Pages

31 tháng 5, 2018

TẠM BIỆT THÁNG NĂM THƯƠNG NHỚ!



Em nghẹn lòng từ biệt, tháng năm ơi
Hồng Tú cầu còn tròn xoe rực đỏ
Nhành phượng vĩ, chùm bằng lăng đua nở
Không ngoái đầu, tháng năm vẫn bỏ đi

Cách nào đây để vẽ lại mê si?
Vẽ nồng nàn của tháng năm cháy bỏng
Dù nỗi nhớ vẫn cuồn cuộn nổi sóng
Mỗi ngày trôi, bào sức sống, niềm vui

Thôi cũng đành,
Từ biệt...
Tháng năm ơi!
Bông hồng đỏ rã cánh rơi, héo hắt
Có nỗi buồn dâng lệ tràn lên mắt
Để đêm về thổn thức khóc tiếng mưa

Thương nhớ ơi, bao giờ đến ngày xưa?
Nơi ánh mắt ngọt ngào tìm ánh mắt.
Nơi bàn tay quyện vào nhau, xiết chặt.
Ngỡ ân tình mãi mãi đến ngàn sau

Đời phũ phàng nên giờ chỉ đớn đau
Ân tình cũ đành giam cầm tù ngục
Dẫu hình bóng còn khắc sâu trong ngực
Người xa rồi, có níu kéo nổi đâu.

Tháng năm thật dài,
Mà có được bao lâu?
31/5/2018

Sinh nhật tháng 5

Tháng Năm chúng ta có hai bạn sinh nhật:
1. Phạm Văn Chức, sinh 11/5
2. Nguyễn Cẩm Lan, sinh 15/5
 HAPPY BIRTHDAY TO YOU!
BLL 12CD 

30 tháng 5, 2018

BẠN TRỐN ĐI ĐÂU BÂY GIỜ?

Nhiều người đến đây để xuất gia. Nhưng sau khi trở thành nhà sư, họ đối diện với chính mình và cảm thấy rằng chẳng an lạc chút nào. Thế rồi họ nghĩ đến việc hoàn tục, chạy trốn. Nhưng đi tìm an lạc ở đâu bây giờ?
Biết được cái gì tốt, cái gì xấu mới là điều quan trọng, dù đi nhiều nơi hay ở một chỗ cũng thế thôi. Bạn không thể tìm được an lạc trên đỉnh nuí cao vời hay trong hang động sâu thẳm. Dầu có thể tới tận nơi Đức Phật thành đạo nhưng không phải nhờ thế mà bạn có thể đến gần chân lý hơn.
Điều đương nhiên đến với bạn trước tiên là hoài nghi: Tại sao chúng ta phải tụng kinh? Tại sao chúng ta ngủ ít thế? Tại sao phải nhắm mắt lúc ngồi thiền? Những câu hỏi tương tự như vậy sẽ nảy sinh trong tâm bạn khi bạn bắt đầu hành thiền.
Chúng ta phải thấy tất cả mọi nguyên nhân của đau khổ -- đó là Chân Pháp, Tứ Diệu Đế, chứ chẳng phải một phương pháp luyện tâm đặc biệt nào.
Chúng ta phải quan sát cái gì đang xảy ra. Nếu quan sát sự vật chúng ta sẽ thấy chúng đều là vô thường và trống rỗng, từ đó một ít trí tuệ sẽ nảy sinh. Khi chưa thật sự hiểu thực tại, chưa thấy rõ thực tại, chúng ta chưa hết hoài nghi và sự chán nản sẽ trở lại với chúng ta nhiều lần.
Đó không phải là dấu hiệu xấu. Đó là một phần của những gì mà chúng ta phải đối đầu; đó là những sở hữu của chính tâm ta, đó chính là Tâm và Trí của ta.
(Thiền sư Ajahn Chah)

28 tháng 5, 2018

Tâm Sự Thứ Bảy (197): Bạn & Bè


Người tử tế hay không tử tế đều có bạn. Có điều bạn của người tử tế thường cũng tử tế giống họ, và ngược lại, người không tử tế cũng hay tìm đến người giống mình để kết bạn. Vậy nên dân gian mới có câu: “ Hãy nói bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào”. Hay ‘Chọn bạn mà chơi’ hoặc ‘Một cuốn sách hay giống như một người bạn tốt và, một người bạn tốt bằng cả một kho sách’.

Có một số những trường hợp ta thấy tướng cướp lại chơi với người lành? Vậy thì phải giải thích làm sao? Chỉ có thể là tướng cướp đó đang muốn hoàn lương vì thích được như người lành kia. Còn người lành kia muốn cải hoá tướng cướp nên mới ở bên để giúp đỡ?

Còn một điểm nữa, ngay trong con người mà ta thấy đang mang thân ‘tướng cướp’ ấy cũng có ‘nhân lành’ ở một kiếp nào trong quá khứ. Nên khi nhân lành ấy trỗi dậy, họ sẽ thay đổi theo chiều hướng thiện. Và ngược lại, một người mà ta thấy hiền lương ở kiếp này cũng vẫn có thể có ‘nhân xấu’ ở kiếp nào đó. Nên trong một số trường hợp không ai giải thích nổi một đứa con ngoan, hiền lành như thế mà bỗng một ngày bị bắt vì giết bạn học, hay động thủ với chính bố mẹ mình.

Trong Kinh Hạnh Phúc đức Phật có dậy rằng:
Không gần gũi kẻ ác
Gần gũi bậc thiện lành
Đảnh lễ người đảnh lễ
Là Phúc lành cao thượng …

Vậy thì, khi ta còn chưa biết hết nhân quả, duyên nghiệp trong vũ trụ này thì các phán đoán, đánh giá của ta chỉ là tương đối. Tốt nhất đó là ‘tránh xa kẻ ác’, vì như vậy sẽ an toàn cho ta. Chỉ khi tâm ta như đức Phật, mạnh đến mức có thể độ được cả kẻ giết người thì lúc ấy mới ‘không phân biệt’ trong mọi sự ‘hành’. Còn cái sự ‘không phân biệt’ ở Tục Đế này khác hẳn với Chân Đế, nên cẩn thận không ta sẽ bị mắc sai lầm, gặt hái ngay hậu quả của sự ‘ngây thơ’, hay ‘lầm tưởng’ mình đã là một vị Bồ Tát, hoặc ngược lại tự ti không dám là những điều thiện lành, hoặc đứng lên sau những sai lầm của mình. 

Nhân gian có câu: "Ai làm điều tốt với mình, hãy lãm điều tốt với họ, ai làm điều xấu với mình, mình cũng vẫn làm điều tốt với họ" và sau đó thì.. nên tránh xa họ, nếu được. Có một điều rất thật đó là ta luôn nhận được sự mách bảo của Vũ Trụ (hay Đức Chúa Trời, hay của tiếng-nói-bên-trong ta) trong mọi trường hợp, chỉ là mình có đủ tĩnh tâm để nghe thấy tiếng nói ấy, và có đủ trí tuệ và dũng cảm làm theo lời chỉ dậy ấy hay không. 

Ai đó nói: “Ý nghĩa của cuộc đời này là tìm ra món quà. Còn mục tiêu của cuộc đời là cho đi món quà đó”. Nhưng cho ai, vào thời điểm nào, như thế nào  thì chỉ mình biết. phải không bạn hả?

Chúc các bạn luôn biết tĩnh tại để hiểu mình, hiểu người, luôn có những người bạn tử tế bên mình,  nâng đỡ mình những lúc khó khăn, và ngược lại, chúc bạn sẽ luôn là một người tử tế như thế bên cạnh bạn bè và người thân của mình.

Nice week cả nhà.
BH 28/5/2018

24 tháng 5, 2018

VỀ HƯU

Về hưu ngẫm lắm sự đời
Lên "Voi", xuống "Chó"mỗi người khác nhau
Về hưu đi nhảy, đi câu
Tham quan, du lịch Tây, Tàu liên miên
Chẳng lo cơm áo, gạo tiền
Vô tư, thanh thản không phiền lụy ai
Đấy là HƯU TRÍ không sai
Nhưng mà thiên hạ mấy ai có nào ?
Về hưu thậm thụt ra vào
"Buôn dưa", hóng chuyện tào lao vỉa hè
Rượu bia, cá độ, lô đề
Tối ngày "bám trụ" quán chè làm vui
Loạn ngôn bất mãn với đời
Sẵn sàng "Đấu khẩu" buông lời khó nghe
Thích trò "Thọc gậy bánh xe"
Bà con hàng xóm cười chê: HƯU KHÙNG.
Về hưu nổi máu anh hùng
Xin làm cán bộ "Ba cùng" với dân
Nửa đời chỉ biết làm "Quân"
Nay về làm "Tướng" muôn phần oai phong
Dẹp chợ, cấm, phạt hàng rong
Bắt dân đóng góp từng đồng...vệ sinh
Làm việc để mất chữ tình
Vợ con mới bảo rằng mình: HƯU HÂM.
Về hưu lại nổi máu dâm
"Cưa sừng làm nghé" sưu tầm gái tơ
Về già mới học làm thơ
Đem tiền nuôi gái, ngẩn ngơ tối ngày
Lưới tình càng mắc càng say
Thế nên mới gọi hưu này: HƯU DÊ.
Về hưu lại bỏ về quê
Trồng rau, cuốc đất, chăn dê, nuôi gà
Kiêng đường, thịt, mỡ, trứng, da,
Bia, rượu, thuốc lá...đàn bà cũng kiêng
Kiêng ăn, kiêng cả tiêu tiền
Họ hàng, bè bạn than phiền: HƯU TU.
Về hưu làm việc lu bù
Kiếm tiền tiết kiệm từng xu, từng đồng
Hoặc làm thêm đỡ buồn lòng
Chuốc thêm vất vả long đong tối ngày
Mọi người bảo là đi cày
Cho nên mới gọi hưu này: HƯU TRÂU.
Về hưu chẳng dám đi đâu
Nấu cơm, đi chợ, nhặt rau, quét nhà
Chăm con, nuôi cháu, trông già
Kiêm luôn bảo vệ coi nhà, giữ xe
Thế nên bị gọi khó nghe
Ấy là: HƯU CHÓ, làm thuê trong nhà
Về hưu nhưng vẫn chưa già
Phải về trước tuổi gọi là: HƯU NON.
Về hưu quyền chức không còn
Bổng lộc hết chẳng rút bòn được ai
Khi còn đương chức tác oai
Tham ô, hối lộ, tiêu xài của dân
Về già mất hết người thân
Đệ tử, thân tín cũng dần bỏ đi
Quyền cao chức trọng mà chi
"Hai năm mươi" cũng xanh rì cỏ thôi
Gặp dân không dám mở lời
Hội hè, đình đám mọi người tránh xa
Bán xe, bán đất, bán nhà
Bỏ quê trốn lủi gọi là: HƯU MA.
Về hưu chưa kịp dưỡng già
Đã coi bệnh viện như nhà của riêng
Bao nhiêu sở thích phải kiêng
Đái đường, huyết áp, bệnh tim, đại tràng
Loãng xương, tiền liệt, bàng quang...
Lương vừa mới lĩnh đã mang thuốc rồi
Cháu con mỗi đứa một nơi
Gọi là: HƯU HẮT cuối đời cô đơn
Trời sinh chữ Kém, chữ Hơn
Chữ Nhân, chữ Qủa, chữ Buồn, chữ Vui...
Đắng cay mới có ngọt bùi
Hết mưa nắng lại rợp trời mây bay
Đủ năm, đủ tuổi, đến ngày
Có ai tránh được kiếp này... PHẬN HƯU ?
Tác giả: Nhật Tiến

22 tháng 5, 2018

Ảnh: Vẻ đẹp hiện đại của nhà hát Opera Đài Trung, Đài Loan

Nhân dịp đưa mẹ sang triển lãm tranh ở Đài Trung, mình ghé thăm nhà hát Opera, nơi được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng hàng đầu thế giới - Toyo Ito. Với nhiều hang, lỗ và những bức tường được uốn lượn độc đáo cộng thêm quá trình thi công khá phức tạp nên việc xây dựng nhà hát này thu hút báo chí và được truyền thông quốc tế đánh giá cao.



Nhà hát được xây dựng với một dãy tường kính có mặt tiền là  hình đồng hồ cát, được lợp bởi các ô kính theo dạng mạng lưới để du khách có thể phóng tầm mắt tới bất kỳ đâu tại các tầng của nhà hát. Bên trong, tại khu vực cầu thang, sảnh và thính phòng được bày trí bằng những hang rỗng, các bức tường trắng sáng được phủ bởi thảm đỏ và sơn.


Điểm đặc biệt nhất của toà nhà là được tạo thành từ các phần tường cong có phủ một lớp bê tông phun, tạo không gian mở mà không kém phần lịch sự, sang trọng.





Theo như Toyo Ito giải thích, ông thiết kế nhà hát theo hướng này với mục đích nhằm thể hiện sự liên thông giữa bên trong và bên ngoài, tương đồng với cơ thể con người kết nối với tự nhiên thông qua miệng, mũi, tai,... Trên diện tích gần 60.000m2, nơi đây chứa ba nhà hát với sức chứa lần lượt là 200 - 800 và lớn nhất là 2000 thính giả. 











 Bên ngoài nhà hát cũng 'art' không kém với những bức tượng sắp đặt khắp nơi trên đường đi....
...và những chiếc ghế thân thiện xinh xắn quyến rũ mời gọi người qua đường!

Việc bỏ visa sang Đài Loan khiến đi lại giữa 2 nước dễ dàng. Đây là 1 nơi khá gần VN (3 tiếng bay), có thể đi chơi thăm quan nhiều nơi và có nhiều đồ ăn ngon đấy. Hy vọng một ngày không xa các bạn sẽ tới đây thưởng thức âm nhạc hiện đại và đi shopping thoải mái nhé! D)

Nhắm mắt thấy mùa hè



Hoa tháng Năm đã nở, tháng Năm ơi!
'Nhắm mắt thấy mùa hè'* đến gần, thật lạ 
Này Bằng Lăng tím ngắt Hồ Gươm nghiêng mình khẽ gọi
Này Phượng Hồng chói chang rực rỡ cười duyên

Này Ngọc Lan trắng muốt đêm Hà Nội còn im lìm ngủ quên
Để hương thơm bồng bềnh, lang thang len vào từng ngõ phố
Này Hà nội những đêm nóng hầm hập gần như không gió
Để hoa Quỳnh, Dạ Hương bỡ ngỡ nở tròn đầy..

Tiếng ve kêu rát cả đêm lẫn ngày
Giữa khu vườn đầy cây, mênh mang vòm lá
Nửa đêm thức giấc vẫn nghe tiếng ve rộn ràng quá 
(Nhiều khi không hiểu tại sao ve kêu nhiều hơn sau mưa?)

Hoa tháng Năm vươn mình nở giữa tháng Năm cũng giống như ngày xưa
Áo trắng em xuống phố chiều nay lẫn trong muôn vàn sắc hạ
Vàng xanh tím đỏ hồng, đan xen đủ cả 
Anh có thấy mùa hè khi nhắm mắt lại không Anh?

BH. 22/5
* Tiêu đề 1 bộ phim đang hot ở VN.