Pages

25 tháng 8, 2021

Sợ



Sợ 1 ngày phải chấp nhận thế thôi
Tuổi thanh xuân đã lùi xa phía trước
Và dòng sông chẳng thể nào chảy ngược
Thuyền lênh đênh chẳng biết tiến hay lùi

Sợ 1 ngày sẽ hết mọi niềm vui
Chẳng rạo rực chẳng thể nào yêu nữa
Thì xin ai bỏ qua những gì đã hứa
Vì  con tim chẳng thể dối lừa

Sợ 1 ngày sẽ chẳng còn mộng mơ
Nhìn cuộc sống thấy điều rất thật
Thì lại buồn vì những gì đã mất
Quá khứ qua nào có thể tìm về

Sợ 1 ngày hết sạch mọi đam mê
Mọi dại dột của quãng đời tuổi trẻ
Mọi si mê và mọi điều tương tự thế
Thì còn gì gọi là sống nữa đâu

Sợ 1 ngày chẳng còn nhớ về nhau
Là đã rời xa rồi người nhé
Vẫn biết rằng mãi mãi đâu có thể
Không hiểu sao vẫn thấy chút nghẹn lòng

Nhưng hiểu rằng dù có muốn hay không
Thì tháng năm chẳng thể nào trở lại
Cũng đành trách, mình sao vụng dại
Xưa vô tình nên rơi mất tình yêu

LTH - HN July 2020

23 tháng 8, 2021

I Love Sài Gòn!

 Sài Gòn đang bị thương nặng. TB 1 ngày hơn 4000 ng nhiễm Covid, 350-600ng chết, con số còn gia tăng chưa thấy đỉnh. Rất nhiều gia đình đã ra đi cả bố mẹ con cái. Lò thiêu của SG quá tải công suất, phải điều động thêm lò thiêu di động. 

Ngày hôm nay 23/8 SG bắt đầu thiết quân luật. Quân đội và quân y từ HN vào. Liệu tình thế có tốt hơn không? Không ai có thể trả lời, khi hàng hoá bị sạch sẽ, người dân đói ăn lao ra đường, rất nhiều Fo bị mang đi và gia đình nhận về là tro cốt. Người SG bắt đầu nao núng khi những quyết định của phía trên sai lầm nối tiếp sai lầm....

Nhưng chúng ta phải suy nghĩ tích cực, và giữ cho tâm bình an. Lúc này chỉ có bình an và yêu thương mới xoa dịu nỗi đau cho người Sài Gòn.

Gửi đến tất cả mọi người 2 băng video để nhớ lại 1 SG đáng yêu làm sao, và hy vọng vào một cái Tết sum vầy khi nỗi đau qua đi! 

I love you - Sài Gòn của tôi! <3


Bầu trời là đôi cánh



Để cho những ước mơ
Như cánh diều lấp lánh
Thả tự do về trời
Bầu trời là đôi cánh

Để niềm vui thăng hoa
Sau một ngày mệt nhọc
Khi gánh nặng ta buông
Ngay đó là hạnh phúc

Để bình an lan tỏa
Xua tan những nhọc nhằn
Tâm thảnh thơi, vô sự
An lạc từng bước chân

Để sẻ chia làm bạn
Và cảm thông đồng hành
Khi cho đi tất cả
Hành trang ta nhẹ tênh

Để ăn năn dậy bảo
Trái tim đang muộn phiền
Yêu thương và thấu hiểu
Bài học này ta quên?

Để giọt nước mắt rơi
Thành giọt đời trong vắt
Xoa dịu những nỗi đau
Khổ đau nào có thật?

Để vô tư làm bạn
Và vô ngại làm thầy
Từ bi làm bài học
Hoa tâm nở từng ngày

Để trong lành thấm đẫm
Lời nói và suy tư
Trong lặng yên, tỉnh thức
Ta chợt tìm thấy ta...


BH 2011

22 tháng 8, 2021

NƯỚC - NGUYÊN TỐ BÍ ẨN NHẤT TRÊN TRÁI ĐẤT



(Tặng những người bạn sinh năm 67-66 thuộc hành Thuỷ).

Nước bao phủ 70% bề mặt Trái Đất. Nước quen thuộc đến nỗi nhiều người trên thế giới quên mất tầm quan trọng của nó, và cho đến tận bây giờ, vẫn chưa có nhà khoa học nào chứng minh được nguồn gốc của những vũng nước nguyên sơ trên Trái Đất ở thời kì hỗn mang hàng tỷ năm về trước. Nước có thể được xem là nguyên tố bí ẩn nhất trong thế giới của các nguyên tố, và cũng là nguyên tố đặc biệt nhất trong 4 nguyên tố cấu thành nên thế giới này: Đât, Nước, Khí, Lửa.
Mỗi nguyên tố sẽ có đặc tính riêng lẻ và chi phối lĩnh vực của nó. Bản chất của Vũ Trụ là sự tương tác giữa chúng để tạo ra bản chất khác nhau của vạn vật. Bốn nguyên tố cũng nằm trong một con người, tuy nhiên, ở mỗi người chỉ có 1 nguyên tố nổi trội hơn 3 nguyên tố còn lại, cũng sẽ có một số người chịu ảnh hưởng bởi nhiều nguyên tố khác nhau mà đặc tính nổi trội không còn. Tựu trung, mỗi 1 người sẽ đại diện cho 1 nguyên tố nhất định và thể hiện bản chất của nó ra bên ngoài thế giới.
Đất là chất rắn, có thể cầm, nắm, sờ, mó... nhờ đất mà vạn vật có nền tảng để sinh sôi. Đất là thứ cơ bản nhất trên Trái Đất, do đó, đất cũng đầy bảo thủ.
Lửa có thể bùng cháy dữ dội và lan rộng mạnh mẽ, hủy diệt mọi thứ nó đi qua, bất chấp mọi hậu quả, ganh đua và thiếu kiên nhẫn. Tuy nhiên, lửa sẽ không tồn tại nếu thiếu chất xúc tác, thiếu "bầy đàn".
Khí tự do, hiếu động, len lỏi vào từng ngóc ngách, tò mò tìm hiểu tất cả mọi thứ, nhưng bản chất của khí là hay thay đổi, khó tạo sự tin tưởng. Khí dễ bị biến đổi bởi mùi thơm hoặc mùi hôi, khí cũng hay thay đổi vì quá trình hô hấp của động vật, cũng như cây xanh từng ngày từng giờ - hít Oxy và nhả ra Cacbonic oxit.
Chỉ riêng có nước là hòa tan tất cả mọi thứ. Nếu không có nước xuất hiện trên đời thì vạn vật sẽ thế nào? Những ngọn lửa vẫn cứ hung hãn đốt cháy mọi thứ nó đi qua, những cơn gió không còn mang theo hơi nước làm ẩm ướt mọi sự khô cằn, thanh tẩy mùi khó chịu, đất sẽ nứt toát không một chồi xanh nảy nở và dĩ nhiên, không còn sự sống.
Vậy một người thuộc cung Nước sẽ có bản tính như thế nào?
Nước mang quá nhiều cảm xúc bên trong mình vì nó có tính âm. Nước chứa một nội tâm sâu sắc vì nó chảy theo chiều đi xuống. Nước suy nghĩ quá nhiều, quá sâu xa, thậm chí là lo xa, nhưng đa số toàn những chuyện buồn rồi tự gây buồn phiền cho chính bản thân mình.
Nước ở dạng lỏng, không có hình thù cố định. Nước nằm ở đâu thì sẽ mang hình dáng của vật thể chứa đựng mình. Nước quá dễ dãi để thích nghi với bất kì môi trường nào, cứ lặng lẽ nằm vào đó mà không đòi hỏi, cố tỏ ra hòa đồng nhưng có vẻ như là phải dựa dẫm để thành hình thành hài cho chính bản thân mình.
Nước là nguyên tố duy nhất có thể thấm đẫm vào hầu hết mọi thứ, hoặc không thì nó cũng có thể len lỏi vào bất kì ngóc ngách nào mà không chút khó khăn. Cho dù không thuộc về hoàn cảnh nào, thì nước cũng có khả năng thấm vào vật chất đó để thấu hiểu và cảm thông cho mọi kí ức buồn, vui, đau khổ của nó. Vì vậy, nước có kí ức.
Bạn ném một vật gì đó vào không khí, không khí dửng dưng. Bạn ném một vật gì đó xuống đất, đất ném ngay ra chỗ khác, hoặc ném trả vào mặt bạn. Bạn ném môt vật gì đó vào lửa, lửa nuốt chửng và hủy diệt nó, nhưng cũng không quên bùng lên dữ dội, để rồi tiêu hủy luôn mọi thứ mà nó đứng gần. Bạn ném môt vật gì đó vào nước, nước đau đớn tách ra, nhưng rồi lại ôm nó vào lòng, bao bọc, chở che.
Nước không làm hại ngược lại bạn, cũng không dửng dưng, nhưng nước lại hòa tan chất bẩn của vật bạn ném xuống để lau chùi, để trả lại nó phần nào sự trong sạch. Nước chữa lành.
Bạn bị phỏng tay do lửa đốt, bạn đưa tay vào nước.
Cơ thể bạn dính đầy bụi, đất, chất bẩn, bạn làm sạch mình với nước.
Bạn muốn che đi nước mắt, bạn phải thường chạy xe dưới cơn mưa để không ai nhìn thấy mình đang khóc.
Bạn tổn thương trong lòng, bạn sẽ dễ chịu hơn khi ngồi bên bờ biển nghe tiếng sóng vỗ về hoặc tiếng suối chảy róc rách.
Nước phản chiếu. Bạn ném thứ gì vào nước, nước sôi lên, biến dạng, nhưng cuối cùng cũng phẳng lặng, bình thản trở thành tấm gương để bạn nhìn thấy mình trong đó - người mới ném đi một thứ gì ra khỏi bản thân, để lại cho nước giữ. Nếu bạn hối hận, bạn nhảy vào nước để lấy lại những gì bạn đã ném, bạn cũng rất vất vả để lấy lại được chúng, hoặc sẽ không bao giờ. Cho dù lấy lại được, nước cũng đã nhận lấy một phần ô nhiễm do bạn mang lại.
Nước bí ẩn. Nước cứ thế lan ra, nhưng nước đến từ đâu? Từ Nguồn? Nguồn ở đâu? Ở đâu đó trong rừng sâu, trên núi cao, trên trời xanh, vắng bóng người, chả ai biết. Người ta chỉ có thể tìm đến Nguồn trong tiềm thức, trong trực giác, trong tâm linh.
Nước hòa tan mọi thứ, nhưng không có thứ gì có thể hòa tan nước. Nước chỉ muốn tìm lại sự tinh khiết cho chính mình. Khi nước ở trong môi trường ô nhiễm vì đủ thể loại tạp chất người khác ném vào, nước tổn thương, nước vẫn là nước, nhưng người ta gọi đó là sình, là bùn, là nước đóng cặn, không còn những giọt nước sạch sẽ, tinh khiết bên trong. Nước cô độc, nước biến mất, không ai có thể nhìn thấy, cho đến khi nước tự thân nó bốc hơi, lên bầu trời, tạo thành những đám mây, rồi lại trở ngược lại làm bản chất thanh sạch của mình.
Nước ít khi giận dữ, nước mềm mại, nhưng có sức mạnh tàn bạo. Nước không làm bạn đau, nhưng khi nước được đè nén dưới áp lực cực cao, nước có thể cắt được cả bê tông, cắt cả những kim loại siêu cứng như sử dụng tia laser. Thậm chí, nước làm tổn thương kim cương tốt hơn những vật dụng dùng để cắt khác.
Nước tạo ra sóng thần, sức tàn phá của nước lúc này không lửa nào hủy diệt, không gió nào cản nổi, không đất nào vẹn nguyên. Nước đơn độc, rải rác từ khắp nơi sẽ mang theo đủ thứ rác rến, đủ thứ tạp chất, đủ thứ hóa học để hòa vào cơn sóng lớn, trả lại cho bạn tất cả những gì bạn đã ném vào nước.
Bất cứ ai cũng cần có Nước làm bạn.
ST

16 tháng 8, 2021

HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG VÀ NGƯỜI CON GÁI XƯA




Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791)

quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là huyện Mỹ Văn, Hưng Yên) nhưng ông về quê mẹ là làng Tình Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh sinh sống bằng nghề bốc thuốc ngay từ khi còn trẻ. Ông lấy hiệu là Lãn Ông, tức ông già lười.
Tuy nhiên, ông chỉ lười công danh, lười đua chen ở chốn quan trường, còn sự nghiệp y học thì ông rất chăm chỉ nghiên cứu và trở thành danh y bậc nhất thời bấy giờ. Ông có bộ sách y học đồ sộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 65 quyển đúc kết kinh nghiệm 40 năm bốc thuốc chữa bệnh cứu người, một bộ sách y học lớn nhất nước ta từ trước tới nay.
Cũng vì tiếng tăm của ông vang dội đến tận Kinh đô mà năm 1781 chúa Trịnh Sâm triệu ông ra Thăng Long để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán. Ông đã ghi chép lại toàn bộ chuyến đi này trong tác phẩm Thượng Kinh ký sự (Ký sự lên Kinh). Đây là một tác phẩm văn chương đặc sắc, đề cập đến đời sống sinh hoạt của tầng lớp vua chúa, quan lại và thị dân ở chốn Kinh thành vào cuối thế kỷ XVIII.
Trong chuyến lên Kinh lần này, Hải Thượng Lãn Ông tình cờ gặp lại người xưa, trong một trường hợp rất đặc biệt. Nguyên do là, khi còn nhỏ ở nhà, Lê Hữu Trác đã được bố mẹ hỏi cho một cô gái con nhà quan làm vợ. Các thủ tục dạm hỏi đã hoàn tất, chỉ chờ ngày cưới. Nhưng sau đó do gặp trắc trở, ông từ hôn rồi vào quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) sinh sống.
Hải Thượng Lãn Ông nào có biết rằng, cô gái đó sau này không lấy ai nữa, vì cho rằng mình đã có nơi gá nghĩa rồi. Cô ở nhà chăm sóc cha mẹ. Khi cha mẹ mất, cô gửi thân vào chốn cửa thiền. Hơn 40 năm sau, bây giờ cô gái năm xưa đã trở thành một nhà sư già. Bà đi khuyến giáo thập phương để về đúc chuông chùa làng và rồi gặp ông trong một nhà trọ ở Kinh thành.
Chuyện đó được Hải Thượng Lãn Ông ghi lại trong Thượng Kinh ký sự…
Người xưa tìm lại
Đến Kinh thành rồi, một ngày nọ, có hai lão ni đến chỗ Hải Thượng Lãn Ông ngụ, nói rằng: “Chùa Huê Cầu đúc chuông lớn, công quả chưa thành, chúng tôi đến đây khuyến hoá.”
Thế rồi một lão ni tự giới thiệu mình là trụ trì chùa núi An Tử, còn lão ni kia thì giới thiệu mình là con gái quan tả thừa ty Sơn Nam, quê ở Huê Cầu.
“Tôi nghe nói giật mình như tỉnh giấc mơ”, Lãn Ông viết. Sau đó ông tìm cách “hỏi nhỏ một tiểu cô trong bọn tòng hành mới biết đây là người cũ của mình”.
Rõ ràng một lão ni tìm đến một quan nhân (lúc này Lãn Ông đang làm quan thầy thuốc ở trong triều) để khuyến hoá mà lại xưng cái gốc tích của mình ra như thế, phải có lý do gì chứ. Vì người xuất gia vốn đã phải xa lánh bụi trần, đâu còn vấn vương đến gốc tích của mình. Và đúng vậy, chỉ mới nghe qua địa danh Sơn Nam, Huê Cầu thôi, đã đủ làm cho Lãn Ông choáng váng, “giật mình như tỉnh giấc mơ”.
Chuyện đúc chuông, khuyến hoá chẳng qua là cái cớ để cho người xưa có dịp gặp lại ông. Tưởng tượng mà xem, lão ni đã phải trần tình năn nỉ, thuyết phục sư bà ra sao để sư bà động lòng chịu cùng xuống núi một phen.
Tuy biết khá rõ rồi, nhưng vốn thận trọng, Lãn Ông mới “trắc nghiệm” lại lần nữa, vì biết đâu chỉ là một sự tình cờ, ông bèn kể rõ họ tên quê quán…
Lãn Ông viết tiếp: “Lúc đó chỉ thấy ni cô chùa Huê Cầu mặt đỏ bừng, vẻ thẹn thùng, bảo sư bà trụ trì rằng: Thôi, chúng ta đi đi thôi”. Một lão ni nghiêm trang cẩn mật, tuổi tác già nua mà “mặt đỏ bừng, vẻ thẹn thùng” rồi phải hối thúc sư bà “đi đi thôi” trong một tâm trạng như là dỗi hờn thì thật là đáng kinh ngạc.
Lãn Ông rất lúng túng, tìm cách “lưu họ lại không được, mới mang ra một ít hương tiền để cúng” rồi hỏi: “Hai lão ni trọ tại nơi nào?” Họ đáp: “Chưa có nơi nào”, rồi vội vàng từ biệt ra đi. Lãn Ông đâu dễ chịu ngồi yên, ông “vội gọi một tên người nhà linh lợi bảo đi theo sau họ, mà không cho họ biết…”
Thế rồi Lãn Ông nhớ lại mối tình xưa. Lỗi tại ông. Ông đã nộp đủ lễ vấn danh, lễ nạp thái, vậy mà rồi vì một lý do riêng, ông hồi cư về Hương Sơn quê mẹ và xa luôn người vợ sắp cưới của mình để bà phải mỏi mòn trông đợi đến hôm nay mới bất ngờ gặp lại.
Rồi người thiếu phụ đó ra sao? Lãn Ông có dò hỏi thì biết bà “thề chung thân ở vậy”. Nhiều người đi hỏi cưới, bà cương quyết từ chối. Sau cùng, bà vào chùa tu.
Lãn Ông viết: “Tôi nghe biết vậy thì tâm thần kinh loạn, than rằng: Vì ta bất cẩn trong việc này. Có thuỷ mà không có chung, khiến cho người mang hận, mà ta mang tiếng là người bạc bẽo. Ta bối rối không biết cách nào để gỡ cái mối ra, mới vội vàng đến Huê Cầu mà tìm hiểu sự việc”. Quả thật, bà đã từ hôn nhiều người chỉ vì lòng bà chỉ có Lãn Ông thôi. Bà thà đi tu chớ không lấy ai khác nữa! Bà nói: “Đã có người hỏi mình làm vợ thì mình (coi như) đã có chồng rồi, chẳng qua vô phận mà chồng bỏ…” Trách chi Lãn Ông không tan nát cõi lòng, “tâm thần kinh loạn”.
Tha thứ
Để chuộc lỗi mình, và cũng là kính ngưỡng sự tu hành của người xuất gia, ông chỉ xin bà cho ông được coi bà như “cô em gái nhỏ”, bảo dưỡng bà suốt đời từ đây. Vì bà đã đi tu nên ông đề nghị cất cho bà cái chùa nhỏ, trong một cảnh vườn vằng vẻ yên tĩnh: “Mùa đông cũng như mùa hè, lạnh ấm đều sẽ do ta lo liệu, một là để báo ân, hai là để chuộc lỗi…”
Bà cố cầm giọt lệ: “Quan nhân có hậu tình, còn tôi chẳng gặp chồng, cái thân cô khổ cũng là do số mệnh vậy, đâu có dám trách ai… Nay tôi được biết tấm lòng tốt này cũng an ủi cảnh linh lạc vậy”. Và bà đã từ chối.
Rồi Lãn Ông làm thơ. Phải, bởi vì đâu có thứ thuốc nào sắc ba chén còn bảy phân mà chữa được cái bệnh của ông bây giờ! Ông viết: “Tôi lấy làm thương tình, mới giải lòng trong một bài thơ.” Bài thơ đó như sau:
Hán Việt:
Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa,
Kim nhật tương khán khổ tự ta.
Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ,
Song mâu xuân tận kiến hình hoa.
Thử sinh nguyện tác can huynh muội,
Tái thế ứng đồ tốn thất gia.
Ngã bất phụ nhân nhân phụ ngã,
Túng nhiên như thử nại chi hà?
Bản Ngô Tất Tố dịch:
Vô tâm nên nỗi luỵ người ta,
Trông mặt nhau đây luống xót xa.
Gượng cười khôn giấu đôi hàng lệ,
Tóc bạc che mờ nửa mặt hoa.
Kiếp này hãy kết làm huynh muội,
Kiếp khác xin hoàn nghĩa thất gia.
Ai nỡ phụ ai, ai nỡ phụ,
Dở dang, dang dở biết ru mà?
Bản Bùi Hạnh Cẩn dịch:
Vô tâm nên nỗi lỡ người ta,
Nay lại nhìn nhau luống thẫn thờ.
Một nụ cười tình, châu lệ lạnh,
Đôi tròng xuân cạn nét tài hoa.
Đời nay xin kết anh em ngãi,
Kiếp tới nên tròn phận thất gia.
Ta chẳng phụ người, người nỡ phụ,
Đành thôi như thế, biết sao mà!
Cảm động vì bài thơ “giải lòng” đó mà bà đã tha thứ cho ông. Lãn Ông viết: “Từ đó thời thường qua lại hỏi thăm nhau”.
Chuyện rồi kết thúc ra sao?
Tuổi hạc ngày càng cao, bà chỉ xin ông mua gỗ ở Nghệ An đóng cho bà một cỗ quan tài. Vâng, phải đúng gỗ ở Nghệ An bà mới chịu, vì đây là vùng Hương Sơn quê mẹ Lãn Ông (Lãn Ông quê gốc Hải Dương, nhưng sống và thành danh ở Hương Sơn). Có lẽ bà nghĩ lúc sống đã không được nên duyên vợ chồng thì lúc chết ít ra cũng được âu yếm nằm trong một cổ quan tài do ông đóng cho bà từ thứ gỗ của quê hương ông.
Đó, chuyện buồn của Hải Thượng Lãn Ông, “Ông Làm Biếng” làng Hải Thượng, một chuyện thuỷ chung, nhân hậu của một thầy thuốc, ông Tổ của ngành Y, làm ta thấy càng gần gũi với ông hơn, càng quý trọng ông hơn.
BS Đỗ Hồng Ngọc.

8 tháng 8, 2021

Suy Ngẫm


 Một vị sư phụ lớn tuổi hỏi chúng đệ tử:

"Nếu các con muốn nấu một ấm nước, nhưng đang nhóm lửa thì phát hiện củi không đủ dùng, vậy các con sẽ làm gì?"
Có đệ tử đáp, nên nhanh chóng đi tìm củi, có người thì bảo đi mượn củi, cũng có người nói nên đi mua củi.
Vị sư phụ đáp:
"Tại sao các con không đổ bớt nước trong nồi đi?"
Chúng đệ tử nghe thế liền im lặng!
Lời bình: Mọi việc trên đời không thể lúc nào cũng suôn sẻ, có mất mới có được. Đôi lúc, thay vì nghĩ cách kiếm thêm, chi bằng buông bỏ bớt để sống an nhiên.
ST

7 tháng 8, 2021

Sức Khoẻ: Lá Tía Tô

Trong những năm lưu trú ở Nhật, mỗi ngày các Japanese sister đều nấu nước lá này uống. Tu viện dành một khu đất trong vườn để trồng cây tía tô. Mình uống thấy quả thật là rất ngon nên tìm hiểu kĩ với các bác sĩ Đông và Tây y mới biết tại sao người Nhật yêu quí món nước uống thần thánh này.


Lá tía tô có vị cay, tính ôn, tác dụng phát tán, phân giải và đào thải các độc tố trong cơ thể:
- Khi bị ngộ độc thức ăn bạn có thể uống 1 ly nước tía tô thay cho thuốc tây.
- Thường xuyên bị căng thẳng nên uống 1 ly vào mỗi buổi sáng hoặc trong ngày.
- Người bệnh gout uống lá tía tô thay trà sẽ giúp ức chế các enzyme Xanthine Oxydase hình thành Acid Uric, nguyên nhân gây bệnh gout.
- Người bị viêm dạ dày hoặc Hp bao tử sẽ giúp kháng viêm và kháng khuẩn.
Khi uống bạn cho vào một ít đường phèn, vắt vài giọt chanh, thức uống này sẽ trở nên ngon tuyệt và quy tụ được hàm lượng dinh dưỡng.
Lá tía tô có thành phần tinh dầu Perila Aldehyd, Limonene, Vitamin A và C, khoáng chất sắc và Canxi:
- Phụ nữ uống nước lá này giúp trắng sáng da, giảm nguy cơ da bị lão hóa. Rửa mặt bằng nước lá tía tô thay sữa rửa mặt, giữ nguyên không rửa lại bằng nước lọc giúp khắc phục tình trạng da khô và cung cấp Vitamin cho da.
- Phụ nữ mang thai uống nước tía tô giúp giảm thiểu nguy cơ bị động thai.
- Phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú uống tía tô giúp tăng sức đề kháng cho bé giảm thiểu bệnh sốt và nổi rôm sẩy, mẫn ngứa và bệnh sình bụng.
- Trẻ em bị hăm do sử dụng tả lót , thường xuyên nấu nước tía tô tắm cho bé.
Cách nấu:
Cách nấu:
Đun sôi nước lọc, cho cả thân và lá vào đậy nắp và tắt bếp, hâm chừng 10 phút, sau đó vớt bỏ lá, cho vào một ít đường phèn hoặc đường đen, để nguội sau đó báo quản trong ngăn mát. Khi uống vắt thêm vài giọt chanh/ trái tắc.
Huỳnh Thị Quốc Trị- Quản lý Ka Đơn Farm

6 tháng 8, 2021

Haiku (267-271)


5 bài Waka của nữ sĩ Hoà Tuyền Thức Bộ (Izumi Shikibu,和泉式部, 976?).
_______________
Waka (267)
Điều gì ở trên đời
ít đáng tin cậy nhất-
đấy là dòng sông trôi,
thỏ đồng hoang rượt đuổi,
hay trái tim con người?
*
Waka (268)
Này chú dế kia ơi
dẫu rằng bài ca nhỏ
không có lấy một lời
thế nhưng bài ca đó
khiến tim ta bồi hồi.
*
Waka (269)
Dẫu rằng tối hôm nay
không chờ người nào tới
nhưng nỗi niềm riêng tây
đang trở nên lạc lối
trong bóng đêm cuối ngày.
*
Waka (270)
Em cứ suy nghĩ hoài
sẽ có người nào tới
thăm viếng tối hôm nay
nếu gió kia mở lối
trong vườn hoang cỏ dày?
*
Waka (271)
Thế gian này hỡi ôi
nơi nào người rong ruổi
sẽ có vầng trăng đôi
hiện lên mỗi buổi tối
trên lối đi của người

Pháp Hoan Dịch

5 tháng 8, 2021

Những bài học từ Đại Dịch Covid 19


1. Chúng ta học được rằng phải tiết kiệm phòng lúc nguy cấp, ko xài hết những gì mình có
2. Chúng ta phải biết nấu ăn phòng lúc ko ai bán đồ nấu sẵn
3. Chúng ta cần học văn hoá xếp hàng và kiên nhẫn chờ đợi đến lượt
4. Chúng ta nên học cách trân trọng thực phẩm, ko chê ỏng chê eo đồ ngon đồ dở hay bỏ mứa
5. Chúng ta nên học cách đeo khẩu trang khi đi đến chỗ công cộng
6. Chúng ta học cách chấp nhận mọi biến động của cuộc sống
7. Chúng ta học cách thích nghi với những thay đổi bất ngờ
8. Chúng ta học cách nhường cơm sẻ áo
9. Chúng ta học cách xót thương những ai khó khổ hơn
10. Chúng ta học cách biết ơn
11. Chúng ta học cách nhận sai lầm và nói xin lỗi
12. Học cách hoà hợp với bạn đời, người thân, con cái khi ở gần quá nhiều
13. Học cách chịu đựng sự thiếu tiện nghi
14. Học cách kiên nhẫn với mọi thứ mình muốn nhưng chưa thể thực hiện
15. Chúng ta học cách sống đơn giản
16. Chúng ta học cách tiêu khiển thời gian có ích (đọc sách, xem phim…)
17. Chúng ta buộc phải học cách tự học những thứ chúng ta chưa biết
18. Chúng ta học cách sống chậm lại
19. Chúng ta nên học cách sống ổn một mình, cô đơn
20. Chúng ta hiểu cảm giác được sống cuộc đời bình thường là quý giá chứ ko phải hiển nhiên. Biết ơn 1 ly cafe, những giờ lê la hàng quán, gặp gỡ bạn bè…
21. Chúng ta sẽ biết rõ chữ vô thường, ko gì bất biến…
22. Chúng ta cảm giác được sự sống chết mong manh
23. Chúng ta biết rằng nên dành thời gian cho cha mẹ già nhiều hơn bởi có thể một biến động quét qua ta ko kịp nói lời từ giã họ.
👉Đợt dịch này còn dạy bạn điều gì nữa không?
_St_

Haiku (940-948)


7 tuổi làm thơ, 15 tuổi nổi danh khắp nước Nhật, 52 tuổi đi tu, hơn 200 năm sau Chiyo-ni vẫn giữ vị thế là nữ nhà thơ viết haiku hay nhất và là một trong những nhà thơ được kính trọng nhất trong lịch sử văn học Nhật.

9 bài Haiku (940-948) của Phúc Điền Thiên Đại Ni (Fukuda Chiyo-ni, 福田千代尼).
_____________
Lá non, lá già
đều trở thành một
giữa mùa tuyết hoa.
*
Kìa nhành liễu xanh
vướng hay không vướng
còn tuỳ gió xuân.
*
Cho kẻ bẻ cành--
mùi hương trái mận
vẫn còn bay quanh.
*
Làn nước trong lành
đặt xuống tất cả
trên bờ cỏ xanh.
*
Sáng nay du hành
mưa là hạt giống
của dòng nước xanh.
Không lấy một âm thanh
con diệc như biến mất
giữa hoa tuyết trắng tinh.
*
Mưa xuân nhẹ nhàng rơi
vạn vật trên mặt đất
đều trở nên rạng ngời.
*
Giấc mơ cánh bướm xuân
đôi khi bị gián đoạn
bởi đoá bồ công anh.
*
Đom đóm biến mất rồi
làn nước xanh mát rượi
chỉ có ngần ấy thôi…
______________
Pháp Hoan dịch từ bản dịch tiếng Anh của Patrica Donegan & Yoshie Ishibashi và bản dịch tiếng Anh của Gabriel Rosenstock.