24 ĐỀ VIỆT VĂN KỲ THI TÚ TÀI thời Việt Nam Cộng Hòa

26 tháng 8, 2023 0 nhận xét
Xin giới thiệu 24 đề văn trong cuốn Bài Việt văn kỳ thi tú tài của nhà giáo Phạm Thế Ngũ, Phạm Thễ xuất bản, Quốc học Tùng Thư, xuất bản 8/11/1967, thời Việt Nam Cộng Hòa.
Đọc xong chúng ta sẽ thấy giá trị văn hóa của bằng Tú Tài khi xưa và nền giáo dục thời VNCH ra sao.
Đề 1:
Bình giảng câu nói sau đây của một danh nhân:
"Muốn được hạnh phúc đừng nên đi tìm sự sung sướng. Hãy theo đuổi một công việc không vụ lợi: khoa học, nghệ thuật, phục vụ đồng bào, hy sinh cho Tổ quốc".
Đề 2:
Thế nào là văn minh? Các nước Tây phương thường quan niệm nền văn minh của họ dựng trên những cơ sở gì và tính chất văn minh hợp bởi những yếu tố gì?
Đề 3:
Từ khi có những sáng chế máy móc truyền bá học vấn và nghệ thuật (phim ảnh, đĩa hát, rađio...) người ta sinh ra biếng đọc sách và quyển sách đã bị giảm đi nhiều phần quan trọng. Nhà văn Pháp G. Duhamei nhìn thấy ở đó một đe dọa cho văn hóa của nhân loại, Mối lo ngại ấy có chính đáng không? Sự thay thế sách vở bằng máy móc có lợi hay có hại?
Đề 4:
Một nhà phê bình đã viết:
"Nghệ thuật phải lấy chính nó làm cứu cánh. Cái đẹp không dùng để làm gì ngoài sự để cho đẹp. Khi một vật đã trở nên hữu ích thì thôi nó không còn đẹp nữa".
Nhiều người trái lại cho rằng nghệ thuật phải theo đuổi một mục đích công lợi như truyền bá đạo lý hay đấu tranh cho một chủ nghĩa chính trị.
Thử giải thích qua các quan điểm đối lập ấy và nếu có thể, rút ra một kết luận.
Đề 5:
Định nghĩa mấy mẫu người được tôn thờ trong lý tưởng Đông phương như: Thánh hiền - Quân tử - Trượng phu - Anh hùng - Hào kiệt. Có thể so sánh nó với tư tưởng và ngôn ngữ Pháp: le saint, le héros, le sage...
Đề 6:
Giả thiết trong một bức tâm thư nhận được của bạn, ta đọc thấy những dòng này:
"Cương thường là cái quái gì? Chỉ là những dây xích nô lệ để trói buộc con người trong xã hội phong kiến ngày xưa..."
Ta hãy phúc thư bạn đề nghị cùng bạn xét lại vấn đề, nhất là hãy giải thích cho bạn theo ý ta thì cương thường là gì và có những giá trị gì trong xã hội ngày xưa.
Đề 7:
Bởi đâu mà Nho gia ra xưa có khuynh hướng chuộng nhân và hay ca tụng cái thú hưởng nhàn trong thi văn của các cụ? Khuynh hướng ấy có thể nào còn chấp nhận được trong đời sống của chúng ta ngày nay không?
Đề 8:
Bình luận hai câu thơ sau:
"Không đi khắp bốn phương trời
Vùi đầu án sách uổng đời làm trai".
Thanh niên nước nhà ngày nay có thể rút ở đó một bài học không?
Đề 9:
Tìm hiểu câu nói sau đây của một nhà văn hóa Pháp:
"Văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên hết cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học đủ cả".
Đề 10:
Có những văn gia, thi gia ca tụng sự đau khổ mà họ coi như có một giá trị về đường luân lý hay văn nghệ. Những quan niệm ấy có xác đáng không? Sự đau khổ hay nói rộng ra sự bất hạnh người ta phải chịu ở đời có thể khi nào là một cái hay không?
Đề 11:
Một nhà tư tưởng có nói:
"Cả nhân loại, qua bao nhiêu thế kỷ, có thể coi như một người sống mãi và tiến bộ mãi".
Theo ý bạn thì nhân loại cho tới ngày nay quả có tiến bộ về mọi mặt không?
Đề 12:
Sự phát triển của máy móc trong thời đại hiện kim. Những hậu quả hay và dở trong mọi địa hạt.
Đề 13:
Lương Khải Siêu có đem hai chữ "tố vương" (vua không ngôi) để tặng người làm báo. Trái lại, gần đây ở các nước Tây phương lại thường có thành kiến không hay với báo chí. Người ta cho rằng tờ báo chỉ chăm lo chiều ý độc giả, kích thích những đam mê xấu xa của công chúng để nhằm những mục tiêu tư lợi. Thói quen đọc báo làm tê liệt sự suy nghĩ cá nhân và giọng tuyên truyền của nhà báo làm hoài nghi mọi đầu óc đứng đắn.
Bạn có ý kiến gì về vấn đề trên.
Đề 14:
Truyện Kiều của Nguyễn Du thường nhắc đến trời như:
- Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
- Tâm thành soi thấu đến trời
- Ngẫm hay muôn sự tại trời...
Phải chăng, như có người nghĩ, trời đó là cái thiên mệnh của nhà Nho? Hay chỉ là ông trời của người bình dân?
Đề 15:
"Thường có ý kiến cho rằng sống là tranh đấu. Lại có lời khuyên thanh niên vào đời nên thờ một lý tưởng tranh đấu".
Hãy giải thích ý kiến ấy và bàn về lời khuyên ấy.
Đề 16:
Viết bài nói chuyện của một bạn gái về đạo "Tứ đức tam tông" tại một câu lạc bộ phụ nữ.
Đề 17:
Một nhà tư tưởng nói:
"Những tiến bộ của khoa học giết chết thi ca".
Bạn có đồng ý không? Bạn có cho rằng nhà thơ sẽ hết nguồn cảm hứng trong một thế giới đầy những sáng chế của khoa học không? Chẳng cần giữ thái độ chiết trung, bạn hãy thẳng thắn bênh vực ý kiến riêng của bạn.
Đề 18:
"Đạo trời đất cứ biến hóa luôn luôn mà trong sự biến hóa lúc nào cũng có điều hòa, có bình hành tức là có cái trung vậy". - Trần Trọng Kim - Nho Giáo.
Ta có thể thấy đạo trời với chữ trung ấy được nho gia nước ta xưa dùng làm đề tài hay lý thuyết trong văn chương không? Hãy giải thích tư tưởng triết lý ấy và tìm hiểu các khía cạnh qua các áng thơ văn xưa. Tư tưởng ấy có giá trị gì về đường nhân sinh không?
Đề 19:
Giải thích nghĩa mươi danh từ phổ thông trong thuyết của đạo Phật như Nghiệp, Kiếp, Nhân duyên, Niết bàn, Tiểu thừa, Đại thừ, Tham thiền...
Đề 20:
Vai tuồng của điện ảnh. Nguyên do và ảnh hưởng của sự phát triển trong xã hội chúng ta ngày nay.
Đề 21:
Một nhà thể thao, Henry Cochet, có viết:
"Trong đời sống mới của chúng ta tinh thần thể thao có thể là khẩu hiệu của một thứ triết lý, triết lý ấy nâng cao những đức tính can đảm, kiên nhẫn, mạo hiểm và đồng đội lên tầm cao của một định chế".
Một nhà văn Georges Duhamei, trái lại cho rằng thể thao là một trường huấn luyện tính kiêu ngạo, khoe khoang và nhiều tính xấu khác.
Bạn hãy thuyết minh hai mặt lợi hại của thể thao và nếu có thể, cho biết thái độ của bạn và vấn đề.
Đề 22:
Trong sách Nho và văn Nôm thường hay nói đến chữ Khí, như: chí khí, sĩ khí, khí tiết,,, Lại có thuyết chính khí và chủ trương dưỡng khí. Hãy giải thích những danh từ cùng quan niệm ấy và nói rõ bài học luân lý, nếu có, dùng sau mỗi danh từ.
Đề 23:
Hãy viết thư cho bạn bàn về hai chữ "diệt dục".
Đề 24:
Thế nào là một người chỉ huy? Xã hội có cần đến những người chỉ huy không? Người chỉ huy phải có những đức tính gì?
ST

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB