Pages

30 tháng 4, 2021

Bạn cần biết: Bạo Hành Cảm Xúc

 

5 hành vi yêu đương tưởng bình thường nhưng độc hại

Không giống như bạo hành thể chất, bạo hành cảm xúc thường khó nhận ra, thậm chí khiến bạn lầm tưởng mình được yêu thương.

Trong giai đoạn đầu của tình yêu, kẻ bạo hành cảm xúc thường thể hiện như một người quan tâm, yêu thường và để ý. Dần dần, họ mới bộc lộ rõ bản chất.

"Sự tử tế đó nhằm chiếm lòng tin của con mồi, khiến họ trở nên dễ tổn thương và bị điều khiển", Lisa Ferentz, chuyên gia nghiên cứu sang chấn tâm lý ở Maryland (Mỹ), nói.

Dưới đây là những hành vi tưởng bình thường nhưng có thể ẩn chứa nguy cơ bạo hành cảm xúc mà bạn cần lưu ý ở nửa kia.

Chỉ muốn thời gian riêng tư của bạn dành cho họ

Khi mới yêu, việc dành thời gian tìm hiểu nhau là điều cần thiết. Tuy nhiên, dần dần, cả hai phải gặp gỡ thêm gia đình, bạn bè của nhau. Nếu đối tác của bạn chỉ muốn hai người ở cạnh nhau và nói những câu như "thời gian chúng ta ở riêng rất quý giá, anh/em không cảm thấy vui khi có mặt người khác", nhiều khả năng họ đang cố cô lập bạn khỏi những mối quan hệ khác.

"Khi đó, bạn bè và gia đình sẽ không thể chứng kiến người kia đối xử với bạn ra sao. Bạn cũng không thể nhờ họ đưa ra lời khuyên và sự trợ giúp cần thiết để rời bỏ mối quan hệ", Ferentz nói.

Hãy để ý cả những lúc bạn kể cho đối tác nghe về mâu thuẫn với gia đình, bạn bè. Thật tốt nếu người đó nói ủng hộ bạn vô điều kiện. Nhưng cẩn thận nếu anh/cô ta tìm cách chia rẽ bạn với thân nhân, ví dụ như gợi ý bạn đừng gặp họ nữa.

Muốn kết hợp tài chính từ sớm

Mở tài khoản chung hoặc chia sẻ thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng cho thấy sự tin tưởng nhau tuyệt đối và thường chỉ xuất hiện khi hai người đã kết hôn. Việc đối tác của bạn vội vã đề nghị hai người kết hợp tài chính chưa chắc là dấu hiệu muốn cam kết mà có thể nhằm mục đích loại bỏ sự độc lập kinh tế của bạn, từ đó khiến bạn không thể rời bỏ mối quan hệ.

Bên cạnh đó, theo Ferentz, kẻ bạo hành cảm xúc hay tỏ ra muốn minh bạch về tài chính theo kiểu "cái gì của anh/em cũng là của em/anh" nhưng thực chất, mối quan hệ này chỉ diễn ra một chiều. Bạn sẽ là người chia sẻ mọi thứ còn họ hoặc lợi dụng số tiền bạn kiếm được hoặc lập "quỹ đen" riêng.

Kiểm tra bạn liên tục

Hai người trong mối quan hệ yêu đương lành mạnh thường cho nhau biết lịch trình trong ngày vì họ tò mò về cuộc sống của nhau. Tuy nhiên, kẻ bạo hành cảm xúc sẽ đòi bạn báo cáo thường xuyên về vị trí và người đi cùng, thậm chí liên tục nhắn tin và gọi điện.

"Hành động này trông giống như sự quan tâm, tình yêu chân thành nhưng thực chất lại là cơn ghen tuông độc hại và tính chiếm hữu", Ferentz phân tích.

Đôi khi, kẻ bạo hành cảm xúc đóng vai "vệ sĩ", muốn giữ cho bạn được an toàn. Từ chỗ đưa đón bạn hoặc gọi điện để chắc chắn bạn đã về nhà, họ bắt đầu đề nghị bạn bớt ra ngoài, tra hỏi bạn gọi điện cho ai thậm chí buộc tội bạn ngoại tình những khi không thể liên lạc được.

Kẻ bạo hành cảm xúc ban đầu tỏ ra tử tế, quan tâm nhưng về sau lại hay nổi giận, chỉ trích. Ảnh: Womens Health.

Kẻ bạo hành cảm xúc ban đầu tỏ ra tử tế, quan tâm nhưng về sau lại hay nổi giận, chỉ trích. Ảnh: Women's Health.

Mua những món quà xa xỉ

Thật tuyệt khi được người yêu chiều chuộng nhưng kẻ bạo hành cảm xúc sẽ biến những món quà xa xỉ thành công cụ thao túng.

"Choáng ngợp trước những bó hoa hay đồ trang sức đắt tiền, bạn sẽ không còn mấy để tâm khi bị người kia từ chối một số mong muốn", Carol A. Lambert, nhà trị liệu tâm lý, tác giả cuốn sách Women With Controlling Partners (Những phụ nữ yêu phải kẻ kiểm soát) nhận định.

Vấn đề ở chỗ, giai đoạn ngọt ngào này chẳng kéo dài lâu. Kẻ bạo hành cảm xúc sẽ nhanh chóng than phiền rằng bạn không đối xử với họ đủ tốt như cách họ đối xử với bạn. Kết quả, bạn cảm thấy tội lỗi, thậm chí nghĩ rằng tại mình mà người kia thay đổi và cố gắng cư xử theo ý người đó.

Không hỗ trợ bạn cải thiện bản thân

Trong những mối quan hệ lành mạnh, hai người sẽ cho nhau tình yêu và sự hỗ trợ cần thiết để ngày càng tiến bộ hơn trong cuộc sống, thể hiện qua những thứ nhỏ nhặt như cổ vũ nhau tập thể dục, giúp nhau chuẩn bị phỏng vấn cho công việc mơ ước hoặc cùng bỏ một thói quen xấu.

Kẻ bạo hành cảm xúc ban đầu tỏ ra ủng hộ nhưng sau đó, thay vì hỏi "anh/em có thể giúp đỡ em/anh thế nào", họ chỉ chỉ trích bạn, thậm chí trầm trọng hóa vấn đề. "Ví dụ, họ kêu ca rằng khi say, bạn hành xử rất tệ, nói quá to và tất cả những người khác đều kêu ca về bạn trong khi thực tế chưa chắc bạn đã làm những điều đó", Beverly Engel, nhà trị liệu tâm lý kiêm tác giả cuốn sách The Emotionally Abusive Relationship (Mối quan hệ bạo hành cảm xúc) nói.

Bằng cách chỉ trích và làm bạn mất niềm tin vào bản thân, kẻ bạo hành cảm xúc dễ khiến bạn nghe theo lời họ.

Cần lưu ý, không phải lúc nào các hành vi tử tế cũng là dấu hiệu bạo hành cảm xúc.

"Có những người thực sự đầy yêu thương và hào phóng", Sharie Stines, nhà trị liệu chuyên về hồi phục sau lạm dụng, cho biết. Vấn đề chỉ xảy ra khi bạn cảm thấy sợ hãi, ép buộc hay tội lỗi trước những cử chỉ quan tâm của đối phương

Để thoát khỏi một mối quan hệ bạo hành cảm xúc, bạn hãy nhờ đến một người bạn, gia đình hoặc tìm đến các chuyên gia trị liệu.

Thu Nguyệt (Theo the St

28 tháng 4, 2021

Hỏi Đáp


Hỏi:  Tôi có học yêu được không?

Trả lời:
Tình yêu không phải là việc học mà là trưởng thành. Tất cả mọi điều cần thiết về phần bạn không phải là học cách yêu, mà là gỡ bỏ cách không yêu.

Osho

24 tháng 4, 2021

ĐIỆU FLAMENGO CUỐI CÙNG Ở BARCELONA

====
Ở nơi nào, người giấu mặt sau trăng?
Mây sắp khuất nửa vầng bên kia núi
Ở nơi đây, quỹ thời gian khóa trái
Lật trang nhật ký nào cũng xóa trắng như nhau
Ở nơi này, phố biển không có chiều
Hoàng hôn vụn trong lũ triều mê mải
Những con phố nắng xiên miền duyên hải
Trăng quên soi chênh chếch phía không người
Những đêm dài nghe bão thổi ngoài khơi
Và sóng nữa cứ muốn vào trong cát
Nghe ngày đi trên bãi mềm ẩm ướt
Giấu bâng khuâng một nhát cắt vô tình
Điệu Flamenco cuồng nhiệt giữa đường
Hay vũ khúc Spainien người hát rong trên phố
Góc nhà thờ dội thanh âm như sóng lũ
Người hát đâu rồi...
Đồng xu cũng thôi rơi...
Nghe mưa đi cuộn bão giữa trùng khơi
Và gió chạy tơi bời trên cát nóng
Gót chân trần bãi hoang em về trong câm lặng
Cánh buồm ai màu đỏ loang rồi...
Sẽ bỏ lại nơi này... Sẽ khát cháy người ơi
Thương đến thế... Vẫn nói lời giã biệt!
Vũ khúc Flamenco đốm lửa trên sóng biếc
Nghe bão về trong đáy cuộc từ ly...
---
Ka
30.09.2016

NỖI BUỒN ĐỂ SỐNG

Tôi có đủ nỗi buồn để sống
Như sáng nay ra ngồi mép sông Hồng
Bãi ngô non vẫn còn nguyên vẹn đó
Ai biết mình vừa mất mát gì không?

Tôi có đủ nỗi buồn để sống
Như trưa nay bất chợt trận mưa rào
Những giọt mưa không làm tôi ướt áo
Chỉ ướt sũng hồn - chả biết tại vì sao.

Tôi có đủ nỗi buồn để sống
Như chiều nay thảng thốt gọi một người
Một người bạn đã lâu rồi mới gặp
Đứng bên đường - như kẻ dại nhìn tôi.

Tôi có đủ nỗi buồn để sống
Như tối nay tìm đến giữa sân trường
Con bướm trắng đã về nơi chín suối
Cỏ chọi gà ngơ ngác một mùi hương.

Tôi có đủ nỗi buồn để sống
Như đêm nay - mình đọc lại thơ mình
Những câu thơ viết trong thời trận mạc
Thêm một lần - thấm thía nghĩa hy sinh...

Tôi có đủ nỗi buồn để sống
Như sáng mai lại thêm một nỗi buồn
Một nỗi buồn lẽ ra không nên có
Nhưng nếu không buồn
có lẽ
lại buồn hơn...
(Hoàng Nhuận Cầm)

 

Đọc chậm: NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA TÂM HỒN CHÂN THẬT

1. KHIÊM TỐN.
- Khoe khoang không xấu nhưng nhiều người không thích tính cách phóng đại. Người chân thật có tính cách khiêm tốn, tự tin vào những gì bản thân đã làm được. Bởi họ luôn biết mình là ai và đủ tự tin để có thể thoải mái ở vị thế của mình.
2. TÔN TRỌNG MỌI NGƯỜI.
- Người chân thật biết cách hành xử đúng đắn với những người xung quanh. Cho dù đối phương là ai, ở vị trí nào, làm nghề gì, chắc chắn người chân thật vẫn luôn lịch sự và tôn trọng bởi họ hiểu rằng dù họ có cư xử tốt đến mấy trong bữa ăn thì chỉ một hành động xấu cũng khiến mọi thứ trở nên vô nghĩa.
3. KHÔNG BỊ CÁM DỖ BỞI VẬT CHẤT.
- Hạnh phúc đối với người chân thật phải đến từ bên trong, đơn giản chỉ là những niềm vui bé nhỏ, những khoảnh khắc được ở bên gia đình, bạn bè. Với họ, hạnh phúc không cần những thứ hào nhoáng vật chất bên ngoài. Chạy theo thời thượng không chắc mới là tốt.
4. TÔN TRỌNG VÀ TIẾP THU Ý KIẾN CỦA NGƯỜI KHÁC.
- Chẳng ai muốn tiếp tục nói chuyện với một người đã luôn có thành kiến và không muốn lắng nghe. Vì thế, những người chân thật nhờ có sự cởi mở của mình mà luôn tiếp cận và thu hút người khác dễ dàng hơn. Duy trì tâm thái cởi mở vô cùng quan trọng trong một cuộc giao tiếp, hãy cố gắng bỏ qua sự phán xét và thành kiến đủ để hiểu điều đối phương quan tâm.
5. CÓ KHÍ CHẤT RIÊNG CỦA BẢN THÂN.
- Biết bản thân là ai, không giả tạo, không đóng vai người khác chính là điểm mạnh của người chân thật. Họ được tự do sống cuộc đời của mình mà không mưu cầu cảm giác vui sướng từ ý kiến đánh giá của những người khác. Họ làm những gì họ tin là đúng và nếu ai đó không thích điều họ làm thì cũng chẳng sao cả bởi họ có các nguyên tắc chỉ đạo của bản thân và tự đo lường chính mình.
6. LUÔN RỘNG LƯỢNG, HÀO PHÓNG.
- Chỉ những người nhỏ nhen mới sợ người khác tỏa sáng hơn mình nếu chẳng may mình cung cấp cho người đó cơ hội hay phương thức cần để thực hiện công việc. Còn những người chân thật ngược lại, họ chẳng ngần ngại thể hiện ra rằng họ muốn đồng nghiệp của mình thành công bởi bản thân họ đã luôn tin vào khả năng của mình và thành công của người khác không làm họ trở nên tồi tệ.
7. CÓ BẢN LĨNH.
- Nhiều người tự ái khi nhận được nhận xét của những người xung quanh nhưng với người chân thật, họ không coi đó là một cuộc tấn công cá nhân, cũng không cảm thấy bị sỉ nhục và không bắt đầu âm mưu trả thù của mình. Thậm chí, họ có thể đánh giá một cách khách quan các phản hồi tiêu cực và xây dựng, chấp nhận những gì có hiệu quả và đưa nó vào thực tế.
8. TẬP TRUNG HOÀN TOÀN TÂM Y' VÀO CUỘC ĐÀM THOẠI
- Người chân thật biết tạo ra sự kết nối và tìm kiếm chiều sâu ngay cả trong những cuộc trò chuyện ngắn ngủi. Chính bởi vậy, đối phương sẽ sẵn sàng trả lời những câu hỏi có tính thiện chí liên quan đến những khía cạnh quan trọng khác trong cuộc sống của đối phương.
9. KHÔNG CỐ LẤY LÒNG NGƯỜI KHÁC
- Người chân thật biết rõ vị trí của mình, thậm chí, họ chấp nhận có người thích họ và có người không thích họ để từ đó biết hài hòa các mối quan hệ. Họ không mưu cầu cách phô trương, phóng đại bản thân cũng như tạo ấn tượng thái quá trong mắt người khác; vì thế, cách nói chuyện thân thiện, tự tin của họ sẽ được chú ý hơn nhiều.
10. SỐNG THẬT VỚI CHÍNH MÌNH.
- Người chân thật không dựa vào ánh đèn sân khấu hay một thành tích lóng lánh của người khác đế sống. Họ không cần sự ngưỡng mộ của người khác để cảm thấy bản thân mình tốt lên; chính vì thế, họ sẽ lặng lẽ bắt tay vào làm những điều mình cần phải làm.
'' Thế gian vốn dĩ thăng, trầm
Dại, khôn.. thua một nét tâm thật thà..''
Thích Tánh Tuệ

23 tháng 4, 2021

Hỏi Đáp


Hỏi:

Con được nghe như vầy: Người mới chết lâm sàng thì trong vòng 8 tiếng đồng hồ không được đụng vào vì sẽ làm cho người chết rất đau đớn. Thắc mắc của con là:
1. Như thế nào gọi là chết lâm sàng?
2. Nếu đã chết thì thần thức đi đầu thai rồi, chỉ còn có tứ đại đang tan rã thì làm sao có đau đớn?
Xin Thầy chỉ dạy cho con. Con xin cảm ơn Thầy. Kính
TRẢ LỜI:
1) Chết lâm sàng là cái chết sinh học của xác thân, nên chưa hẳn tâm đã thoát khỏi xác thân ấy, do thân mạng không còn hoạt động nhưng sinh nghiệp chưa chấm dứt, nên có thể về tâm thì tiến trình tử tâm (cuti) qua thức tục sinh (patisandhi) chưa diễn ra.
2) Do đó người ta nghĩ để cho chắc chắn người chết đã đi tái sinh rồi mới liệm, mai táng hoặc hoả táng, và kỹ hơn nữa họ không đụng vào xác ấy, phòng khi tiến trình cuti của người chết chưa hoàn thành. Còn trường hợp chắc chắn cả thân mạng và nghiệp mạng của người ấy đã chấm dứt thì làm gì cái xác cũng không sao.
Như vậy có ba cái chết:
1) Chết lâm sàng do chấm dứt hoạt động của thân, nghĩa là thân chết nhưng tâm vẫn còn.
2) Chết do sinh nghiệp chấm dứt, nghĩa là sinh nghiệp chấm dứt nhưng thân còn hoạt động, như trường hợp thở khí oxy.
3) Chết do thân mạng và nghiệp mạng cùng chấm dứt. Trường hợp này thì chết hẳn và đã tái sinh dù tái sinh cõi âm (peta) mà Bắc Tông gọi là thân trung ấm...
Thầy Viên Minh

21 tháng 4, 2021

Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm!

Vẫn còn mãi những dòng thơ tuổi học trò theo suốt cuộc đời của nhiều thế hệ. Vĩnh biệt anh, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm!

CHIẾC LÁ ĐẦU TIÊN
Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say
Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Lời hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi
“Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy!”
Mười chú chứ, nhìn xem, trong lớp ấy
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao)
Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc đã chớm bạc thêm
Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi
Em đã yêu anh, anh đã xa rồi
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên.

Hoàng Nhuận Cầm.  

Đọc chậm


Hãy nhận biết những gì ta đang làm. Nó là thiện hay tội lỗi. Nếu là thiện thì cứ làm. Nếu là tội lỗi thì không nên làm. Vì nhân quả là có thật, chỉ việc nó đến sớm hoặc muộn thôi. Nếu không có khả năng tạo ra cuộc sống ổn định bằng những nghề nghiệp lương thiện thì tuyệt đối xin đừng làm điều tội lỗi với ý muốn cuộc sống an nhàn đầy đủ vật chất. Làm việc chỉ để nuôi thân này, đủ ăn và có dùng trong khi hữu sự là được. Ai giàu thì mặc kệ họ. Nghèo nhưng đủ ăn đủ dùng, gia đình hòa thuận hạnh phúc là được. Nếu vì ham mê cuộc sống giàu sang mà làm việc tội lỗi, gieo nhận bất thiện thì chúng ta sẽ chịu quả khổ trong tương lai là chắc chắn. Nếu nghèo thì nghèo một kiếp thôi. Hãy gieo nhân lành, làm việc thiện để nhận quả lành trong ngày vị lai.

Nay vui, đời sau vui
Ai làm các việc lành
Các đời sau điều vui.
Nay buồn, đời sau buồn
Ai hành nghiệp bất thiện
Các đời chịu khổ đau.

Thế thôi...!
HT.VIEN MINH

13 tháng 4, 2021

Trước khi muốn ở bên ai đó, hãy học cách sống cô độc

Năm 1840, Edgar Allan Poe miêu tả ‘năng lượng điên' của một người đàn ông luống tuổi đi lang thang khắp đường phố London từ sáng đến đêm. Nỗi đau đớn cùng cực của ông chỉ có thể được nguôi ngoai phần nào nếu ông quăng mình vào đám đông nhộn nhạo của thành phố. “Ông ấy từ chối ở một mình,” Poe viết. Ông “là điển hình và cảm hứng của tội ác … Ông ta là người của đám đông.”
Giống như rất nhiều nhà thơ và triết gia trải đời khác, Poe nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cô độc. Thật là ‘một bất hạnh lớn,’ ông nghĩ, khi mất khả năng ở một mình, khi bị cuốn vào đám đông, khi hy sinh sự độc nhất của mình để làm hài lòng số lớn. Hai thập kỷ sau, ý niệm về sự cô độc thu hút trí tưởng tượng Ralph Waldo Emerson theo một cách khác: trích lời Pitago, ông viết: “Vào buổi sáng - bản chất của sự cô độc sẽ kích thích trí tưởng tượng theo cách mà sự song hành không bao giờ làm được.” Emerson khuyến khích những nhà giáo thông thái nhấn mạnh với học sinh tầm quan trọng của “những khoảng thời gian và thói quen ở một mình.” Thói quen ấy cho phép ta có “những suy nghĩ nghiêm túc và trừu tượng.”
Trong thế kỷ 20, ý tưởng về sự cô độc đã hình thành nên cốt lõi suy nghĩ của Hannah Arendt. Là một kẻ di dân người Đức gốc Do thái đã trốn khỏi Nazi để sang Mỹ, Arendt dành phần lớn cuộc đời nghiên cứu mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Đối với bà, tự do là một sợi dây bị căng hai đầu - một đầu riêng tư, hay gọi là vita contemplativa (đời sống nội tâm) và một đầu xã hội, gọi là vita activa (đời sống xã hội.) Bà hiểu rằng tự do đòi hỏi không chỉ khả năng cư xử ngẫu nhiên và sáng tạo ở chốn đông người. Nó còn đòi hỏi khả năng suy xét và phán đoán trong không gian riêng tư, khi sự cô độc giúp một cá nhân suy ngẫm về hành động và đào sâu lương tâm của mình. Nói cách khác, cô ta được thoát khỏi sự ồn ã của đám đông để rốt cuộc nghe được suy nghĩ bản thân mình.
Năm 1961, báo The New Yorker thuê Arendt đưa tin về vụ xử Adolf Eichmann, một sĩ quan SS (lực lượng vũ trang Nazi) đã góp phần chỉ huy thảm sát Holocaust. Bà muốn biết làm sao một con người có thể gây ra một tội ác khủng khiếp như vậy? Chắc chắn chỉ có những tên tâm thần đầy dã tâm mới có thể tham gia vào hành động ấy. Nhưng Arendt rất ngạc nhiên trước trí tưởng tượng nghèo nàn và sự rập khuôn quá mức của Eichmann.
Bà lập luận rằng mặc dù hành động của Eichmann xấu xa, con người Eichmann “khá bình thường, phổ biến, và không hề quỷ quyệt hay thú tính. Không có dấu hiệu về một lý tưởng nào hằn sâu vào đầu óc.” Bà cho rằng sự tàn bạo của ông ta - khả năng và sự thích thú được phạm tội - bắt nguồn từ “sự thiếu chín chắn.” Chính việc không thể dừng lại và suy nghĩ đã thúc đẩy Eichmann tham gia vào thảm sát quy mô lớn.
Giống như cách Poe nghi ngờ rằng luôn có sự nham hiểm ác độc thầm kín đằng sau một người của đám đông, Arendt nhận ra rằng: “Một người không biết đến những khoảng lặng (khi chúng ta ngẫm nghĩ về điều chúng ta nói và việc chúng ta làm) sẽ luôn tự mâu thuẫn. Điều này có nghĩa là hoặc anh ta sẽ không bao giờ có thể hay muốn giải thích những gì anh ta nói và làm, hoặc sẽ phạm tội không ghê tay, vì anh ta tin rằng người ta sẽ quên ngay chuyện đó.” Eichmann đã lảng tránh sự suy ngẫm của Socrates. Ông ta thất bại khi quay trở về với bản thể, về trạng thái cô độc. Ông ta đã vứt bỏ đời sống nội tâm (vita contemplativa), và vì thế thất bại trong việc bắt đầu quá trình tự-hỏi-và-trả-lời cần thiết để hiểu sâu ý nghĩa của sự việc, và để phân biệt giữa sự thật và chuyện kể, sự đúng đắn và sai lầm, lương thiện và độc ác.
“Chịu đựng sai lầm tốt hơn là làm sai,” Arendt viết, “bởi vì bạn vẫn có thể làm bạn với người chịu khổ, nhưng ai muốn làm bạn và sống cùng một kẻ giết người? Kể cả một kẻ sát nhân khác cũng không muốn.” Không phải là những người không suy nghĩ là quái vật, chỉ là những kẻ mộng du buồn bã của cuộc đời sẽ giết người trước khi đối mặt với bản thân trong sự cô độc. Eichmann đã cho Arendt thấy rằng xã hội vận hành tự do và dân chủ chỉ khi nó được cấu thành bởi những cá nhân chủ động suy nghĩ - một hành động cần sự cô độc. Arendt tin rằng “sống chung với người khác bắt đầu bằng việc sống chung với chính mình.”
Một người không biết đến những khoảng lặng (khi chúng ta ngẫm nghĩ về điều chúng ta nói và việc chúng ta làm) sẽ luôn tự mâu thuẫn.
Nhưng nếu như, chúng ta tự hỏi, chúng ta trở nên cô đơn trong khi một mình thì sao? Không phải sẽ có những nguy cơ tiềm tàng rằng chúng ta sẽ trở thành những cá nhân cô lập không bạn bè ư? Từ lâu các triết gia đã phân biệt rõ ràng và cẩn thận sự khác biệt giữa sự cô độc và nỗi cô đơn. Plato thuật lại một câu chuyện mà trong đó Socrates ngợi khen một triết gia cô độc. Bằng biểu tượng cái động, người triết gia trốn thoát khỏi sự tăm tối của một cái hang dưới lòng đất và sự đồng hành của những người khác để tìm thấy ánh sáng của suy ngẫm. Một mình nhưng không cô đơn, người triết gia đã hiểu sâu về nội tâm của mình và về cuộc đời.Trong sự cô độc, cuộc đối thoại yên lặng mà trong đó “tâm hồn trò chuyện với bản thân cô ấy" cuối cùng cũng có thanh âm.
Lặp lại Plato, Arendt quan sát: “Suy nghĩ, mà được khẳng định bằng lời nói, là một công việc cô độc nhưng không cô đơn; cô độc là một trạng thái con người mà tôi đồng hành cùng chính mình. Niềm cô đơn đến khi tôi không có sự đồng hành" nhưng khao khát và không tìm được nó. Trong trạng thái cô độc, Arendt không bao giờ mong mỏi cồn cào tình bạn bởi bà không thật sự cô đơn. Nội tâm chính là một người bạn mà bà có thể trò chuyện cùng, là một giọng nói câm với câu hỏi quan trọng của Socrate: “Bạn có ý gì khi nói…?” Arendt tuyên bố rằng bản thân “chính là người duy nhất bạn không thể bỏ trừ khi bạn dừng suy nghĩ.”
Cảnh báo của Arendt rất đáng lưu tâm trong thời đại của chúng ta. Trong thế giới kết nối cực đại, nơi chúng ta có thể giao tiếp liên tục và lập tức qua Internet, chúng ta hiếm khi để chừa một khoảng không gian để tự suy ngẫm. Chúng ta kiểm tra email hàng trăm lần một ngày, nhắn hàng ngàn cái tin một tháng. Chúng ta lướt Twitter, Facebook và Instagram nhiều đến ám ảnh, luôn ngứa ngáy phải kết nối mọi lúc với người thân lẫn người quen. Chúng ta tìm kiếm bạn của bạn, người yêu cũ, người chúng ta gần như không biết, thậm chí người chúng ta chẳng cần phải biết. Chúng ta thèm thuồng sự đồng hành liên tục.
Nhưng Arendt nhắc nhở chúng ta rằng nếu mất đi khả năng ở một mình, chúng ta sẽ mất đi khả năng suy nghĩ. Chúng ta có nguy cơ bị cuốn đi bởi đám đông. Chúng ta có nguy cơ bị choáng ngợp bởi việc mọi người làm và tin vào, đồng nghĩa với việc không còn có thể phân biệt phải trái đúng sai trong cái lồng của sự ăn theo. Sự cô độc không chỉ là một trạng thái tinh thần thiết yếu với sự phát triển trí tuệ và lương tâm của một cá nhân, mà còn là một thói quen để chuẩn bị cho người đó tham gia vào đời sống chính trị xã hội. Trước khi có thể đồng hành cùng người khác, hãy đồng hành với chính mình.
Dịch: Trạm đọc

Hàn Tín và Bà Lão Giặt Vải

Hàn Tín, Đại danh tướng của nhà Hán trước khi thành danh, từng lang thang ở đầu đường xó chợ, cũng từng muốn tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời nhàm chán vô vị của mình. Một bà lão giặt vải ở bờ sông vì thương xót ông, nên mỗi ngày đều để dư ra một bát cơm mang đến cho Hàn Tín ăn, cứ liên tục như vậy mấy chục ngày liền.


Hàn Tín ăn no xong, dõng dạc hùng hồn trở lại, nói với bà lão rằng, sau này nhất định sẽ báo đáp ân đức của bà. Bà lão vừa nghe xong, đột nhiên giận dữ nói: “Ta vì thương hại mới mang cơm cho ngươi ăn, đàn ông không tự nuôi nổi mình, mà lại nói đến báo đáp người khác ư!”. Những lời này đại ý là, nam tử hán đến tự lập còn không thể, mà lại còn vọng tưởng đến báo đáp người khác, đúng là quá nực cười!
Lời nói này của bà lão, có thể nói là rất cứng rắn tuyệt tình! Một bà lão nghèo khổ ốm yếu, lại có thể nói ra những lời giáo huấn như vậy, đối với một nam tử hán như Hàn Tín, quả thực là nhục nhã vô cùng. Tuy nhiên, cũng nhờ cây gậy cảnh tỉnh này, đã lôi Hàn Tín ra khỏi sự hoang mang tuyệt vọng, khiến ông bắt đầu có ý nguyện mãnh mẽ, muốn thay đổi cuộc đời.
Nhà tư tưởng Lữ Khôn thời nhà Minh từng nói:
“Nghèo không có gì phải hổ thẹn, điều đáng hổ thẹn là nghèo mà vô chí”.
Nếu là một người thiếu ý chí, thì chỉ là khoe khoang khoác lác, không có thực lực thật sự, đến mình cũng không tự lo nổi, sao có thể nói đến chuyện có thể làm gì cho người khác.
Hàn Tín là nhờ thái độ của bà lão, mới vực dậy được tinh thần, nỗ lực phấn đấu, gian nan khổ luyện, kết quả đã trở thành Đại tướng quân nhà Hán với công danh hiển hách, và cuối cùng đã báo đáp được ân đức của bà lão.
Có thể thấy rằng ông thật may mắn, nếu bà lão chỉ ôn nhu hiền thục, nói với Hàn Tín những câu thật nhẹ nhàng như “Ngươi cần phải làm việc”, “Ngươi cần phải cố gắng”… thì chưa chắc Hàn Tín có thể tìm được mục tiêu của cuộc đời và bắt tay vào thực hiện nó nhanh đến vậy?
Bị người khác châm biếm là chuyện vô cùng mất mặt, nhưng không thể nào né tránh. Vì vậy cách tốt nhất chính là tiêu hóa nó một cách hiệu quả, biến nó trở thành một nguồn kích thích giúp bạn khai phá cục diện, xoay chuyển tình thế để bắt đầu cuộc hành trình mới.
ST 

Bạn làm gì khi qua tuổi 50-60?


1- Khi bạn qua tuổi 60, bạn không còn nhiều thời gian ở phía trước nữa, và bạn cũng không thể mang đi những gì bạn đã có được, sẽ là vô ích nếu bạn vẫn bận tâm đến kiếm tiền và dành dụm.

Bởi thế, bạn hãy chi tiêu những đồng tiền mà bạn đã cất giữ để đi du lịch, mua sắm thứ bạn thích và cho đi những gì bạn có thể và đừng quan tâm đến nhận lại.
Đừng nghĩ là phải để lại tất cả những gì bạn đã kiếm được cho con cháu, chẳng phải thế sao ? Vì bạn không hề muốn chuyển giao lại cho những kẻ sống ký sinh, những người đang nóng lòng chờ đợi ngày chết của bạn.
2- Bạn cũng không cần lo lắng về những điều sẽ xảy ra cho các con bạn, hay việc bạn sẽ bị đánh giá thế nào, bởi vì khi chúng ta trở về với cát bụi rồi thì ta không còn nghe thấy bất kì lời khen hay tiếng chê nào nữa.
Thời gian mà các bạn sống vui vẻ trên đời, thời gian để tìm kiếm của cải bằng biết bao gian khó sẽ chấm dứt.
3- Bạn đừng lo lắng nhiều đến mối quan hệ với con cái, bởi lẽ chúng có số phận riêng của chúng và chúng sẽ tìm được, chắc chắn là như vậy, con đường của chúng trong cuộc đời.
Chớ làm nô lệ cho con cái bạn, hãy giữ quan hệ với chúng, yêu thương chúng và giúp đỡ chúng khi chúng cần, nhưng đồng thời hãy bằng lòng với số của cải bạn đã dành dụm cho chúng.
4- Cuộc sống dài hơn cuộc đời lao động, hãy nghĩ đến việc nghỉ hưu sớm nhất khi bạn có thể và bằng lòng với cuộc sống.
Đừng kỳ vọng quá nhiều vào con cái bạn. Đa phần, chúng đều yêu quý cha mẹ nhưng chúng quá bận với công việc và những ràng buộc khác mà chúng cần quan tâm nhiều hơn.
Cũng có những đứa con bất cẩn, chúng có thể cãi nhau về của cải của bạn ngay cả lúc bạn đang còn sống và có thể là chúng muốn bạn chết sớm hơn để thừa hưởng nhà cửa và của cải của bạn.
Nói chung, con cái đều cho rằng chúng đương nhiên được thừa hưởng tất cả những gì bạn đang sở hữu trong khi bạn chẳng có quyền gì với tiền bạc của chúng.
5- Vì thế, sau 50-60 tuổi bạn không cần phí sức, không cần phải hao tổn thêm sức khỏe để đổi lấy số của cải nhiều hơn mà phải làm việc đến lúc xuống mồ.
Rất có thể là tiền bạc của bạn chẳng có chút giá trị nào trước mặt thần chết. Khi nào thì chúng ta ngừng kiếm tiền ? Bao nhiêu thì đủ ? Một trăm ngàn? Một triệu ? Mười triệu…
Từ hàng ngàn hecta ruộng đất bạn cũng chỉ được ăn chút ít rau quả và một nửa chiếc bánh mì mỗi ngày, từ vài ba căn nhà bạn đã xây, thực tế là bạn chỉ cần vài mét vuông cho bạn: một chỗ ngủ, một chỗ nghỉ ngơi, một chỗ tắm và một chỗ làm bếp. Với chừng ấy thời gian mà bạn cần một chỗ ở, một số tiền để ăn, để mặc và một số vật dụng cần thiết khác…thế là bạn đã sống tốt rồi. Chỉ cần sống vui vẻ hạnh phúc là được.
6- Gia đình nào cũng có vấn đề, bất luận là ở chế độ xã hội nào. Bạn đừng so sánh với người khác về phương diện tài chính.
Đừng quan tâm đến việc ai có nhiều của cải hơn, hoặc con cái ai thành đạt hơn về vật chất, mà hãy đi chơi nhiều hơn, đến các bar kể cả đi du lịch nước ngoài.
7- Hãy nhanh chóng đặt lên bàn cân để so sánh xem ai có nhiều thời gian rỗi hơn, ai hạnh phúc hơn, ai khỏe mạnh và sống lâu hơn.
Đừng bận tâm đến những điều mà bạn không thể thay đổi. Nó chẳng giúp gì cho bạn, mà trạng thái tinh thần không tốt còn dẫn đến bệnh tật. Hãy tạo cho mình một trạng thái thường xuyên ổn định, và hãy xác định xem điều gì khiến bạn hạnh phúc.
Với chừng ấy thời gian bạn sống khỏe mạnh và vui vẻ, bạn hãy lên cho mình một kế hoạch, rồi nóng lòng chờ đợi những ngày tiếp theo.
Một ngày sống mà không có phút giây nào vui vẻ là một ngày mất đi. Một ngày có dù chỉ một phút giây vui vẻ là một ngày được lợi. Một tâm hồn lạc quan thì chữa bệnh tật nhanh chóng.
Nhưng một tâm hồn hạnh phúc thì không có căn bệnh nào phải chữa, bởi nó không quen biết bệnh tật…
8- Hãy giữ cho bạn một trạng thái tinh thần tốt, hãy di chuyển, ra ngoài thường xuyên ,đi dưới nắng mặt trời, ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất, và hãy vượt qua mọi trở ngại để sống thêm 30-40 năm với thể lực và sức khỏe dồi dào.
9- Hãy bằng lòng với những gì bạn đang có và những gì có ở xung quanh bạn. Và đừng quên bạn bè.
Họ chính là sự giàu có của cuộc đời bạn. Hãy giữ mối quan hệ bạn bè lâu dài, hãy tôn trọng một số nguyên tắc cơ bản: chịu khó nghe và đừng ngắt lời, hãy nói chuyện chứ đừng nhạo báng, hãy cho đi mà không bận tâm đến nhận lại, hãy trả lời câu hỏi chứ đừng phản hồi, hãy tha thứ chứ đừng trách cứ, và đã hứa thì không được quên.
Như thế bạn sẽ không bao giờ cô đơn. Chúc bạn có một cuộc sống dài lâu và đầy đủ
ST