xã hội coi trọng, công nhận mình là một thành viên chấp-nhận-được, hay thậm chí tán thưởng. Ta sợ hãi cảm giác bị tha nhân kinh rẻ, chối bỏ, ra cho rìa cuộc đời.

Vậy thì cứ sống với bộ mặt giả có sao không?

Cái gì cũng có cái giá của nó. Khi hoàn toàn đồng hóa với bộ mặt giả, người ta sẽ lãng quên, bỏ mặc tâm hồn (soul) mình. Đó là tình cảnh được Tagore viết trong bài thơ 29 của tập Lời dâng:

"Tên tôi là một nhà tù, nơi người tôi giam đang than đang khóc. Mải mê xây tường bao vây tất cả, và dần dần khi tường đã vươn cao, trong bóng tối âm u, tôi không còn nhìn thấy con người thực của mình đâu nữa. Tôi hãnh diện vì bức tường cao ngất; lấy cát bụi, tôi chát kín tường đi, những sợ nếu còn lỗ nhỏ tên gọi này sẽ lọt vào trong. Vì cẩn thận chi li, tôi không còn nhìn thấy con người thực của mình đâu nữa." (Đỗ Khánh Hoan dịch)

Vì tâm hồn khóc than, nên dù người ta có bao nhiêu tài sản, danh vọng, quyền lực... người ta vẫn không cảm thấy thực sự yên ổn, hạnh phúc.

Làm thế nào để không bị đồng hóa với bộ mặt giả?

Hãy bắt đầu đặt câu hỏi TẠI SAO với tất cả mọi việc bạn đang làm. Dần dần, bạn sẽ nhận ra hầu hết những việc đó được quy định bởi những niềm tin bạn học từ người khác mà chưa từng nghi vấn. Chẳng hạn: Bạn cật lực kiếm tiền vì bạn nghĩ rằng giàu có là thành đạt. Nhưng quan niệm thành đạt đó là ở đâu ra vậy? Quan niệm đó có thực sự đúng, thực sự có ý nghĩa với riêng bạn không?

Tâm hồn là gì thế?

Theo James Hillman, đó là cái nguồn năng lượng luôn khát khao được sống một cuộc đời có-ý-nghĩa, sống cho riêng mình chứ không phải cho người khác nhìn vào khen ngợi.

Làm thế nào để sống với tâm hồn?

Nói như Joseph Campbell: Hãy đi theo tiếng gọi của phúc lạc. (Follow your bliss.) Hãy làm điều bạn đam mê.

Đam mê thực ra là gì vậy?

Đam mê là ngọn lửa sưởi ấm trái tim bạn, là cái mà bạn "vật vã" vì nó dù có thể chẳng ai cho bạn xu nào về việc bạn đang làm. Đó là vì sao chữ "passion" trong tiếng Anh, ngoài nghĩa "đam mê" còn có nghĩa là "khổ nạn."

Hãy lưu ý đam mê khác với sở thích. Đây là điều những người đọc sách Osho hay nhầm lẫn khi nghe ông ý khuyên: "Chỉ làm điều bạn thích." Đam mê là đều đến từ trái tim bạn. Còn sở thích đến từ tâm trí.  Sở thích nay còn mai mất. Còn đam mê thì trường tồn theo năm tháng.

Chạy theo sở thích thì suốt đời bạn chẳng đi đến đâu cả!Còn đi theo tiếng gọi của đam mê, thì tự nhiên trong bạn sẽ có cảm giác tự tin, mãn nguyện, không cần phải tìm kiếm sự công nhận của người khác nhiều nữa.

Hãy dành nhiều thời gian trong tĩnh lặng, đặt tay lên trái tim, rồi đến một ngày nào đó, bạn sẽ biết đam mê của mình là gì.

Đỗ Hoàng Tùng, trích sách
"Khái niệm Bộ mặt giả" của nhà Phân Tâm Học Carl Jung
https://vietpsychotherapy.wordpress.com/2015/02/01/khai-niem-bo-mat-gia-cua-jung/
 — 

Tâm Sự Thứ Bảy (129) Lễ Hội Ánh Sáng Diwali

Diwali hay Dīpāvali (tiếng Sanskrit nghĩa là một dãy đèn) là một lễ hội quan trọng trong văn hóa Ấn Độ Giáo. Người dân Ấn Độ  Nepal cũng như tại các cộng đồng Ấn giáo khác trên thế giới ăn mừng lễ Diwali vào đêm 13 kỳ trăng khuyết (tức đêm 28) của tháng Ashwin cho tới ngày thứ hai của tháng Kartika trong lịch Ấn Độ. Đây còn được gọi là Lễ hội ánh sáng vì mọi người có phong tục thắp đèn dầu bấc vải (gọi là dipa) để ăn mừng chiến thắng của thần Krishna trước Narakasura, biểu tượng cho chiến thắng của các thiện trước cái ác. Lễ hội cũng đóng vai trò quan trọng trong Phật giáo, đạo Sikh  đạo Jain.
Trước khi tới đêm Diwali, người dân phải làm sạch, cải tạo và trang trí nhà cửa và văn phòng của họ.[8] Vào đêm Diwali, người Ấn Độ giáo mặc những bộ quần áo mới hay bộ quần áo tốt nhất của họ, thắp sáng lên Diyas (đèn và nến) bên trong và bên ngoài nhà của họ, tham gia puja gia đình (cầu nguyện) thường để Lakshmi - nữ thần của sự giàu có và thịnh vượng. Sau puja, pháo hoa sẽ được bắn,[9] sau đó một bữa tiệc gia đình bao gồm Mithai (kẹo), và trao đổi quà tặng giữa gia đình và bạn bè thân thiết. Diwali cũng đánh dấu một giai đoạn mua sắm lớn ở các quốc gia nơi nó được tổ chức.[10]

Lễ Diwali của 4 năm trước (2012)  mình được tham gia hết sức tình cờ, khi máy bay hạ cánh xuống Ablamabad, toàn thành phố chìm trong pháo hoa muôn màu. Chúng mình được các bạn học viên Bramakumaris đón ở sân bay và đưa về chỗ ở tạm dưới chân núi Abu để dưỡng sức cho ngày hôm sau lên núi. Hôm đó tụi mình được ăn món càri Ấn và kẹo Mithai. Ai gặp cũng chúc nhau ‘Happy Diwali’. Khắp nơi đèn và nến giăng khắp các con đường, trên cửa sổ và lối vào những ngôi nhà. Lễ hội kéo dài cả tháng suốt thời gian chúng mình học cho đến ngày về.

Diwali là một lễ hội quan trọng đối với người theo đạo Hindu. Tên của ngày lễ hội cũng như các nghi lễ của Diwali khác nhau đáng kể giữa người Hindu, dựa trên các khu vực của Ấn Độ. Ở nhiều vùng của Ấn Độ,[11] các lễ hội bắt đầu với Dhanteras, tiếp theo là Naraka Chaturdasi vào ngày thứ hai, Diwali vào ngày thứ ba, Diwali Padva dành riêng cho mối quan hệ vợ chồng vào ngày thứ tư, và lễ hội kết thúc với Bhau-beej dành riêng cho tình anh chị em vào ngày thứ năm. Dhanteras thường rơi vào mười tám ngày sau Dussehra.
Mình post lại vài hình ảnh tham gia lễ hội năm 2012 ở núi Abu, Ấn Độ nhân chuyến đi học thiền ở trường Bramas Kumaris nhé.
BH 29/10/2016




Mẹo tuyệt vời từ vỏ bưởi

Có thể bạn chưa biết vỏ bưởi có rất nhiều công dụng hữu ích. Dưới đây là những mẹo nhỏ sử dụng vỏ bưởi hiệu quả.
1. Khi nấu cháo, thêm vài lát vỏ bưởi, ăn sẽ có mùi thơm, thêm tác dụng giúp khai vị.
2. Sát cạnh bếp lò nếu có đặt vài lát vỏ bưởi, dưới tác dụng phát tán, tinh dầu trong vỏ bưởi sẽ làm cả nhà thơm tho.
3. Trong vỏ bưởi chứa nhiều vitamin C và tinh dầu thơm, sau khi phơi khô đem bỏ chung với trà, mùi vị thơm phức, sẽ có tác dụng thông mũi, miệng, đường tiêu hóa, gây sảng khoái.
Vỏ bưởi nấu nước hay vắt ra nước để uống, giúp tỉnh rượu.
4. Vỏ bưởi nấu nước hay vắt ra nước để uống, giúp tỉnh rượu.
5. Vỏ bưởi có chứa chất kiềm, nếu chấm ít muối rồi chà xát lên các vết bẩn trên đồ sơn mài, sẽ sạch bóng.
6. Vỏ bưởi có thể tẩy vết bẩn trên mặt da nhân tạo ở giày da, dây nịt lưng…
7. Vỏ bưởi 1 – 2 quả, thêm 2 ly nước để nấu, sau đó lấy nước để chà rửa các vật dụng trong nhà, sẽ giúp tẩy sạch các vết bẩn.
8. Vỏ bưởi cắt hạt lựu, dùng mật ong hay đường cát trắng ngâm cho thấm, nửa tháng sau có thể làm nhân bánh bao ngọt, thơm ngon khoái khấu.
9. Vỏ bưởi rửa sạch xắt nhuyễn, thêm đường cát trắng, chế thành tương sốt bưởi ăn như tương sốt cà, với vị ngon khác thường.
10. Khi chế biến các món thịt dê, cá,… nếu thêm vào một ít vỏ bưởi, có thể tẩy đi mùi tanh đặc trưng của những thức ăn này.
11. Khi nướng thịt hay sườn, thêm vào vài lát vỏ bưởi, mùi vị sẽ tươi tắn mà không thấy quá béo ngậy.
12. Vỏ bưởi có công năng hóa đàm, trừ phong thấp, giảm huyết áp, là 1 loại dược thảo rất tốt. Sau khi rửa sạch phơi khô, dùng ngâm trong rượu trắng, sau 2 – 3 tuần có thể dùng, giúp thanh phế, tiêu đàm, thời gian ngâm càng lâu, tửu vị càng thơm nồng.
13. Vỏ bưởi cùng gừng tươi xắt lát, thêm nước nấu chung, dùng trị nôn ói do dạ dày hàn lạnh.
14. Vỏ bưởi tươi 12g (hay vỏ khô 6g) nấu nước uống, giúp trị táo bón.
15. Vỏ bưởi nấu nước uống, giúp giải độc từ cá, cua.
16. Vỏ bưởi tươi 30g, cam thảo 6g, cùng nấu nước uống, giúp trị viêm tuyến vú.
17. Vỏ bưởi tươi phòng trị hôi miệng.
18. Vỏ bưởi sau khi phơi khô, bỏ vào túi vải khâu kín, dùng nấu nước để tắm, bảo vệ làn da mịn màng, sáng đẹp.
19. Muốn tóc mượt mà, giảm rụng và gàu. Hãy đun sôi một ít vỏ bưởi khô cùng 2 quả bồ kết bẻ nhỏ trong 1,5 lít-2 lít nước, để sôi khoảng 5-10 phút, chờ nước nguội rồi dùng gội đầu.
20. Nếu bạn còn trẻ mà đã có dấu hiệu bị hói thì hãy dùng vỏ bưởi tươi xịt lên tóc, tinh dầu trong vỏ bưởi có tác dụng kích thích tóc mọc ra. Nếu thể trạng bạn phù hợp thì sẽ có cảm giác tóc dày lên rõ sau một thời gian. Mẹo này có thể giúp trị rụng tóc và thưa tóc, tránh bị hói.
ST

Suy Ngẫm: 100 Lời Khuyên...(21,22)

21. Tục ngữ có câu “Linh cơ nhất động, kế thượng tâm lai” (nhạy bén hễ động, nảy ra sáng kiến). Chữ “cơ” nếu như có thể thực sự hiểu được thấu, thế thì ngộ tính của bạn được tính là đã khai mở rồi. Thầy giáo dạy người, bác sỹ trị bệnh, kỳ thực chính là đang chỉ ra cái “cơ” này của bạn, khiến cái “cơ” này của bạn khai mở. Cái “cơ” này có lúc cũng gọi là “then chốt”. Đương nhiên cái “cơ” này khởi tác dụng là có điều kiện, cũng giống như khí Hidrô chỉ khi đạt đến nồng độ nhất định, thì gặp lửa mới có thể bùng cháy. Hãy nhớ kỹ, tác dụng của người khác đều là nhân tố bên ngoài, bản thân bạn mới thực sự là nguyên nhân bên trong.
22. Kỳ thực, rất nhiều sự phát hiện và phát minh chân chính, điều cần thiết [để sáng tạo ra chúng] không phải là cái gọi là hệ thống kiến thức trên sách vở; mà hoàn toàn ngược lại, một người chưa từng thông qua bất kể sự giáo dục nào một cách hệ thống, nhưng ngộ tính rất cao, là người có tư duy cởi mở, họ thường thực sự ngộ ra được chân tướng.

28 tháng 10, 2016

Suy Ngẫm: 100 lời khuyên... (19,20)

19. Con người muốn khỏe mạnh, thì nhất định phải làm cho bên trong cơ thể có đầy đủ “khí” để “khí hóa” những thức ăn đi vào. Chỉ có như thế, thì bên trong thân thể bạn mới không tích tụ chất cặn bã, sẽ không có thức ăn thừa bị phóng thích và phân tán “hư hỏa” gây tổn hại các cơ quan nội tạng trong cơ thể bạn. Cái “hư hỏa” còn làm tổn hại “khí” của bạn. Vì thế, từ trên ý nghĩa đó có thể thấy, con người hiện đại bị bệnh, đại đa số là do ăn uống không điều độ gây ra.
20. “Nằm lâu hại khí”, “Ngồi lâu hại thịt”, “Nhàn hạ ắt khí ứ đọng”, lại dưỡng tĩnh quá độ, sẽ khiến công năng tiêu hóa của tì vị bị hạ thấp, chức năng của tạng phủ ì trệ, khí huyết lưu chuyển ứ tắc không thông thuận, sức đề kháng giảm, khả năng miễn dịch bị tổn hại, lượng đường, mỡ, axit uric, huyết áp tăng cao, dần dần lâu ngày, con người sẽ sinh bệnh, hơn nữa đa phần đều là thân thể yếu nhiều bệnh, ví dụ như cảm mạo thường xuyên, không muốn ăn, thần trí mỏi mệt, sốt ruột căng thẳng v.v…

TẠI SAO NHỮNG LÚC 'KHÔNG LÀM GÌ' LÀ CẦN THIẾT CHO MỘT CUỘC SỐNG TRỌN VẸN

Không làm gì là trạng thái bảo vệ bản thân, khoan dung với chính mình để tự thân trải nghiệm cảm giác chờ đợi một cái gì đó dù không rõ đó là gì.”
Hãy thử nhớ về lần cuối cùng bạn cảm thấy chán – thật sự chán – đến mức không còn buồn khỏa lấp nỗi trống trải trong lòng bằng việc lướt facebook hay rút điện thoại ra khỏi túi và nghịch ngợm trong lúc đứng xếp hàng. Hơn một thế kỷ trước, Kierkegaard phê phán rằng chính việc không ngừng làm bản thân bận rộn để trốn tránh thực tại là nguyên nhân to lớn nhất khiến chúng ta tự tước đi hạnh phúc của chính mình. Một thế kỷ sau, Susan Sontag thuật lại trong cuốn nhật ký của mình về mục đích lớn lao của việc “không làm gì”. Thế nhưng chúng ta đã được nuôi dưỡng để không ngừng vắt chân lên cổ mà chạy, vì chúng ta tin rằng đó là sự sống, và rằng việc “không làm gì” lại là nguồn cơn tiêu diệt sự sáng tạo của con người cũng như trốn tránh trách nhiệm.
Trẻ nhỏ luôn biết cách để đưa ra những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc. Một câu hỏi hóc búa đã được đưa ra cho nhà phân tâm học người Anh tên Adam Phillips, đó là “Chúng ta sẽ làm gì bây giờ?” Trong phần “Trạng thái không làm gì cả” (On Being Bored) trong cuốn sách On Kissing, Tickling, and Being Bore: Psychoanalytic Essays on the Unexamined Life, Phillip đã viết rằng:
Mỗi người lớn đều có thể nhớ về những tháng ngày buồn chán thuở ấu thơ, và cuộc đời của mỗi đứa trẻ đều sẽ có những khoảng lặng dài không làm gì: khi mà những dự định tạm gác lại, chỉ còn lại cảm giác thư giãn tràn ngập khắp không gian.


Trích dẫn từ cuốn sách “Open House for Butterflies” của Ruth Krauss, minh họa bởi Maurice Sendak.

Phillips đã nghiên cứu về vấn đề này hơn 20 năm trước cả khi internet đưa cho chúng ta khái niệm “mạng xã hội”. Nhờ vậy, chúng ta có cơ hội được khám phá tầng nghĩa sâu hơn của việc “không làm gì”, đó là: phần lớn trẻ em và một số người lớn thực sự sống trong thời khắc hiện tại mà không cần tìm kiếm các mối quan hệ bên ngoài. Khoảnh khắc tạm dừng này chính là phương thức giúp mài dũa nên nhưng đức tính sẵn có trong mỗi con người và cách thức chúng ta lưu tâm đến thế giới. Phillip viết rằng:
Việc không làm gì cả là một quá trình bấp bênh mà ở đó đứa trẻ vừa chờ đợi vừa kiếm một điều không rõ, niềm hi vọng được thiết lập một cách vô thức và trẻ như trong trạng thái mơ màng (trạng thái tương tự như trong tâm lý trị liệu). Vào lúc này, trẻ trải nghiệm cảm giác không chắc chắn, sự trống rỗng. Nhưng cũng nhờ những giây phút vô định đó, ước muốn thật sự của trẻ dần dần trở nên rõ ràng hơn. Việc hiểu và hình thành thói quen không làm gì cũng là một trong những thành quả trong quá trình phát triển của trẻ.
Những trải nghiệm thời ấu thơ sẽ định hình nên tâm lý cảm xúc của con người, vì thế hiển nhiên chúng ta phải xem xét đến các yếu tố tạo nên cái tôi lúc trưởng thành. Trong quyển sách của Phillip, ông lý giải thuật ngữ “người lớn hiện đại”:
Một đứa trẻ “không làm gì” sẽ có lúc trải qua những khoảng lặng đầy hoang mang vì bản thân không ngừng chuyển động và hấp thu mọi điều xung quanh, trẻ trở nên lo lắng về việc bản thân đang không hề cảm thấy lo lắng khi không làm gì. Trẻ không hề chờ đợi một ai đó hay cái gì đó, trẻ đang chờ đợi chính mình. Không mong đợi cũng như không tuyệt vọng, không cố gắng cũng như không buông xuôi, trẻ chỉ đơn giản sống ở giây phút hiện tại mà chả màng đến mọi điều có thể xảy đến. Nói một cách đơn giản hơn, trẻ sẽ trải nghiệm hai trạng thái cùng 1 lúc: vừa cảm thấy độc lập đủ đầy, vừa cảm thấy lo lắng muốn được dựa vào ai đó. 2 trạng thái này không ngừng mâu thuẫn lẫn nhau một khi trẻ bắt đầu không làm gì.
Khi trưởng thành, con người cho rằng việc “không làm gì” thời trẻ là một dạng hình phạt, là dấu hiệu của thất bại. Thế nên, khi chúng ta “không làm gì”, khi chúng ta không bận rộn, tức là chúng ta đang đánh đồng bản thân với những thất bại. Chúng ta xem việc “không làm gì” là hành động vớ vẩn của mấy đứa nhóc tì, thế nên thay vì chấp nhận nó, chúng ta lại không ngừng cố gắng loại bỏ trạng thái này. Phillips nói rằng:
Khi con người càng phản kháng tiêu cực trạng thái không làm gì của trẻ, họ đang đánh đồng rằng cuộc sống của trẻ lúc nào cũng tràn đầy niềm vui, hứng khởi với hàng loạt các hoạt động không ngừng. Suy nghĩ áp đặt này của người lớn chỉ tập trung vào việc mong muốn trẻ lúc nào cũng phải vui vẻ thay vì thực sự hiểu cái gì đã làm cho trẻ thấy vui. Trạng thái “không làm gì” chính là yếu tố then chốt trong quá trình khám phá niềm vui trong mỗi đứa trẻ.
Đó có lẽ là điều mà 20 năm sau, Cheryl Strayed đã viết rằng: “những ngày tưởng như vô ích rồi sẽ giúp định hình nên chính mình”. Phillips nghiên cứu sâu hơn về quá trình tiến hóa của trạng thái “không làm gì” từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành:
Người lớn, với óc tò mò nghèo nàn và đức tính nghi ngờ, đã đưa ra hàng loạt câu hỏi để lý giải nguyên do của việc không làm gì. Người ta muốn làm gì với khoảng thời gian trống của mình? Tình trạng không làm gì này, tình trạng bất ổn ở trẻ nhỏ này, liệu có thể dẫn đến các nguy cơ tiềm ẩn lúc lớn hay không? Và sau cùng, ai lại có thể chờ đợi cho một điều mà họ không thể biết được nó là cái gì sẽ diễn ra?
[…]
Chúng ta có thể nghĩ rằng việc không làm gì là một dấu hiệu của sự trì hoãn tạm thời để nhìn nhận thực sự về điều mà bản thân thực sự mong muốn… Khi ở trạng thái không làm gì, có 2 khả năng xảy ra: một là có cái gì đó mà tôi rất muốn và tôi dần nhận ra nó, hai là tôi thực sự không muốn cái gì cả mà chỉ muốn ăn không ngồi rồi mà thôi. Cả hai nhận định, hai niềm tin này đều vô cùng mập mờ, khó phân định.
[…]
Tôi nghĩ rằng không làm gì là trạng thái bảo vệ bản thân, khoan dung với chính mình để tự thân trải nghiệm cảm giác chờ đợi một cái gì đó dù không rõ đó là gì. Nghịch lý của việc không làm gì chính là bản thân ta không hề biết chúng ta đang chờ đợi cái gì cho đến khi tìm thấy chúng. Cuộc sống thường ngày khiến cơ thể chất chứa rất nhiều cảm xúc, tâm trạng mà chúng ta không thể nào phân tách rõ ràng cũng như gạn bỏ được. Cảm xúc là tốt nhưng quá nhiều sẽ khiến chúng ta lúc nào cũng như đi trong một vùng sương mù, luôn đắm chìm vào suy tư mà quên đi bản thân trong hiện tại. Vậy nên việc không làm gì loại đi hết các suy nghĩ cảm xúc, đưa chúng ta vào trạng thái trống rỗng.
Phillips nhận ra rằng con người có xu hướng cố gắng bận rộn hết mức có thể và xem việc không làm gì như sự lãng phí thời gian và sức lực. Thế nên, ông đã thuật lại câu chuyện về “cậu bé 11 tuổi bị chông chênh trong cuộc sống”. Cậu được mẹ đưa đến phòng khám của ông và được mô tả là “vô cùng đáng thương khốn khổ mà không ý thức được điều này”. Lý do mà mẹ cậu đưa ra là vì cậu “lệch lối trong việc định vị bản thân”. Phillips nhận ra rằng vẻ ngoài hời hợt này là một lá chắn mà cậu bé tự đặt ra, và nó có liên quan mật thiết đến trải nghiệm không làm gì của cậu. Một lần nữa, Phillips áp dụng phương pháp tiếp cận thân mật để khơi gợi kí ức của cậu:
Cuộc sống của cậu bé gần như đã đạt đến độ viên mãn, sung túc. Thế nhưng cậu lại cảm thấy hoảng sợ về chính bản thân mình, thế là tôi đã hỏi cậu vài câu bằng giọng điệu lịch thiệp. Dần dần, khi đào sâu hơn, tôi hỏi liệu có bao giờ cháu cảm thấy chán đến mức không muốn làm gì chưa. Cậu nhóc tỏ vẻ ngạc nhiên và trả lời với nét âu sầu “Cháu không được phép cảm thấy chán”. Tôi hỏi là điều gì sẽ xảy ra nếu cháu tự cho mình được phép không làm gì. Cậu nhóc ngừng lại, suy nghĩ rồi đáp: “Nếu thế thì cháu không biết cháu sẽ phải mong chờ cái gì nữa,” và đột nhiên tự cảm thấy hoang mang trước câu trả lời của mình.
Với sự ủng hộ của người mẹ, cậu bé đã luôn tin rằng việc có nhiều sở thích đến mức không có thời gian để không làm gì là một điều tốt. Thế nên xuyên suốt khóa điều trị, Phillips đưa ra những bài tập trị liệu để giúp cậu bé phát triển được khả năng không làm gì. Ông thuật lại:
Tôi từng khuyên cậu bé rằng việc luôn cảm thấy tốt là một cách để ngăn mọi người hiểu thêm về mình. Cậu đồng ý và kể lại rằng: “Khi cháu cảm thấy không muốn làm gì, cháu không còn biết mình là ai nữa.”



Trích từ cuốn “The hole” của Øyvind Torseter.

Tôi nghĩ đây là cách mà chúng ta, những người lớn sống trong thế giới hiện đại, đã và đang sống. Chúng ta tin rằng chúng ta là một bản thể tốt đẹp khi chúng ta có thể làm việc hết công suất. Chúng ta chọn giữa việc hoặc là bị xao lãng bởi các hoạt động xã hội hoặc là không ngừng bận rộn để né tránh việc không làm gì, chúng ta chọn cách không ngừng hướng về tương lai. Thế nhưng chính vì vậy mà chúng ta đã vô tình kéo bản thân mình ra khỏi hiện tại, bởi vì khi sống ở hiện tại, chúng ta không tìm kiếm điều gì xảy ra trong tương lai, chúng ta tỉnh thức nhìn nhận sự vật sự việc như nó đang là.
Nhưng để sống ở hiện tại không phải là dễ nhất là trong một xã hội chú trọng đến năng suất lao động như bây giờ. Chúng ta đã được gieo vào đầu ngay từ thuở ấu thơ rằng một khi chúng ta dừng việc mình đang làm, chúng ta sẽ không còn biết mình là ai nữa.
On Kissing, Tickling and Being Bored là một cuốn sách về tâm lý đáng để đọc. Sau khi hòan tất cuốn sách cùng với bài Lịch sử văn hóa của việc không làm gì, bạn có thể tham khảo đoạn hội thảo giữa Phillips và Paul Holdengräber về việc tại sao phân tâm học lại giống như văn học dành cho tâm hồn.
Dịch: Hạnh Nguyên
Nguồn: Brain Pickings

Bản Nhạc Tối


Là một trong những bản tình ca nổi tiếng của Trịnh Công Sơn, do Khánh Ly hát từ thời Sơn Cơ 7, sau này Thanh Lam, Hồng Nhung, Quang Dũng, Lệ Quyên.. đều cover lại. Tuy nhiên Quang Dũng cho người nghe một phong cách khác với chất giọng nhẹ, buồn man mác.
Bản: Tình Xa
Trịnh Công Sơn
Ca sĩ Quang Dũng trình bày.

Chúc Linh - Hoa Cỏ May

Lâu lắm mới làm "người ấy" của Hoa Cỏ May, hoạ bài Cho em một lần được anh dỗ của nàng

NGỐC NÀY, YÊU ANH NHÉ

Anh cũng ước giá mà em mạnh dạn
Chạm vào anh thôi dù chỉ một lần
Cho anh được lãng quên bao ngày tháng
Cứ hỏi lòng liệu có phải ... ?(phân vân)

Dỗi hờn đi để anh đây được dỗ
Em sẽ để anh ôm sát vào lòng?
Ôi có phải cô nàng kiêu kỳ, bướng bỉnh?
Làm anh suốt một thời mơ mộng, long đong

Trong mắt anh em là người xinh nhất
Mắt nâu trong, miệng hoa chúm chím cười
Tại không yêu được em nên đành theo người khác
Nhưng trong lòng vẫn nhớ mãi em thôi

Hãy đến bên anh, thì thầm rằng " ... đáng ghét ..."
Mi rớm lệ buồn, đuôi mắt ướt đọng sương
Để anh được hôn môi run thổn thức
Và ôm choàng bờ vai nhỏ dễ thương

Cứ hờn nhé, càng lâu anh càng thích
Ước muốn bao năm giờ sự thật đây rồi
Anh khẽ nói "ngốc này, yêu anh nhé"
Em sẽ gật đầu cười, còn chạy trốn nữa thôi?

HOA CỎ MAY đã viết:

CHO EM MỘT LẦN ĐƯỢC ANH DỖ.

Cho em được một lần hờn giận anh
Một lần được ôm vào lòng, anh dỗ
Được dựa đầu bờ vai anh, nức nở
Dỗi hờn anh cũng bởi vì em ghen...

Anh bảo rằng
Xưa tại em không chịu quen
Nên buộc lòng anh theo đuổi người khác
Sao bây giờ khiến lòng em tan nát
Vòng tay này vẫn ôm trọn người ta.

Người ấy giữ mãi nét đẹp kiêu sa
Vẫn tươi tắn vẻ xuân thì con gái
Có như em, đơn sơ loài cỏ dại
Xưa không xinh, giờ xấu lắm phải không?

Em ao ước, chỉ dám giấu trong lòng
Vòng tay êm, nụ môi hôn bối rối
Lời dỗ dành yêu thương khi hờn dỗi
Chưa bao giờ em được nhận từ anh.

Ước mơ này thật bé nhỏ mong manh
Chẳng biết khi nào mới thành sự thực
Để trái tim này thôi run lên thổn thức
Nhìn người ta yêu kiều bên anh.

Cho em được hờn giận một lần,
Nhé anh!

27/10/2015

Buồn

Những gì quen bỗng trở thành xa lạ
Địa chỉ xưa chẳng thể đến nữa rồi
Người đi qua chỉ một lần chạm vội
Khoảng cách dài kéo ta mãi xa người

Chiếc bàn ấy ngày xưa mình ngồi đó
Thành phố kia mình cũng đã tới chơi
Đêm vắng lặng lung linh cây cầu nhỏ
Có ai còn ghé quán đợi chờ ai?

Hạt dẻ nướng, người bán hàng vẫy gọi
Ta ghé mua một gói nóng cho em
Nay thiếu hẳn bàn tay ai bóc dẻ
Thiếu tiếng cười ai giấu khẽ sau lưng

Sao anh muốn chỉ mong ngày dừng lại
Đêm cứ dài để em mãi bên anh
Gói dẻ thơm ủ tay em ấm nóng
Cho giấc mơ thành hiện thực một lần
27/10/2016