Pages
▼
30 tháng 11, 2017
29 tháng 11, 2017
28 tháng 11, 2017
EM HƯ
Em biết mình hư
Nhớ mãi người không cho em quyền được nhớ
Đã bao lần tự nhủ
Buông tay đi, người không thuộc về mình
Sẽ chẳng có phép màu nào xảy ra lung linh
Để anh thuộc về riêng em trọn đời, trọn kiếp
Kẻ đến sau, ngàn đời thua thiệt
Anh của người ta, em chỉ biết ngậm ngùi...
Cũng đã từng có những ngày vui
Anh trao em ân tình nồng ấm
Tình muộn màng say đắm
Em yêu anh và em được anh yêu
Biết mình sai quá nhiều
Cúi nhặt tình thừa khi người ta đánh rơi, đánh vãi
Tình ấy chỉ cho em ngọt ngào phút giây, rồi bắt em đắm chìm trong khổ ải.
Sao lòng còn khắc khoải giữ, khó buông?
Duyên muộn màng, tơ trời nỡ vương?
Để rối tung đầy đớn đau, đầy buồn thương mà không thể nào gỡ
Tại sao chỉ cho duyên mà Trời không cho nợ
Đành chậm bước đi bên lề cuộc đời anh
Tình mong manh
Như tơ hồng vướng ngang lòng, e chạm nhẹ rồi đứt
Em ôm nhớ thương đọng đầy tim tức ngực
Se sợi dấu yêu kiên nhẫn đan lưới tình,
Giữ anh lại cho mình em…
Em biết em điên
Đường quang không đi
Nhắm mắt bước quàng vào bụi rậm
Con đường tình chông gai vẫn dẫm chân chỉ vì lòng yêu anh sâu đậm
Làm sao để hết nhớ thương?
Làm sao đây, để em có thể buông
Không còn vấn vương người đàn ông đã thuộc về người đàn bà khác
Em biết mình sai lạc
Nhưng chẳng thể nào hối tiếc “ Giá như...”
Vâng,
Em biết rằng em hư...
11/2017
Ngồi nhiều nguy hiểm thế nào?
Con người cũng giống như một bộ máy, nếu làm việc liên tục trong nhiều giờ liền mà không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động thì chắc chắn sức khỏe sẽ… xuống cấp nhanh chóng.
Theo Mercola, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những người ngồi 13-15 tiếng một ngày, dù có tập thể dục tích cực đến mức nào cũng không thể chống lại tác hại của việc ngồi quá lâu. TS James Levine ở Đại học Arizona (Mỹ) cho biết khi con người ngừng chuyển động trong thời gian dài, cơ thể sẽ bị tê liệt và gia tăng nhiều chứng bệnh. Đặc biệt, ở phụ nữ ngồi hơn 10 tiếng một ngày nguy cơ phát triển bệnh tim mạch gia tăng đáng kể so với những người ngồi ít hơn 5 tiếng. Dưới đây là những tác hại của việc ngồi cả ngày.
Tăng cân
Di chuyển giúp cơ giải phóng các phân tử như lipoprotein lipase - đây là những phân tử giúp tiêu hóa lượng chất béo và đường. Nếu dành hết thời gian trong ngày cho việc ngồi, sự giải phóng phân tử này sẽ ít hơn và nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa là điều đương nhiên. Ngoài ra, một nghiên cứu đã chỉ ra đàn ông dành nhiều thời gian để ngồi, vòng 2 có xu hướng tăng lên rất nhiều. Đây là vị trí dự trữ chất béo lý tưởng nhất.
Xương khớp yếu
Rất nhiều nhân viên văn phòng do thói quen ngồi lâu một chỗ đã mắc phải các tổn thương vùng cổ như đau, mỏi cổ, cổ không linh hoạt, đau vai, thần kinh vai gáy, chuột rút cơ gáy, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... Ngoài ra, ngồi quá lâu trong một thời gian dài còn làm thoái hóa sụn đệm cột sống, chèn ép rễ dây thần kinh, tủy sống hoặc động mạch cột sống, từ đó dẫn đến ra các loại bệnh như đau đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, thiểu năng tuần hoàn não.
Ảnh hưởng tiêu hóa
Ngồi nhiều, đặc biệt là ngồi ngay sau khi ăn có thể gây sức ép lên dạ dày và sau đó là làm chậm quá trình tiêu hóa. Hơn nữa, cơ thể thiếu vận động sẽ khiến nhu động ruột, dạ dày yếu đi và dịch tiêu hóa bài tiết cũng giảm. Nếu duy trì thói quen này trong thời gian dài, vấn đề tiêu hóa chậm có thể gây ra một số tình trạng như táo bón, ợ nóng, đầy hơi.
Nguy hiểm cho tim
Khi ngồi trên ghế, cơ thể gấp khúc, hông thắt chặt, xương sống gần như cứng lại khiến máu khó lưu thông, từ đó gây ảnh hưởng tới chức năng của tim mạch, thậm chí tăng nguy cơ đông máu. Ngồi nhiều khiến máu lưu thông chậm hơn, dễ làm cho các axit béo gây tắc nghẽn hệ thống tim mạch.
Dễ bị cục máu đông
Việc ngồi quá nhiều và không hoạt động dẫn đến tuần hoàn kém, dễ dẫn đến xuất hiện một cục máu đông (một tình trạng phổ biến xảy ra ở chân), sưng tấy gây nguy hiểm vô cùng.
Nguy cơ tiểu đường
Những người ngồi nhiều có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường rất cao. Ngồi nhiều, khả năng đáp ứng với lượng insulin của cơ thể bị ảnh hưởng khiến tuyến tụy càng sản xuất lượng insulin nhiều hơn, từ đó dẫn đến bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu cho thấy ngồi hơn 8 giờ một ngày tăng 90% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Ung thư và tử vong
Việc ngồi lâu còn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư hoặc dẫn đến tử vong. Theo Tạp chí Dịch tễ học (Mỹ), kết quả của một nghiên cứu dựa trên thông tin của 185.000 người trong 14 năm cho thấy, thời gian ngồi liên quan đến tỷ lệ tử vong, không phụ thuộc vào mức độ hoạt động thể chất.
Ngọc Khuê
Tâm Sự Thứ Bảy (168): Vu vơ...
Chẳng
có ai vào đọc những tản mạn ‘khô như ngói’ của nó, những dòng chia sẻ vu vơ về
cuộc sống, về những nơi nó đến, những người nó gặp, đôi khi chỉ linh tinh vài
ba chữ về một loài hoa hay một con ốc sên...Số người vào blog ngày càng ít dần.
Cũng phải, bây giờ có FB rồi, còn ai đọc blog nữa. Ngoài ra còn Zalo, Whatapps,
Viber, Tango.. họ chat, họ share với nhau hàng giờ ấy chứ.
Vậy
mà nó vẫn cứ hì hụi viết. Hình như nó cứ phải viết ra thì mới giải toả được,
cân bằng chính nó. Chẳng phải để cho ai đọc (mà ai đó đọc thì nó cũng vui,
không đọc nó cũng không buồn). Vui buồn đôi khi theo nó là đặc ân của ông Trời
cho một con người, chỉ là vui đúng lúc, buồn đúng chỗ mà thôi. Nó viết cho
chính nó về những buồn, vui ấy.
Những
con người trong câu chuyện của nó luôn là thật. Cảm xúc trong các tản văn của
nó luôn là thật. Không thật thì nó không viết. Nó không cố gắng viết để đủ lượng
bài cho blog. Nó viết phần nhiều chỉ để cho nó thôi, nên luôn là những cảm xúc
đến và đi như vậy. Chỉ thế. Chả có gì hơn.
Hôm
nay đọc được một status của một người bạn trên mạng khiến nó rớt nước mắt. Chia
sẻ của người bạn về mẹ, về thời khổ sở những năm 80. Thực ra, nó rớt nước mắt một
phần vì sự đồng cảm với người viết. Cảm được nỗi buồn, niềm vui, sự xa xót
trong cuộc đời họ trải qua. Cũng giống mọi người sống qua thời gian khó khăn những năm đó. Nó cũng vậy, có ai sung sướng về
vật chất đâu. Nhưng nó chưa bao giờ cảm thấy vật chất là quan trọng khiến làm mất đi hạnh phúc của một đứa trẻ. Nó luôn tìm ra được những lý do để vui,
để nghịch ngợm, để hưởng thụ những tháng ngày thơ bé. Nên nó có một tuổi thơ
vui vẻ đáng nhớ.
Nó
chỉ biết buồn khi bắt đầu biết yêu. Bắt đầu biết yêu là biết đến thế nào là khổ.
Nó làm khổ người khác cũng có, và ai đó làm khổ nó cũng có. Cuộc sống của nó bắt
đầu có màu xám. Nhiều khi nó cứ tự hỏi: “Tại
sao mình không có được sự mạnh mẽ, quyết liệt và liều lĩnh như khi còn nhỏ?”.
Sao
giờ làm gì nó cũng rụt rè. Nó sợ đủ thứ. Sợ người thân buồn, sợ bạn bè chia cắt,
sợ sự thay đổi, sợ bị tổn thương… Những suy nghĩ tiêu cực đến từ đâu? Sự yếu đuối
đến từ đâu và từ lúc nào len lỏi vào con người từng rất đỗi mạnh mẽ của nó nhỉ?
Có phải từ lúc nó biết rằng làm gì cũng gây nghiệp cả nên nó sợ, sợ gây nghiệp
bất thiện cho chính mình và mọi người?
Nó giật mình vì hình như câu “Giá như”.. trở thành suy nghĩ thường trực của nó. Hầu như ngày nào nó cũng cám ơn và xin lỗi cuộc đời. Hầu như ngày nào nó cũng gửi bình an và yêu thương đến những người mà nó yêu quý, cũng như những người mà nó làm lỗi. Nhưng hình như chưa đủ…
Có lẽ nó đã học sai bài học, không biết buông ra, vẫn ôm khư những điều mà nó nghĩ là ‘chân lý không thay đổi’, giữ chặt những gì là ‘của mình’, những giả tạm mà càng giữ càng rời xa nó, hoặc biến đổi theo thời gian. Ơ, lạ nhỉ, biết đời vốn vô thường sao vẫn còn muốn không đổi thay?
Có lẽ nó đã học sai bài học, không biết buông ra, vẫn ôm khư những điều mà nó nghĩ là ‘chân lý không thay đổi’, giữ chặt những gì là ‘của mình’, những giả tạm mà càng giữ càng rời xa nó, hoặc biến đổi theo thời gian. Ơ, lạ nhỉ, biết đời vốn vô thường sao vẫn còn muốn không đổi thay?
Một
sợi tóc mai bạc nhắc nó đến thời gian đã bước sang tuổi trung niên. Một hằn
khoé mắt nhắc nhở nó về một thời vất vả đã qua để bước vào thời kỳ xây dựng
bình an cho quãng đời còn lại. Ôi thời gian.. nếu có thể xoay ngược trở lại, ta muốn
đổi thay những gì?
Chắc
chẳng thay đổi gì. Bởi, suy cho cùng Hạnh Phúc hay Bất Hạnh đều có giá trị như
nhau về mặt tiến hoá. Đôi khi, bất hạnh giúp tiến hoá nhanh hơn bởi con người
thường hay ‘muốn ở lỳ’ trong hạnh phúc, chấp vào điểm dừng ấy. Vậy, nên thay đổi chắc gì đã tốt hơn?
Vu
vơ vài dòng, tản mạn vài ý vì hôm nay vừa tròn kỷ niệm 7 năm ngày sinh nhật của
blog thoidihoc. Nó cũng không còn tự hỏi có nên đóng blog nữa hay không? Vì,
duyên đến rồi duyên đi. Có đấy rồi không đấy. Cứ vu vơ để giữ lửa cho chính
mình, cho blog. Mà, ai biết ngày mai ra sao? Có khi chẳng còn nó để mà viết tiếp những
dòng này nữa ấy chứ...(hì).
BH. 28/11/2017
'Giầu đổi bạn, sang đổi vợ'
Anh hẹn chị ra quán cà phê trước nhà ga chính của thành phố Bremen. Câu đầu tiên khi gặp anh, chị nói trong sự cáu gắt, ông lại bán xe rồi hay sao mà lại đi tàu lên đây.
Anh cúi đầu trả lời lí nhí trong sự hổ thẹn, ừ, bán rồi, vì cũng không có nhu cầu lắm. Chị sầm mặt xuống, ông lúc nào cũng vậy, suốt đời không thể ngóc đầu lên được, hẹn tôi ra đây có chuyện gì vậy?
Khó khăn lắm anh mới có thể nói với chị điều anh muốn nhờ cậy. Chị cũng khó khăn lắm mới có thể trả lời từ chối anh, nhưng mà gia đình tôi đang yên lành, nếu đưa con bé về e rằng sẽ chẳng còn được bình yên.
Anh năn nỉ, nhưng thật sự là anh rất bối rối, con bé đã đến tuổi dậy thì, anh là đàn ông, không thể gần gũi và dạy dỗ chu đáo cho nó được, anh chưa bao giờ cầu xin em điều gì, chỉ lần này thôi, chỉ nửa năm hay vài ba tháng cũng được, em là phụ nữ, em gần nó, em hướng dẫn và khuyên bảo nó trong một thời gian, để nó tập làm quen với cuộc sống của một thiếu nữ, sau đó anh lại đón nó về.
Chị thở dài, ông lúc nào cũng mang xui xẻo đến cho tôi, thôi được rồi, ông về đi, để tôi về bàn lại với chồng tôi đã, có gì tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông sau. Anh nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn. Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có lỗi tiễn chị ra xe rồi thở dài, lùi lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại Hamburg.
Anh và chị trước kia là vợ chồng. Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Anh đi lao động xuất khẩu ở Đông Đức. Chị theo học Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Ngày bức tường Berlin sụp đổ, anh chạy sang phía Tây xin tị nạn. Chị tốt nghiệp Đại học và về làm giáo viên cấp 3 huyện Thái Thụy, Thái Bình. Họ vẫn liên lạc và chờ đợi nhau.
Khi đã có giấy tờ cư trú hợp lệ, anh về làm đám cưới với chị, rồi làm thủ tục đón chị sang Đức.
Vừa sang Đức, thấy bạn bè anh ai cũng thành đạt. Đa số ai cũng có nhà hàng, hay cửa tiệm buôn bán.. Chỉ có anh là vẫn còn đi làm phụ bếp thuê cho người ta. Chị trách anh vô dụng. Anh không nói gì, chỉ hơi buồn vì chị không hiểu, để có đủ tiền bạc và điều kiện lo thủ tục cho chị sang được đây, anh đã vất vả tiết kiệm mấy năm trời mới được. Nên không dám mạo hiểm ra làm ăn
"Đồ cù lần, đồ đàn ông vô dụng...", đó là câu nói của miệng chị dành cho anh, sau khi anh và chị có bé Hương.
Bé Hương sinh thiếu tháng, phải nuôi lồng kính đến hơn nữa năm mới được về nhà.
Khi bác sĩ thông báo cho vợ chồng anh biết bé Hương bị thiểu năng bẩm sinh. Giông tố bắt đầu thực sự nổi lên từ đó. Chị trách anh, đến một đứa con cũng không làm cho ra hồn, thì hỏi làm được gì chứ. Anh ngậm đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái xấu số.
Khi bác sĩ thông báo cho vợ chồng anh biết bé Hương bị thiểu năng bẩm sinh. Giông tố bắt đầu thực sự nổi lên từ đó. Chị trách anh, đến một đứa con cũng không làm cho ra hồn, thì hỏi làm được gì chứ. Anh ngậm đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái xấu số.
Bé Hương được 3 tuổi, chị muốn ly dị với anh. Chị nói, ông buông tha cho tôi, sống với ông đời tôi coi như tàn. Anh đồng ý, vì anh biết chị nói đúng. Anh là người chậm chạp, không có chủ kiến và không có chí tiến thân, sống an phận thủ thường. Nếu cứ ràng buộc sẽ làm khổ chị.
Bé Hương 3 tuổi mà chưa biết nói. Chị cũng rất thương con, nhưng vì bận bịu làm ăn nên việc chăm sóc con bé hầu hết là do anh làm. Vì vậy mà con bé quấn quít bố hơn mẹ.
Biết vậy nên chị cũng rất yên tâm và nhẹ nhõm nhường quyền nuôi dưỡng con bé cho anh khi làm thủ tục ly hôn.
Ly dị được gần 1 năm thì chị tái giá. Chị sinh thêm một đứa con trai với người chồng mới.
Thành phố Bremen là thành phố nhỏ. Người Việt ở đó hầu như đều biết nhau. Chị cảm thấy khó chịu khi thỉnh thoảng bắt gặp cha con anh đi mua sắm trên phố. Chị gặp anh và nói với anh điều đó. Anh biết ý chị nên chuyển về Hamburg sinh sống.
Chị không phải là người vô tâm, nên thỉnh thoảng vẫn gửi tiền nuôi dưỡng con cho anh. Trong những dịp năm mới hay noel, chị cũng có quà riêng cho con bé, nhiều năm, nếu có thời gian, chị còn đến trực tiếp tặng quà cho con bé trước ngày lễ giáng sinh nữa.
Thấm thoát đó mà giờ đây con bé đã sắp trở thành một thiếu nữ. Tuy chị không biết cụ thể thế nào. Nhưng chị biết dù con bé lớn lên trong tật nguyền hẩm hiu, nhưng anh rất thương nó. Chị cũng biết con bé gặp vấn đề trong giao tiếp, phải đi học trường khuyết tật. Nhưng con bé rất ngoan. Anh cũng không phải vất vả vì nó nhiều. Nó bị bệnh thiểu năng, trí tuệ hạn chế, phát âm khó khăn. Tuy vậy nó vẫn biết tự chăm sóc mình trong sinh hoạt cá nhân. Thậm chí nó còn biết giúp anh một số công việc lặt vặt trong nhà.
Chồng chị đã đồng ý cho chị đón con bé về tạm sống với chị vài tháng, với điều kiện trong thời gian con bé về sống chung với vợ chồng chị, anh không được ghé thăm. Chị cũng muốn thế, vì chị cảm thấy hổ thẹn khi phải tiếp xúc với vẻ mặt đần đần dài dại của anh.
Vợ chồng chị đã mua nhà. Nhà rộng, nên con bé được ở riêng một phòng. Chị đã xin cho con bé theo học tạm thời ở một trường khuyết tật ở gần nhà. Con bé tự đi đến trường và tự về được.
Đi học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Đứa em trai cùng mẹ của nó, mẹ nó, và bố dượng nó rất ít khi quan tâm đến nó. Niềm vui duy nhất của nó là chờ điện thoại của bố. Nó phát âm không chuẩn và nói rất khó khăn, nên hầu như nó chỉ nghe bố nói chuyện. Bố dặn dò nó rất nhiều và thỉnh thoảng còn hát cho nó nghe.
Em trai nó học thêm Piano, nên nhà mẹ nó có cái đàn Piano rất đẹp để ở phòng khách. Có lần nó sờ và bấm bấm vài nốt. Mẹ mắng nó không được phá đàn của em. Nên từ đó nó không dám đụng đến nữa. Có hôm anh gọi điện thoại cho nó, nó nghèn nghẹn nói lỏm bỏm,.. đàn..đàn...klavia....con muốn... Anh thở dài và hát cho nó nghe.
Tháng đầu, hầu như ngày nào anh cũng gọi điện thoại cho nó. Rồi thưa dần, thưa dần. Cho đến một ngày anh không gọi cho nó nữa. Sau một tuần đăng đẳng không nghe anh gọi điện thoại. Con bé bỏ ăn và nằm bẹp ở nhà không đi học. Chị không biết gì cứ mắng nó dở chứng.
Một đêm, chị bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn Piano vang lên. Chị chạy ra phòng khách, thấy con bé đang ngồi đánh đàn say sưa. Nó vừa đánh vừa hát thì thầm trong miệng. Chị cứ há hốc mồm ra kinh ngạc. Chị không thể tưởng tượng nổi là con bé chơi Piano điêu luyện như vậy. Chị chợt nhớ ra, đã có lần anh nói với chị, con bé ở trường khuyết tật có học đàn Piano, cô giáo khen con bé có năng khiếu. Lần đó chị tưởng anh kể chuyện lấy lòng chị nên chị không quan tâm
Chị đến gần sau lưng nó, và lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Chị cúi xuống và lắng nghe con bé hát thầm thì cái gì.
Chị sởn cả da gà, khi chị nghe con bé hát rõ ràng từng tiếng một, mà lại là hát bằng tiếng Việt hẳn hoi: "...Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo...sống với cha êm như làn mây trắng....nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con....với tháng năm nhanh tựa gió..ôi cha già đi cha biết không...".
Chị vòng tay ra trước cổ nó và nhẹ níu, ôm nó vào lòng. Lần đầu tiên chị ôm nó âu yếm như vậy. Chị thấy tay mình âm ấm. Nó ngừng đàn đưa tay lên ôm riết tay mẹ vào lòng ngực. Nó khóc. Chị xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nó hỏi, con sao vậy hả con yêu của mẹ. Nó ngước nhìn mẹ nó rất trìu mến rồi chìa cho mẹ nó một tờ giấy giấy khổ A4 đã gần như nhàu nát.
Chị cầm tờ giấy và chăm chú đọc, rồi thở hắt ra nhìn nó hỏi, con biết bố con bị ung thư lâu chưa. Nó chìa 4 ngón tay ra trước mặt mẹ. Chị hỏi, 4 tháng rồi hả. Nó gật đầu.
Chị nhìn chăm chăm vào tờ giấy, và từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, rũ rượi thở dài.
Con bé hốt hoảng đến bên mẹ, ôm mẹ vào lòng, vuốt mặt mẹ, rồi vừa ấp úng nói vừa ra hiệu cho mẹ. Đại ý là nó diễn đạt rằng: -" Bố lên ở trên Thiên Đường rồi, mẹ yên tâm, con đã xin vào nội trú ở trường dưới Hamburg, ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu để làm phiền mẹ và em đâu, con về ở tạm đây là vì bố muốn thế, bố muốn mình ra được nhẹ nhàng và yên tâm là có mẹ ở bên con.."
Chị cũng ôm nó vào lòng, vỗ vỗ vào vai nó và nói, con gái ngoan của mẹ, ngày mai nếu mẹ sắp xếp được công việc, mẹ sẽ đưa con về Hamburg....
Tôi nghe người ta kể chuyện lại chuyện đó, khi đi dự một cuộc biểu diễn nghệ thuật của học sinh khuyết tật và khiếm thị.
Khi thấy em gái đệm đàn piano cho dàn đồng ca, cứ khăng khăng đòi phải đàn và hát bài hát "Người Cha Yêu Dấu" bằng tiếng Việt trước, sau đó mới chịu đệm đàn cho dàn đồng ca tiếng Đức. Quá kinh ngạc nên tôi cứ gạn hỏi mãi người trong ban tổ chức. Cuối cùng họ đã kể cho tôi nghe câu chuyện như vậy.
ST
26 tháng 11, 2017
Tâm Sự Thứ Bảy (167): Đài Loan Bình Yên
Mình vừa được đến Đài Loan học 1 tuần, được sống lại thời sinh viên vô ưu, vô lo thật là dễ chịu.
Trường ĐH Chinan xây dựng hơn 20 năm trước trên một khu đất rất rộng gần 100 ha, toàn cây xanh, thảm cỏ và hoa thơm ngát. Phòng mình ở đầy đủ tiện
nghi như khách sạn, nhìn ra một cánh rừng nhỏ với đầy cúc hoạ mi dại. Sáng sớm
mở cửa sổ là thơm ngát mùi cỏ dại, mùi hoa và lá rừng.
Ngoài giờ học, tụi mình được đi thăm Bảo Tàng Chung Tai, là bảo tàng Quốc Tế Phật
Giáo lớn nhất thế giới nằm tại thị trấn Puli ở Đài Trung. Ở đây trưng bày tất cả các tượng
Phật Thích Ca (Buddha) và các vị Bồ Tát (Budhisava), chia thành từng thời kỳ và
của từng nước. Lần đầu tiên mình được thấy tượng đức Phật có màng tay (1 trong
84 tướng tốt của ngài). Tích này đã được đọc mà giờ mới được thấy trong một bức cổ tượng từ Ấn Độ. Ngoài ra là ngôi chùa chứa nhiều bảo vật Phật Giáo nhất do Hoà Thương Tịnh Không, một trong những vị hoà thượng nổi tiếng nhất Đài Loan kêu gọi đầu tư và cúng dường.
Một điểm nhấn khác trong chương trình là được đi tàu khắp hồ Nhật Nguyệt, hồ lớn nổi tiếng nhất ở Đài Trung, thường làm bối cảnh quay các phim cổ trang của Kim Dung, Quỳnh Dao.
.. và được đạp xe quanh hồ vừa ngắm mặt trời lặn trong không khí trong lành và se lạnh.
2 ngày cuối cùng, tụi mình được trường lên Đài Bắc
thăm quan. Ngoài việc đến viếng thăm toà nhà của tập đoàn CT & D (công ty
chủ quản Phú Mỹ Hưng) và được ông chủ tịch nói chuyên và tặng quà, tụi mình còn
được đi thăm toà tháp cao 101 tầng, chợ đêm Ximen nổi tiếng với các món ăn đường
phố dân dã, đi ăn dimsum ở nhà hàng hơn 100 năm tuổi của cố đô Taipei, còn được
đến làng Yeh Liu cổ kính(làng của người Nhật xd trong thời kỳ Nhật đô hộ Đài Loan trước
đây) nằm trên 1 đỉnh núi cao ở ngoại ô Taipei.
Ngày cuối được tới thăm Cố Cung, nơi Tưởng Giới
Thạch và vợ là Tống Mỹ Linh hơn 50 năm trước đã chuyển 700 ngàn cổ vật từ Trung
Quốc sang đây. Mỗi ngày họ trưng bày 3000 cổ vật mà suốt hơn 20 năm nay chưa
trùng một cổ vật nào. Chủ yếu là của các vị vua, cung tần mỹ nữ và của các nhà giàu Trung Hoa. Ấn tượng nhất là 2 bảo bối: ngọc thạch Cải Thảo và Miếng Thịt Heo (trong ảnh).
Ngoài ra là các bức thư pháp của các hoạ sĩ qua các đời nhà Tần, Nhà Đường nhà Thanh và các cổ vật vô giá khác.
Đài Loan không giống TQ đại lục mà giống Nhật hơn do bị đô hộ dưới thời Nhật Hoàng. Tưởng Giới Thạch xây dựng lên đất nước Đài Loan theo mô hình người Nhật nên đến đây bạn sẽ có cảm tưởng đang sống ở Nhật vậy, nhưng mọi thứ rẻ hơn và không stressful như Nhật. Riêng văn hoá thì lai giữa 2 nước. Con người Đài Loan văn minh, hiền hoà khác hẳn người TQ đại lục. Đồ ăn ngon, rẻ, healthy vì nhiều rau xanh, không dầu mỡ. Shopping khá thích. Giá mọi thứ khá ổn (trừ ks). Nếu ai chưa đi rất nên đến đây để trải nghiệm một lần cho biết nhé.
BH. 25/11/2017