Mình
mới đăng một bài của Nguyễn Duy Nhiên về ‘Sự tử tế’ mà điểm cốt lõi chính là
Tình Thương hay Tâm Từ. Tâm Từ có sẵn trong mỗi con người, chỉ biểu hiện lúc
nào có điều kiện mà thôi. Quan trọng là chúng ta có cho nó điều kiện để biểu hiện
ra hay không?
Bạn
bè chơi với nhau cũng vậy. Mọi việc đôi khi tưởng rất đơn giản, có thể xoá bỏ
ngay được, hoặc nói ra ngay được thì ta thường làm cho nó trở nên căng thăng,
khó khăn. Mà kết quả là dẫn đến tổn thương lẫn nhau rồi mất luôn tình bạn.
Không
ai có quyền phán xét người khác khi chính mình cũng chưa tốt đẹp gì. Nhưng góp
ý thì là chuyện ‘bình thường ở huyện’, nhất là khi đã là bạn tốt của nhau. Thế
nhưng ‘góp ý’ mà thái quá thì dễ trở thành sự ‘lên án’ hay ‘phán xét’ tuỳ thuộc vào người góp ý và người nhận sự góp ý nhìn nhận vấn đề thế nào. Nếu người
góp ý mà có thành ý, thành tâm thì người nhận được sự góp ý cũng nên suy nghĩ
và xem xét lý do tại sao mà bạn lại góp ý cho mình, có phải mong cho mình tốt
lên hay không? Chả phải ‘không có lửa thì làm sao có khói’ hay sao? Hay việc
mình làm là tốt rồi, nhưng có thể bị nhìn nhận không đúng thì cũng nên chia sẽ
để nhận được sự ủng hộ từ bạn, và có được sự nhìn nhận đúng đắn hơn để tình bạn
càng tốt đẹp hơn. Còn người góp ý thì nên tìm lời lẽ nhã nhặn, và quan trọng nhất là góp ý với một
tâm ‘thương yêu’ đồng cảm, mong muốn cho bạn mình tốt lên thì mới dễ thuyết phục
bạn. Người đời cũng nói ‘lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa
lòng nhau’ đấy thôi.
Đôi khi thật đáng tiếc vì một chuyện nhỏ như hạt cát có khi bị đẩy lên thành cả…trận bão lớn.
Thế rồi, từ một chuyện, thành hai, ba chuyện được lôi ra, được gộp lại, bị
đúc kết, bị kết luận, và…thế là chấm hết một tình bạn được xây dựng bao nhiêu năm.
Bất
kỳ một cuộc chia ly nào cũng có lỗi cả hai phía, chỉ là bên nhiều, bên ít. Tình bạn, tình yêu hay tình vợ chồng cũng vậy.
Việc cứu vãn một cuộc hôn nhân hay một tình bạn là hoàn toàn có thể, nếu như cả
hai cùng mong mỏi sự trở lại. Vì, sau một cơn giông là một ngày nắng đẹp. Sau một cuộc
giận dỗi, cãi vã, nếu đã biết là hiểu lầm có nghĩa là đã được hiểu đúng rồi. Thế
thì đó là thời điểm đẹp nhất của sự trở lại một tình bạn tốt hơn, một cuộc hôn
nhân trưởng thành hơn phải không?
Mình
còn nhớ một câu chuyện thế này: “Có hai nhà sư đi qua một con suối nhìn thấy một
cô gái đẹp đang muốn qua suối mà nước chảy xiết quá nên không dám qua. Một nhà
sư không ngần ngại ghé vai cõng cô gái qua suối. Sang đến nơi nhà sư ấy bỏ cô
gái xuống rồi tiếp tục đi như không có chuyện gì xảy ra. Đi một quãng, nhà sư
kia hậm hực hỏi: “Sư huynh tại sao lại vác cô gái lên vai vậy, không biết là
chúng ta tu hành không được gần gũi nữ giới hay sao?". Nhà sư kia liền nói: “ Ô,
tôi đã bỏ cô gái ấy bên bờ suối từ lúc nãy rồi, sao đệ vẫn tiếp tục vác cô ấy đến
bây giờ?”.
Câu
chuyện ấy muốn nói với chúng ta rằng, với một tâm trong sáng thì việc làm gì
cũng tử tế, trong sáng. Một việc qua rồi thì nên cho qua. Nhưng nếu còn hậm hực
như nhà sư kia, tiếp tục trách móc bạn tu thì có nghĩa là nhà sư đó tự mang vác nỗi
khổ trong lòng, trong khi nhà sư kia đã nhẹ gánh mà bước từ lâu.
Thầy
mình có dặn không nên tham dự vào nghiệp của người khác vì mình cũng sẽ ‘vác
nghiệp’ cho mình. Ai cũng có bài học nhân quả để học ra trong kiếp sống
này. Kể cả việc làm từ thiện cũng phải
suy nghĩ cho kỹ vì chưa chắc người nhận được sự giúp đỡ đã trân trọng nó, hoặc
người khác đánh giá nó một cách sai lệch.
Mình nhớ Trịnh Công Sơn có viết: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Chỉ để gió cuốn đi...". Cho dù 'chỉ để gió cuốn đi' thì mình vẫn mong rằng tất cả chúng ta cùng thấy ra những điều cần thấy để có thể sống tử tế và tốt đẹp với nhau mãi mãi, vì cuộc sống này là rất ngắn ngủi, các bạn à.
Nice week end cả nhà!
Nice week end cả nhà!
BH 17/7/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét