Điều kiện để sống (living) tốt hơn không có nghĩa là điều kiện của cuộc sống (life) tốt hơn. Hai điểm này không đồng nghĩa (giống nhau).
Osho
Osho
Năm 1995, khi đó mình mới ở Ba Lan về làm việc ở Sài Gòn, gặp khá nhiều khó khăn trong cả cuộc sống, công việc và học tập. Mặc dù 1996 mình có duyên quy y Phật Pháp tại chùa Đại Giác ở Sài Gòn, nhưng chưa hiểu gì về Đạo Phật, đọc Kinh Phật mà thấy.. ù tai, nghe như truyện cổ tích, đăng ký ăn chay 1 tháng 2 ngày mà lúc nhớ lúc quên, thậm chí còn thích ăn hải sản tươi sống..
Trong 1 lần đến thăm vợ chồng người bạn ở Hà Nội (TS Đặng Hoàng Giang), khoảng cuối 1997 biết mình muốn tìm hiểu về Đạo Phật anh đã cho mượn cuốn sách 'Jesus & the Buddha' của Thiền Sư Nhất Hạnh. Sách bằng tiếng Anh (khi ấy ở VN hầu như không có sách của Thầy). Thực sự cuốn sách đã cho mình một sự tỉnh ngộ đầu tiên. Mình bắt đầu tìm sách của Thầy Hạnh để đọc. Sau này, khi Thầy về nước năm 2008, sách của Thầy được in nhiều. Các cuốn Đường Xưa Mây Trắng, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, An Lạc Từng Bước Chân, Từng Bước Nở Hoa Sen, Thả Xuống Một Bè Lau, Quyền Lực Đích Thực... và rất nhiều các cuốn sách khác được đến tay đông đảo mọi người, trong đó có mình.
Từ đó đến nay suốt 25 năm, sách của Thầy, các pháp thoại của Thầy, giọng nói âm điệu Huế nhè nhẹ của Thầy luôn đồng hành với mình nhất là những khi tĩnh mịch, những đêm không ngủ. Ngay tháng trước thôi (12/2021) tại Đà Nẵng nơi mình gặp Thầy 15 năm trước, khi sống 1 mình trong tĩnh lặng, tự dưng mình lại muốn nghe pháp thoại của Thầy, và lấy giấy bút ra ký hoạ chân dung Thầy. Thầy giúp cho mình thấy cuộc sống thật sự bình an, giản dị như vốn nó là. Mình như được tiếp thêm năng lượng, niềm tin, giúp mình cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh, biết yêu thương mình và mọi người nhiều hơn.
Nếu nói ngắn gọn về thông điệp quan trọng nhất của Thầy với toàn thế giới thì gói gọn trong 2 chữ ‘Chánh Niệm’ (Minfulness). Với bạn bè Quốc Tế, Thầy được ví như người đã ‘phát minh’ và mang Chánh Niệm vào đời sống hiện đại. Chánh Niệm là một trong 8 sự thực tập quan trọng của Bát Chánh Đạo mà Đức Phật dậy để đi tới giác ngộ giải thoát (Chánh Tín, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Tinh Tấn, Chánh Mạng, Chánh Niệm, Chánh Định & Chánh Tuệ). Giáo lý ấy đã có hơn 2.600 năm, nhưng để hiểu sâu sắc và mang vào thực hành trong đời sống hiện đại một cách dễ dàng thì Thầy Nhất Hạnh là người có công nhất. Những thành ngữ như ‘chánh niệm trong từng hơi thở’, ‘an lạc từng bước chân’, ‘ở đây và bây giờ’, ‘hiểu và thương’, 'thở và cười'...luôn được gắn liền với tên tuổi của Thầy.
Thầy, một nhân cách giản dị mà vĩ đại, người Thầy của hàng ngàn đệ tử xuất gia, hàng trăm triệu Phật Tử và những người yêu mến Đạo Phật trên khắp hành tinh, người có tầm ảnh hưởng lớn nhất về Đạo Phật ở thế kỷ 21, một thiền sư với 72 năm tu tập và hoằng hoá 'Phật Pháp dấn thân', một nhà hoạt động xã hội vì hoà bình thế giới, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, nhà ngôn ngữ học thông thạo 3 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Hoa), một hoạ sĩ thư pháp tài ba, Sư Ông Làng Mai...đã ra đi vào lúc 0h ngày 22/1/2022 thọ 96 tuổi, để lại một kho tàng vĩ đại và bao tiếc thương cho nhân loại, những học trò và Phật Tử, trong đó có mình.
“…Khi thầy mất, đừng xây bảo tháp cho thầy. Nếu đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.” Chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì”. Nếu có thì nó có trong bước chân và hơi thở của chính ta. “ Đó là những gì Sư Ông Làng Mai – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh muốn chuyển tới mọi người sau khi mất.
Thắp một nén nhang cho Thầy mà trong lòng thật nhiều xúc động. Vậy là người Thầy vĩ đại ấy đã ra đi, đã 'ung dung nơi nhàn cảnh' để lại bao tiếc thương vô hạn trong lòng những người ở lại. Ngàn năm sau nữa, liệu có một ai như vậy lại xuất hiện nữa không?
Nhưng mình vẫn tin vào lời Thầy: Thầy không mất, Thầy luôn hiện hữu nơi đây, trong mỗi chúng ta, trong từng áng mây, ngọn cỏ, trong mỗi trái tim của mọi người và trong trái tim mình.
Kính tiễn đưa Thầy. R.I.P Thầy Hạnh của chúng con.
Như Hải - SG 20h30 phút ngày 22/1/2022.
Bức vẽ Thầy tại Đà Nẵng trong '10 ngày tự vấn' với Pháp Thoại của Thầy - 12/2021Theo hãng tin Anh, suốt hàng thập kỷ, trong các buổi giảng đạo hay xuất hiện trước công chúng, thiền sư luôn giao tiếp bằng giọng điệu "nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ", truyền đi thông điệp "hãy bước đi như thể bạn đang hôn mặt đất bằng đôi chân mình".
Trình bày chi tiết tiểu sử của thiền sư, Reuters đặc biệt nhấn mạnh tới cuộc gặp giữa ông với mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Mỹ, vào những năm 1960 để truyền đi tiếng nói phản đối Chiến tranh Việt Nam.
Mục sư Martin Luther King đã gọi thiền sư Thích Nhất Hạnh là "tông đồ của hòa bình và bất bạo động", đồng thời đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình.
Báo New York Daily News mô tả thiền sư là người "đã thay đổi cách thế giới thực hành Phật giáo". Tờ báo Mỹ cho rằng thiền sư lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma.
"Thiền sư Thích Nhất Hạnh được ghi nhận là người sáng lập ra phong trào Phật giáo dấn thân, tập trung vào hoạt động xã hội vì hòa bình thông qua thực hành và giáo lý Phật giáo", tờ báo viết.
AFP ca ngợi thiền sư Thích Nhất Hạnh là "một trong những nhà Phật giáo có ảnh hưởng nhất thế giới". Hãng tin Pháp nhấn mạnh thiền sư đã có công mang khái niệm "chánh niệm" tới phương Tây, "từ nhà của những người nổi tiếng Hollywood đến các phòng họp ở Thung lũng Silicon".
Chánh niệm là biết rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra. "Khi nắm tay một em bé, ta hãy để tâm một trăm phần trăm vào bàn tay em. Khi ôm người thương trong vòng tay cũng thế. Hãy thực sự có mặt, thực sự tỉnh thức", thiền sư viết trong cuốn sách "Quyền lực đích thực". Ông cho rằng thực hành chánh niệm giúp nhận diện niềm đau nỗi khổ và chuyển hóa chúng.
"Thầy dạy chúng tôi cách yêu mọi người, yêu bản thân và yêu thiên nhiên", AFP dẫn lời Tran Thi My Thanh, người yêu mến thiền sư, chia sẻ.
BBC mô tả thiền sư Thích Nhất Hạnh là "tác giả với nhiều tác phẩm và là nhà hoạt động vì hòa bình". Đài Anh đề cập thiền sư đã viết hơn 100 cuốn sách, được dịch sang 40 ngôn ngữ. Cuốn sách được xuất bản gần đây nhất là vào tháng 10/2021.
Tờ Denver Post của Canada đánh giá những lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được chắt lọc thành các khái niệm mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận.
Theo nhà sư Haenim Sunim, người từng làm phiên dịch viên cho thiền sư Thích Nhất Hạnh khi ông tới hoằng pháp tại Hàn Quốc vào năm 2013, thiền sư là người điềm tĩnh, chu đáo và yêu đời.
"Thiền sư giống như một cây thông lớn, để cho nhiều người ngồi dưới tán cây của ông và nghe ông giảng những lời dạy tuyệt vời về chánh niệm và lòng từ bi", Reuters dẫn lời nhà sư Sunim nói.
Vnexpress
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những vị tu sĩ Phật Giáo có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Thiền sư đã dành cả cuộc đời của mình để đi khắp nơi truyền dạy những đạo lí, những bài học sâu sắc làm người.