Pages

28 tháng 6, 2021

Sài Gòn thở đi em!

 

Phố vắng rồi thở đi em
Lá phổi bao ngày xanh
Cho người đến người đi khắp chốn
Lá phổi phồng to làm chị làm anh
Hôm nay mỏng manh
Làn hơi thiếu nữ
Anh Hai Sài Gòn gọi Sài Gòn là Em
Ôm em
Được quyền làm trẻ thơ, được quyền mong manh
Được quyền ốm đau, được quyền yếu đuối
Những con phố thưa người cửa hàng rưng nước mắt
Chú xe ôm chống cằm ngay ngã tư Cống Quỳnh ngơ ngác
Mồ hôi cô gái điều dưỡng không biết hấp thụ vào đâu
Sài Gòn cứ khóc có sao đâu
Chùi nước mắt ướt vai nhau
Quá buồn em cứ nức nở
Mình vẫn thở, đúng không
Má Hai trong khu nhà phong tỏa
Mới trồng thêm trước hiên cây táo nhỏ
Thành phố giăng mắc buồn lo
Bây ơi
Những cây táo còn lâu lắm mới nở hoa
Má Sài Gòn châm nước cho chiếc lá
Hoàng hôn chiều qua ít nhiều buồn bã
Tiếng rao vé số trầm như tiếng chân ai
Sáng ra nắng vẫn về ươm tia lên cây táo má Hai
Em ráng hít thật sâu
Thở ra thật nhẹ,
Trước giờ chưa từng khẽ khàng tới vậy
Phổi mình cũng có lúc bớt trong
Con tàu ra khơi cũng có khi lạc sóng
Ngày xót xa để mai sau nhìn lại
Cây táo vui vì biết nở hoa
Sài Gòn vui em biết thở hơi thở hiền hòa
Sau trăm năm tất bật thở cho núi sông người đi kẻ ở
Bão đâu đến nổi đất này
Dông sẽ qua cho mưa phùn trở về bay bay trong thành phố
Sài Gòn thở ra hít vô nhè nhẹ
Phổi ấm lên vươn mình từng chút một thôi em
(Thơ Truong Bao Chau 2021)

Cười


 KỸ NĂNG NỊNH VỢ

- Thằng em vợ đến nhà chơi, hai anh em đang ngồi nói chuyện thì vợ tôi về.
Vừa bước vào nhà, vợ hất hất mái tóc qua hai bên vai, hỏi:
- Em vừa làm kiểu tóc xoăn mới này! Anh thấy hợp không?
Tôi ngỡ ngàng:
- Trời ơi! Em để kiểu này hợp và trẻ quá! Nãy em vừa bước vào, anh cứ tưởng con bé sinh viên năm thứ nhất mới thuê phòng bên hàng xóm nó vào nhầm nhà.
Vợ nghe vậy thì tủm tỉm cười, rồi lấy xoài, lấy ổi ra gọt cho hai anh em ăn. Xong vợ bảo hai anh em cứ ngồi xem tivi, vợ chạy ù ra đầu ngõ mua con gà luộc với mấy lon bia về cho hai anh em lai rai.
Đợi lúc vợ tôi vừa đi khuất, thằng em vợ mới hỏi tôi bằng giọng thắc mắc:
- Gu thẩm mĩ của anh lạ nhỉ? Em thấy kiểu tóc ấy của chị không được đẹp lắm!
- Không phải là không được đẹp lắm, mà là như con dở hơi mới đúng!
- Vậy sao lúc nãy anh…?
- Anh đâu có ngu mà chê chị mày! Lỡ mồm chê một phát là khổ ngay: Mặt chị mày sẽ hằm hằm, không nói năng gì, đóng cửa phòng cái rầm, rồi vào trong đó nằm lì.
Và anh với mày sẽ phải hì hục đi cắm nước pha mì tôm, chứ lấy đâu ra xoài ngọt ổi thơm như thế này để mà ăn? Cũng sẽ chẳng có bia, có gà để mà lát nữa lai rai.
Rồi sáng mai, chị mày sẽ phi ra quán cắt tóc, bắt chúng nó duỗi thẳng tóc ra để làm lại kiểu khác. Làm kiểu khác là sẽ tốn thêm tiền, mất thêm cả triệu bạc, bằng cả nửa tháng lương làm bục mặt của anh mày!
Thằng em vợ tròn mắt, há hốc mồm nghe tôi nói như muốn nuốt từng lời. Cái ánh mắt nó sao mà ngây thơ, thánh thiện, hồn nhiên và trong veo đến thế, giống hệt ánh mắt tôi… lúc chưa lấy vợ!
( Sưu tầm )

24 tháng 6, 2021

SÀI GÒN ĐANG GIÃN CÁCH, LÒNG NGƯỜI KHÔNG GIĂNG DÂY

Thử bấm đốt ngón tay
Bao nhiêu ngày rồi nhỉ,
Bao nhiêu điểm phong tỏa,
Bao nhiêu hẻm giăng dây…?
Ra đường phố hôm nay
Sài Gòn trôi lặng lẽ
Thêm một lần dâu bể
Cho đá biết tuổi vàng…
Sài Gòn không kêu van,
Sài Gòn không than thở;
Bao nhiêu lần vụn vỡ
Có khi nào ngửa tay.

Ai tính được hôm nay
Bao nhiêu tình ra phố?
Sài Gòn chia nhau thở
Sài Gòn chia nhau cơm
Sài Gòn san tình thương
Sài Gòn sẻ nỗi nhớ
Bao nhiêu trái tim nhỏ
Mở niềm yêu vô cùng

San sẻ nỗi lo chung
Sớt chia nhau mà sống
Để biết tim vẫn nóng
Để thấy đời bao la…
Chợ giăng, mẹ đừng lo
Hẻm giăng, em đừng sợ
Còn đây tiệm Vui Vẻ
Còn đây quán Nụ Cười

Còn đây những lòng người
Mở tình, không giãn cách
Em ngại chi cái vạch
Chút thôi, một suất cơm

Chị ơi, bịch gạo ngon
Anh ơi, ổ bánh nóng
Sài Gòn cùng nhau sống
Cứ lấy nhé, rồi đi

Cứ lấy nhé, rồi về
Gởi trái tim ở lại.
Để Sài Gòn mãi mãi
Không của ai, riêng ai !
(Nguồn không rõ)

20 tháng 6, 2021

Suy Ngẫm

 

"Mỗi chiếc lá vàng rơi đều mang trong nó cả mùa thu"

ST

16 tháng 6, 2021

Đọc chậm: ĐỢI


Biết bao nhiêu người thua bởi chỉ một chữ “Đợi” trong cuộc đời

Tại một ngôi chùa cổ ở Nhật Bản, có một cậu bé mới 9 tuổi tên là Thân Loan (sau này là người sáng lập Chân Tông tịnh độ), quyết định xuất gia đi tìm thiền sư để xuống tóc, khi gặp được thiền sư đã hỏi ông rằng:
“Con còn nhỏ thế này tại sao đã muốn xuất gia?”.
Lúc đó Thân Loan trả lời:
“Năm nay mặc dù cháu mới 9 tuổi nhưng bố cháu đã qua đời, cháu không biết vì sao con người phải chết, vì sao cháu và bố cháu phải rời xa nhau. Vì thế để hiểu được đạo lý này, cháu nhất định phải xuất gia”.
Vị thiền sư nói:
“Được! Ta hiểu rồi. Ta đồng ý nhận con làm đồ đệ, nhưng hôm nay muộn rồi, chờ đến sáng sớm mai ta sẽ xuống tóc cho con!”.
Thân Loan nghe xong liền nói:
“Thưa sư phụ, mặc dù sư phụ nói là chờ đến sáng sớm mai sẽ cắt tóc cho con, nhưng con còn nhỏ, con không dám chắc quyết tâm đi tu của con có còn giữ được đến sáng mai không. Mà sư phụ thì đã nhiều tuổi thế này rồi, sư phụ có dám chắc sáng mai tỉnh dậy sư phụ vẫn khỏe mạnh không?”.
Vị thiền sư nghe xong liền nói:
“Tốt, tốt! Con nói rất hay! Những gì con nói đều đúng, ta sẽ xuống tóc cho con ngay bây giờ”.

Vạn vật của thế giới luôn nằm trong sự biến đổi không ngừng nghỉ, con người cũng vậy, không ai biết được tương lai sẽ ra sao? Ngày mai cũng không chắc chuyện gì sẽ đến, có những biến cố bất ngờ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn cũng có
thể khiến ta mất đi ngày mai vĩnh viễn. Vì vậy ngày hôm nay, khi ta muốn làm một điều gì đó hãy bắt tay làm, đừng chờ đợi. Xưa nay, có biết bao nhiêu người thua bởi một chữ “đợi”:

Đợi đến một ngày nào đó, đợi tương lai, đợi đến khi hết bận, đợi lần sau, đợi khi có thời gian, đợi khi có điều kiện, đợi khi có đủ tiền, đợi cho đến khi không còn duyên phận, đợi đến khi thời thanh xuân trôi qua, đợi đến khi không còn cơ hội, đợi đến khi không còn lựa chọn. Chẳng ai biết trước được tương lai sẽ ra sao, có nhiều việc đợi sẽ thành mãi mãi… đừng để bản thân có quá nhiều nuối tiếc.

Nhân sinh 5 điều không thể chờ đợi:
1 - Nghèo khó không thể đợi, bởi vì thời gian lâu rồi, bạn sẽ chết vì đói.
2 - Khỏe mạnh không thể đợi, bởi vì thân thể một khi suy kiệt rồi, hết thảy mọi thứ đều vô nghĩa.
3 - Giáo dục không thể đợi, bởi vì cây non mà xiêu vẹo, thì khi trưởng thành rất khó để uốn nắn.
4 - Hiếu kính không thể đợi, bởi vì cha mẹ mất rồi, muốn hiếu kính cũng chẳng còn cơ hội.
5 - Thanh xuân không thể đợi, bởi thời gian trôi qua, có nhiều tiền nữa cũng không mua lại được.

Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà bạn khó có thể lường trước. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, chỉ thoáng chốc thôi là sinh mệnh đã trở về với đất. Cuộc sống này ngắn ngủi là vậy! Cho nên, cần tận dụng thời gian, làm những việc có ý nghĩa mới là quan trọng nhất.

Quý trọng thời gian, chính là quý trọng tính mạng của chính mình.
( Sưu tầm )

13 tháng 6, 2021

Sức Khoẻ: 2 hội chứng tâm lý thường gặp

 


1. Hội chứng thấp kém

Hội chứng mặc cảm thấp kém là một phát kiến của nhà tâm lí học trứ danh người Áo Alfred Adler. Năm 1907, Adler bàn về hội chứng này lần đầu tiên, mà trong đó ông nêu lên một số đặc điểm có tác động đến cuộc sống hàng ngày. Ông xem hội chứng mặc cảm thấp kém là một rối loạn thần kinh (neurosis).
Adler nghĩ rằng yếu tố căn bản của rối loạn thần kinh là cảm giác thấp kém, và những người mắc chứng này tiêu ra thì giờ để cố gắng đối phó và chiến thắng cảm giác đó mà không biết gì đến thực tế.
Adler cho rằng tất cả trẻ con đều có mặc cảm thấp kém ngay từ khi họ được sanh ra. Trẻ con làm tất cả để được ba má chú ý tới. Những nỗ lực đó của họ (trẻ con) dần dần theo thời gian giúp chúng hình thành những mục tiêu tưởng tượng trong tiềm thức. Những mục tiêu này giúp đứa trẻ phấn đấu chỉnh sửa mặc cảm thấp kém và phát triển khả năng. Khi đứa trẻ được chăm sóc tốt, nó sẽ chấp nhận những thách thức và học cách vượt qua. Ông gọi đó là Quá trình Compensation (Đền bù).
Tuy nhiên, Quá trình Đền bù đôi khi không diễn ra một cách bình thường, và cảm gíac thấp kém trở nên căng thẳng hơn. Đứa trẻ bắt đầu cảm thấy nó không có khả năng kiểm soát môi trường chung quanh. Họ phấn đấu để được đền bù, nhưng không đạt được hiệu quả. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng mà Adler gọi là 'Overcompensation' (Đền bù thái quá). Đứa trẻ bắt đầu tập trung vào việc đạt được những mục tiêu ngoài khả năng của nó.
Chứng Overcompensation có thể dẫn đến hội chứng mặc cảm thấp kém. Đây là mặc cảm thiếu tự tôn (self-esteem). Theo Adler, đặc điểm chánh của người bị chứng mặc cảm thấp kém là người đó lúc nào cũng phấn đấu tìm một tình huống để chứng tỏ mình nổi trội.
Động cơ làm người nổi trội là một triệu chứng của mặc cảm thấp kém.
Theo sách tâm lí học, người có hội chứng thấp kém thường có những biểu hiện sau đây:
• cảm giác bất an, không xứng đáng;
• rụt rè trong các giao tiếp xã hội;
• hay so sánh mình với người khác;
• cảm giác thù ghét, nản lòng, bồn chồn, nóng nảy;
• mất ngủ;
• không có khả năng hoàn tất công việc;
• dấu hiệu trầm cảm, lo lắng.
Chẳng hạn như lần tiếp xúc Tập Cận Bình, một ông lãnh đạo VN làm mọi người ngạc nhiên khi ông so sánh trà Tàu ngon hơn trà Việt Nam! Ngạc nhiên là vì ông ấy ở vị trí lãnh đạo quốc gia mà lại thốt ra một câu không cần thiết.
Sau này ông ấy và đồng nghiệp còn có nhiều câu phát biểu mang tính so sánh Việt Nam như là một ‘cường quốc’ trên thế giới. Có thể đó là cảm nhận cá nhân, nhưng cảm nhận đó chắc chắn xuất phát từ tiềm thức hay mặc cảm nào thấp kém.
Thỉnh thoảng, người mắc chứng mặc cảm thấp kém còn tỏ ra tự tin thái quá hay ái kỉ (narcissist) mặc dù trong thực tế họ rất thiếu tự tin. Những biểu hiện này bao gồm:
• tự trình diễn mình như là một người tài năng;
• tỏ ra là người hoàn hảo, và do đó rất nhạy cảm với những phê bình;
• tìm lỗi của người khác;
• thích được chú ý và tìm sự chú ý của người khác;
• không có khả năng nhận ra sai sót của mình.
2. Hội chứng nổi trội
Nhưng Adler còn chỉ ra một hội chứng mặc cảm nổi trội (superiority complex). Người mắc chứng này cảm thấy lúc nào cũng có nhu cầu để chứng minh rằng mình hơn chính mình (để nổi trội hơn người khác). Adler chỉ ra rằng trẻ con cũng hay mắc chứng này, và chúng lúc nào cũng tỏ ra xấc láo, phách lối, và thích gây hấn. Đứa trẻ mắc chứng này chỉ vì nó cảm thấy nó thấp kém hơn người khác.
Thật vậy, mặc cảm nổi trội được phát sanh từ mặc cảm thấp kém. Nó (mặc cảm nổi trội) là một cách thức mà bệnh nhân hay dùng để thoát khỏi sự khó khăn và thấp kém của chính họ.
Những biểu hiện của Hội chứng nổi trội bao gồm:
• tự đề cao mình hay tự đánh giá mình quá cao;
• tuyên bố những điều khoác lác không đúng với thực tế;
• chú ý đến bề ngoài;
• tự xem ý kiến của mình là quan trọng;
• cố gắng trình diễn mình như là một người ưu việt và có thẩm quyền;
• không lắng nghe người khác;
• hay so sánh mình với người khác để ngầm cho thấy mình hơn họ;
• nhưng tự trong lòng thì thiếu tự tôn và cảm thấy mình thấp kém.
Nguyên nhân của Hội chứng nổi trội thì có nhiều. Nhiều tình huống dẫn đến Hội chứng nổi trội. Chẳng hạn như họ đã bị thất bại nhiều lần trong quá khứ, nên họ cố gắng 'nổ' để bù đắp cho những thất bại đó. Cũng có thể họ đang bị căng thẳng nên giả bộ rằng mình đã vượt qua sự căng thẳng. Nói tóm lại, nguyên nhân chánh của Hội chứng nổi trội là họ tìm cách thoát khỏi thực tế và giả bộ rằng họ hơn người khác.
ST

10 tháng 6, 2021

Suy Ngẫm


Khi bị người khác hiểu lầm, không cần phải giải thích. Không giải thích là hành động rộng lượng. Sự tình thật hay giả, thời gian sẽ cho đáp án tốt nhất.

Khi bị người khác tổn thương, không cần phải phân trần, bởi đó là hành động hiền lương. Tình cảm ấm áp hay lạnh nhạt, thời gian là minh chứng tốt nhất.
Khi bị người khác nói xấu, không cần phải thanh minh, đó là sự tu dưỡng nội tâm. Nhân phẩm tốt xấu, thời gian sẽ thanh lọc tốt nhất.
Tất cả mọi việc đều không nên quá vội vàng bày tỏ. Học nói chỉ vài năm, nhưng học im lặng cần đến cả đời.
Đỉnh cao của cuộc đời không phải là thấy biết rõ bao nhiêu việc, mà là xem nhẹ bao nhiêu việc.
Tâm hồn rộng lượng không phải là quen biết được bao nhiêu người, mà là bao dung được bao nhiêu người.
Làm người nên học hạnh của đất, không chỉ thấu rõ vạn vật, mà còn biết bao dung vạn vật.
Làm người nên như nước, có thể tiến tới hoặc thoái lui, nhưng phải biết mình đang tiến hay lùi...
ST

9 tháng 6, 2021

Hoạ Sĩ Của Lớp (3) - Hồng Giang Hoàng

 Hồng Giang cầm cọ hơn 5 năm nay, chủ yếu bạn vẽ tranh sơn dầu trên toan và lụa. Tranh của Hồng Giang thiên về hoa, nhất là sen. Tranh của bạn tràn ngập màu sắc và nhiều cung bậc cảm xúc, khi tươi sáng, khi trầm mặc, lúc hiện đại mạnh mẽ, lúc dịu dàng thanh thoát... 

Hiện tại Hồng Giang đang chuẩn bị hoàn thiện những bức vẽ cuối cho bô sưu tập SEN sẽ ra mắt trong cuộc triển lãm cuối năm nay, 1 phần sẽ được trích cho quỹ thiện nguyện!

Admin




















Hoạ Sĩ Của Lớp (2) - Bạch Hoa Lê

 Bạch Hoa cầm cọ 2 năm nay, bên cạnh công việc điều hành kinh doanh công ty riêng. Bạch Hoa theo học Thầy Trương Hán Minh - danh hoạ Thuỷ Mặc nổi tiếng nhất Việt Nam và có tiếng trên thế giới. Trong 2 năm bạn vẽ hơn 300 bức Thuỷ Mặc lớn nhỏ. 

Tranh của Bạch Hoa cho đến nay chỉ dành tặng người hữu duyên nhằm đóng góp cho các dự án trồng cây xanh của NGO. Đến nay bạn đã góp phần trồng hơn 500 cây thông qua việc tặng tranh của mình (hơn 50 bức tranh đã tặng đổi lại người nhận sẽ trồng 10 cây xanh ở bất kỳ đâu). Ngoài ra, các tranh của bạn được chọn minh hoạ cho hộp card từ thiện số 4 của Phật Giáo Nguyên Thuỷ mang tên Cứ Để Mây Bay.

Khoảng 2 tháng nay, Bạch Hoa bắt đầu vẽ mầu nước hiện đại. Những bức dưới đây là những bức mới nhất bạn vừa hoàn thành đang khi Sài Gòn giãn cách xã hội, nhằm tặng cho bạn bè 12CD. Ai muốn tặng tranh thì email/alo cho bạn nhé! <3 

Admin











Hoạ sĩ của lớp (1) - Song Ngọc Nguyễn

 Cầm cọ gần 5 năm nay, bên cạnh công việc cho NGO, Song Ngọc đã đi nhiều nơi trên thế giới để vẽ, từ Ý, Pháp, Đức, Úc, về đến Lào, và nhất là VN.. Ngọc vẽ chủ yếu tranh sơn dầu trên toan. Các bức tranh của Ngọc gởi mở không gian êm đềm ở những nơi bạn đặt chân đến. Màu sắc đẹp mắt, bố cục hài hoà, cảnh quan êm đềm.. khiến người xem cảm thấy thật bình an với tranh của Song Ngọc. 

Nếu không có Covid thì 1 triển lãm đã được tổ chức tại HN. Do Covid nên Ngọc vừa giới thiệu một loại tác phẩm trên fb và đã bán được một số bức dưới đây. 

Mời cả nhà cùng thưởng thức nhé <3 













5 tháng 6, 2021

..RỒI MỘT NGÀY

Rồi một ngày thế giới bỗng đổi thay
Hít thở tự do cũng trở thành quý giá
Quán xá, cà phê bình an đến lạ
Nhìn trẻ đến trường hạnh phúc làm sao
Rồi một ngày chuyện ở tận đẩu đâu
Ta nhận thấy một phần mình trong đó
Động vật, con người, núi sông, cây cỏ
Là những tế bào của trái đất đẹp xinh
Rồi một ngày con virus quái tinh
Nhắc thế nhân trân trọng điều nhỏ bé
Lợi danh, bạc tiền trở nên vô nghĩa
Ước vọng lớn lao là những bình thường
Rồi một ngày nhận ra phải yêu thương
Từ nhân loại đến muôn ngàn vạn thể
Vũ trụ bao la, con người nhỏ bé
Mỗi bước chân tới huyệt mộ không xa
Rồi một ngày cây cối sẽ nở hoa
Khi tình yêu được tưới vào trái đất
Và con người với trái tim thành thật
Biết về nguồn, ơn đất mẹ bao la
- Tâm Tịnh Hạnh -

Im Lặng


Ăn sáng xong, em hỏi: 
“Trưa nay ta ăn gì?” 
Bố con ngồi im lặng 
 Chợ xa, em bước đi 

Ăn trưa xong, em hỏi: 
“Tối nay ta ăn gì?” 
Bố con ngồi im lặng 
 Im lặng như mọi khi 

Ăn tối xong em hỏi: 
“Sáng mai ta ăn gì?” 
Dưới ngọn đèn phòng bếp 
 Bố con không nói gì 

Những điệp khúc câu hỏi 
 Không có câu trả lời 
 Vì đâu dám đòi hỏi 
 Mẹ cũng là con người 

 Ngày trôi qua nhanh lắm 
 Quay tròn như bánh xe 
Cuốn qua người phụ nữ 
 Cùng hy sinh, chở che. 

* Cho những người phụ nữ 
(Giãn Cách XH- Thời Covid)
 ĐNT 2.06.21