Pages

31 tháng 7, 2017

NGƯỜI YÊU CŨ...

Người yêu cũ, khái niệm thật khó gọi
Đã cất sâu, một góc khuất trong lòng
Chẳng hề muốn, cũng chẳng thể nào mong
Một ai đó chạm vào và nhắc tới.

Người yêu cũ, lá mùa thu chấp chới
Khi thu về khẽ động vào tim ta
Những nỗi niềm lay lắt ngỡ đã xa
Thỉnh thoảng lại quay về nhắc nhớ

Những rung động khờ dại vẫn còn đó
Một chút vui khi thoáng nhớ nụ cười
Nhưng, tất cả cũng đã trôi xa vời
Cái gì cũ có nghĩa là đã cũ.

Người yêu cũ, bụi thời gian che phủ
Chẳng muốn nhấc lên, lau sạch làm gì,
Góc khuất ấy chỉ muốn cất giấu đi
Đúng là thế
Cái gì cũ có nghĩa là đã cũ...

HCM 2017

Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi!

Sáng nay, trong khi sắp xếp những chồng thư cũ, tôi tình cờ đọc lại một bài thơ ngắn của Jacques Prévert mà cô bạn cũ nắn nót chép tặng trên một tờ thư có in hoa rất đẹp. Bài thơ vỏn vẹn năm câu được cô đặt vắt qua hai trang giấy một cách đầy ngụ ý.

Trang thứ nhất:

Tôi sung sướng và tự do
Như ánh sáng
Bởi hôm qua anh ấy nói với tôi rằng anh ấy yêu tôi


Hai câu cuối bị đẩy qua trang sau:
Anh ấy đã không nói thêm
rằng anh ấy sẽ yêu tôi mãi mãi…

Khi đọc bài thơ này cách nay hai mươi năm, tôi đã cảm nhận nó bằng một tâm hồn tươi trẻ. Bây giờ, cuộc sống giúp tôi nhìn có lẽ đã khác đi về bài thơ trên trang giấy đã ố vàng này.

Cô gái trong thơ nhạy cảm và tinh tế, vì đã không đợi đến khi người mình yêu quay lưng mới xót xa nhận ra rằng tự do “như ánh sáng” chỉ là một thứ tự do mong manh. Hạnh phúc “như ánh sáng” là một hạnh phúc có thể vụt tắt bất cứ lúc nào.

Nhưng giả sử chàng trai có nói thêm rằng “sẽ yêu mãi mãi”, hoặc có thề hứa trăm năm đi nữa… ai dám khẳng định trái tim chàng sẽ không đổi thay? Nếu từng đọc Ruồi Trâu, hẳn bạn còn nhớ đọan văn này: “Ràng buộc con người không phải là lời thề. Chỉ cần mình tự cảm thấy thiết tha với một điều nào đó, thế là đủ rồi.”

Ngoài sự “thiết tha tự nguyện” đó ra, chẳng có gì ràng buộc được trái tim con người, nên đừng tin chắc rằng ai đó sẽ mãi không đổi thay. Cũng không thể buộc ai đó không được đổi thay. Trên đời không có thứ vũ khí hay quyền lực tuyệt đối nào có thể níu giữ trái tim một khi nó đã quyết tâm rẽ lối. Cho dù đó là nhan sắc, một tình yêu sâu đậm, những kỷ niệm sâu sắc đắm say. Càng không phải là sự yếu đuối, sự khéo léo sắc sảo hay vẻ thông minh dịu dàng, sự giàu có hay thương hại…Những thứ đó có thể níu kéo một thân xác, một trí óc…nhưng không thể níu kéo một trái tim.

Trái tim vốn là một tạo vật mong manh và thiếu kiên định. Vì vậy, hãy tin vào điều thiện, lòng tốt, vào nhân cách và năng lực…nhưng đừng tin vào sự bất biến của nhận thức và tình cảm nơi con người. Hãy tin là mình được yêu trong khoảnh khắc này, nhưng đừng chắc rằng mình sẽ được yêu mãi mãi. Nếu chịu chừa chỗ cho sự đổi thay, ta sẽ tránh được không ít tổn thương sâu sắc.

Tôi không cho niềm tin là món quà vô giá mà ta dành cho người khác. Bởi đôi khi, sự tin tưởng hoá ra là một việc rất… đơn phương và vô trách nhiệm. Nó có nghĩa bắt người kia vào rọ, không tính đến khả năng thay đổi của trái tim con người. Tin tưởng là trút gánh nặng sang vai người khác, bất kể người ta có chịu nhận nó hay không. Việc nhận định hay quyết định vấn đề không còn dựa vào sự thận trọng, tỉnh táo, sáng suốt hay sự nhạy cảm, bao dung của ta mà hoàn toàn giao phó cho người khác. Và nếu khi họ thay đổi, ta thường nhân danh sự tin tưởng tuyệt đối mà mình đã tự nguyện gửi gắm để cho phép mình cái quyền được ghép tội họ.

Nhưng, bất cứ ai cũng có thể có lúc đổi thay.

Sự thay đổi của người khác, nhất là ở người ta vô cùng yêu quý, chắc chắn khiến ta tổn thương. Nhưng hãy nhớ rằng người quân tử khi đã hết tình cảm thì thường tỏ ra lạnh nhạt. Như ẩn sĩ Urabe Kenkô trong tập Đồ Nhiên Thảo đã viết: “Khi người sáng chiều hết sức thân quen, không có gì ngăn cách bỗng một hôm lại làm mặt lạ và có cử chỉ khác thường, chắc hẳn sẽ có kẻ bảo: “Sao xưa thế kia mà bây giờ lại thế khác?” Theo ta, thái độ lạnh lùng đó chứng tỏ người ấy hết sức đàng hoàng và thành thật.”

Cuối cùng đó mới chính là cốt lõi của tình yêu, tình bạn và những mối quan hệ thân sơ khác. Sự thành thật, chứ không phải là lời hứa vĩnh viễn thủy chung. Bạn có thể yêu hay ghét. Thích hay không còn thích nữa. Chỉ cần thành thật, bạn sẽ luôn luôn thanh thản.

Tôi đọc lại lần nữa bài thơ ngắn ngủi trên tờ thư cũ, và cảm nhận một cách rõ rệt vẻ trách móc đắng cay dịu dàng rất đỗi con gái. Nhưng ít nhất cô gái trong bài thơ kia cũng biết rằng người yêu cô đã rất thành thật, khi không hứa một điều mà anh không tin chắc. Cô cũng biết trái tim con người là một tạo vật hoàn toàn tự do, và một khoảnh khắc đắm say hạnh phúc không hề là lời hứa hẹn vĩnh cửu.

Cô bạn yêu quý của tôi chắc cũng nhận ra điều đó, nên đã viết thêm một dòng chữ xinh xinh vào cuối trang thư, một dòng ngắn mà tôi không bao giờ quên được:

“Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi”.
ST

An

Lá rơi trên lá
Hoa nở bên hoa
Tâm tan trong gió 
Chỉ còn lá, hoa..
BH. 31/7/2017

Suy Ngẫm

Thế giới đủ lớn để thoả mãn nhu cầu cần thiết của mỗi người, nhưng quá bé nhỏ để thoả mãn lòng tham của con người. Gandhi.

Ai sinh nhật tháng Bảy thế?

Chúc mừng các bạn Sinh Nhật tháng Bảy: 
1. Nguyễn Thái Hằng 5/7
2. Nguyễn Tường Vy 6/7
3. Phí Liên Tâm (tức Tâm Đại Tá) 8/7
4. Đỗ Quốc Chiến 13/7
5. Nguyễn Thuý Hồng 17/7

HAPPY BIRTHDAY TO YOU!
Ban Liên Lạc 12CD

30 tháng 7, 2017

15 bức ảnh lột tả bản chất con người hiện đại

Họa sĩ Stephan Schmitz khiến người xem đối mặt với mọi vấn đề trong xã hội hiện đại.
Stephan Schmitz là một họa sĩ tài năng đến từ Thụy Sĩ. Những tác phẩm của ông đơn giản nhưng mang đầy tính biểu tượng. Khi nhìn vào mỗi bức tranh của Stephan Schmitz, người xem đều có những cảm xúc và nhìn nhận khác nhau.
Những chủ đề Stephan Schmitz thực hiện đều về cuộc sống hiện đại với những mặt tích cực và tiêu cực. 
Cùng xem những tác phẩm xuất sắc nhất của Stephan Schmitz:
15-buc-anh-lot-ta-ban-chat-con-nguoi-hien-dai
Con đường của thành công phải vượt qua trăm ngàn thất bại.
15-buc-anh-lot-ta-ban-chat-con-nguoi-hien-dai-1
Vị của hóa học" là những món đồ đóng hộp mà con người hiện đại vẫn mua và dùng thường xuyên. Đây là thành công và cũng là thất bại của con người.


"Càng hở hang càng nhiều like và comment". Mạng xã hội đã mang đến những hệ lụy tiêu cực với cuộc sống và chi phối con người theo nó.
15-buc-anh-lot-ta-ban-chat-con-nguoi-hien-dai-3
Chúng ta luôn muốn xóa sạch con người mình vì không học được cách trân trọng bản thân.
15-buc-anh-lot-ta-ban-chat-con-nguoi-hien-dai-4
Thời gian là tiền bạc. 
15-buc-anh-lot-ta-ban-chat-con-nguoi-hien-dai-5
Tình yêu thời hiện đại là những lời nói dối dành cho nhau vì những toan tính, thực dụng.
15-buc-anh-lot-ta-ban-chat-con-nguoi-hien-dai-6
Xã hội ngày càng biến chúng ta thành những con người "cuồng" công việc, không thể nào dứt bỏ được.
15-buc-anh-lot-ta-ban-chat-con-nguoi-hien-dai-7
Những người bạn vô hình xuất hiện vì chúng ta quá cô đơn.
15-buc-anh-lot-ta-ban-chat-con-nguoi-hien-dai-8
Chúng ta ngồi trước máy vi tính và ảo tưởng về sức mạnh bản thân.
15-buc-anh-lot-ta-ban-chat-con-nguoi-hien-dai-9
Thực tại luôn khắc nghiệt hơn những gì chúng ta tưởng tượng.

Ta thuộc về nơi nào?

Đi khắp bốn biển năm châu, khắp địa cầu - trái đất
Bước chân vẫn ngác ngơ tìm kiếm những gì
Ta là ai, đến từ đâu, mục đích?
Ta thuộc về nơi nào trên chốn địa cầu kia?

Có phải đến để tìm lại quá khứ 
Để trả duyên tiền định xa xưa
Trả lỗi lầm ta đã từng mắc phải
Cả lời yêu, cả ước hẹn, câu thề?

Những gì chưa, sẽ vuông tròn tiếp nối
Ta gieo nhân, ta nhận quả kiếp sau
Hay có thể đến ngay trong một kiếp
Để cho ta học bài học từ đầu?

Thôi trả lại thời gian, không gian cũ
Trả lại ai những thương nhớ, giận hờn
Những ngày tháng đến, đi, không trở lại
Xin làm người không vướng bận, lo toan!
Ta thuộc về nơi ta đã đến: Bình an.
20/7/2017

Tâm Sự Thứ Bảy (156). Câu chuyện văn hoá

Một lần từ sb vào HN, vì vội mình đi chung taxi với một cô gái xinh xắn khoảng gần 30 tuổi. Từ lúc vào taxi cô ấy vừa uống lon tăng lực ừng ực, vừa ‘nấu cháo’ điện thoại một cách ầm ĩ khiến cả tài xế và mình phải lắng nghe câu chuyện của cô ấy một cách bất đắc đĩ. Rồi, rất vô tư cô ấy kéo cửa số xe và ném mạnh cái lon uống xong ra ngoài xe. Mình hết hồn nhìn theo. May mà không trúng ai, hay trúng chiếc xe nào. Còn cô ấy vẫn điềm nhiên 'tám' tiếp điện thoại và kéo cửa xe lên.

Hôm nay trong dòng người đang lũ lượt vào lối kiểm tra an ninh ở Nội Bài, một phụ nữ trung niên đi tiễn con và cháu cứ hét to từ vòng ngoài (cách khoảng 5-6 m) một các âu yếm: “Ui. Cười tươi nào. Thằng Tó. Ui, ghét quá. Thằng Tó. Nhìn Bà này, thằng Tó…”. Tiếng bà chao chat và khiến cả đoàn người phải quay lại nhìn vì volume của nó quá lớn, cộng thêm tiếng vỗ tay, tiếng hấm, hứ…. Âm lượng giống như tiếng loa buổi sáng ở HN làm giật mình người đang ngủ.

Lên máy bay ngồi chếch  chếch cô gái đó, nên mình có thời gian ngắm nghía kỹ hơn. Cô bé xinh xắn, khoảng hơn 20 tuổi, cậu con trai kháu khỉnh khoảng 7-8 tháng. Thằng bé nghịch ngợm cứ nhào lên nhào xuống trong lòng mẹ. Đang thiu thiu, bỗng mình giật nảy người vì tiếng hét: “Mày có ngồi yên không thì bảo nào”.  To đến mức 30 hàng ghế vẫn nghe rõ mồn một. Hoá ra cô bé ấy quát thằng con 7 tháng của mình (cứ như quát đứa trẻ vài tuổi biết nói, biết nghĩ rồi). May mà nó không khóc, chỉ nhìn mẹ lạ lẫm. Mà không chỉ một lần, suốt chuyến bay vài lần như vậy, khiến người nước ngoài cứ quay lại nhìn.

Lại nhớ vài năm trước trong một chuyến bay khác, vừa ngồi xuống chiếc ghế sát cửa sổ, mình cảm thấy cộm ở bên cạnh hông. Quay lại xem sao thì ‘đứng hình’ vì một cái chân trần sần sùi ngang nhiên thò thẳng lên ghế mình. Hoá ra là một thanh niên trông cũng không đến nỗi nào mà tự nhiên ‘như ruồi’, bất lịch sự, chẳng để ý đến không gian của người khác.

Chỉ vài chuyện nhỏ ở sân bay Nội Bài khiến mình không khỏi ngẫm đến hai từ ‘văn hoá ở VN. Hình như nó đã quá xa xỉ , nhất là với Người Hà Nội bây giờ. Hay Người Hà Nội bây giờ hầu hết là Người Hà 'Lội’ mất rồi  nên đâu còn giữ được mức lịch sự tối thiểu ở nơi công cộng? Họ điềm nhiên coi sân bay là nhà, hay khoang máy bay là phòng của mình, muốn nói, muốn cười, muốn vứt rác, mắng nhiếc con, nựng cháu cứ ầm ầm chẳng cần biết ai xung quanh, chẳng phải giữ phép tắc hay lịch sự gì cả. Giống kiểu ‘tôi thích thì tôi làm đấy, thì sao'?

Thế mới biết, việc ‘ngoài ngõ’ luôn bắt nguồn từ ‘trong nhà’. Sự thiếu giáo dục của một con người đến từ trong gia đình sản sinh ra những con người ấy. Gia đình thiếu văn hoá sẽ sản sinh ra con người thiếu văn hoá, và hậu quả là một xã hội thiếu văn hoá.  

Danh hiệu ‘Gia đình văn hoá’ cứ nhan nhản khắp nơi ở HN không hiểu tại sao cho đến giờ vẫn còn duy trì cái hư danh nực cười đó. Vì, người có văn hoá chẳng cần bằng cấp nào cho 'danh xưng’ này cả. Người có văn hoá luôn biết tôn trọng người khác và coi đó là bổn phận. Tôn trọng người khác chính là tự tôn trọng chính mình. 

Thực ra văn hoá cư xử xuất phát từ sự dạy dỗ trẻ từ khi còn nhỏ. Thường trẻ sẽ nhìn theo cách người lớn làm mà bắt chước. Việc cô gái quát to cũng là ‘học’ cách nựng cháu ầm ĩ của bà mẹ ở chốn đông người. Và rồi, chắc thằng bé cũng sẽ học cách đó mươi mười mấy năm sau. Thế mới biết ‘dạy con từ thủa bơ vơ..’ là lúc này đây, chả phải đợi đến khi nào, hay làm được gì to tát cả.

Ở đâu những người Hà Nội cũ 'đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên' đây? Rồi sẽ thấy mất mát thêm vài thế hệ nữa … 

(Viết trên máy bay 29/7/2017)

Hội ngộ Hà Nội 28/7

Một tuần k vào Blog cũng thấy nhớ. Hì. Nhưng bận phát điên (đúng nghĩa).
Hà nội luôn đáng yêu và là nơi ta tìm về trong vòng tay bè bạn.
Tx you, my friends,
Admin



MƯA THÁNG 7



Mưa chiều nay tháng bảy 
Nhắc ngày xa chuyển mùa
Gió cuồng si thành bão
Trên phố trắng hoa mưa…

Thảm lá vàng đã rụng
Tan tác trong gió chiều
Cơn mưa rào bất chợt
Sũng ướt cả mùa yêu

Ái ân tan thành khói
Ký ức phủ bụi mờ
Gần thế, mà xa thế
Có còn thương mùa xưa?

Gió không về phố cũ
Làn mây tím trên đầu
Hoa mưa không nở trắng
Chỉ rơi toàn đớn đau

Mưa chiều nay giăng mắc
Nhắc lại mộng xa vời
Ân tình, trôi xa lắc
Đường hai ngả chia đôi

Lang thang chiều mưa phố
Xòe tay hứng giọt buồn
Mới hôm nào yêu dấu
Nay chỉ còn cô đơn…

22/7/2017

Như cánh chim trong gió lớn



Bà Pema Chodron, một vị thiền sư thuộc truyền thống Tây tạng. Trong khi đi hướng dẫn các khóa thiền tập, thường có nhiều thiền sinh Tây phương ngỏ ý muốn được quy y. Bà Pema Chodron chia sẻ rằng, khi chọn những pháp danh để đặt cho các thiền sinh, bà nhận xét thấy những pháp danh nào mà nói lên những hạnh nguyện như là buông xả và từ bỏ, thì các thiền sinh có vẻ không thích nhận lắm.
    Có lẽ họ hiểu sự buông bỏ như là một hành động trốn tránh, xa lìa một điều gì. Nhưng thật ra buông bỏ ở đây nói lên một thái độ không nắm bắt. Đó không phải là một sự đóng kín và trốn tránh cuộc sống, mà ngược lại là biết cởi mở ra và tiếp xúc với những gì đang có mặt. Bà Pema có những chia sẻ sau đây về thái độ buông xả, nó như là một cánh chim lướt bay trong một cơn gió lớn
Buông xả
“Thật ra, nền tảng của sự buông xả cũng chính là một cái ta chân thật của mình, nó là cái bản tính tốt lành và an vui của ta. Theo truyền thống của đạo Phật, và cũng như trong nhiều truyền thống tâm linh khác, thì bản chất của mỗi chúng ta là vui khoẻ và tốt lành. Mỗi người chúng ta sinh ra đều có đầy đủ khả năng thương yêu và với một tuệ giác. Sự buông xả ấy nói rằng, chúng ta đã có sẵn hết những gì mình cần, và những gì mình đang có rất là tốt lành. Chỉ cần chúng ta biết tiếp xúc lại với những gì đang có mặt mà thôi.
    Mới đây tôi ngồi trong một văn phòng bác sĩ, trên tường có treo một tấm ảnh hình một người đàn bà nắm tay một bé gái, cả hai cùng đi trên đường. Bên dưới là dòng chữ, “Bốn mùa đến rồi đi, xuân qua rồi hè đến, hè hết rồi thu sang, thu đi thì đông tới. Con người sanh ra và lớn lên, truởng thành, rồi già và chết. Tất cả đều có những vòng xoay của nó. Ngày sang đêm, đêm tiếp nối ngày. Đẹp thay khi ta cũng là một phần của tất cả những đổi thay ấy.”
    Sự buông xả có nghĩa là ta ý thức được rằng, cái ý muốn được sống trong một thế giới được chở che, nhỏ nhoi, và giới hạn của ta là không thật. Một khi ta cảm nhận được sự rộng lớn của cuộc sống này, và thấy được khả năng kinh nghiệm sự sống của mình là bao la đến đâu, thì chắc chắn ta sẽ hiểu được sự buông bỏ. Trong lúc ngồi thiền, ta thấy rõ hơi thở tự nhiên của mình. Trong mỗi hơi thở ra, ta sẽ có một cảm nhận cởi mở và tiếp xúc với giây phút hiện tại. Rồi khi tâm ta bị lôi kéo theo những mơ tưởng xa xôi nào đó, ta thầm biết “đó chỉ là suy nghĩ.” Mỗi lần ta có thể buông bỏ được sự suy nghĩ ấy, mỗi lần ta buông thả ở cuối mỗi hơi thở ra, thì đó cũng chính là một sự từ bỏ cơ bản: buông xả cái thái độ nắm giữ và ôm chặt của mình.
    Như một dòng sông đang chảy mạnh xuống núi, và đột nhiên nó gặp phải những tảng đá lớn và nhiều cây cao. Dòng nước không thể nào chảy tiếp được nữa, mặc dù nó đang chảy rất mạnh và có nhiều năng lượng. Dòng nước bị dừng đứng hẳn lại. Và trong cuộc đời, đôi khi chúng ta cũng bị ngăn chận giống như thế. Khi ta buông thả ở mỗi cuối một hơi thở ra, buông bỏ những suy nghĩ lao xao của mình, thì cũng giống như là ta đang dời những tảng đá lớn ấy sang một bên, giúp cho dòng nước được tiếp tục trôi chảy, để cho năng lượng sống của ta được diễn tiến và tiếp tục đi tới. Chúng ta, không vì sợ hãi trước những gì mình không biết, mà lại đi đắp thêm những tảng đá, xây lên những đập nước, để trốn tránh sự sống.
Bước đến ngay bờ mé
Vì vậy mà sự buông xả cũng có nghĩa là thấy rõ được mình đang tự bảo vệ như thế nào, ta đóng kín ra sao, tránh né những gì, và rồi thực tập làm sao để cởi mở ra. Nó có nghĩa là ta sẵn sàng tiếp nhận bất cứ những gì đang đặt trước mặt mình, bất cứ chuyện gì đến gõ cửa ta. Muốn làm được việc ấy ta phải có khả năng bước đến ngay sát bờ mé của chính mình, và chỉ khi ấy ta mới thật sự biết được thế nào là buông bỏ.
    Có một câu chuyện về một nhóm người cùng leo lên một ngọn núi cao. Ngọn núi có một dốc thẳng đứng và rất cheo leo. Khi leo lên được một khoảng, có vài người quay lại nhìn xuống và cảm thấy choáng váng, họ đông cứng vì sợ hãi. Những người này đã bước đến ngay bờ mé của mình và họ không thể tiến xa hơn được nữa. Nỗi sợ hãi của họ quá lớn, khiến họ không còn dám cử động. Những người khác thì tiếp tục leo cao hơn, họ vẫn nói năng cười đùa với nhau. Nhưng khi vách núi trở nên dốc hơn, nguy hiểm hơn, lại có thêm một số người nữa trở nên đông cứng vì sợ hãi. Từ chân núi lên đến ngọn, có những điểm khác nhau mà người ta gặp được cái bờ mé giới hạn của chính mình, họ bỏ cuộc và không thể nào tiến xa hơn được nữa. Nhưng bài học của câu chuyện ấy là, vấn đề ở đây không phải là nơi nào mà ta gặp bờ mé, giới hạn của mình, mà điểm quan trọng chính là ta gặp thấy nó.
    Cuộc sống là một hành trình mà ta sẽ cứ tiếp tục bước đến sát mức giới hạn của mình, hết lần này đến lần khác. Và ngay nơi đó chính là điểm thử thách của ta! Nếu bạn là một người muốn thật sự sống, bạn sẽ tự hỏi, “Tại sao ta lại phải sợ hãi đến thế? Ta muốn tránh né những gì đây, ta không muốn nhìn thấy những gì? Tại sao ta không thể tiến xa hơn được nữa?” Những người leo lên đến được đỉnh núi không phải là những kẻ tài giỏi. Có thể họ không biết sợ chiều cao, nhưng rồi chắc chắn họ cũng sẽ gặp bờ mé của họ ở một nơi nào khác. Những người bỏ cuộc nửa chừng không phải là kẻ thất bại. Họ chỉ là những người đã gặp bài học của mình sớm hơn những kẻ khác mà thôi. Dầu cho sớm hay muộn gì thì rồi tất cả chúng ta đều cũng sẽ gặp bờ mé, giới hạn của chính mình.
Như cánh chim trong gió lớn
Nhưng chúng ta phải tập buông bỏ như thế nào? Làm sao ta có thể vượt thắng được cái năng lượng ngăn trở khiến ta trở nên bất động, không dám tiến thêm một bước nữa về một nơi mà mình không biết rõ? Làm sao ta có thể đẩy được cánh cửa đá to lớn ấy để lại tiếp tục bước qua, để sự sống trở thành một tiến trình chuyển hoá, giúp ta trở nên vô uý và linh động, như một con chim lượn bay giữa những cơn gió lớn trên bầu trời cao?
Những con thú và cây cỏ nơi vùng tôi ở tại Cape Breton, chúng rất là táo bạo và gan lì, mà cũng hay thích đùa giởn và vui tính. Thời tiết càng dữ dằn đến đâu thì những con chim ở đây lại càng ưa thích bấy nhiêu. Chúng rất thích thú khi mùa đông đến, khi bầu trời có những cơn gió lớn hung bạo và thiên nhiên phủ toàn là tuyết và đá.
    Những con chim này thường thách thức những cơn gió lớn. Chúng đậu lên những cây cao rồi bám chặt lấy cành bằng chân và ngay cả bằng mỏ của chúng. Khi những cơn gió lớn ào đến thật mạnh, chúng buông thả ra và bị thổi tung cất bổng lên cao. Chúng dương cánh ra và bay lượn lên trên cơn gió. Sau một lúc, chúng lại trở về đáp xuống trên cành và bắt lại từ đầu. Nó là một trò chơi. Có lần, tôi thấy trong một trận gió lớn hung dữ như một cơn bão, chúng níu lấy chân nhau và cùng rơi xuống, rồi chúng thả nhau ra tung bay khắp nơi. Xem như là một trò xiếc vậy! Chúng chắc chắn phải có một sự đam mê trước những thử thách và đối với cuộc sống. Như bạn thấy, đó là một thái độ rất đẹp và đầy cảm hứng. Và chúng ta cũng giống y như vậy.
    Mỗi khi ta thấy rằng mình đã bước đến sát bờ mé, giới hạn của ta, thay vì nghĩ rằng, “Mình đã bị kẹt rồi,” ta chỉ cần tiếp nhận cái giây phút hiện tại này và bài học của nó. Thay vì tự bảo rằng, “Không,” ta hãy nhẹ nhàng từ tốn cảm nhận con tim mình, nó có một năng lượng cởi mở, tha thứ và thương yêu đối với chính ta.
    Con đường của giác ngộ là một con đường mà ta phải tiếp tục đối diện với những thử thách lớn, và rồi ta làm mềm dịu và cởi mở nó ra. Nói một cách khác, khi đối diện với những gì là cứng rắn và ngăn trở, ta buông bỏ bằng cách cảm nhận nó bằng cả con tim của mình. Ta có một tâm từ đối với hoàn cảnh nan giải của mình, và cho cả cái tình trạng chung của nhân loại. Ta làm cho nó mềm dịu đi, để ta có thể thật sự ngồi yên đó với những cảm xúc khó khăn của mình, và để cho chúng lại giúp cho ta được trở nên mềm dịu hơn.
    Con đường của sự buông xả là con đường biết tiếp nhận, biết nói vâng đối với cuộc sống. Trước hết, ta ý thức rằng ta đã tiến đến ngay sát bờ mé của mình, tất cả những gì trong ta đều đang chống lại, đang nói không, và chính ngay ở điểm đó ta thực tập mềm dịu.  Lúc đó là một cơ hội để ta thực tập tâm từ đối với chính mình, nó sẽ mang lại cho ta một thái độ vui tươi và cởi mở - biết vui đùa như một con chim trước một cơn gió lớn.”
Nguyễn Duy Nhiên

Học cách bình thản với cuộc đời

Ở đời, có những thứ nếu thuộc về bạn, thì cuối cùng sẽ là của bạn; thứ không phải của bạn, thì dù cố tranh giành, cũng sẽ tự rời xa. Hãy học cách bình thản với đời, thuận theo tự nhiên chính là một loại phúc.

  1. Có một loại tôm khi còn nhỏ, chúng thường kết đôi chui vào trong khe đá. Hang đá nhỏ này, đối với chúng chính là một thiên đường, cho đến khi trưởng thành chúng lại không cách nào theo khe đá nhỏ đó mà đi ra.

    Chúng ngay từ khi bắt đầu, đã lựa chọn một tình yêu độc nhất, không có đường trở lại, không cám dỗ, chỉ một lòng tới chết. Đối với chúng mà nói, nửa kia của chúng chính là cả thế giới.

    Bạn phải hiểu, thứ bạn yêu không phải đoạn thời gian kia, không phải người ấy khiến bạn nhớ mãi không quên, cũng không phải yêu cái khoảng thời gian đã từng trải qua, bạn yêu chỉ là cái phần non trẻ nhưng vẫn chấp mê bất ngộ của chính mình.

    Buông không có nghĩa là bỏ cuộc, cố chấp không đồng nghĩa với kiên trì

    Bình thản hơn một chút, cuộc sống sẽ hạnh phúc thêm vài phần. Người bình thản, sẽ không quá cao hứng khi khách quý chật nhà, cũng không ấm ức trong tâm khi người cuối cùng rời đi; khi thành công không quá đắc ý mà ngạo mạn, lúc thất bại cũng không nản lòng thoái chí. Bình thản có thể khắc chế cái tâm bốc đồng, loại bỏ tư tưởng hỗn tạp.

    Bình thản là một loại tu dưỡng, một loại cảnh giới, một loại tâm thái ẩn chứa nội hàm sâu sắc, có thể khiến người ta trong gian khổ mà vẫn thong dong tự tại.

    Nếu như chia tay người yêu vẫn còn có thể làm bạn, hoặc là chưa từng yêu, hoặc vẫn đang yêu

    Lúc còn trẻ, chúng ta vì một người nào đó, vì yêu hoặc chỉ vì cô đơn mà đến với nhau; nhưng sau những khổ não, chúng ta vì sao không cố chịu đựng để vượt qua mà lại lựa chọn đồng hành cùng người khác.

    Tại mỗi thời điểm, tại từng ngã rẽ đều có những ám hiệu được đưa ra, nhưng khi đó chúng ta lại mờ mịt không biết. Lúc quay đầu nhìn lại, bỗng phát hiện mọi thứ đều rõ ràng trước mắt, mới mỉm cười mà lĩnh ngộ sự thống khổ, bi thương.


    Buông không có nghĩa là bỏ cuộc, cố chấp không đồng nghĩa với kiên trì. (Ảnh: Internet)​

    Dù cho một mình đối diện với thế giới này, vẫn có những điều bạn có thể và không thể làm

    Núi rộng sông dài trên đời, chung quy đều là để chúng ta tự mình bước đi. Con người trên hành trình của cuộc đời, phải tự mình cứu lấy mình.

    Không phải bạn cứ mệt mỏi, là sẽ có nơi nghỉ ngơi ấm cúng; không phải bạn khát nước rồi, sẽ có nước chảy từ núi cao; không thể khi bạn lạnh, sẽ có một bếp lò đỏ lửa. Nội tâm của mỗi người, đều có những vết thương không muốn người khác biết, cần có thời gian để phục hồi.

    Mạnh mẽ thực sự, không phải là người không rơi nước mắt, mà là người nuốt lệ vào trong.

    Hết thảy vấn đề, sau cùng nhất đều là vấn đề thời gian. Hết thảy phiền não, kỳ thực đều là tự tìm phiền não

    Đối với cuộc sống của bạn, người có sức ảnh hưởng lớn nhất là chính bạn. Người quyết định bạn hạnh phúc hay khổ đau cũng chính là bản thân bạn. Nếu không có sự cho phép của bạn, bất kể thứ gì cũng không thể khiến bạn đau buồn hay vui vẻ.

    Không ai cướp đi niềm hạnh phúc của bạn. Người có thể cướp đi điều đó là chính bạn, bởi vì bạn giao niềm vui của mình cho người khác nắm giữ. Bạn không cách nào ngăn chặn được cơn lũ, nhưng bạn có thể học cách kiến tạo một con thuyền.

    Mặc kệ mọi người trên thế giới nói gì, ta đều nhận thức việc làm của bản thân mình mới là đúng đắn

    Nếu như đứng trước người mà bạn yêu mến, điều bạn cần làm là bày tỏ lòng mình; nếu bạn kết hôn với một người, bạn cần làm chính là tỏ ra yếu thế.

    Cuộc sống của chúng ta, không phải vì lấy sự ưa thích của người khác mà tồn tại, chúng ta là tự do tự tại, không cần phải đòi hỏi ai yêu thích mình, có thể vui vẻ mà lưng đeo đại địa, mặt hướng trời xanh. Chỉ cần bạn hiểu được điều này, gông xiềng đã bị phá bỏ, bạn có thể tự do mà hít thở.

    Trước đây tôi cứ luôn cho rằng kiên trì sẽ khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng sau khi lớn lên mới phát hiện, buông bỏ mới khiến chúng ta mạnh mẽ.

    Khi nhìn lại hết thảy những phiền não, chợt nhớ tới câu chuyện của một ông lão, trước khi lâm chung từng nói: Trong cả cuộc đời phiền não quá nhiều, nhưng đại bộ phận những điều lo lắng lại chưa từng xảy ra.

    Dù lựa chọn như thế nào, chỉ cần là bản thân lựa chọn, thì không tồn tại hối hận, đúng sai

    Mỗi người đều có một góc tử mà chính mình không đi ra được, người khác cũng không tiến vào được, ta đem bí mật sâu thẳm nhất đặt ở chỗ đó, bạn không hiểu ta, ta không trách bạn.

    Khi bạn cảm thấy thua kém người khác về mọi thứ, đừng tự ti, hãy nhớ rằng bạn chỉ là một người bình thường.

    Tôi và bạn vốn không quen biết, định mệnh cũng không gắn bó với nhau. Yêu một người, nhưng kỳ thực là yêu chính mình, khi bản thân phát hiện mình mong muốn thứ gì đó nhưng không đạt được, sẽ sinh lòng khao khát.

    Hận một người, thực ra là hận chính mình, khi bản thân phát hiện điều mình mong muốn nhưng không đạt được, sẽ cảm thấy giận dữ. Kỳ thực, trên đời không có tình yêu vô cớ, cũng không có oán hận vô cớ, yêu và hận, đều là tự đấu tranh và đối thoại với chính mình.
    Nếu như yêu nhau, hãy dắt tay nhau đến khi bạc đầu, nếu lỡ mất nhau, hãy chúc nhau hạnh phúc
    Nếu bạn yêu tôi, hãy sát gần một chút, một chút nữa, nếu như không yêu, hãy rời xa hơn một chút, một chút nữa.

    Yêu một người không yêu, tựa như chờ đợi một chiếc thuyền ở sân bay.

    Bạn phải tin rằng trên thế giới nhất định có người dành cho bạn, cho dù giờ phút này bạn đang bị ánh sáng vờn quanh, bị tiếng vỗ tay bao phủ, hay lúc đơn độc đi trên đường phố ướt lạnh, nhưng người ấy nhất định sẽ xuyên việt thế giới này, đi về phía bạn. Người ấy nhất định sẽ tìm được bạn, bạn phải đợi.

    Đừng để tương lai bạn phải chán ghét chính mình. Tôi đang cố gắng để trở thành chính mình. Cố gắng cường đại chi bằng sống bình thản hơn một chút

    Cái gọi là con đường không giới hạn chính là không ngừng tha thứ cho những ai làm tổn thương bạn

    Tình yêu là một con đường hai chiều, tình yêu đơn phương cũng cần có một điểm cuối cùng, là thời điểm rút lui.

    Ta còn độc thân, không phải không dám yêu lần nữa, không phải sợ bị tổn thương, cũng không phải chưa quên được ai đó, chỉ là người thích hợp còn chưa xuất hiện. Người sẵn lòng bao dung ta, quý trọng ta, chịu đi cùng ta đến hết con đường, trước khi người ấy đến, ta không sợ cô đơn, thà thiếu chứ không thèm đồ đã bỏ.

    Quá khứ tựa như một bàn tay, hoài niệm chính là chịu nhận một cái tát vào mặt.

    Bất luận bạn ở đâu, nơi nào, đều phải học cách bước đi độc lập, như thế mới có thể trở nên vững vàng, mới có thể thản nhiên đối mặt với những cay đắng của thế gian.

    Tuệ Tâm, Watchinese - Theo Tinh hoa