Pages

30 tháng 6, 2020

Trong tâm có hổ thẹn chính là vẫn tồn tại hạt giống thiện lương


Có một vị tiên sinh nhớ lại quá khứ của mình, đã kể lại một câu chuyện. Năm đó, khi anh ta đang học trung học, thấy người bạn cùng bàn mua một chiếc đồng hồ thì rất ngưỡng mộ, bởi vì thời đó có thể đeo đồng hồ đã là một điều rất đặc biệt. Không lâu sau, trong lớp cũng có rất nhiều người mua đồng hồ, thế là anh ta cũng muốn mua một chiếc.
Cuối tuần, anh trở về nhà, lấy hết dũng khí để nói với mẹ về việc mua đồng hồ. Mẹ anh nói: “Nhà mình cháo còn không có mà ăn, lấy đâu ra tiền mà mua đồng hồ”. Điều đó khiến anh ta vô cùng thất vọng.
Nhưng khi cha của anh hỏi rằng mua đồng hồ làm gì, lúc này tâm hư vinh đã chiếm cứ nội tâm, anh liền nói dối cha rằng vì chuẩn bị cho kỳ thi đại học, nếu có đồng hồ thì sẽ sắp xếp được thời gian của mình, nếu không có sẽ rất bất tiện.
Sau khi đưa ra lý do xong thì không thấy cha nói gì, chỉ thấy cha ngồi trước cửa hút thuốc, vẻ mặt trông rất buồn. Anh ta đành rầu rĩ quay trở lại trường học.
Vài ngày sau, mẹ đến trường tìm anh và lấy ra một túi nhỏ. Vật trong túi nhỏ được bao bọc rất kỹ, người mẹ phải mở từng lớp từng lớp và lấy ra một chiếc đồng hồ đưa cho anh. Chiếc đồng hồ mới tinh, anh ta rất vui mừng, lập tức đeo ngay lên tay. Mẹ anh dặn phải quý trọng chiếc đồng hồ này.
Anh tiễn mẹ ra cổng trường và hỏi tiền đâu mà mua chiếc đồng hồ này. Người mẹ buồn rầu nói: “Cha con đi bán máu lấy tiền mua đồng hồ cho con đấy!” Anh lập tức thấy nghẹn ngào, cái đồng hồ này được đánh đổi bằng máu của cha mình mới có được.
Anh cảm thấy rất tội lỗi và tự trách mình, vì cái gọi là hư danh mà anh đã buộc người cha phải đổi bằng máu. Sau khi mẹ đi, anh liền hỏi các bạn học của mình xem có ai muốn mua chiếc đồng hồ này không, anh bán với giá gốc. Mọi người hỏi tại sao không đeo mà bán làm gì? Anh không muốn nói sự tình cho ai biết, bạn anh không ai tin, cứ cho rằng đồng hồ đeo tay có vấn đề gì đó, nên không ai muốn mua nó.
Không còn cách nào khác, anh đành tìm thầy giáo chủ nhiệm trình bày hết mọi chuyện cho thầy, mong thầy giúp đỡ đem bán chiếc đồng hồ này. Thầy chủ nhiệm xem xét chiếc đồng hồ và nói rằng đúng lúc thầy cũng đang cần chiếc đồng hồ, nên chấp nhận mua với giá gốc.
Tiền bán được đồng hồ anh dùng để trang trải phí sinh hoạt trong 2 tháng. Chuyện này khiến trong lòng anh vô cùng áy náy, hổ thẹn và cũng trở thành một động lực lớn mạnh cho anh. Những dục vọng của anh ta đều bị khắc chế lại, dồn tất cả năng lực tập trung vào việc học hành. Sau đó, anh thi đỗ đại học, rồi thuận lợi học xong đại học, ra trường lại có việc làm, cưới vợ, sinh con.
Mười năm sau, đến tết âm lịch, anh trở về quê nhà, tìm tới giáo viên chủ nhiệm năm ấy, hỏi về chiếc đồng hồ. Giáo viên mái tóc hoa râm, lấy ra một túi vải nhỏ, đó là cái túi mà mẹ anh đã gói chiếc đồng hồ. Giáo viên mở túi vải lấy ra một chiếc đồng hồ còn mới tinh.
Anh ta rất ngạc nhiên và hỏi thầy giáo vì sao còn giữ chiếc đồng hồ này mới vậy. Thầy nói: “Ta chờ em về chuộc lại”. Anh ta lại hỏi: “Sao thầy lại biết em nhất định sẽ về chuộc lại, lỡ em không về thì sao?” Thầy nói: “Đây không chỉ là một chiếc đồng hồ, mà bên trong nó còn chứa đựng lương tâm một con người”.
Không cần phải nói, lương tâm ở đây chính là sự hổ thẹn của một đứa con khi hiểu được nguồn gốc chiếc đồng hồ của cha mình mua cho.
Hổ thẹn khiến người ta biết hối lỗi về bản thân mình, biết kiểm điểm những việc làm đúng sai của chính mình. Người trên thế gian, nếu biết đâu là hổ thẹn, thì sẽ dễ dạy bảo, cũng chính là người thiện lương.
Đức Tín, theo SOH

Waka (84)

Thời gian đà trôi qua

và người dần quên lãng
chẳng còn đến với ta
chỉ con tim mù quáng
tin vào lời hứa xa.
*
Time passes,
A man forgets
And no longer comes;
Yet still
I depend on his promises.
____
Pháp Hoan dịch từ bản dịch tiếng Anh, nguyên tác thơ của nữ thi sĩ Izumi Shikibu (和泉式部 Hòa Tuyền Thức Bộ)

26 tháng 6, 2020

Waka (77)


Tại sao phải đắng cay

về một người xa lạ

mà ta chẳng hề hay
khi bóng chiều đã ngả
chỉ còn ta chốn này.
(Saigyō Hōshi 西行法師
Pháp Hoan dịch)

5 MẨU CHUYỆN NHỎ...

Cuộc đời là những trải nghiệm, có khi trải qua rồi mới hiểu ra được nhiều điều, từ đó mà trân quý hơn những thứ đã xảy đến với mình, thế nên người ta cũng gọi chúng là Quà Tặng Cuộc Sống.
1- Người mù thắp đèn
Vị Thiền sư thấy người mù xách theo chiếc đèn lồng được thắp sáng, trong lòng lấy làm khó hiểu, còn người đi đường thì cười nhạo bởi mù thì có thấy được ánh sáng đâu mà thắp đèn, thế là ông quyết định dò hỏi nguyên do. Người mù đáp: “Tôi nghe nói rằng sau khi trời tối, con người thế gian đều sẽ như tôi, cái gì cũng nhìn không thấy, vậy nên tôi mới thắp đèn để soi sáng đường cho họ, có gì là phí đâu”.
Thiền sư nói: “Thì ra ông là vì mọi người nên mới thắp đèn, thật là thiện tâm”.
Người mù nói: “Thật ra tôi cũng là vì bản thân tôi thôi, bởi thắp đèn rồi thì trong đêm tối người khác mới nhìn thấy tôi nên sẽ không đụng phải tôi”.
Vị Thiền sư chợt ngộ ra: Vì người khác cũng chính là vì bản thân mình vậy.
2 - Hòn đá tinh xảo
Một ngày nọ, có hai người hẹn nhau lên núi để tìm những hòn đá tinh xảo, A thì cõng trên lưng một giỏ đầy, trong khi giỏ của B chỉ có một hòn đá mà anh cho là đẹp nhất.
A liền cười B: “Sao cậu chỉ chọn được một hòn thôi vậy?”.
B nói: “Những hòn đá đẹp tuy nhiều thật, nhưng mình chỉ chọn một hòn đẹp nhất là đủ rồi”.
A cười mà không nói gì, trên đường xuống núi, A cảm thấy trên lưng mỗi lúc một nặng, sau cùng đành phải chọn ra viên đá xấu nhất trong giỏ để ném đi, đến khi xuống núi thì trong giỏ của A chỉ còn lại một hòn đá.
Trong cuộc đời sẽ có rất nhiều thứ, đáng để bạn lưu luyến, nhưng có những lúc bạn cũng nên học cách từ bỏ.
3 - Sai khác một bước
Lão hòa thượng hỏi tiểu hòa thượng: “Nếu như con tiến thêm một bước thì sẽ chết, thoái lùi một bước cũng sẽ chết, vậy thì con sẽ làm thế nào?”.
Tiểu hòa thượng không chút do dự mà trả lời: “Vậy thì con sẽ đi sang bên cạnh”.
Trời không tuyệt đường người, trên đường đời khi gặp phải tình huống tiến thoái lưỡng nan, hãy suy nghĩ theo một góc độ khác, biết đâu bạn sẽ hiểu được rằng, đường bên cạnh cũng vẫn là đường vậy.
4 - Mèo và heo
Mèo và heo là bạn tốt của nhau.
Một ngày kia, mèo chẳng may bị rơi xuống một cái hố lớn, heo mang dây thừng đến, mèo bảo heo hãy ném dây thừng xuống dưới, kết quả nó ném cả bó dây xuống dưới luôn. Mèo rất buồn bực, nói: “Ném hết cả xuống như vậy, sao mà kéo mình lên được đây?”
Heo nói: “Nếu khôn thì phải làm thế nào đây?”
Mèo nói: “Bạn nên cầm một đầu của sợi dây chứ!”.
Heo liền nhảy xuống dưới, cầm lấy một đầu sợi dây, nói: “Bây giờ đã được rồi này!”
Mèo đã khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.
Có những người không được thông minh lắm, nhưng lại đáng để bạn trân quý cả đời.
5 - Kim chỉ giây
Người công nhân phàn nàn với bạn: “Công việc là do chính chúng ta vất vả làm ra, nhưng người được biểu dương lại là tổ trưởng, thành quả cuối cùng lại đều trở thành của giám đốc hết, thật là không công bằng chút nào”.
Người bạn cười nói: “Hãy nhìn đồng hồ đeo tay của bạn mà xem, có phải trước hết bạn xem kim chỉ giờ, rồi mới xem kim chỉ phút, còn kim chỉ giây là vận chuyển nhiều nhất thì bạn lại không hề xem đến dù chỉ một lần”.
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu cảm thấy không công bằng thì hãy cố gắng nỗ lực để làm người đứng trước, chứ ngồi đó mà oán trách thì cũng chẳng được gì.

ST

24 tháng 6, 2020

Gặp nhau giữa trời.. nóng HN 23/6/2020

Nhân dịp người SG ra HN được chiêu đãi cái nóng hơn 40 độ chảy nhựa đường.. nhưng chè bưởi thì thật là ngon và mát. Cám ơn các bạn mình. Hẹn gặp ở SG nhé.



22 tháng 6, 2020

Người anh trai

Một gia đình nọ có hai anh em, một trai một gái sống nương tựa vào nhau. Vì cha mẹ mất sớm, em gái là người thân duy nhất của cậu bé, cho nên cậu bé yêu thương em còn hơn cả bản thân mình.
Tuy nhiên, một tai họa đột nhiên rơi xuống đầu hai đứa trẻ bất hạnh. Cô em gái mắc bệnh nặng, cần phải được truyền máu, nhưng máu trong bệnh viện lại quá đắt đỏ, cậu bé không có tiền để trả bất cứ khoản phí tổn nào. Cho dù bệnh viện đã miễn đi chi phí phẫu thuật, nhưng nếu em gái không có máu để truyền thì sẽ chết.
Cậu bé là người thân duy nhất có cùng nhóm máu với em gái mình. Khi bác sĩ hỏi cậu bé có đủ dũng cảm để truyền máu cho em gái hay không. Lúc đầu cậu bé do dự, sau một hồi suy nghĩ, cậu bé 10 tuổi đã gật đầu đồng ý. Lúc lấy máu, cậu bé im lặng không kêu một tiếng nào, chỉ nhìn về phía giường của em gái ở bên cạnh rồi mỉm cười.
Sau khi lấy máu xong, cậu bé run rẩy hỏi:
- “Bác sĩ ơi, cháu còn sống được bao lâu nữa?”
Bác sĩ đang định cười cậu bé thiếu hiểu biết, nhưng nghĩ lại chợt thấy xúc động. Trong đầu của cậu bé 10 tuổi này hẳn là đang nghĩ rằng, khi truyền máu xong thì mình nhất định sẽ chết, nhưng cậu vẫn chấp nhận truyền máu để cứu em. Trong khoảnh khắc đó, cậu bé đã đưa ra quyết định dũng cảm, sẵn sàng hy sinh bản thân mình.
Bác sĩ đưa bàn tay run run nắm chặt bàn tay của cậu bé và nói: - “Yên tâm đi, cháu sẽ không chết đâu. Truyền máu sẽ không chết đâu mà lo”.
Hai mắt cậu bé như bừng sáng:
- “Thật vậy sao ạ? Vậy cháu có thể sống được bao nhiêu năm nữa ạ?”
Bác sĩ mỉm cười, tràn ngập yêu mến nói:
- “Cháu bé, cháu có thể sống đến 100 tuổi, cháu rất khỏe mạnh!”.
Cậu bé vui sướng nhảy dựng lên, biết chắc rằng mình đã không có vấn đề gì, liền chìa cánh tay vừa mới lấy máu ra, trịnh trọng nói với bác sĩ:
- “Vậy bác sĩ hãy lấy một nửa máu của cháu cho em gái đi, như vậy mỗi đứa cháu có thể sống đến 50 tuổi”.
Nghe đến đây, tất cả mọi người đều bật khóc. Câu nói ngây thơ của đứa trẻ đã chạm tới tâm can của mọi người, nó xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến, dám hy sinh bản thân mình.
ST

21 tháng 6, 2020

Sức Khoẻ: 3 KHÔNG

DẬY SỚM 3 KHÔNG ĐƯỢC
1. Không được bật người dậy
Buổi sáng khi vừa mới thức dậy, cơ thể sau một đêm nghỉ ngơi vẫn còn trong trạng thái hỗn độn. Khi ngủ, tim sẽ đập chậm hơn, tốc độ truyền máu cũng chậm hơn.
Nếu lúc này, vội vàng bật dậy, máu đột nhiên trào ngược, dễ gây xuất huyết não, bệnh tim mạch.
Thầy thuốc xưa nhắc nhở rằng: "Bình minh tỉnh dậy, phải tỉnh tim trước rồi mới tỉnh mắt, hai tay xoa nóng, chườm lên mắt nhiều lần, mắt trái, mắt phải, mỗi bên đảo 9 lần, bịt mắt một lúc, rồi mở to".
Trước khi ngồi dậy, nằm thẳng trên giường, hai tay xoa vào nhau cho nóng, rồi dùng lòng bàn tay bịt mắt lại. Lặp lại vài lần, rồi chuyển động nhãn cầu, mở mắt và ngồi dậy.
Làm như vậy có tác dụng hiệu quả trong việc bảo vệ thần kinh mặt, tránh bị kích thích bởi gió lạnh.
2. Không được nhịn đại tiện, tiểu tiện
Sáng sớm là lúc đại tràng hoạt động mãnh liệt nhất. Lúc này, đại tràng vừa kết thúc công tác hấp thụ dinh dưỡng, chuẩn bị đào thải chất thải và cặn bã.
Những người ăn uống điều độ, có sức khỏe thường sẽ muốn đi vệ sinh vào buổi sáng sau khi thức dậy.
Đại tiện, tiểu tiện quy luật là tiêu chí đánh giá các cơ quan trong cơ thể người có hoạt động bình thường hay không?
Đại tiện, tiểu tiện đúng giờ sau khi thức dậy giúp giảm gánh nặng cho đại tràng và gan, giúp giảm áp lực cho bàng quang.
Do vậy, một khi muốn đi vệ sinh, tuyệt đối không được nhịn, nên nhanh chóng đào thải.
Sau khi ngủ dậy, có thể uống cốc nước, giúp giữ ẩm đường ruột, hỗ trợ cơ thể thải độc.
3. Không được coi thường bữa sáng
Buổi sáng sớm là lúc thức ăn dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ nhất trong ngày.
Nếu không ăn bữa sáng, dạ dày vận hành trong trạng thái trống rỗng sẽ dễ gây tổn thương lục phủ ngũ tạng.
Nhất là sau khi "thải độc" buổi sáng, càng phải nhanh chóng bổ sung dưỡng chất cho cơ thể.
Do vậy, thời gian ăn sáng không nên trì hoãn, phân lượng không nhiều, không ít, dùng bữa không được vội vàng.
Chịu khó dậy sớm 30 phút, thưởng thức bữa sáng một cách khoan khoái. Chỉ khi có đầy đủ dinh dưỡng, mới giúp bạn có đủ năng lượng để làm việc và học tập cả ngày.
CƠM XONG 3 KHÔNG VỘI
1. Không vội nằm xuống
Ăn no vội nằm là chỉ vừa ăn no xong liền vội vàng nằm xuống nghỉ ngơi. Thức ăn trong bụng chưa kịp tiêu hóa, tích tụ dễ sinh bệnh tật.
Thế nên mới có câu nói: "sau ăn đi trăm bước, sống đến 100 tuổi". Nên đi bộ, vận động nhẹ nhàng sau ăn sẽ rất tốt cho tiêu hóa.
Vừa thúc đẩy tiêu hóa, vừa giúp khí huyết lưu thông, có lợi cho sức khỏe.
2. Không vội vận động mạnh
Khi vừa mới ăn no xong, trong dạ dày vẫn còn một lượng lớn thức ăn chưa tiêu hóa. Nếu vội vàng vận động mạnh, dễ khiến bị sa dạ dày. Do vậy, không nên vội vàng vận động mạnh ngay sau khi ăn.
Sau ăn nên nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng, mới nên đi lại nhẹ nhàng, vận động sao cho cơ thể hơi ấm lên là đủ.
3. Không vội ăn hoa quả
Ngũ cốc là thực phẩm cung cấp dinh dưỡng, hoa quả là thực phẩm hỗ trợ, gia cầm và gia súc là thực phẩm bồi bổ, rau củ là thực phẩm bổ sung.
Ngũ cốc, rau quả và các loại thịt là nguồn chuyên cung cấp các chất dinh dưỡng cơ bản nhất cho cơ thể người. Ăn chút hoa quả sau bữa cơm có tác dụng bổ sung vitamin và chất xơ.
Nhưng nếu ăn hoa quả ngay sau khi ăn cơm sẽ tăng thêm gánh nặng cho dạ dày vốn đang no chướng. Vậy nên, đợi thức ăn tiêu hóa một lúc rồi bổ sung thêm hoa quả phù hợp là tốt nhất.
TRƯỚC NGỦ 3 KHÔNG NÊN
1. Không ăn đêm
Một số người thích ăn đêm, đặc biệt là những thức ăn nhiều dầu mỡ như đồ nướng...
Những thức ăn này sẽ mang lại gánh nặng to lớn cho tỳ tạng.
Tỳ tạng có liên quan mật thiết với chức năng tiêu hóa trong cơ thể. Nước bọt là do tỳ tạng sản sinh và kiểm soát.
Tỳ tạng khỏe mạnh giúp kiểm soát nước bọt không bị tràn ra miệng. Nhưng nếu tỳ tạng phải chịu gánh nặng lớn, mất chức năng kiểm soát sẽ gây ra hiện tượng "chảy nước miếng" khi ngủ.
2. Không nên quá kiệt sức
Đêm tối là lúc dương khí quy tụ, âm khí trỗi dậy.
Nếu quá kiệt sức trước khi ngủ, sẽ khiến dương khí suy kiệt, hao tổn khí huyết. Khí hư thiếu máu khiến giấc ngủ bất an, mê man, không được sâu giấc.
Do vậy, trước khi ngủ không nên quá kiệt sức, cho cơ thể một khoảng thời gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng để có một giấc ngủ sâu.
3. Không nên suy tư, lo lắng
Quá sức trước khi ngủ khiến cơ thể bất an. Lo lắng, suy tư trước khi ngủ khiến tâm không thể tĩnh.
Muốn bảo đảm chất lượng giấc ngủ, không những phải để cơ thể được nghỉ ngơi, mà còn để tinh thần được thư thái, yên tĩnh trước khi đi ngủ.
ST

TÁM NỖI NIỀM SÂU KÍN CỦA ĐÀN ÔNG


Đúc kết kinh nghiệm lâm sàng của cả một cuộc đời kinh lịch, James Hollis nhầ phân tâm theo trường phái Carl Jung đã chỉ ra tám nỗi niềm sâu kín của đàn ông. Cụ thể như sau:
Cuộc sống của đàn ông cũng bị chi phối, kìm kẹp bởi những kỳ vọng, mong đợi làm tròn bổn phận đầy hạn hẹp chẳng kém gì cuộc sống của đàn bà.
Về bản chất, cuộc sống của đàn ông bị chi phối bởi nỗi sợ hãi.
Sức mạnh nữ tính ẩn tàng trong tâm hồn đàn ông vô cùng thâm hậu.
Đàn ông thường âm thầm giữ kín, kìm nén nỗi lòng chân thực của họ.
Bởi vì đàn ông phải rời xa, độc lập khỏi người mẹ, và vượt qua mặc cảm người mẹ, vậy nên tất yếu sẽ phải có tổn thương.
Cuộc sống của đàn ông đầy màu sắc bạo lực là bởi kẻ khác đã xâm hại, gây tổn thương cho tâm hồn họ.
Trong sâu thẳm tâm hồn mình, mỗi người nam đều khát khao, mong mỏi có môt người cha, cũng như có những người cha lớn nâng đỡ tinh thần.
Nếu đàn ông muốn hàn gắn tâm hồn họ, thì họ phải khơi dậy từ bên trong mình những gì họ đã không nhận được từ cuộc sống bên ngoài.
Nguồn: James Hollis, Under Saturn's Shadow: The Wounding and Healing of Men

20 tháng 6, 2020

Waka (42-46)

Waka (42)
Trái tim của tôi đây
nào phải vườn mùa hạ
cớ sao lại mọc đầy
những cành cây tán lá
từ mối tình mê say.
*
Waka (43)
Dẫu anh đào năm nay
có muôn phần hấp dẫn
tôi sẽ ngắm vườn cây
với mùi hương hoa mận
ở trong tim tràn đầy.
*
Waka (44)
Từ đỉnh To-ki-wa
gió mùa thu thổi tới
thân thể tôi chan hoà
với màu và hương của
những cây tùng phương xa.
*
Waka (45)
Đêm trở nên sâu hơn
với tiếng kêu mòn mỏi
của con nai trong vườn
và tôi nghe tiếng gọi
của mối tình đơn phương.
*
Waka (46)
Em đã theo con đường
tối tăm của trần thế
từ núi cao muôn trùng
tất cả cũng chỉ để
đôi ta được tương phùng.
_______
Pháp Hoan dịch từ bản dịch tiếng Anh, nguyên tác thơ của nữ thi sĩ Izumi Shikibu (和泉式部 Hòa Tuyền Thức Bộ).

Waka (62)

Những đám mây sinh ra
ngỡ sẽ giăng trắng xoá
trên những triền núi xa

nhưng ngờ đâu mây đã
dựng lên giữa đôi ta...
(Pháp Hoan dịch từ Ono no Komachi)

Câu chuyện tại nhà Bank

Sau khi phải tốn cả tiếng đồng hồ với cha tôi tại nhà bank chỉ để cho ông cụ chuyển một số tiền, tôi nói
-Tại sao mình không dùng internet, ba?
-Tại sao phải qua internet? Ông hỏi lại.
-Tại vì mình sẽ không tốn hàng giờ vô bổ ở đây. Không chỉ nhà bank, ba có thể đi shopping mua bất cứ thứ gì từ internet. Mọi chuyện đều dễ dàng.
- Nếu vậy thì ba sẽ không cần ra khỏi nhà ư?
-Đúng vậy, -Tôi cao hứng kể tiếp- Bất cứ món gì ba muốn, Amazon có thể mang đến tận cửa cho mình.
Và những lời sau đây của cha tôi đã làm tôi chợt tỉnh
-Con thấy không, từ khi vô đây ba đã có dịp gặp gỡ chuyện trò 4 người bạn cũ. Có dịp trao đổi với nhân viên nhà bank, và họ bắt đầu biết ba là ai.
Ba đang ở một mình. Đây là nơi ba sẽ cần đến. Ba muốn gặp mặt từng người họ để tạo sự quan hệ cá nhân với nhau. Ba có đủ thì giờ để làm việc này.
Con còn nhớ hai năm trước ba bị bệnh nặng, ông chủ tiệm tạp hóa đầu đường đã đến thăm ba ngay tại giường?
Một lần khác mẹ con bị vấp té khi đang đi bộ trên đường. Một người bán hàng gần đó đã mau chóng dùng chính xe của anh ta chở mẹ về đúng nhà mình.
Ba làm sao có được sự quan tâm giúp đỡ đó nếu phải mua tất cả online trên internet?
Đó là lý do tại sao ba muốn giao dịch với người ta, giữa những con người với nhau chứ không phải chỉ bằng những cái máy computers. Ba thực sự muốn biết “con nguời” thật ba đang cần đến, trao đổi trong đời sống, không phải chỉ thuần túy là một kẻ “bán hàng”.
Amazon đâu thể cung cấp tất cả những thứ đó cho ba, phải không?
Khoa học và kỷ thuật không phải là đời sống con ạ
Chúng ta cần có thời gian nhiều hơn giữa con người với nhau, không phải giữa con người và những cổ máy vô tri.
ST

Suy Ngẫm

Tạm dịch: Có những khi bạn sẽ là một ánh lửa nhỏ soi sáng cho một ai đó, cũng có những khi bạn cần ánh sáng từ họ. Một khi là ánh sáng thì sẽ luôn mang đến niềm hy vọng và sẽ luôn mở ra một con đường.

Cách nhìn tử tế về v/đ Chuyển giới

Năm 2014, tôi nhận được một yêu cầu đánh giá tâm lý kì lạ. Đồng nghiệp người Mỹ đang làm tại phòng khám SOS trong Sài Gòn viết thư cho trung tâm tôi làm việc hỏi xem có ai nhận đánh giá tâm lý cho người chuyển giới không. Được biết người yêu cầu được đánh giá ở Hà Nội, bạn ấy đã đi qua Thái Lan thăm khám và chuẩn bị phẫu thuật. |
Tôi ngạc nhiên hỏi thêm tại sao bạn ấy lại tìm vào Sài Gòn. Đồng nghiệp của tôi cho biết bạn ấy đã đi tìm một số phòng khám tâm lý tại Hà Nội mà không chỗ nào nhận mà được giới thiệu vào Sài Gòn. Nhưng đồng nghiệp của tôi là người Mỹ không hiểu được các chuẩn mực văn hóa về giới nên họ tìm nhà tâm lý Việt Nam. Họ sau đó viết một ghi chú nhỏ rằng, nếu như các bạn không làm thì chắc sẽ không còn tìm được ai làm đâu.
Đó là lần đầu tiên tôi nghe về người chuyển giới,một ý tưởng thực sự khác biệt và phần nào ly kì với tôi lúc đó. Sao mọi người sinh ra đều biết và hài lòng về bản thân mà lại có một số người cứ nói mình không được sống là chính mình? Chuyển giới là chuyển cái gì? Vì sao đang là nam giới mà lại đi đứng nói năng như nữ. Vì sao một người lại không thích cơ thể của mình. Tôi cũng rất tò mò muốn gặp một người chuyển giới xem ra sao.
Tò mò nhưng chưa bao giờ làm nên không vội nhận lời mà hẹn gặp để tìm hiểu thêm. Thật ngạc nhiên, đến trung tâm gặp tôi là hai vợ chồng đạo diễn làm phim. Họ cho tôi biết người muốn có nhu cầu chuyển giới là Phong, nhân vật chính trong phim của họ (phim “Đi tìm Phong”, bộ phim sau này đạt nhiều giải thưởng quốc tế).
Phong là một sinh viên trường điện ảnh. Từ bé đã luôn muốn chuyển giới và em luôn thẳng thẳng chia sẻ với mọi người về chuyện của em. Mọi người định hỗ trợ tài chính cho em để phẫu thuật, và sau đó có nảy sinh ý tưởng làm một bộ phim mô tả chân thật quá trình thay đổi của Phong. Hiện tại, Phong đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, và đã đi khám ở Thái Lan, và đang dùng hocmoon. Trong thời gian chờ đợi, Phong muốn thực hiện đánh giá tâm lý, bởi bác sĩ bên Thái Lan cũng yêu cầu có đánh giá từ nhà tâm lý người Việt.
Khi nghe hết chuyện về Phong, tôi chia sẻ với họ tôi muốn giúp đỡ nhưng phải cân nhắc vì chưa biết làm thế nào. Sau mấy ngày đọc tài liệu và suy nghĩ, tôi quyết định nhận lời và gặp Phong vào tuần sau. Đó là lần đầu tiên tôi gặp một người chuyển giới.
Trong trí nhớ của tôi, Phong là một người nhỏ nhắn, mảnh khảng. Giọng nói của Phong ồm ồm chưa được trong trẻo. Em có vẻ hơi lo lắng và không thoải mái trong nhũng phút đầu tiên. Sau khi chào, giới thiệu và làm quen, câu đầu tiên tôi hỏi Phong: em cảm thấy thế nào khi đến đây? Thật bất ngờ, em trả lời tôi: “Em cảm thấy mình như bệnh nhân tâm thần buộc phải đến đây”.
Đánh giá nhu cầu chuyển giới là một yêu cầu đặc biệt trong y khoa. Thông thường, nhiệm vụ của các bác sĩ là tiến hành chẩn đoán cho bệnh nhân của mình trước khi họ thực hiện các can thiệp y tế. Tuy nhiên, trong trường hợp đánh giá chuyển giới, các bác sĩ phẫu thuật cần nhờ đến những chuyên gia trong vấn đề sức khỏe tâm thần. Nó làm tôi hay một chuyên gia tâm thần nào thực hiện việc này rơi vào vị trí của người đứng giữa, mắc kẹt giữa nhu cầu của người chuyển giới và yêu cầu của bác sĩ phẫu thuật.
Phẫu thuật chuyển giới là một phẫu thuật phức tạp duy nhất mà bác sĩ phẫu thuật phải thực hiện kiểu tay không bắt giặc. Tiêu chí xác định yêu cầu chuyển giới chỉ dựa và những thông tin chủ quan của bệnh nhân mà không có bất cứ một thông tin dựa trên trắc nghiệm sinh hóa nào. Thêm vào đó, mặc dù rất ít và rất hiếm, nhưng có một số chứng tâm thần có thể gây ra mong muốn thay đổi giới tính như tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, rối loạn nhân cách ranh giới. Khi các chứng tâm thần này được can thiệp, mong muốn thay đổi giới tính có thể mất đi. Các bác sĩ phẫu thuật không có đủ thời gian cũng như không biết rõ về các chứng tâm thần. Chính vì vậy, họ yêu cầu các nhà tâm lý hoặc các bác sĩ tâm thần chứng minh cho họ rằng nhu cầu chuyển giới của một người nào đó là chính xác.
Đến lượt mình, người yêu cầu chuyển giới sẽ cảm thấy khó hiểu. Tại sao cơ thể của tôi, tôi lại phải xin phép người khác làm gì? Tại sao đang làm việc với bác sĩ phẫu thuật, tôi lại phải đi đến gặp ông này để đánh giá tâm lý? Những băn khoăn này trực tiếp ảnh đến sự tin tưởng, tôn trọng và cởi mở giữa tôi và khách hàng. Nếu khách hàng cảm thấy mình buộc phải bị đến, hoặc nhà tâm lý đánh giá coi thường mình, thì họ sẽ không trung thực nữa. Như vậy tôi sẽ không hiểu được họ.
Suy nghĩ, cảm nhận mình bị đánh giá là người mắc bệnh tâm thần rất hay gặp khi những người chuyển giới đi đánh giá tâm lý. Suy nghĩ này phần nào bắt nguồn từ thực tế rằng Phiền muộn Giới (tên gọi của hội chứng những người có nhu cầu chuyển giới) vẫn được liệt kê trong bảng phân loại bệnh tâm thần, Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các loại rối loạn tâm thần phiên bản 5, (viết tắt DSM 5) của Hiệp hội Tâm thần học Mỹ.
Đây là một điểm dễ gây hiểu lầm. Bởi lẽ, Hiệp hội Tâm thần Mỹ, đã chính thức không còn coi Phiền muộn Giới là một chứng bệnh tâm thần. Nhưng để bảo hiểm chi trả chi phí y tế cho những người có nhu cầu chuyển giới, cần có một tên bệnh để gọi và ghi vào hóa đơn. Như vậy, gắn cho người chuyển giới một cái tên trong DSM 5 là để họ được hỗ trợ tài chính từ bảo hiểm. Nhưng điều này trở nên khó hiểu hơn khi nó không liên quan đến tình hình ở Việt Nam khi hệ thống y tế Việt Nam chưa chấp nhận việc chuyển giới.
Tôi cảm ơn Phong vì đã thẳng thắn chia sẻ cảm nhận của mình với tôi. Tôi giải thích tất cả điều trên cho Phong và thừa nhận rằng em sẽ cảm thấy việc tôi làm thể hiện rằng tôi coi em như một người tâm thần. Nhưng đó là do bối cảnh của việc này chứ không phải là ý muốn của tôi. Câu chuyện của chúng tôi trở nên thoải mái hơn khi tôi và Phong hiểu rõ bản chất việc mình đang làm.
Phong mô tả mình là một cô Trúc Anh Đài, một người con gái thực sự nhưng giả trai để sống. Ngay từ hồi bé (2 đến 3 tuổi), Phong đã biết mình là con gái. Em rất hay khóc và tủi thân vì những khi không được làm những thứ của phụ nữ. Một trong những chuyện xúc động nhất (với tôi) là đêm trước hôm khai giảng năm cấp ba, Phong đã khóc hết nước mắt vì biết rằng mình sẽ không được mặc áo dài vào sáng hôm sau. Vì Phong rất cởi mở và nhiệt tình chia sẻ, sau ba buổi, tôi đã có đủ thông tin để viết thư giới thiệu cho bác sĩ ở Thái Lan chấp nhận tiến hành phẫu thuật cho Phong.
Sau Phong, tôi cũng gặp tiến hành đánh giá một số yêu cầu chuyển giới khác. Một lần khác, có một bạn có giới tính sinh học là nữ, được mẹ đưa đến để xác định nhu cầu của bạn ấy muốn chuyển đổi cơ thể sang nam giới. Mẹ mặc dù rất ủng hộ bạn ấy nhưng vẫn lo lắng muốn bạn ấy suy nghĩ kỹ hơn.
Trong cuộc hội thoại giữa ba người (tôi, mẹ và bạn ấy), mẹ chia sẻ rằng mẹ muốn bạn lùi kế hoạch cắt ngực lại thêm một năm để sống thử thêm vì bạn ấy chưa phải là người chuyển giới nam điển hình (người có cơ thể nữ muốn chuyển sang cơ thể nam). Khách hàng của tôi gục đầu xuống bàn, lặng người đi, một phút sau bạn ấy ngước mắt lên, hai hàng nước mắt ròng ròng, nhìn mẹ và nói: “Mẹ còn muốn con thế nào nữa, vì sao trời nóng [hôm đó mùa hè, 38 độ] như thế này mà con phải mặc ba cái áo hả mẹ”. Bạn ấy mặc nhiều áo để che đi bộ ngực của mình.
Sau này, các khách hàng chuyển giới khác của tôi chia sẻ những nỗi đau, tủi thân, nỗi xấu hổ và nhiều cảm xúc tiêu cực khác mạnh hơn rất nhiều so với cách trải nghiệm về quần áo. Nhưng tôi luôn nhớ những trải nghiệm quần áo: mặc áo binder (nịt ngực) chặt tới mức hoa mắt vì khó thở, hay lặng lẽ ngắm nhìn những bộ quần áo của nữ giới mà thấy nhói lòng vì mình sẽ không bao giờ được mặc. Những miền vui đơn giản nhỏ nhặt trở thành một cực hình cho người chuyển giới. Tôi có thể không được đi du lịch như tôi muốn khi phải làm việc, hoặc không mua được cái xe tôi muốn mua, nhưng việc đó chỉ thỉnh thoảng diễn ra, trôi đi và cũng không ảnh hưởng lắm. Khác tôi, cảm giác bị soi mói, cảm giác không được làm điều mình muốn diễn ra hàng ngày, hàng giờ với những người chuyển giới.
Đầu tuần này, ca sĩ Lynk Lee, lần đầu tiên lên sân khấu trong một bộ váy đầm sau khi đi phẫu thuật chuyển giới. Có hàng nghìn lời bình luận về sự kiện này, đa số nói về cơ thể, ngoại hình, bộ phận sinh dục, cách làm tình… nhiều bình luận trực tiếp thể hiện sự dung tục, ghê tởm, coi thường với giới tính của ca sĩ. Tôi nghĩ rằng chúng ta đều có quyền có những cảm xúc, và sự đánh giá của riêng mình. Nếu bạn thấy khó chịu, kì lạ đó là cảm xúc của bạn. Không ai có quyền bảo bạn phải suy nghĩ và cảm thấy như thế nào. Chuyển giới là một điều hết sức khó hiểu ngay cả với những nhà chuyên môn trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, tôi khuyến kích mọi người hãy giữ những cảm xúc và đánh giá cho riêng mình. Bởi lẽ những cảm xúc và đánh giá tiêu cực của chúng ta gây tổn hại đến người chuyển giới. Tổn thương đó không chỉ là những lần khóc hết nước mắt, những lần chán nản thu mình ở trong nhà không dám đi ra ngoài. Tổn thương đó còn có thế lấy đi mạng sống của họ. Đã có nhiều người chuyển giới tự tử vì không chịu được sự kì thị của xã hội.
Trong lần tập huấn đánh giá nhu cầu chuyển giới, tôi có vô tình tìm kiếm được một phóng sự của đài truyền Úc. Phóng sự đó nói về hai mẹ con, người con tuổi trung niên, cơ thể sinh học là nam nhưng hiện tại đang ăn mặc giống như nữ giới. Bà mẹ rất đau khổ khi thấy con mình kì dị như vậy. Bà mẹ nói với con: “Mẹ không hiểu tại sao con lại phải làm như vậy và mẹ rất lo lắng khi con đi ra đường mọi người sẽ nghĩ gì, đối xử với con như thế nào”. Người con trả lời: “Mẹ không cần phải hiểu để chấp nhận”.
Tôi và bạn cũng vậy. Không ở trong hoàn cảnh của họ, có rất nhiều điều chúng ta thấy băn khoăn và sẽ không bao giờ hiểu được. Nhưng chúng ta không cần hiểu để chấp nhận họ bởi vì họ xứng đáng được công nhận giống như tất cả mọi người khác.
Người chuyển giới càng ngày càng hiện diện nhiều hơn trong xã hội, họ càng ngày càng đóng một vai trò lớn hơn trong mọi ngành nghề, chuyên môn, và vị trí xã hội. Có thể bạn và tôi không thể hiểu nổi hành vi của họ nhưng có một điều chăc chắn rằng họ đang khát khao được sống với đúng những gì bản thân họ cảm thấy. Những đánh giá không suy nghĩ của ta, như một câu chửi trên mạng, gây tổn thương họ.
Trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật”, Montesquieu viết rằng: “Thời mông muội, người ta chẳng hoài nghi gì, ngay cả khi người ta làm điều bậy bạ nhất. Đến thời văn minh, người ta còn run lên khi làm điều tốt nhất đẹp nhất”. Chính sự suy nghĩ cân nhắc của chúng ta làm nên một xã hội văn minh hiện đại. Tôi tin rằng tất cả chúng ta xứng đáng được sống trong xã hội đó.
FB Minh Nguyen Cao 

19 tháng 6, 2020

LÒNG TỰ TRỌNG CỦA NGƯỜI NHẬT

Vì sao Nhật Bản không có ăn xin ngoài đường?
Theo một số liệu thống kê thú vị, tại Tokyo có 2.000 người vô gia cư, nhưng bạn sẽ không bao giờ gặp được bất kỳ người vô gia cư nào hay một cậu bé lấm lem nào trên đường phố Nhật Bản đang ngửa tay ra xin tiền một người qua đường hay một ai đó.
Chính phủ Nhật Bản đầu tư thực thi chính sách “trợ cấp nhân sinh”, có nghĩa là bất kỳ người nghèo hay người vô gia cư khi cảm thấy điều kiện vật chất quá khó khăn và cần được giúp đỡ thì họ có thể đến chính quyền địa phương xin nhận trợ cấp. Trung bình một người có thể nhận số tiền trợ cấp hàng tháng lên tới 120.000 Yên (khoảng hơn 22 triệu đồng) để trang trải cuộc sống tối thiểu. Tuy nhiên, rất nhiều người nghèo ở Nhật Bản từ chối nhận chính sách này.
Hầu hết những người vô gia cư ở Nhật Bản đều là những người già, trẻ em khuyết tật, chủ doanh nghiệp bị phá sản, nhân viên văn phòng, sinh viên tốt nghiệp ra trường vì một lý do nào đó mà phải rẽ ngang cuộc đời. Dù rơi vào bế tắc hay bi thương họ không hề ngửa tay ra xin tiền, đơn giản vì họ nghĩ rằng như vậy đang làm mất đi lòng tự tôn trong nhân cách của mình.
Lòng tự trọng của người Nhật rất cao, họ cho rằng mình có thể chết nhưng không được xin của bố thí. Tại Nhật Bản, những người ăn xin là những người bị coi thường nhất, vì họ cho rằng tinh thần võ sĩ đạo sẽ không cho phép họ làm vậy.
Người Nhật tâm niệm rằng: Một người cho dù đến bước đường cùng cũng không bao giờ nhụt chí.
Cũng chính bởi vậy, từ đống đổ nát hoang tàn sau cuộc chiến tranh khốc liệt, Nhật Bản đã tự vươn mình trở thành một siêu cường quốc kinh tế chỉ trong một thời gian ngắn, khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục.
Tự trọng – Tinh thần võ sĩ đạo trong tính cách người Nhật
Lòng tự trọng được xem là giá trị cốt lõi trong văn hóa của người Nhật. Không chỉ riêng đối với người giàu mà ngay cả người vô gia cư cũng hiểu rằng, sự tôn nghiêm làm nên một con người chứ không phải tiền bạc hay chức vị.
Giáo dục cho trẻ em về lòng tự trọng trong nhân cách được người Nhật chú trọng ngay từ những khi còn bé. Đến Nhật, bạn có thể trông thấy một cậu bé 2-3 tuổi đang lẫm chẫm tập đi theo mẹ, nhưng nếu chẳng may trượt ngã, không bao giờ người mẹ cuống quýt, vội vã đỡ con dậy. Thay vào đó, mẹ cậu bé sẽ quay lại và nói: Con hãy cố tự mình đứng dậy nhé! Không dựa dẫm, tự đứng dậy ngay tại chính nơi mình vấp ngã là bài học về lòng tự trọng đầu tiên mà mỗi người con Nhật Bản được học ngay từ khi bé.
Có thể bạn chưa biết, tại Nhật, khi một người cảnh sát khi bắt gặp một người lái xe vi phạm luật giao thông, anh ấy sẽ không bắt người tài xế xuống xe mà sẽ bước đến bên buồng lái hỏi chuyện với người tài xế chỉ vì muốn giữ lòng tự trọng cho người lái xe.
Tại một cửa hàng của Nhật Bản, người chủ tiệm đã quyết định lắp đặt camera để quản lý trông coi hàng hóa phòng trường hợp bị mất cắp. Ngay một thời gian sau, không có bất kỳ vị khách nào ghé đến cửa hàng mua đồ nữa, họ tẩy chay chủ tiệm, vì ông ấy đã làm tổn thương lòng tự trọng của mình. Cũng từ đây, trong các siêu thị hay tiệm tạp hóa của Nhật đều không lắp camera như các nơi khác.
Và một điều kì lạ trong hàng tá những kì lạ về xứ sở này đó chính là chỉ trong vài ba năm, nước Nhật có tới từ 4-5 Thủ tướng, không phải người đứng đầu của đất nước bị cách chức mà họ xin từ chức. Từ chức vì lòng tự trọng.
Trong bất kể một lĩnh vực nào, dù chỉ là một sai phạm nhỏ, dù đó là do cấp dưới gây ra, người đứng đầu luôn nhìn nhận rằng nguyên nhân dẫn đến hậu quả này xuất phát từ chính họ, là lỗi của mình. Có câu chuyện kể về một vị giáo sư khi bị người khác đâm xe làm ngã, ông đứng dậy và nói với người làm ông ngã rằng: “Xin lỗi, vì tôi mà ông gây ra chuyện này!”
Người Nhật rất kiêng kị xúc phạm người khác. Trong giao tiếp, họ luôn cố gắng tìm cách nói giảm, nói tránh bằng những hành động ít mang tính đe dọa, không làm tổn thương người khác trước đám đông vì người Nhật muốn giữ lòng tôn nghiêm cho người khác.
Vậy tự trọng là gì mà từ một giáo sư học thức đến một người ăn xin ngoài đường coi trọng đến vậy?
Tự trọng là một phẩm chất cao quý, ước chế con người ta không phát sinh tham lam, tật đố; tự trọng hướng con người ta đi đúng đường, bước đúng bước không mưu cầu quá nhiều mà biết sống đúng mực. Tự trọng có thể được xem như thước đo của đạo đức mà con người có thể dùng để đối đãi với nhau. Không có tự trọng hay lòng tự tôn nhân cách con người dễ bị hoen ố, sống không cần biết quan tâm đến xung quanh và dần trở nên tha hóa. Cũng bởi vậy mà tự trọng đã trở thành bài học đầu tiên mà mỗi em nhỏ người Nhật được học ngay những bước vấp ngã đầu tiên của cuộc đời mà họ tin khi có tự trọng con người sẽ biết phân biệt đâu là đúng, đâu là sai; điều gì nên và không nên làm, từ đó mà gặt hái sự tôn nghiêm của bản thân họ ...tự trọng dạy con người ta biết vươn lên sau những khó khăn; và hạn chế tối đa thương tổn trong tâm người khác. Nhật Bản ngày nay có lẽ đã không chỉ là xứ sở của hoa anh đào hay các ngọn núi tuyết cao sừng sững, mà còn là đất nước của những giá trị nhân cách cao cả.
Khang Lạc

14 tháng 6, 2020

Buồn khác Cô đơn?

"Thời trẻ tôi viết bằng nỗi cô đơn vì lúc ấy chưa biết rõ mình là ai, sống lang thang hết bến này bờ nọ, lúc lên rừng lúc về biển, bốn mùa hết gác hẹp này đến gác nhỏ khác và cứ phân vân tự hỏi những điều vớ vẩn về cuộc đời, về tình yêu, về đủ thứ lăng nhăng của một đời người chưa có định hướng rõ rệt.
Bây giờ thì đã khác. Không bao giờ cảm thấy cô đơn, dù chỉ sống một mình. Bây giờ thì lúc nào cảm thấy hơi buồn buồn là có thể viết. Buồn mà rất yên tĩnh trong tâm hồn. Một sự yên tĩnh hơi bất thường vì nó không cho phép mình còn biết yêu hay không còn vấn đề đỉnh cao hay vực sâu của cô đơn nữa. Cô đơn là một chữ đang xa lạ với tôi trong lúc này. Lúc khác thì chưa biết. Vả lại cũng không nên đề cập đến chữ cô đơn hay cô độc trong thời buổi này bởi vì những ý niệm buồn tẻ đó nghe không còn hợp thời nữa đã qua. Vừa cũ vừa chương chướng. Nếu tình cờ có ai hỏi bạn là tôi có cô đơn hay không thì bạn trả lời giùm. Trịnh Công Sơn chỉ thỉnh thoảng có đôi chút buồn buồn. Buồn buồn vì thấy cuộc đời vui quá, đáng yêu quá, mà mình thì không thể sống hằng nghìn năm để nhìn ngắm cái mượt mà của từng phút đầy tính lễ hội của phố xá tưng bừng nhan sắc ở trần gian…
Khi bạn nghe tôi nói đến tuyệt vọng có nghĩa là nỗi tuyệt vọng ấy đã qua rồi. Duyên cớ của nỗi tuyệt vọng nào cũng đáng ghét như nhau. Chẳng nên bỏ công mà nghĩ hoài đến nó. Nó làm cho cuộc đời bớt đẹp và vì thế hãy biết lãng quên. Tôi đã lãng quên và như vậy có nghĩa là nếu tình cờ bạn nhìn thấy tôi trên đường đi, bạn sẽ bắt gặp một con người không hề biết cô đơn là gì"
- Trịnh Công Sơn – Rơi Lệ Ru Người

Suy Ngẫm

Không phải là bạn có bao nhiêu năm kinh nghiệm, mà là chất lượng của những năm kinh nghiệm đó.
Jacob Cass

13 tháng 6, 2020

Phải làm sao để ai đó quý mình?

Benjamin Franklin là một trong những vị lập quốc của Hoa Kỳ. Ông là nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, là nhà ngoại giao lỗi lạc, là nhà tư tưởng, nhà văn có nhiều tác phẩm nổi tiếng. Hình ảnh ông có trên tờ đô la xanh mệnh giá $100 đang được lưu hành.
Trong khoa học tâm lý có thuật ngữ ‘tác động Franklin’ đề cập đến bí quyết làm cho mọi người tự nhiên thích mình. Mọi người thường mặc định rằng người ta chỉ thích những người biết chào hỏi niềm nở, cử chỉ thân ái, hay giúp người, hay làm việc thiện vân vân. Vậy nên người ta cho rằng muốn để ai thích mình thì cũng phải tỏ rõ rằng mình phải là tử tế, phải là người đáng tin cậy. Nhưng ông Franklin chơi kiểu khác.
Có lần đối thủ kình địch trên chính trường của ông, không ưa gì ông nên luôn tìm mọi cách cản trở ông, làm mọi việc của ông thật khó khăn. Ông thấu hiểu phải làm sao biến người đó thành người cùng phe với ông, chứ để người đó là địch thủ thì cuộc đời sẽ lắm phiền hà! Nhưng thay vì tán dương, hoặc làm gì đó lấy lòng người kia theo cách gọi là thu phục nhân tâm, ông chủ ý làm theo cách riêng của mình.
Biết người này có trong tay một cuốn sách quý, ông liền hỏi “làm ơn cho tôi mượn đọc trong vài ngày được không? Cuốn sách hiếm nên không tìm đâu ra.” Sau đó vài ngày ông trả lại cuốn sách kèm theo một chiếc thiệp xinh xinh ghi dòng chữ “Xin cám ơn đã cho tôi được đọc cuốn sách quý.” Chỉ lời cám ơn chân thành như vậy thôi mà người kia trở thành bạn của ông Franklin.
Điều mà ông Franklin đã làm là áp dụng nguyên tắc rất phổ biến trong khoa học tâm lý – trong tiếng Anh gọi là “cognitive dissonance”. Nguyên tắc này đại để cho rằng nếu trong tâm trí của ta luôn phải duy trì hai luồng suy nghĩ đối kháng sẽ gây ra sự bế tắc vì hai luồng suy nghĩ này ‘chọc’ nhau gây cho người ta nỗi bất an và cuốn đầu óc người ta vào nỗi căng thẳng triền miên. Giải pháp cho tình thế tâm lý ấy là cần phải tự mình biến đổi, làm sao để cho suy nghĩ này hoà hợp với suy nghĩ kia, để hai luồng tinh thần đó từ hai trở thành một thôi, từ đó tạo nên một dòng sinh khí mới sẽ trở nên mạnh hơn cho tâm trí.
Trong trường hợp của ông Franklin, địch thủ của ông vẫn nuôi một ý chí “Ta chẳng ưa lão Franklin.” Nhưng khi bị đưa vào tình thế phải cho mượn cuốn sách, người này có trong đầu hai luồng suy nghĩ ‘Ta chẳng muốn giúp kẻ ta không ưa, ta chỉ muốn giúp người nào ta ưa thôi nhé”. Nhưng trước hoàn cảnh không thể nói lời từ chối với Franklin, người này buộc phải làm nhẹ dòng suy nghĩ nặng nề kia để cho ông mượn sách, rồi khi nhận được chiếc thiệp cám ơn thân ái, những suy nghĩ đầy đối kháng với Franklin tự nhiên mất đi năng lượng thù địch và dòng suy nghĩ dịu dàng mới xuất hiện đấy đã tự nhiên biến người đó thành bạn của ông Franklin, chí ít cũng trong lĩnh vực liên quan đến ‘sách’!
Từ đó trong khoa học về tâm lý con người, được tổng kết thành bí quyết Benjamin Franklin “Nếu muốn một người nào đó quý mình, hãy hỏi người ấy làm giúp mình một việc gì đó.”
Chỉ có vậy thôi.
ST

Trang thơ Tình Yêu - Đồng Ánh Liễu

CÁM ƠN NGƯỜI (1)
Cảm ơn người vì đã đến bên ta
Đã sưởi ấm tim ta trong phút chốc
Rồi rời đi bỏ lại ta đơn độc
Giữa biển đời lạc lõng đầy dối gian
***
Cảm ơn người – cho ta ấm tay đan
Và trao ta những nồng nàn say đắm
Rồi rời đi về một miền xa thẳm
Biết trăm năm cũng chẳng có tương phùng
***
Cảm ơn người vì đã từng bước chung
Một quãng ngắn con đường bao khó nhọc
Rồi rời đi dẫu ngàn lần ta khóc
Vẫn nhớ hoài dù cay đắng xót xa
***
Cảm ơn người vì đã đến bên ta
Trao lời yêu với chút tình chân thật
Rồi vội vã – dòng đời riêng tất bật
Đớn đau nhiều
nhưng chẳng trách chi đâu!
***
Vì cuộc đời – ta biết lắm bể dâu
Nên không muốn nặng nề câu ai oán
Không than van tình yêu kia mau cạn!
Mà ơn người – vì một đoạn tình chung
***
Yêu thương đó ta mang đến tận cùng
Luôn hạnh phúc và bình an người nhé!

CÁM ƠN NGƯỜI 2
Cảm ơn người đã bạc bẽo với em
Để em biết phải vươn lên mạnh mẽ
Khi người đến gieo tổn thương nhiều thế
Nên hôm nay em mới biết yêu mình
***
Cảm ơn người đã cạn nghĩa cạn tình
Bỏ mặc em một mình trong đêm tối
Để em biết tự mình qua chới với
Và kiên cường chống chọi đời bão giông
***
Cảm ơn người bỏ mặc giữa ngày đông
Để em biết không chờ ai ủ ấm
Tự quàng khăn trong những ngày rét đậm
Chẳng mong chờ ấm áp một vòng tay
***
Cảm ơn người dạy em hết thơ ngây
Để em biết đời giăng đầy oan trái
Rằng mềm yếu đâu phải được ưu ái
Mà trưởng thành – vững chãi mới an yên
***
Cảm ơn người đã trao những ưu phiền
Và khổ đau tưởng chừng như ngã quỵ
Cho em biết tự vượt qua bi luỵ
Mà mỉm cười chua chát xót thương thân
***
Cảm ơn người đã lấy cả thanh xuân
Và ngày tháng trong ngần em từng có
Người buông tay mặc tình ta tan vỡ
Để hôm nay em gặp gỡ … một người
***
Trân trọng em … mang lại những nụ cười
Và dịu dàng bên đời em như thế…!

ANH YÊU EM, NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐÃ CŨ
Anh yêu em người đàn bà đã cũ
Dẫu không còn vóc dáng tuổi đôi mươi
Không vẹn nguyên và rạng rỡ nụ cười
Nét trong sáng chẳng đong đầy ánh mắt
***
Mà anh yêu ở những điều nhỏ nhặt
Vẻ dịu dàng đằm thắm của thời gian
Yêu nụ cười bình thản trước gian nan
Nét can trường vượt qua ngàn dâu bể
***
Anh yêu em ở ánh nhìn lặng lẽ
Ở bề ngoài nhẫn nại và dẻo dai
Đã trải qua nhiều được mất đúng – sai
Từng thương tổn cạn khô dòng nước mắt
***
Anh yêu em , yêu nụ cười chân thật
Vẻ an yên lắng đọng nơi tâm hồn
Không than trách vì đời lắm thiệt hơn
Mà thản nhiên trước thăng trầm cuộc sống
***
Anh yêu em qua tháng năm dài rộng
Đã bỏ buông những ký ức nhọc nhằn
Gói ghém kỹ gửi về miền sâu thẳm
Nhẹ nhìn đời như gió thoảng mây bay!
Nguồn : Đồng Ánh Liễu

11 tháng 6, 2020

Tranh

Hạc trắng và thông xanh tượng trưng cho cuộc sống lâu dài, trường thọ, an yên, tự tại.
Gửi cả nhà vài bức mới vẽ. Chúc cả nhà tự tại, an nhiên như Thông, như Hạc :D)



6 tháng 6, 2020

Học Lại Yêu Thương

Bắt đầu từ đâu ta học được yêu thương
Chắc không phải từ khi biết yêu một người khác giới
Hẹn hò đầu tiên
Nụ hôn đầu tiên
Lần đầu làm chuyện ấy...
Mọi cái giản đơn hơn
Như thể,
rất lâu rồi...
Ta biết yêu thương như hơi thở lúc chào đời
Chỉ hít vào thở ra bằng buồng tim lá phổi
Bằng bản năng và bằng si mê đắm đuối
Bằng thân phận đời người qua năm tháng dần trôi
Chợt nhận ra chưa học cách yêu người
Để một ngày tình yêu vuột qua tầm tay với
Chỉ là ánh mắt gửi trao, một bàn tay nắm vội
Hay tách trà khuya xua giá lạnh bên ngoài
Nào phải xa xôi nào cần chọn lựa ý lời
Yêu thương ấy ngỡ tràn đầy cho và nhận
Bỗng có ngày ta băn khoăn tự vấn
Cái ta cho người...
Thật đúng cách hay chưa?
Học lại yêu thương từ lúc chợt nghi ngờ
Cái ta cho đi phải chăng là vĩ đại
Nên ta đợi người một món quà tặng lại
Suốt đời mình...
Ta làm một sân ga!
Học lại yêu thương khi tóc biếc đã chớm ngà
Học lại cách yêu người để yêu mình thêm chút nữa
Khi yêu thương lên tiếng chối từ
Xin đừng buông tay nhau lần nữa
Một cánh cửa lòng vẫn mở để chờ nhau...
---
Ka
102015

4 tháng 6, 2020

Hoạ thơ

Xướng: MƯA ĐÊM
Đêm qua mưa lại tìm về
Ướt đẫm thời gian xưa cũ
Giọt mưa- ngàn lời nhắn nhủ
Hình như ta vẫn cần nhau!
Cuộc đời muôn vạn nỗi đau
Xót xa chuyện tình dang dở
Mưa ơi, gió còn mắc nợ
Lang thang muôn nẻo chưa về
Từng giọt mang nỗi đam mê
Tan nhòa như hàng nước mắt
Vòng tay cho ngày gặp mặt
Buông xuôi trôi mãi về đâu?
Mưa hoài để nhớ thương nhau
Mưa hoài cho lòng lạnh giá
Em có nhớ cơn mưa lạ
Anh còn đếm giọt mong chờ?
Chiều Lam 1/6
Hoạ: MƯA THÁNG SÁU
Tháng Sáu về giấu nỗi nhớ vào mưa
Em vẫn cần anh mỗi đêm dài trăn trở
Yêu hay lãng quên nhau sau muôn vàn nhung nhớ
Giấc ngủ chập chờn chỉ mưa làm dịu nỗi cô đơn
Đêm qua mưa ...
mưa khóc một mình buồn
Em nhờ mưa nhắn hộ mình đang nhớ
Em nhờ mưa gọi gió về trả nợ
Anh nợ em một đời ...
đến khi nào trả hết được anh ơi!
Lang thang có khi nào mỏi chân, khi nào ngửa cổ than trời
Sao tôi thèm một cơn mưa tháng Sáu
Giữa oi nồng ... tìm nhau
khát,
mong,
gặp ...
Vòng ôm được em rồi mưa ngập môi hôn
Đêm qua mưa tháng Sáu xót xa buồn
Anh ở nơi xứ người mát trời, hoa nở rộ
Đam mê anh bỏ quên nơi quê nhà mong nhớ
Để người bên này đếm từng giọt thẫn thờ rơi...
Chúc Linh Nguyễn