Pages

26 tháng 3, 2021

SOI GƯƠNG

Chiều nay làm gì nhỉ?
Tôi nhìn tôi trong gương
Ngắm từng thay đổi nhỏ
Theo định luật vô thường
Tôi cười tôi – một đời
Một đời tôi, có lẽ
Theo chuẩn mực thế gian
Cũng thành công, hẳn thế!
Tôi cười tôi đa mang
Tự mình làm mình khổ
Được-mất một vòng tròn
Bất toàn, không như ý!
Tôi cười tôi – Danh Vọng
Tôi cười tôi – Tiền Tài
Tôi cười tôi – Gia Thế
Tôi cười tôi - Con Người!
Tôi cười, và tôi cười
Nước mắt tôi rơi xuống
Cả đời tôi đi tìm
Cuối cùng là Chân Lý
Tất cả là Như Thị
‘Chỉ là Như Thế Thôi’
Cả nụ cười toả sáng
Trong gương kia, ai ơi!

BH. 19.3.21

23 tháng 3, 2021

Suy Ngẫm

 


Con ngỗng tuyết không cần tắm để khiến chúng có bộ lông trắng.

Bạn cũng không cần làm gì ngoài việc là chính mình.
-Lão Tử-

NHỮNG BÀI HỌC LỚN từ ĐÔI GIÀY NHỎ

1. Một đôi giày, của hãng A có thể có giá nửa tỷ, của hãng B có thể có giá 100 triệu, của hãng C có thể có giá 90 nghìn… Thế nên, xuất thân ở đâu rất quan trọng.
2. Một đôi giày được bán ngoài vệ đường có giá vài chục nghìn, nhưng khi được đem vào một trung tâm thương mại, đặt ở vị trí sang trọng thì nó có thể được bán với giá vài triệu đồng... Thế nên, đặt ở vị trí nào cũng rất quan trọng.
3. Một đôi giày, nếu là mẫu cũ, phần lớn đều rẻ. Thế nên, thay đổi và làm mới bản thân rất quan trọng.
4. Một đôi giày, tồn kho nhiều năm chỉ còn cách hạ giá để bán đi. Thế nên, nắm bắt thời cơ hành động rất quan trọng.
5. Một đôi giày, có người đi 3 năm 5 năm vẫn mới, có người đi chưa được 1 năm đã rách. Thế nên, đối đãi tử tế rất quan trọng.
6. Một đôi giày, cho dù kiểu mẫu có mới thế nào, đi một thời gian cũng sẽ trở nên cũ kỹ. Thế nên, trân quý hiện tại rất quan trọng.
7. Một đôi giày, cho dù thiết kế có đẹp đến đâu, cũng vẫn có tì vết. Thế nên, bao dung rất quan trọng.
8. Một đôi giày, cho dù bề ngoài bóng bẩy đẹp đẽ thế nào nhưng đi không bền thì cũng vô ích. Thế nên, nội hàm rất quan trọng.
9. Một đôi giày, cho dù giá thành đắt hay rẻ, đi không vừa chân cũng mất đi ý nghĩa. Thế nên, phù hợp rất quan trọng.
10. Một đôi giày, cho dù được đánh giá tốt đến đâu, chỉ đặt chân vào thử mới biết. Thế nên, sống được với nhau mới là quan trọng.
11. Một đôi giày, dù được sản xuất ở đâu, nhưng có thể đồng hành trên suốt quãng đường dài là điều hiếm có. Thế nên, duyên phận rất quan trọng.
12. Một đôi giày, nếu chỉ có một chiếc, sẽ không bán được, thậm chí có cho cũng không ai lấy. Thế nên, chiếc còn lại là rất quan trọng.
13. Nếu đã là một đôi giày, bị mất hoặc hỏng một chiếc, thì dù có thay thế bằng chiếc khác y hệt, vẫn mãi mãi không còn là một đôi. Thế nên, thành đôi rất quan trọng, mọi thay thế đều không còn ý nghĩa.
14. Một đôi giày, dù đẹp đến đâu, dù rẻ đến mấy, dù hợp đến cỡ nào... nhưng nếu vợ không cho thì đố bạn dám mua. Thế nên, vợ mới quan trọng.

Những điều trên đều đúng, nhưng vợ đúng hơn. Không nghe lời vợ thì không chỉ là không có giày, mà còn mất cả dép nữa. :D) :D) :D)
ST

22 tháng 3, 2021

Du Xuân Tây Thiên 21/3/2021

Trời mưa thì mặc trời mưa, 24 bạn 12CD lên đường đi Tây Thiên Thiền Viện. Dưới đây là những hình ảnh vui tươi của chuyến đi:
















18 tháng 3, 2021

Người Hà Nội Ở Sài Gòn

Em ở Sài Gòn mới ra à? Vầng!
Em đi công tác à? Không, em về thăm nhà.
Sao lại vào trong ấy? Dạ, đi làm ạ.
Trong đấy lương cao hơn à? Lương bao nhiêu? Hay em vào đấy lấy chồng? Thế đã có con chưa?...
Những ai vào sống ở Sài Gòn, một ngày về lại Hà Nội có lẽ cũng đã từng gặp một anh lái taxi và bị hỏi chuyện như tôi, và họ nhận ra ngay sự khác biệt. Người Sài Gòn sẽ thấy cách giao tiếp như “hỏi cung” ấy thật kỳ quặc, vì họ đã quen với văn hóa tôn trọng tự do cá nhân. Ngay cả tôi sau mấy năm ở Sài Gòn, khi về lại quê nhà cũng thấy kém thoải mái vì đã quen với những dịch vụ chuyên nghiệp hơn ở Sài Gòn, nơi hầu hết người ta đi làm việc là lo làm việc, không quen thói tọc mạch, nhiều chuyện.
Hầu hết người ở miền Nam biết rằng có một khoảng không cá nhân nơi người khác mà họ không nên bước vào. Bởi vậy, họ hiếm khi hỏi bạn làm lương bao nhiêu, cuộc sống gia đình ra sao, vì họ hiểu đó là sự riêng tư cần thiết. Hồi mới vào Sài Gòn tôi ngỡ ngàng quá xá khi có người giới thiệu: “Đây là ông anh, bà chị xã hội của tôi”. Mãi sau này tôi mới hiểu cái “tính xã hội” trong các mối quan hệ này cực kỳ cao, bởi có khi đã nhậu với nhau cả chục lần rồi người ta vẫn chưa biết rõ ràng nhà bạn ở đâu, bạn làm nghề gì, có hoàn cảnh éo le nào hay không.
Nhóm bạn tứ xứ từ mọi miền đến Sài Gòn sinh sống của chúng tôi mỗi khi tụ tập hay đùa nhau rằng “cái bọn Bắc kỳ” nên kiểm điểm lại “ăn ở thế nào” mà hiếm khi thấy người Nam di cư ra Bắc, toàn chỉ thấy người Bắc vào Nam làm ăn. Từ hàng trăm năm nay, “vào Nam làm ăn” là cụm từ không xa lạ gì với các làng quê Bắc bộ. Tôi hỏi thăm một số người Bắc sống ở Sài Gòn, có người nói là vì họ “thích, nên chuyện chuyển vào sống ở miền Nam chỉ là vấn đề thời gian”. Nhưng số đông hơn thì thừa nhận “đùng một cái là vào”!
Ông chủ một công ty khá lớn là người “Hà Nội gốc” kể anh không định đưa cả gia đình từ Hà Nội vào Sài Gòn, vì ở Hà Nội, anh có biệt thự to đẹp, cuộc sống rất đầy đủ, thuận tiện. Rồi một lần đi gặp đối tác ở quận 7, TPHCM, hỏi giá mấy căn nhà cho vui, ai dè thấy đẹp và rẻ quá nên anh tiện tay đặt cọc luôn. Đi công tác về anh bảo vợ: “Anh mua nhà Sài Gòn rồi nhé”. Vợ anh cứ ngỡ chuyện đùa, còn anh thì bảo với vợ: “Hà Nội khó quá mà Sài Gòn thì dễ quá nên nó hút người ta tự nhiên thôi”. Cả gia đình anh bây giờ đều hài lòng, vui vẻ với ngôi nhà to đẹp ở Sài Gòn. Các cụ cũng thấy mãn nguyện vì hết đau xương khớp vào những mùa đông dài và lạnh. Các con anh thích môi trường học hành, nơi thành tích không bị thúc ép gay gắt như Hà Nội. Một chị bạn tôi chỉ mới “khảo sát tình hình” Sài Gòn có một ngày thôi đã nhất quyết mua nhà vào ở ngay. Chị tấm tắc khen cái “kiểu Sài Gòn”: “Ở đây mua hàng không bị mắng mà còn được người ta tươi cười cám ơn. Cũng là đồng tiền mà có giá trị. Trong này văn minh thật!”.
Còn biết bao lý do chưa biết hết, cũng như chẳng ai đếm đủ có bao nhiêu người Bắc đã di cư vào Nam. Chưa ai làm thống kê này nhưng chắc chắn là rất nhiều. Cứ nhìn những nhà hàng, quán ăn vị Bắc mọc lên ngày càng dày ở Sài Gòn hay giọng Bắc phổ biến ở nơi công cộng thì biết. Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của TPHCM, trong vòng 10 năm qua, mỗi năm dân số ở đô thị này tăng thêm 200.000-400.000 người, và hơn một nửa số người nhập cư đến từ Bắc và Trung bộ.
Tha hương là một ngã rẽ đặc biệt của số phận, nhưng nó không xảy ra với thiểu số người Việt. Chẳng phải đến khi phát hiện ra những người Việt nhập cư trái phép vào nước Anh phải bỏ mạng trong thùng xe tải người ta mới nhận ra di cư là một điều dị thường. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều cuộc di cư lớn từ Bắc vào Nam để lại nhiều cộng đồng đồng hương tại Tây Nguyên, Nam bộ, cao nguyên Nam Trung bộ hay một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là các cộng đồng di cư đã thành nổi tiếng tại Sài Gòn và ở các nước Mỹ, Úc, Đức, Pháp... Có những nhà nghiên cứu từng cho rằng Việt Nam là dân tộc có “gen di chuyển” vượt trội để sinh tồn.
Tôi cũng là một người di cư ngay trên chính đất nước mình khi từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống. Sài Gòn từ xưa tới nay được coi là thành phố cởi mở nhất với người nhập cư, cũng là nơi nhiều người tứ phương coi như miền đất hứa. Riêng với người Bắc di cư, người ta nghe thấy những cách gọi “Bắc 75”, “Bắc 54”. Tôi còn thấy một thế hệ “Bắc 2000”. Họ là nhiều người 9x, 8x, 7x và cả 6x “tính chuyện lâu dài” với thành phố này. Họ cũng như tôi, trở thành những cá thể gồm hai mảnh ghép: Hà Nội lắng đọng và Sài Gòn sôi nổi.
Hai mảnh ghép đó thực sự khác nhau rất nhiều. Vì thế mà những người Hà Nội ở Sài Gòn ấy, mỗi lần về lại quê nhà, cảm giác bối rối vì bị khai thác thông tin kiểu như anh lái taxi nhắc ở trên khiến họ mong nhanh nhanh quay lại Sài Gòn. Nhưng ở Sài Gòn, đôi khi bị nghe từ “Bắc kỳ” cùng vẻ mặt khó chịu của ai đó thì lại chạnh lòng nhớ về Hà Nội. Cái khoảng không gian cá nhân vì thế cứ co vào giãn ra mệt nhoài mỗi lần đi về giữa hai thành phố. Một là nhà, nơi có cha mẹ, bà con, bạn bè chung thủy, một thời niên thiếu nhiều kỷ niệm; một là nơi sống và làm việc, được thấy cuộc sống rộng hơn, bầu trời rộng hơn và được là mình nhiều hơn. Một là cảm xúc và mơ mộng, một là lý trí và thực tế. Một là sương giăng phố vắng, một là nắng gió xôn xao. Một là bún riêu cua ốc, một là hủ tiếu bún bò. Một là hoa đào năm ngoái, một là mai cúc chói chang... Cả trăm lần dân xa xứ ngay trên chính quê hương mình như tôi tự hỏi: phải nghiêng về nơi nào?
Thôi thì đành cứ yêu Hà Nội nhưng vẫn thích Sài Gòn.
Thích là vì cuộc sống dễ thở hơn, ra đường ít bon chen mệt mỏi hơn, ít bị để ý hơn, dịch vụ thuận tiện, con người đối xử với nhau chân phương. Nhưng thích mới chỉ là một bước trên đường để trở thành yêu, còn có thể trở thành yêu được hay không lại là chuyện khác. Thích mới là điều kiện để khởi động hành trình khám phá, tìm tòi, suy nghĩ, trăn trở và cân đong đo đếm. Nhưng khổ nỗi dù đã thích, khi thấy một bóng cây, một tiếng nhạc, một ngõ hẻm hay tiếng rao, trong lòng người Hà Nội vẫn bất chợt rung lên một nỗi nhớ.
Và, trong yêu mà có nhiều điều không thích; trong thích lại có những điều chưa thể thành yêu. Đó là cái tơ nhện đầy ngang trái của cuộc đời. Và vì cuộc đời luôn đi kèm kịch tính nên vẫn còn biết bao người đang di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn, từ Việt Nam ra nước ngoài để trở thành những người xa xứ. Mỗi ngày của chúng ta tiếp tục là một chuyến du ngoạn, khám phá, thích nghi, tương tác để giữ sáng ngọn lửa của chính mình.
Nguyễn Hoài Nam

14 tháng 3, 2021

Suy ngẫm

SỰ TĨNH LẶNG

Hơn cả muôn vàn lời nói, hơn cả muôn ngàn hành động, đó là những suy nghĩ tốt đẹp, là ánh mắt nâng đỡ, là những lời chúc lành thiện tâm. Sự tĩnh lặng ngọt ngào, thông tuệ mang mọi tâm hồn khác biệt chạm tới bình yên và hạnh phúc.

ST



Đọc Chậm

 “Như dòng sông chảy xiết, nước trôi mãi về xuôi; kiếp sống của con người, bước đi không quay lại.”(1)

Người không thể quay lại không phải chỉ một mình ai, mà là tất cả chúng ta, tất cả đều không thể, vì cuộc sống không có đường để quay trở lại.
Không thể gom hết từng giọt nước cam để làm lại thành một quả cam nguyên vẹn, không thể nối những mẩu than đã cháy đen để tìm lại một cây xanh; thời gian đã vắt kiệt tuổi trẻ, tháng năm đã đốt cháy rụi hết ngày hôm qua, nên dù cố quay đầu nhìn lại bao nhiêu lần, cũng không thể quay lại được ngày hôm qua. Nơi chúng ta có thể quay lại chỉ là những kí ức đã được cất giữ trong lòng, không phải ngày hôm qua.

Cuộc sống như dòng sông, dòng sông thời gian, dòng sông sinh diệt vô thường, ai càng cố đứng yên một chỗ, không muốn bị dòng thời gian đẩy đi, muốn được trẻ mãi, muốn những người thân yêu vẫn luôn còn ở đó, muốn những thứ đang có trong tay không mất, muốn những gì mình yêu thích không tàn phai; kẻ đó nhất định phải khổ, phải mệt rất nhiều như một người đang cố bơi ngược dòng nước lũ.
Cuộc sống như dòng sông, chảy dài kiếp phù sinh.
Chúng ta không thể trở lại ngày hôm qua, để làm thêm một chút gì đó cho những dở dang được trọn vẹn, hay để nói một câu gì đó mà ngày xưa chưa kịp nói, nhưng chúng ta có thể quay lại và tự ôm lấy mình bằng một cái ôm thật ấm, rồi đi tiếp.
Khi càng cố quay lại quá khứ, chúng ta càng bỏ quên hiện tại, làm cho hiện tại trở nên mịt mù.
Dòng sông ngoài kia, dù sớm hay muộn, tất cả đều về đến đích, vì nó biết cách tránh những chướng ngại vật; nhưng chúng ta, không phải ai cũng biết cách vượt qua chướng ngại để đến được nơi mong muốn của mình.
Dòng sông ngoài kia, khi cùng đường, chúng không bao giờ do dự rồi dừng lại, mà bình thản đi tiếp, bước qua nỗi sợ hãi và tuyệt vọng đang ở ngay trước mắt, rồi biến mình thành một dòng thác kì diệu. Con người, mấy ai có thể bước qua nỗi sợ hãi của mình như một dòng sông?
Dòng sông sẽ hòa vào đại dương, và con người, ai cũng sẽ cô độc trong bước chân cuối cùng khi cuộc hành trình của mình kết thúc, nhưng dù có cô độc cũng phải cô độc trong bình yên.
Cho dù cuộc sống đưa đẩy đến đâu, chúng ta hãy tìm thấy nhau bằng một nụ cười.
(Ô Cửa Thiền)

LOA LOA LOA: DU XUÂN TÂY THIÊN THIỀN VIỆN 21/3/2021

 Chào các bạn,

Như mọi năm, sau Rằm Tháng Giêng là tới chương trình du xuân của 12CD. Năm nay BTC muốn các bạn về với quần thể Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên (1 trong 3 Thiền Viện nổi tiếng nhất của phái Trúc Lâm Yên Tử) toạ lạc tại tỉnh Vĩnh Phúc, nằm về phía Tây, cách Hà Nội 85km.

Đây là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Khoảng thế kỷ thứ 3, khi hòa thượng Khương Tăng Hội dừng chân ở đây, dựng chùa truyền giáo. Vì thế nơi đây là cái nôi của Phật giáo Việt Nam mà dân Việt ta một lần nên tới lễ bái. 

Chương trình được bắt đầu từ 6h30, tập trung tại Nhà Hát Lớn, sau đó xe sẽ đưa chúng ta đi nguyên một ngày thăm quan trên đó (xem lịch trình các điểm ở sơ đồ cuối cùng), ăn trưa trên đó, tối trả về lại chỗ xuất phát. Bữa sáng đã được BTC mua xôi, bánh mì kẹp thịt.. các bạn yên tâm nhé.

Yêu cầu của BTC chỉ đơn giản thế này thôi: XIÊM Y NGAY NGẮN! 

Sẽ có 2 bạn được BTC bầu ra là Quân Đại Tá, và Tâm Đại Tá sẽ nghiêm khắc kiểm tra trang phục một cách hết sức kỹ càng trước khi lên xe, phòng tránh những rủi ro không đáng có, như : Đau mắt đỏ; Lác mắt; hay Nói lắp; hoặc tệ hơn.. (kiểu) Tay chân thiếu kiểm soát,  đặt nhầm chỗ vân vân và mây mây... :D).

Vậy đề nghị các bạn đăng ký ngay cho BTC (Hương, Ánh, Hà Béo) để biết số lượng người tham dự, giúp cho việc thuê xe phù hợp. Thời gian đăng ký, chậm nhất là Chủ nhật này, 21h ngày 14/3/2021 nhé các bạn yêu quý!

Mõ Làng 12CD cấp báo! :D) 

Lên thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên có thể đi bằng cáp treo..


... hoặc cuốc bộ

Lên cao, ta như hoà mình vào trời đất, hưởng linh khí hội tụ nơi này... 


Toàn cảnh kỳ vĩ của danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp này và rất nhiều điểm thăm quan thú vị trong hệ thống Thiền Viện: 
 


7 tháng 3, 2021

Đọc Chậm


Một trong thử thách của các linh hồn trưởng thành là phải học cách kiên nhẫn với những linh hồn non trẻ trong những mối liên hệ mật thiết. Với kinh nghiệm và khả năng thấu cảm của một linh hồn già dặn, họ không khỏi cảm thấy đau lòng khi nhìn thấy một ai đó (nhất là những người thân thích máu mủ của mình) đang bước đi trên một con đường mà họ biết chắc là sẽ không dẫn người đó đến hạnh phúc đích thực. Vì lòng trắc ẩn, một cách tự nhiên, họ sẽ ra sức khuyên bảo; thậm chí can ngăn để người kia không dẫm chân lên vết xe đổ của mình ngày xưa. Có thể họ quên mất rằng, mình cũng có một thời bồng bột dại dột như thế; nhờ một vài cú vấp ngã mà mới có được sự trưởng thành và chín chắn như bây giờ.

Làm sao có thể thuyết phục được một con ruồi đang còn đắm đuối trong đống mật khi nó chưa tự thấy ra sự nguy hại của mật ngọt? Chỉ khi nào nó suýt mất mạng vì mật rồi thì nó mới tự mình đi tìm lối thoát. Chỉ có khổ đau mới có sức mạnh làm người ta thức tỉnh! Nếu bạn là môt thầy thuốc, dù rất có thiện tâm, nhưng bạn không thể chữa bệnh cho một người cứ khăng khăng là mình đang không có bệnh 😀 Nên thôi, chừng nào người ta vẫn đang cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với thực tại thì mình cứ chúc lành cho họ. Khi nào họ bất giác nhận ra “ảo tưởng” của mình thì hãy lên tiếng. Tình thương thật sự luôn cần đến lòng bao dung và đức kiên nhẫn, vì mọi khoảnh khắc sống (nhất là những thời khắc đối mặt với nghịch cảnh) đều là những cơ hội quý giá để linh hồn chuyển hóa nhận thức và nâng cấp phẩm hạnh.
“Sự trợ giúp lớn nhất con có thể cho một người khác là đánh thức họ dậy, nhắc nhở họ về Người Mà Họ Thực Sự Là. Có nhiều cách để làm điều đó. Đôi khi với một chút giúp đỡ; một cú hích, một cú đẩy mạnh, một cái thúc cùi chỏ… và đôi khi với một quyết định để mặc họ, theo đường của họ, bước đi bằng chân họ, không can thiệp hay ngăn cản gì cả.”
“Năng khiếu vĩ đại của Giê-su là ngài nhìn thấy mọi người như họ thực sự là. Ngài từ chối không chấp nhận vẻ bề ngoài; ngài không chịu tin vào cái những người khác tin về chính họ. Ngài luôn có một suy nghĩ cao hơn, và luôn mời người khác tin vào đó. Nhưng ngài cũng tôn trọng nơi những người khác chọn. Ngài không yêu cầu họ chấp nhận ý niệm cao hơn của mình, mà chỉ đưa nó ra như một lời mời gọi. “(Đối thoại với Thượng Đế)
Vì thế, hãy yêu thương với lòng bao dung và đức kiên nhẫn; nhưng đừng kỳ vọng! Đủ nắng, hoa sẽ nở. Đủ 100 độ, nước sẽ sôi 💗💗💗

8/3 Chúc Bình An!

- Vì biết trong ta có cả đen lẫn trắng, không khước từ đen để hãnh diện vì mình trắng, không quá vui khi mình trắng mà cay đắng lúc mình đen, từ đó có Bình An.
-Vì biết nhìn người và vật không thể nhìn bề ngoài. Cái vỏ ngoài chỉ là giả tướng, từ đó có Bình An..
- Vì biết cảm hóa người khác là chuyện không dễ dàng, không quá mong mỏi người khác thay đổi theo ý mình, từ đó có Bình An.
- Vì biết đánh giá tình cảm của con người không chỉ nhìn qua hành động tạm thời trước mắt, mà qua hoạn nạn mới rạng chân tình, từ đó có Bình An..
- Vì biết Khổ đau đi theo sau Hạnh phúc như bóng dõi theo hình, không nhọc nhằn đeo đuổi hạnh phúc nữa, từ đó có Bình An..
- Vì biết bất cứ điều gì hễ có khi bắt đầu sẽ có lúc kết thúc, từ đó có Bình An.
- Vì biết cái Ác chỉ có thể thắng cái Thiện nhất thời rồi nhanh chóng nhường lại chỗ ngồi cho Chân Lý, từ đó có Bình An..
- Vì biết cái có thể mang theo được ở cuối con đường sinh mệnh đó là Tình Thương, Trí Tuệ và Nụ Cười, mỗi ngày sống với ba điều đó, từ đó có Bình An...
CHÚC MỪNG 8-3 THẬT NHIỀU BÌNH AN, CÁC BẠN NỮ NHÉ! <3
ST

4 tháng 3, 2021

Suy Ngẫm


Cô đơn không phải là khi ở một mình. Cô đơn là một trạng thái tâm khi muốn chạy trốn khỏi cảm xúc buồn chán, trống rỗng không dám đối diện với chính mình nên mới hướng ngoại để tìm niềm vui từ bên ngoài mong lấp đầy sự trống rỗng bên trong.

Nhưng tất cả niềm vui bên ngoài chỉ giúp tạm thời quên đi thôi. Còn nỗi cô đơn buồn chán tận sâu thẳm tâm can mỗi người thì vẫn còn đó. Không một ai, không một niềm vui bên ngoài nào có thể lấp đầy.
Chỉ khi trí tuệ phát sinh thì điều này mới được giải quyết tận gốc...
- Tâm Đức Hạnh -
(yenlang.net Group)

3 tháng 3, 2021

Tâm sự Thứ bảy (106) Phụ Nữ Tinh Tế


Trong cuộc sống người phụ nữ luôn đẹp dù ở bất kỳ cương vị nào, là cô thôn nữ, là cô bán hàng rong, hay là một người chủ doanh nghiệp, một vị giáo sư hay bác sĩ. Người phụ nữ đẹp là ở chính họ, chừng mực và dịu dàng, vui vẻ và hoà ái, cảm thông và giàu lòng trắc ẩn.

Thường người đàn ông hay yêu phụ nữ vì hình thức của họ: vì đôi mắt đẹp, vì nụ cười xinh, vì khuôn mặt trái xoan hay thân hình bốc lửa… Còn người phụ nữ, họ cũng muốn sở hữu tất cả những điều đó lắm chứ, thế nhưng tạo hoá chỉ cho họ một hoặc vài điều trong đó. Đôi khi, không có một điểm nào bắt mắt trong cái nhìn ban đầu cả. Nhưng họ vẫn luôn đẹp trong mắt người đàn ông của họ, người đàn ông biết tìm ra vẻ đẹp sâu lắng đằng sau vẻ ngoài bình thường của một người phụ nữ.

Mình biết một người đàn ông yêu một người phụ nữ. Ở cô không có gì thật đẹp hay nổi trội, nhưng người đàn ông ấy luôn cảm thấy thật hạnh phúc bên cạnh. Khi được hỏi, người đàn ông ấy chỉ nói một từ về người phụ nữ của mình, đó là: “ Cô ấy là một người phụ nữ tinh tế.

Đúng vậy, nếu để chọn, hãy chọn cho mình một người phụ nữ tinh tế, đàn ông nhé. Một người phụ nữ tinh tế giống như một bông hoa Quỳnh lặng lẽ nở trong đêm dù ngày hôm sau khi những ánh nắng đầu tiên chiếu xuống trái đất, bông hoa ấy sẽ khép cánh mãi mãi thì hương thơm và vẻ đẹp của nó đã toả ngát không gian.

Người phụ nữ tinh tế luôn biết mình và biết người. Ở họ có đủ sự hiểu biết để cảm thông, đủ yêu thương để chia sẻ. Bên cạnh một người phụ nữ tinh tế bạn sẽ luôn cảm thấy ấm áp và an lành.

Người phụ nữ tinh tế không có nghĩa sẽ uỷ mị, yếu đuối, ngồi đợi người đàn ông của họ ban phát tình thương. Khi yêu họ dám nói và dám làm tất cả vì tình yêu của mình. Một người phụ nữ tinh tế luôn biết thể hiện tình yêu của họ một cách chân thành, đúng mực, không ồn ào và cũng không yêu cầu đáp trả. Ở họ không có sự đổi chác. Ở họ chỉ có sự cho đi một cách thầm lặng.

Phụ nữ tinh tế lặng lẽ như tách trà toả hương*”. Sẽ là thật sai lầm khi nghĩ rằng yêu một người phụ nữ tinh tế sẽ nhàm chán, bởi người phụ nữ tinh tế khi yêu luôn nhường nhịn thường khiến cho người đàn ông của mình nghĩ rằng họ chỉ biết cam chịu và hy sinh. Họ có thể im lặng gắp đồ ăn cho người đàn ông của mình cả buổi. Khi tranh luận thành cao trào, họ sẽ mỉm cười và chuyển nội dung sang câu chuyện khác. Bởi họ luôn biết điểm dừng.

Một người phụ nữ tinh tế là vậy. Nếu ai có được họ, cho dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi trong cuộc đời thì người đàn ông ấy cũng thật đã may mắn. Còn nếu ai đang có họ, hãy giữ họ bên cạnh mình, đừng để họ đi mất nhé. Bởi khi họ đã ra đi, bạn không thể níu kéo được. Ở người phụ nữ tinh tế luôn có lòng tự trọng rất lớn. Họ rất dễ bị tổn thương vì thế hãy trân trọng những gì họ đã làm cho bạn một cách tinh tế và thầm lặng.

Nhân ngày 8/3 'tám' một chút về người phụ nữ tinh tế, cũng chỉ để nói rằng tất cả vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ như đoá Phù Dung, sẽ theo thời gian tàn phai nhanh chóng, nhưng tâm hồn của những người phụ nữ luôn đẹp đẽ và toả sáng. 

Vì thế, các bạn gái 12CD hãy là những người phụ nữ đẹp trong mắt người đàn ông của mình nhé. Còn đàn ông 12CD hãy khiến cho người phụ nữ của mình trở thành đẹp nhất có thể, một người phụ nữ khó có thể thay thế trong cuộc đời của bạn./.

BH. 8/3/2016
(* Lời của Khổng Minh)

Nếu tôi chết, hãy chôn tôi vào ngày mùng 8 tháng 3!


Hầu như tất cả đàn ông trên thế giới đều tuyệt vọng khi biết rõ rằng mình sẽ chết một cách tầm thuờng và vô bổ.
Kẻ thì do tai nạn giao thông, kẻ thì do xơi thức ăn nhiễm độc, do uống ruợu say tự gây nên thảm họa. Đa số lả dần đi trên giường, con cái quay xung quanh buồn bã vì tài sản để lại chả đáng bao nhiêu.
Vì vậy, khao khát đuợc hy sinh một cách anh dũng được dư luận nhắc tới ồn ào và hùng tráng là khao khát chính đáng cháy bỏng của toàn thể đấng mày râu.
Nhưng thực hiện chuyện ấy hoàn toàn không phải dễ, vì cần phải làm đuợc thứ gì đó phi thường, kiểu như giết mấy trăm quân thù trong chiến đấu, cứu được một đoàn tàu hỏa sắp đổ kềnh, hay đoạt chừng ba bốn giải Nobel.
Tuyệt vọng !

Tuy nhiên Lê Hoàng không ngốc như thế. Hắn biết một điều rất có giá trị: đó là hãy chọn băng hà vào đúng hôm mùng 8 tháng 3.
Về mặt khoa học, mùng 8 tháng 3 giống hệt bao nhiêu ngày khác trên trái đất này. Nghĩa là mặt trời cũng mọc, chim chóc cũng bay, mèo kêu meo meo và vịt vẫn kêu cạp cạp. Nếu nhìn qua loa, chả có gì thay đổi cả.
Nhầm to !
Mồng 8 tháng 3 là ngày phụ nữ. Trong 24 giờ đồng hồ thiêng liêng và khủng khiếp đó, phụ nữ cơ bản cần gì?
Chỉ những kẻ điên mới tưởng các bà, các cô cần mấy bông hoa hồng mua vội vã, đuợc băng bó sơ sài rồi tặng một cách qua loa.
Chỉ có những chàng ngốc mới nghĩ các cô các bà cần dẫn đi ăn ở những nhà hàng có thắp nến lờ mờ cùng chai rượu vang ủ rũ, đặt bừa cạnh đĩa rau xào.
Chỉ đàn ông nhạt nhẽo mới tin phụ nữ công ty cần mấy lời chúc tụng giống nhau và một buổi karaoke do đàn ông nhăn nhó góp tiền.
Không. Quyết không!
Ước mơ dữ dội nhất và cháy bỏng nhất của các bà, các cô toàn thế giới hôm đó là muốn đàn ông phải ra sức nếm trải việc nhà.
Họ muốn đàn ông hãy thử một lần trong đời, vừa rửa bát đĩa sạch bóng, lau chùi sàn và cầu thang còn sạch bóng hơn, mang chút tiền còm đi chợ, vật lộn mua thức ăn về với giá cắt cổ.
Sau đó vừa rửa rau, vừa vo gạo, vừa châm bếp ga xộc xệch, vừa đá con mèo lải nhải kêu la.
Tiếp theo lặc lè vác chậu quần áo lên sân thượng, mang nồi thuốc lên cho mẹ chồng, khuân bô xuống cho em bé, tay phải cầm chai xịt muỗi, tay trái cầm gói xà phòng, đầu cắm cái lược gãy răng, chân đi đôi dép mòn trơ đến móng...
Cư thế, lại tung hoành trong căn hộ chung cư chật chội hoặc trong căn nhà phố cấp ba mua chưa trả góp hết ngân hàng.
Đấy, gần 90% phụ nữ muốn đàn ông hãy nếm mùi các lao động khổ sai thầm kín và đau thương như thế, để họ đừng có vác mặt lên khi mang tiền về nhà hoặc nhăn nhó quay đi khi thấy vợ không thơm phức.
Phụ nữ tin một cách sắt đá chỉ cần trải qua 24 giờ khắc nghiệt đó , đàn ông sẽ phải tắt thở.
Cho nên nếu lão Lê Hoàng lăn quay ra chết đúng ngày 8/3, phụ nữ toàn quốc không để cái chết ấy trôi qua uổng phí, trôi vào sự vô danh.
Họ sẽ hét lên với toàn thể nhân loại rằng: Đấy, một kẻ đẹp trai như thế, nhiều dũng mãnh như thế và có cái mồm dẻo dai như thế chỉ làm việc nhà một buổi đã kiệt sức đến tận cùng!
Đó là một chân lý sáng ngời, một bằng chứng không thể phủ nhận rằng việc nhà vô cùng nặng nhọc, tàn phá thể xác và tâm hồn khốc liệt đến cỡ nào.
Đàn ông phải thấu hiểu điều này và hãy đứng nghiêm, ngã mũ ,tất nhiên không phải truớc linh cữu Lê Hoàng mà trước sức lao động bao năm qua của phụ nữ chúng tôi.

Đàn ông thà chết chứ không bao giờ vào bếp
Tuy nhiên, phe đàn ông hoàn toàn nghĩ khác. Theo họ, trai tráng sinh ra để làm những việc dời non lấp bể, nghiêng nước nghiêng thành.
Đàn ông cần lái phi thuyền lên mặt trăng, phát minh ra tàu ngầm nguyên tử, ngồi trong phòng tổng giám đốc hét vào máy điện thoại hay vừa vẫy tay vừa bước lên phát biểu trên diễn đàn.
Nếu ít nhất cũng vừa uống hết mười chai bia, vừa ăn đến tận cùng hai cân lòng lợn, đưa ra ý kiến quyết định xem ai nên làm tổng thống Mỹ kì này...
Nói chung, đàn ông muốn làm những việc lẫm liệt phi thường, nếu không làm đuợc thì cũng chỉ nghĩ đến những việc phi thuờng lẫm liệt.
Đấng nam nhi thà chết chứ không thể vùi thân trong đống quần áo chưa giặt hay mớ bát đĩa chưa lau.
Do đó, khi tên Lê Hoàng từ trần ngày 8/3 , tất cả đàn ông sẽ gào lên: Thấy chưa, anh ấy thà hy sinh chứ không mó tay vào bất cứ cái gì trong bếp, anh ấy thà ra đi mãi mãi chứ không chịu khuất phục bởi đám xoong nồi.
Lê Hoàng yêu cuộc sống, thậm chí yêu một cách điên cuồng nhưng không vì thế để cuộc sống của mình chìm trong đại duơng nội trợ.
Sự ra đi của Lê Hoàng là một bằng chứng hùng hồn về quyết tâm sắt đá của một đàn ông thà chết vì việc lớn chưa làm còn hơn sống với những việc nhỏ kẻ nào làm cũng được.
Một gã trai xưa nay thường lén lút bênh vực phụ nữ, đã đôi lần phản bội anh em mà còn cư xử như thế thì các bà các cô chớ có lèo nhèo.
Tóm lại, cái chết của Lê Hoàng sẽ làm rung động cả hai phe lần đầu tiên trong lịch sử. Đàn ông và đàn bà đều có một tấm guơng sáng chói để minh họa khao khát của mình.
Lê Hoàng không cần cặp với đại gia, không cần chia tay ca sĩ nổi tiếng, và tất nhiên cũng không chút lộ hàng, bỗng trở nên một sự kiện truyền thông vĩ đại. Thử hỏi có mấy ai trên đời may mắn thế, thử hỏi có vĩ nhân nào đuợc ca tụng bởi cả hai bên?
Rõ ràng, con người sống thế nào không quan trọng, mà quan trọng là tìm được thời gian thích hợp ra đi.
Cho nên xin nhắc lại: Nếu tôi chết, hãy chôn tôi vào ngày mùng 8 tháng 3!
(Lê Hoàng)