Một người bạn thân từ hồi THĐ, HN vừa gửi cho 1 loạt ảnh hoa lan tự tay bạn vun trồng. Những giò lan thật lộng lẫy, thật đẹp và công phu. Mình share cùng blog nhé!
Bạn lại hỏi: 'Có phải thích chăm lan thế này có nghĩa là dấu hiệu của tuổi già phải không?'
Mình thì cũng từng chăm mấy giò lan, nhưng chả hiểu sao chỉ thấy tốt lá, chả thấy hoa đâu cả (hic). Nên mình nghĩ, nếu mà ai cũng chăm được lan nở đẹp thế này thì phải...trẻ ra chứ nhỉ, sao lại già đi được, phải không cả nhà?
Chúc cho các bạn có nhiều hoa trưng ngày Tết và không thiếu một giò lan xinh xắn nhé!
Cám ơn người bạn đã gửi ảnh hoa lan nhân dịp Tết cho blog thoidihoc.net nhé.
Hôm qua, bạn bảo tôi, có nhớ xôi sắn không? Xôi đồ bằng gạo nếp và củ sắn ấy, với hành hoa chưng mỡ. Mà có biết hành hoa là gì không hả...
Bạn hỏi, như hỏi một cô bé con. Không tự ái, không buồn cười, mà tự nhiên thấy lòng nao nao thế. Nỗi niềm đêm đông rét mướt, nỗi niềm xôi bỗng nhiên ùa về...
Ngày trước, mấy khi tự nhiên nhà ngả gạo ra mà thổi xôi đâu. Phải là giỗ, là chạp, là rằm, là đám. Cũng là gạo thôi, nhưng một thời gian khó, toàn dân triệt để tiết kiệm. Ăn no cũng đã là một cái tội, nữa là ăn ngon. Gạo tẻ năng xuất cao, rẻ hơn, ăn cốt cho đằm bụng. Chứ gạo nếp, cũng là gạo, lại là thứ gì xa xỉ lắm. Bỗng nhiên mà làm chõ xôi ăn chơi làm gì. Phần vì xôi mau ngán, nóng ruột. Phần để nấu xôi, phải ngâm gạo. Vội vàng nấu bằng xoong rồi chắt nước đi cũng xong đấy, nhưng chỉ được gọi là cơm nếp.
Xôi công phu hơn, phải ngâm gạo đến mấy tiếng rồi đồ lên trong chõ. Đơn giản nhất là xôi trắng. Đến xôi đỗ xanh đã là cầu kỳ hơn một bậc rồi. Trộn gạo với đỗ đãi, đồ lên thì được thứ xôi vàng lấm tấm như hoa cau. Ăn khô như rác trong cổ họng. Có lẽ giờ chả ai làm thứ xôi này nữa. Chịu khó hơn thì cũng đỗ xanh lại thành xôi vò xôi xéo. Thêm lá mỡ gà, thế mà mướt mắt lắm rồi. Ăn với chè hoa cau ngan ngát mùi hoa bưởi. Ngày xưa, bà hay nấu món này ăn sau bữa cỗ. Bao năm rồi, mùi hoa vẫn đâu đó trong ký ức những bát xôi chè ngày xưa ấy...
Xôi gấc cầu kỳ và rộn ràng tươi mầu hội hè đám cưới. Xôi lúa cảnh vẻ mà kiêu kỳ như người Hà nội. Xôi vừng dừa ăn lạ mà không chán. Xôi đỗ đen bùi và mát nhưng xấu xí. Xôi lạc hiền lành chắc dạ. Biến tấu xôi thời nay đã đa dạng đến khõ cưỡng. Xôi nếp than tím ngắt, xôi mít vàng hươm nhìn đã thấy vẽ vời. Xôi thập cẩm, xôi gà xé, xôi bắp, xôi cốm...Và gần đây nhất tôi được ăn xôi hạt dẻ. Xôi được nấu bằng những hạt dẻ đi nhặt trong rừng của các bạn Rostock. Ăn bùi và ngon lạ lùng, hơn tất cả những món xôi đã từng ăn. Bởi nó thấm đẫm tình bạn bè, và sự mến khách của một thành phố biển.
Nhưng xôi sắn thì phải sang đây tôi mới được ăn dù sắn còn đắt hơn cả gạo. Những củ sắn nhập khẩu từ Thái lan, đi máy bay sang Đức, nằm ngoan như những khúc củi thùi lùi trong siêu thị châu Á. Chúng được phủ một lớp paraphin để bảo quản. Trông buồn như sắp khóc. Thế mà khi đồ xôi, lại là cả một sự ngon lành duyên dáng đến bất ngờ.
Xôi trắng vốn nhạt và vô vị nếu không nắm chim chim mà xơi với chuối chín hay thịt gà. Sắn luộc là món ăn bình dân, rất bứ miệng và chả thể nào ăn đến no. Nhưng kết hợp hai cái thứ vô duyên ấy, lại thành một thứ có duyên đến độ, ấy là xôi sắn.
Sắn ấy, lấy con dao nhỏ mà tiện một vòng xoáy ốc để tách đi lớp vỏ nâu ảm đạm tẩm đẫm paraphin, mới lột trần ra làn da trắng nõn trắng nà, trông đã muốn cắn. Cắt thành từng miếng rất nhỏ, lần lượt vòng quanh cái mẩu xơ bé tỉ ti nằm giữa. Cứ nhẩn nha mà làm, đừng vội. Bởi chỉ cần đồ lên là đã xong một nồi xôi sắn. Thêm tý hành phi. Không phải hành khô phi vàng như xôi lúa. Ở đây là hành lá. Hay còn gọi là hành hoa....
Xôi sắn thơm một cách khác lạ. Mùi sắn chín bở tung, mùi gạo nếp mát lành, mùi hành lá ngấm mỡ đầy mê hoặc chứ không ngấy như thứ hành khô bức bối. Không cầu kỳ như xôi lúa, chân chất như xôi lạc, vội vàng như xôi đỗ xanh, xôi sắn là cả một sự giản đơn đầy sáng tạo.
Những lát sắn trắng tinh, xốp tơi, khẽ chạm là bở ra, ôm lấy những hạt xôi ong óng vừa chín tới. Mầu trắng không phải bao giờ cũng ấm áp, nhưng ở chõ xôi này, người kỹ tính nhất cũng không nỡ chối từ. Một bát xôi đơm lên còn bốc hơi, dậm thêm chút hành lá xanh óng đã chao qua dầu nóng. Thế thôi...
Nhất định sẽ có lúc cầm lòng không đặng, phải nhón tay vào cái mảng trắng nục trắng nạc của miếng sắn sắt vội. Những ngón tay dính đầy xôi... Nóng đấy, biết vậy, nhưng mà nhịn sao đành...
"Thịt gà, cơm nếp, đàn bà
Cả ba thứ ấy, đều là dùng tay..."
Đàn bà dùng như nào, chắc các cụ đọc bài này siêu đến độ, ối người dậy nhau viết sách được.
Thịt gà thời @, mọi người có sáng kiến lọc xương, thái miếng để các thực khách khỏi bẩn tay. Mất đi cái thú giằng xé của loài gặm nhấm. Cũng là một phát minh.
Nhưng xôi mà không được chạm vào để cảm nhận cái mòng mọng của những hạt gạo dính như đeo trên ngón tay, mất đi cái thú nhẩn nha nhiều lắm...
Có ai nghe xôi sắn mà nỗi niềm như tôi không. Hay chỉ là để xao xuyến một bàn tay không thể nào chạm tới...
Mình có khác các bạn gái đáng yêu không nhỉ? Khi các bạn yêu đắm đuối hương mùi già Gợi cảm giác Tết, dù bạn ở rất xa Vẫn nhớ hương mùi trong tiết trời lạnh giá.
Mình cũng nữ tính mà, đâu có nam tính Mà lại tương tư hương pháo tép tuổi thơ Mùi thuốc thơm, khói pháo toả mờ mờ Với mình thế là Tết, một thời thơ ấu. Suốt một thời nhọc nhằn bao cấp Tết trong mình là những buổi xếp hàng. Và cả những chiều lạnh giá, lang thang Vác khuôn đi gói bánh chưng cho hàng xóm. Tết nghèo nàn của một thời đói kém Chỉ nhớ hoài, hương pháo Tết mà thôi.
"Le géant de papier" là một trong những bài hát kinh điển của nền âm nhạc lãng mạn Pháp và luôn được xếp trong album những bài nhạc Pháp hay nhất mọi thời đại. Bài hát nói về tình yêu mãnh liệt của một người con trai dành cho một người con gái, vì nàng mà anh chấp nhận làm tất cả mọi thứ, ngay cả những điều khó khăn nhất, nguy hiểm nhất,hằngmong đổi lại dẫuchỉ làmột nụ cười hay một ánh mắt yêu thương của nàng. Tình yêu là vậy, đẹp, mãnh liệt và quyền lực nhất trong mọi thứ quyền lực trên thế gian này. Nó khiến con người ta có lúc mất hết lý trí, chỉ biết yêu và yêu hết mình, chấp nhận hy sinh ngay cả bản thân mình cho người mình yêu.
LE GÉANT DE PAPIER
Demandez-moi de combattre le diable
Hãy bảo tôi chiến đấu với ác quỷ
D'aller défier les dragons du néant
Hay đi khiêu chiến với loài rồng trong cõi hư vô
De vous construire des tours, des cathédrales
Để xây cho nàng những ngọn tháp hay những thánh đường
Sur des sables mouvants
Dù rằng - trên cát lún. Được thôi!
Demandez-moi de briser les montagnes
Hãy bảo tôi phá vỡ những ngọn núi
D'aller plonger dans la gueule des volcans
Hay ngâm mình trong miệng núi lửa trào dâng
Tout me paraît réalisable, et pourtant...
Tất cả những điều đó tôi đều có thể, ấy thế nhưng...
Quand je la regarde, moi l'homme loup au cœur d'acier
Khi nhìn nàng, tôi - con sói với trái tim bằng thép
Devant son corps de femme, je suis un géant de papier
Trước nàng, cũng chỉ là một gã khổng lồ bằng giấy mà thôi
Quand je la caresse et que j'ai peur de l'éveiller
Khi tôi chạm vào nàng, tôi lại sợ đánh thức nàng dậy
De toute ma tendresse, je suis un géant de papier
Dù với tất cả sự dịu dàng, tôi cũng chỉ là gã khổng lồ bằng giấy mà thôi
Trên diễn đàn "Yêu âm nhạc Pháp" có một bài viết khá hay. Tác giả bài viết bảo rằng bài ''Le géant de Papier'' này được dịch ra lời Việt là ''Lạc mất mùa xuân'' với nội dung hoàn toàn khác lời tiếng Pháp. Cho nên có thể gọi đây là "Một bản nhạc, hai cuộc đời."
Tôi rất thích cách nói gợi mở ấy.
Vốnyêu bản nhạc, lần nào nghe “Le géant de papier”, đến điệp khúc “Quand je la regarde, moi l’homme loup au cœur d’acier. Devant son coeur de femme, je suis un géant de papier” tôi cũng không thể giấu được nụ cười thú vị trước lời ca thật đẹp, bay bổng và lãng mạn. Tưởng tượng khi cất lên khúc hát “Khi tôi ngắm nàng, người đàn ông đầy tham vọng với trái tim sắt đá như tôi, trước nàng cũng chỉ là một gã khổng lồ bằng giấy mà thôi” ắt hẳn Jean Lacques đang quỳ gối, nghiêng đầu, tay phải đặt lên trái tim, tay trái run run đưa về phía người đẹp. Rất đúng chất galant, lịch lãm của một quý ông muốn tỏ tình “kiểu Pháp”!
Ấy vậy mà lần đầu tiên - sau khi đọc bài viết "Một bản nhạc - hai cuộc đời"- tôi tìmnghe lại “Le géant de papier”yêu dấu của tôi dưới cái tên “Lạc mất mùa xuân” do nhạc sĩ Lữ Liên phổ lời. Đúng là không thể không sửng sốt! Để rồi từ lần đầu tiên ấy, và mãi về sau tôi vẫn còn rung động, đắm chìm trong gia điệu và lời ca buồn mênh mang “Xuân về cho cây xanh lá, có riêng mình em lạc mất mùa xuân. Đêm đêm nằm nghe hồn bâng khuâng, bên song ngồi trông đầu non trăng xế. Thương bèo trôi theo sông nước, biết bây giờ em lạc bước về đâu? Tương tư về thương đôi mắt nâu đêm đêm tìm trong màn tối muôn sao.”
Tôi hoàn toàn không có ý định bàn đến lời ca trong “Lạc mất mùa xuân” của Lữ Liên tha thiết hơn hay “Le géant de papier” của J.J. LaFon nồng nàn hơn như một số người nghe thường đề cập đến. Tôi lại càng không thích nhận xét áp đặt, cho rằng sự quyến rũ của văn hóa Tây phương hay là cái tinh hoa tình cảm Á Đông, cái nào dạt dào, thấm đẫm tình yêu hơn. Bởi, nếu phương đông có câu hỏi “Vấn thế gian tình hà thị vật” của Nhân Khâu ngàn năm còn bỏ ngỏ thì phương Tây cũng có câu nói bất hủ của đại thi hào Shakespeare “Tình yêu là khói, sinh ra bởi hơi thở ngẹn ngào”!
Còn nhớ cách đây không lâu, trên Vietbao có đăng câu chuyện nhỏ, kể rằng vào một buổi chiều nọ, khi nhìn thấy bức ảnh chụp những chú chim đang đậu trên đường dây điện trong một tờ báo thì Jarbas Agnelli, 46 tuổi, một nhạc sĩ người Braxin đã chú ý và phát hiện ra rằng vị trí của mỗi chú chim tương ứng với vị trí của một nốt nhạc trên khuông nhạc của một bản nhạc. Điều này khiến anh đặc biệt chú ý và đã thử đánh dấu lại vị trí của chúng và thật bất ngờ là những vị trí này tạo thành một giai điệu hoàn chỉnh. Ngay lập tức những nốt nhạc vô tình này trở thành cảm hứng sáng tạo cho anh để viết nên một bản nhạc hoàn chỉnh.
Vâng, chuyện các nhạc sĩ thường lấy cảm hứng cho các tác phẩm của mình dựa trên giai điệu tạo ra bởi giọng hót của những chú chim đâu có gì là mới, nhưng từ vị trí của chúng khi đậu trên các dây điện ven đường mà có thể tạo ra một điệu nhạc thì lại là một việc hoàn toàn khác biệt. Cho nên, tôi chỉ nghĩ rằng hãy để âm nhạc tự dẫn dắt, đưa ta vào thế giới riêng đầy biến ảo và ngẫu hứng. Cùng là dãy nốt nhạc trên khung kẻ nhưng khi tấu lên, mỗi người sẽ bắt lấy được chìa khóa thanh âm khác nhau để mở ra tâm cảnh của chính mình. Cùng một hướng nhìn nhưng hai tâm hồn sẽ cho ra đời hai lời nhạc hoàn toàn riêng biệt dù có cùng thanh âm. Từ đó ta có thể trọn vẹn thưởng thức từng nốt nhạc rơi xuống như hơi thở tình yêu - dù là hơi thở nồng nàn như J.J. La Fon hay hơi thở xa xôi, trầm mặc như Lữ Liên thì đó vẫn là một tình ca đẹp.
LẠC MẤT MÙA XUÂN
(Nhạc Pháp - Lời Việt: Lữ Liên)
Dìu em đến đem cho đời anh thôi hoang vắng
Tim ta say đắm đã yêu em trong cuộc tình
Dòng tháng năm đó đã cho tình yêu em tha thiết
Những ái ân để phôi pha
Đành hỡi duyên kiếp em bước đi trong chiều mưa rơi
Lặng đứng trên bến anh với trông thuyền ra khơi
Những tháng năm đếm lá theo mùa thu chết
Những thu chết
Xuân về cho cây xanh lá
Có riêng mình anh, lạc mất mùa xuân
Đêm đêm nằm nghe hồn bâng khuâng
Bên sông anh trông đầu non trăng xế
Thương bèo trôi theo sông nước
Biết bây giờ em lạc bước về đâu
Tương tư về thương đôi mắt nâu
Đêm đêm tìm trong màn tối muôn sao
Ngồi suốt canh vắng lãng quên sầu thương trong men đắng
Cơn say mê đắm sóng dâng cao ngọn thủy triều
Rồi thấy thấp thoáng bóng em về chìm trong đáy cốc