Pages
▼
30 tháng 8, 2022
NHẬT KÝ CỦA MỘT LINH HỒN SAU KHI CHẾT
Lúc sống tranh đấu một đời , bất chấp dư luận , chấp nhận mất nhân cách rồi thì....
- Vào một ngày, khi hơi thở ta không còn nữa, đứng cạnh thân xác đang nguội lạnh, cứng đờ của ta, ta đã thấy... Người ghét ta, nhảy múa vui mừng, người thương ta, nước mắt rưng rưng.
Thân thể ta nằm sâu dưới lòng đất. Người ghét ta, nhìn nấm mộ niềm vui hiện rõ. Người thương ta, chẳng nỡ quay đầu nhìn lần cuối.
- Ba tháng sau...
Thân xác ta đang dần trương sình, bốc mùi hôi thối, thuở còn sống ta vô cùng ghét côn trùng, giờ đây giòi bọ đang nhăm nhi cái thân mà ta cả đời nâng niu, tàn sát sinh mạng để cung phụng cho nó đủ thức ngon, mặc đẹp, đắp vào bao nhiêu tiền của.
- Một năm sau...
Thân thể của ta đã rã tan…
nấm mộ của
ta mưa bay gió thổi...
ta mưa bay gió thổi...
ngày giỗ ta, họ vui như trẩy hội,
mở tiệc ca nhạc, ăn uống linh đình.
Người ghét ta, lâu lâu trong buổi trà dư tửu hậu nhắc đến tên ta...họ vẫn còn bực tức. Người thương ta, khi đêm khuya vắng lặng, khóc thầm rơi lệ tìm ai bày tỏ.
- Vài năm sau...
Ta không còn thân thể nữa, chỉ còn lại một ít xương tàn. Người ghét ta, chỉ nhớ mơ hồ tên ta, họ đã quên mất gương mặt của ta. Người yêu thương ta, khi nhớ về ta có chút trầm lặng. Cuộc sống xô bồ dần dần làm phai mờ đi tất cả.
- Vài chục năm sau...
Nấm mộ của ta hoang tàn không người nhang khói, quan tài nơi ta nằm đã mục nát, chỉ còn một mảng hoang vu. Người ghét ta, đã già lú cũng quên ta rồi. Người yêu thương ta, cũng tiếp bước ta đi vào nấm mộ.
- Đối với thế giới này...
Ta đã hoàn toàn trở thành hư vô, không ai biết ta từng tồn tại, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, mỗi người một nơi, kẻ già, người chết, những gì ta dùng đã mất, những gì ta dành dụm để lại, rơi vào tay kẻ khác.
Ta phấn đấu, hơn thua, tranh giành cả đời, cũng không mang theo được nhành cây ngọn cỏ. Tiền tài, gia sản mà ta cố giữ, cố thủ đoạn, mưu mô để có cũng không mang được một phần hư danh, vinh dự hão huyền nào.
- Ta nhận ra sống trên đời này, bất luận là giàu sang phú quý hay bần tiện nghèo nàn khi nhắm mắt, xuôi tay phải bỏ lại tất cả, trả hết cho đời. Cái ta mang theo được, chính là cái ta đã cho đi là đạo đức là sự lương thiện.
Bất giác ta có chút ân hận, lòng lâng lâng một nỗi buồn khó tả, cứ da diết, da diết mãi không thôi.
Bao nhiêu phồn hoa, thoáng qua phút chốc.
Trăm năm sau, chỉ còn lại một nắm nấm mộ vô danh.
Cuộc đời như nước chảy hoa trôi, lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ có tình thương ở lại đời.
P/s : Đã biết trần gian là quán trọ...
Hơn thua hờn oán để mà chi...
Thử ra ngồi xuống bên phần mộ.
Hỏi họ mang theo được những gì...
ST
23 tháng 8, 2022
đọc chậm
1. Phàm những ai có một cuộc đời anh hùng đầy màu sắc, đầu đội trời chân đạp đất… thì trong khoảnh khắc lại để bị vấp ngã vì những chuyện rất tầm thường, có khi bởi cái bóng của chính mình, hay khoảnh khắc đón nhận định mệnh cuộc đời diễn ra rất bình thường, mờ nhạt.
2.
Mà những người có 1 khoảnh khắc trong đời rất oanh liệt biến họ thành anh hùng thì có cuộc đời trước đó rất bình thường - có khi tầm thường.
3.
Lại có những người đã đi cả cuộc đời mà dường như người ấy chưa từng sống… để rồi tiếc nuối vì đã không sống ngày nào cũng mãnh liệt như ngày cuối trong đời.
4.
Nên có người tưởng như đã đi hết cuộc đời lại có thể hồi sinh trong khi nhiều người đang sống lại không thể!
5.
Đôi khi một khoảnh khắc là đủ làm ta quên mọi thứ trên đời. Có khi sống cả đời không thể quên một khoảnh khắc.
6.
Mới thấy không quan trọng đã sống bao nhiêu ngày trong đời mà có bao nhiêu cuộc đời mỗi ngày.
(Lý Xuân Hải)
Suy Ngẫm
Mọi người trong một ngôi làng thường tìm đến một nhà thông thái để xin lời khuyên về các vấn đề trong cuộc sống. Nhiều người đến nhiều lần để than phiền về cùng một vấn đề trong cuộc sống.
Một ngày, nhà thông thái quyết định kể 1 câu chuyện cười và khiến tất mọi người cười phá lên.
Vài phút sau, ông kể lại câu chuyện cười đó 1 lần nữa nhưng chỉ có một vài người mỉm cười.
Sau đó, nhà thông thái kể lại câu chuyện lần thứ 3, nhưng không còn ai cười nữa.
Lúc đó, ông mới mỉm cười nói rằng: Bạn không thể cười khi nghe 1 câu chuyện cười 3 lần. Vậy tại sao bạn lại khóc vì cùng 1 vấn đề nhiều lần như vậy?
ST
20 tháng 8, 2022
Suy ngẫm
"Mức độ thấp nhất của tự do là muốn làm gì thì làm.
Mức độ cao nhất của tự do là không muốn làm gì thì không làm!"
(ngạn ngữ Trung Hoa)
Mức độ đỉnh cao của tự do là 'ung dung trong ràng buộc, tự tại giữa khổ đau" (Hoà Thượng Viên Minh)
ST
16 tháng 8, 2022
20 lý do phụ nữ không nên lấy chồng
1. Khi ta không chồng, ta sẽ thoát khỏi mẹ chồng, nỗi ám ảnh của mọi cô gái trước giờ kết hôn.
2. Khi ta tự do, ta ngủ tới 11 giờ trưa, ta tha hồ xem phim bộ. Những cảnh lâm ly ta tha hồ khoe mà không sợ kẻ nào bảo rằng ta sến.
3. Khi ta không chồng, ta sẽ chẳng phải hỏi ai: "Sao giờ này mới về?" Ta cũng không phải gào lên với ai: "Anh đi với con nào?". Ta cũng không phải đay nghiến ai: "Còn vác xác về được à, sao không ở ngoài đó luôn đi".
4. Khi ta không chồng, ta khỏi phải hét lên: "Sao phòng tắm lại lênh láng nước thế này? Sao trên bàn lại đầy tàn thuốc lá thế này? Trời ơi, tôi có phải là con ở đâu!".
5. Khi ta không chồng, ta khỏi hộc tốc chạy về nhà nấu cơm buổi trưa và buổi tối, khỏi phải nghe những tiếng rên rỉ: "Lại thịt kho à? Cô không biết gì hơn thịt kho sao?" hoặc những tiếng gầm gừ: "Thôi, cô nấu thì cô tự ăn đi, để tôi ra ngoài ăn cho nhiễm độc".
6. Khi ta không chồng, ta thoát khỏi cảnh bất thình lình gặp một cái áo may ô trên ghế, một chiếc giầy đầy mốc trong gầm tủ và một bộ đồ chưa giặt nhét dưới gối. Ta cũng không phải bị cảnh đi làm về, mệt điên người lại thấy một đống bát đĩa chưa rửa đang chờ.
7. Khi ta không chồng, ta khỏi phải thức dậy giữa đêm vì tiếng ngáy khò khò. Khỏi phải nhăn mặt và nhăn mũi khi ngửi mùi thuốc lá, và chẳng cần làm ra vẻ thản nhiên khi ngửi mùi bia chua.
8. Khi không chồng, ta có thể mặc áo hai dây, mặc váy ngắn ra đường để khoe cặp chân dài bất tận, mà không sợ bị một lão vừa béo, vừa lôi thôi vừa ngái ngủ nhìn gườm gườm rồi hỏi: "Mặc thế để đi đâu?" hoặc "Tưởng mình còn trẻ lắm đấy à?".
9. Khi ta độc thân, ta tha hồ chê chồng con Tuyết già, chồng con Hồng béo, chồng con Đào gầy. Chúng nó chả có cách gì chê ta.
10. Khi ta tự do, ta có thể mời một chàng đẹp trai, một chàng tài năng hoặc một chàng ga lăng về nhà chơi. Cũng chả ai cấm ta mời cả ba chàng.
11. Khi ta chưa có gia đình, ta không cần phải đi siêu thị và ghé qua quầy "Dụng cụ gia đình", nơi phần lớn chỉ bán các dụng cụ khổ sai.
12. Khi ta chưa kết hôn, ta có thể ngồi trong tiệm cà phê, đọc báo và châm một điếu thuốc lá thơm, ngón tay út cong lên đầy kiêu hãnh.
13. Khi ta chưa có giấy hôn thú, ta có thể hét vào mặt một tên nào đó: "Cút ra khỏi nhà em ngay".
14. Khi ta chưa thành gia thất, ta đi đám cưới chỉ cần bỏ phong bì một suất tiền.
15. Khi ta sống một mình, ta có thể tắm bao lâu cũng được, vừa tắm vừa hát cũng được, và không bị đứa khác giành tắm trước, vừa khạc vừa nói vọng ra: "Dao cạo râu của tôi cô quẳng đi đâu rồi?".
16. Khi ta chẳng có chồng, ta khỏi phải mua một chiếc quần đùi rộng may sẵn và băn khoăn tự hỏi: "Chả hiểu cỡ này đã vừa chưa?"
17. Khi ta chưa chồng, ta khỏi gọi ai là "Ông xã", một danh từ chả có chút gì lãng mạn và hấp dẫn.
18. Khi ta thoải mái tự do, ta không phải mua báo bóng đá, khỏi phải nhìn cái cảnh đàn ông mặc quần đùi chạy quanh tivi.
19. Khi ta chưa chồng, ta có thể đi nhà hàng và gọi một chai bia.
20. Cuối cùng, khi ta chưa chồng, ta lấy chồng lúc nào cũng được!
(Đạo diễn Lê Hoàng)
CHO VÀ NHẬN
Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.
Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.
Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư:
- Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu đôi giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày.
Vị giáo sư ngăn lại:
- Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo khổ ra để trêu chọc, đùa cợt,… nhằm mua vui cho bản thân mình. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãv đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao.
Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng ẩn mình vào sau bụi cây gần đó.
Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày…
Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quỳ xuống, chắp tay, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một mòn quà đúng lúc cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn: người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.
Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng:
- Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?
Người thanh niên trả lời:
- Thầy đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: "Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về!"
ST
15 tháng 8, 2022
NGƯỜI ĐẾN LÀ PHÚC, NGƯỜI ĐI LÀ PHẬN
Khi đến kiếp sống này, dù muốn hay không chúng ta cũng phải hoàn thành những bài học còn dang dở. Những bài học mà chúng ta đã soạn sẵn đề tài từ đời trước, thông qua những việc tốt xấu đã làm.
Gặp một người tốt hay xấu, thương hay ghét, yêu hay hận, dĩ nhiên cũng không nằm ngoài bài học mà chúng ta đã tự chọn, tự gieo.
Có những người có thể hung dữ với người khác, nhưng đối với ta họ lại cực kỳ dễ thương. Có những người dù ta không làm gì, chỉ tình cờ gặp nhau qua một ánh mắt thôi, mà cũng khiến ai đó phải nhớ thương trong lòng. Nhiều khi chỉ vì vài giọt nước mắt lúc chia xa, mà rồi người ta tìm nhau, chờ nhau đến gần cả cuộc đời. Bởi vì đời trước chúng ta và họ đã gieo tạo những nhân duyên, những lời ước hẹn, những xoay vần của tình cảm nào đó. Nên khi gặp lại tự động trong người kích hoạt, nhớ ra được bài học khi đến đời này cần phải tiếp nối.
Nếu ví cuộc đời này là một vở kịch, thì có những người phải nói là đóng thật tròn vai, và xuất sắc để giúp chúng ta nhận ra nguồn năng lượng tích tụ có sẵn từ sâu thẳm trong tâm hồn, nên dù người đó có mang đến niềm vui, hạnh phúc, hay thậm chí mang lại đau khổ dằn vặt cho chúng ta thì vẫn xem “người đến là phúc”. Nhờ họ mà chúng ta biết được hành trình của kiếp sống này đâu phải chỉ để ăn cho no, kiếm tiền cho nhiều, chết an lành là xong. Nó còn là cơ hội thăng tiến của tâm thức, tạo nên một rung động lực để linh hồn khi rời khỏi thân xác sẽ tiến nhập vào những cảnh giới cao và tốt đẹp, tương ứng với tần số năng lượng mà chúng ta phát ra.
Người đến là phúc, còn bởi vì nhờ họ mà chúng ta biết bản thân còn đang bị tắc nghẽn, chứa đựng những loại năng lượng tiêu cực nào. Ví dụ có người nói hai ba câu gì đó tự nhiên chúng ta nổi nóng lên. Cái nổi nóng đó đâu phải do mấy lời từ họ, mà do nó có sẵn trong người ta rồi, nên gặp tác nhân là lời nói, nó khởi lên thôi. Nên có câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” - quán chiếu xem xét lại bản thân trước mới trách cứ tới người.
Giống như một chui cắm vào ổ điện. Đâu phải nhờ cái chui mà có điện, do nhờ dòng điện mới giúp cho quạt chạy, đồ dùng hoạt động. Cái chui nó chỉ là vật trung gian thôi. Nếu như không có dòng điện thì cho dù cắm chui vào ổ thì quạt cũng đâu có chạy.
Nhìn ra như vậy để thấy, những người xuất hiện quanh chúng ta họ cũng như là phương tiện thử thách, “vật dẫn”. Họ đến đời ta, đứng trước mặt ta, để coi thử bên trong chúng ta đang chứa đựng cái năng lượng gì nhiều. Sân hận, tham lam, yêu thương, nhân ái, vui vẻ hay đa sầu đa cảm...
Bởi vậy để ý mới thấy có những người nghe những lời khó chịu mà họ vẫn “trơ trơ”. Là tại bởi bên trong họ đâu có nuôi cái nguồn năng lượng sân si, hay cũng có, nhưng nó không có nhiều, thành thử cũng đâu có tác dụng.
Tương tự, có những điều chúng ta thấy rất đơn giản để vượt qua, nhưng với người khác mất đi rồi là như mất cả cuộc đời, bám víu không thoát được. Và chúng ta khi rơi đúng vào hoàn cảnh, bài học của mình thì nếu không tỉnh táo, sáng suốt nhận diện ra cũng rất dễ bị cuốn theo những dẫn dắt của nguồn năng lượng tự thân đó mà trôi lăn mãi trong biết bao phiền khổ.
Cách nhận diện bài học có nhiều khía cạnh, nhưng đơn giản nhất là thế này bạn ạ. Nếu gặp một ai đó khiến chúng ta từ trạng thái bình thường bỗng nhiên cứ “rần rần” như có điện trong người thì biết họ là duyên lành hoặc xấu, họ là người “khảo”, họ là giám thị mang đến đề thi coi chúng ta có vượt qua bài học hay rớt tiếp. Yêu từ cái nhìn đầu tiên, ghét từ cái nhìn đầu tiên cũng từ đây mà ra. Một người đã nặng về nghiệp ái tình thì rất dễ bị cám dỗ từ người khác, không biết kiềm chế sẽ chạy theo nghiệp lực, dù cho đã có gia đình người yêu cũng không cưỡng lại được.
Chúng ta hay trách người thứ ba xuất hiện phá vỡ hạnh phúc mà quên mất rằng nếu bản thân người phản bội kia không có sẵn sự thay lòng thì cho dù một trăm người thứ ba cũng không khiến họ lung lay. Khổ một cái, con người chúng ta không nhận ra được bản thân có khả năng làm chủ được tất cả những xúc cảm đó. Cứ điên đảo để cho xúc cảm nhất thời dẫn dắt mà gây ra biết bao sai lầm.
Hay nếu chúng ta có sẵn lòng tham, tức năng lượng tham trong người thì gặp ai đó nói dỗ ngọt đầu tư cái này cái kia sẽ có lời thì tự nhiên không suy xét kỹ càng mà “đưa đầu” vào làm chung rồi bị lừa đảo, thất bại.
Bạn phải nhớ rằng, khi tái sanh là loài người thì tình và tưởng đều bằng nhau mới đủ cái phước được làm người. Tưởng sáng suốt thì thông minh, tình ám muội thì ngu độn. Chúng ta hoàn toàn có thể cân bằng hai thứ đó như bản chất vốn dĩ. Để tuỳ tình huống, chúng ta biết phát huy những điều tốt đẹp hay lắng xuống những thứ cảm xúc dẫn dắt sai lầm.
Bài học đến là để chúng ta trưởng thành, chứ không phải để làm khổ ai cả. Cũng vậy, chúng ta phải chịu khó thường xuyên đặt ra những câu hỏi để biết chúng ta là ai, vị trí chúng ta là gì trong xã hội, có đang làm tròn trách nhiệm với vị trí đó chưa? Để đừng bị lạc mất bản tâm khi chạy theo vọng tưởng, và cái nhìn với người khác.
Như thấy người ta làm chuyện này chuyện nọ thành công, chúng ta không rập khuôn bắt chước theo ngay trong khi thế mạnh bản thân trong lĩnh vực đó không có. Nghe theo người này người khác bảo phương pháp rèn luyện tinh thần, thân thể này vi diệu mà nó lại không phù hợp với nhận thức và trình độ hiểu biết của chúng ta thời điểm đó.
Giá trị của mỗi người được định đoạt ở việc họ làm có thật sự bằng cái tâm hay không, dù cho đó là một việc nhỏ nhặt, đơn giản nhất.
Khi đặt toàn tâm toàn lực, có sự chú tâm vào bất kỳ điều gì bạn làm thì bạn sẽ có định lực, chính kiến, hiểu rõ con đường mình phải đi và bài học cần phải hoàn thành trong mỗi giai đoạn, không cần chạy theo số đông. Từ định lực đó sẽ giúp bạn nhận rõ ra được giá trị chân thật của những bài học đến với đời bạn. Để có cách ứng xử, điều chỉnh, chuyển hoá khôn khéo nhất có thể.
Hãy cứ bình thản quan sát, kiểm soát nguồn năng lượng tự thân, hơn là để ý chuyện một người ở lại bên ta bao lâu hay thắc mắc sao họ nỡ lòng rời xa ta. Vì ai cũng có những chặng đường riêng, bài học riêng. Chúng ta làm sao gặp nhau là để tương trợ nhau, giúp nhau phát triển, dù đó có là người nợ ta hay ta nợ họ. Có nợ thì đến, hết nợ thì đi. Cảm ơn tất cả những điều, những người ở lại và ra đi trong đời. Như đoạn thơ ngắn sưu tầm dưới đây:
“Người đến là phúc, người đi là phận
Duyên sâu thì hợp, duyên mỏng thì tan
Vạn pháp do duyên, vạn sự tuỳ duyên
Không cưỡng không cầu, không mong không khổ”.
(Chuyện của Soul)
10 tháng 8, 2022
Bản nhạc tối
Một giọng ca huyền thoại đã ra đi ở tuổi 73 Olivia Newton John, người từng đoạt 4 grammy những năm 70, 80. Chắc chắn chúng ta không ai không thuộc một đoạn nào đó của If you love me, hay Let me be there, Rest you love on you... R.I.P Olivia!
Trời cao gió lộng
Kanshi (192) – Ryokan Taigu
(Lương Khoan Đại Ngu, 良寛大愚.Pháp Hoan dịch)
Dưới mái thảo am buổi cuối ngày,
Một mình gảy chiếc đàn không dây
Giai điệu hoà vào dòng nước chảy,
Âm thanh nhập với đám mây bay.
Phủ kín thung sâu cùng bóng tối,
Tan dần giữa núi đá rừng cây
Ngoài người hiểu được Tánh Không ấy,
Ai kẻ nghe ra tiếng nhạc này?
*
On a quite evening in my thatch-roofed hut,
Alone I play a lute with no string.
Its melody enters wind and cloud,
Mingles deeply with a flowing stream,
Fills out the dark valley,
Blows through the vast forest, then disappears.
Other than those who hear emptiness,
8 tháng 8, 2022
Suy ngẫm
Cuộc sống mà bạn đang sống là mơ ước của hàng triệu người khác.
Hãy hài lòng với cuộc sống của mình và hạnh phúc trong từng giây phút.
ST
6 tháng 8, 2022
Sự thật 1 kiếp người
Một ngày rất ngắn, ngắn đến mức chưa nắm được cái sáng sớm thì đã tới hoàng hôn.
Một năm thật ngắn, ngắn đến mức chưa kịp thưởng thức sắc màu đầu xuân thì đã tới mùa đông giá lạnh.
Một cuộc đời rất ngắn, ngắn tới mức chưa kịp hưởng thụ những năm tháng đẹp thì người đã già rồi.
Sự việc luôn luôn đến quá nhanh mà hiểu ra thì quá muộn, cho nên chúng ta phải học cách trân trọng: Trân trọng tình thân, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình yêu, tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình đồng loại...
Vì một khi đã lướt qua, thì khó có thể gặp lại.
Sau 20 tuổi thì đất khách và quê nhà giống nhau vì đi đến đâu cũng có thể thích ứng.
Sau 30 tuổi thì ban ngày và ban đêm giống nhau vì mấy ngày m.ấ.t ngủ cũng không sao.
Sau 40 tuổi thì trình độ học vấn cao thấp giống nhau, học vấn thấp có khi kiếm tiền nhiều hơn.
Sau 50 tuổi thì đẹp và xấu giống nhau vì lúc này có đẹp đến mấy cũng xuất hiện nếp nhăn và tàn nhang.
Sau 60 tuổi thì làm quan lớn và quan bé giống nhau vì nghỉ hưu rồi cấp bậc giống nhau.
Sau 70 tuổi thì nhà to và nhà nhỏ giống nhau vì xương khớp thoái hóa không thể đi được hết những nơi muốn đi.
Sau 80 tuổi thì tiền nhiều và tiền ít giống nhau vì có tiêu cũng chẳng tiêu được bao nhiêu tiền.
Sau 90 tuổi thì nam và nữ giống nhau vì không thể làm nổi chuyện gì nữa.
Sau 100 tuổi thì nằm và đứng giống nhau vì đứng dậy cũng chẳng biết làm gì?!
Vậy nên: Trước hay sau, trẻ hay già, giàu hay nghèo, sang hay hèn, quan hay dân dù là bất cứ ai đều giống nhau.
Hãy sống và giữ cho mình thứ tồn tại bất biến là: Niềm tin, tình người yêu thương và sự tử tế.
ST