Lưu Quang Vũ 'Gã Làm Thơ Da Vàng'

3 tháng 9, 2018 0 nhận xét
Tôi chán cả bạn bè
Mấy năm nay họ không nói được một câu gì mới
Tôi bỏ ra đi, họ ngồi ở lại
(Có những lúc, 1972)
Lưu Quang Vũ đã viết những dòng này trong một lúc khủng hoảng nhất của lòng mình, khi tâm hồn rách nát, khi tưởng như mọi ngả đường đều bị bịt kín. 
Một bài thơ rất thực lòng, phơi bày trần trụi cơn tuyệt vọng nội tâm của một con người, một chàng trai mới ngoài hai mươi tuổi, một nhà thơ trẻ. Do đó, mấy câu thơ dẫn ra ở trên có sự bực bội, phẫn uất của Vũ với chính mình, nhưng cũng có một thái độ dứt khoát, kiên quyết của Vũ muốn đoạn tuyệt với một cái mình cũ, cắt đứt với cả những người bạn không giúp mình thoát được mình. 
Tôi coi đó là một tuyên ngôn sống và tuyên ngôn thơ của Lưu Quang Vũ. 
Để hiểu được tuyên ngôn này người đọc phải lần theo một hành trình chân lý của Vũ được ghi dấu qua các bài thơ anh để lại cho đời. 
Một hành trình đau đớn đầy hoài nghi, dằn vặt đã diễn ra ở Vũ khi tuổi đời anh còn rất trẻ. Nhưng về thời gian thực tế hành trình này chỉ diễn ra trong mấy năm cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970. 
Tôi gọi đó là hành trình chân lý trải qua các chặng từ “chung đàn” đến “tách đàn” và cuối cùng là “bỏ đàn” để Vũ một mình bước đi theo hướng tư tưởng, cảm xúc của riêng mình.
Những bài thơ đầu tiên Vũ viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ là hòa chung trong âm hưởng của dàn đồng ca thế hệ và thời đại. Mô típ chung là “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, giọng điệu chung là lạc quan, ca ngợi, cấu tứ chung là so sánh đối lập cái hôm qua và hôm nay, chiến tranh ác liệt và tương lai tươi đẹp. 
Lấy thí dụ bài “Qua sông Thương” Vũ viết tháng 6/1966. Cấu tứ là sự đối lập con sông Thương xưa và nay. Xưa “nỗi đau cũ thật không cùng / sông cũng thành nước mắt”. Sông Thương nước mắt là con sông buồn: “Người xưa bảo đây đôi dòng lệ nhỏ / Những suối buồn gửi tới mênh mang”. Vũ chỉ dành 10 câu thơ đầu bài nói về cái xưa ấy. Còn lại 36 câu là nói về cái nay với cảm hứng ““Đời đẹp vô cùng dòng lệ hóa dòng vui”. 
Trong khung cảnh cảm xúc ấy người lính xuất hiện: “Mùa đánh Mỹ qua sông xưa nước mắt / Mà vạt áo người nay chẳng ướt / Chỉ nghe lồng lộng tiếng ca vang”. Một bài thơ được viết đúng cảm hứng ca ngợi, theo mạch viết của thời nó được viết ra. 
Cũng nói đến nước mắt, ở một bài khác Vũ viết: “Tôi chẳng có thời giờ cho nước mắt / Viên đạn nằm trong súng đợi bay lên” (Mùa xoài chín) cũng là khuôn mẫu. Hay như bài “Phố huyện” viết sau bài “Qua sông Thương” hai tháng cũng là sự so sánh phố huyện đánh Pháp ngày xưa và phố huyện đánh Mỹ bây giờ. “Người vượt pháo quân ta rầm rập bước / Vẫn ánh trăng soi áo người vệ quốc / Phố huyện ơi, ta lại hành quân”. 
Cả hình ảnh đăng đối này cũng là khuôn mẫu thơ một thời: “Ô cửa phòng ta mở thành ụ súng / Đường phố của ta dàn thành thế trận” (Chưa bao giờ, 4/1967).
Những bài thơ như thế có sự thành thật. Thậm chí là chân thật. Sự thành thật của một thời tin là thế, yêu là thế, và cảm xúc là thế. 
Lãng mạn và hào hùng là mạch thơ chung của một thời xuất phát từ một lòng tin trong sáng và hồn nhiên. 
Thơ Vũ viết về Hà Nội tháng 4/1967 “mắt ai soi vào cũng sâu thẳm niềm tin”, viết về “Phủ Lý tháng Hai” (1970) tưởng nhớ một bạn thơ hy sinh, nhưng “tin tương lai như chùm quả ngọt ngào”.
Nhưng rồi Vũ đã “đánh mất lòng tin”. Bốn chữ này Vũ viết trong bài “Không đề III” vào tháng 11/1972: “Anh đi lủi thủi trên đường / đánh mất lòng tin”. Từ đó “Tâm hồn anh cô quạnh dưới lòng sâu”. Vũ nhiều lần nói đến sự mất mát cay đắng và đau đớn này:
-“Điều em tin là nhảm nhí mà thôi” (Gửi một người bạn gái)
-“Em đã tin trời xanh ngoài cửa sổ
Trời đen sầm cửa sập nát vai em” (Gửi một người bạn gái)
-“Mất lòng tin vào chiếc thuyền buồm trắng” (Anh đã mất chi anh đã được gì)
-“Điều anh tin không có ở trên đời” (Quán cà phê ngoại ô, 1972)
-“Điều tôi tin cõi đời này chẳng có” (Khúc hát, 1972)
-“Người ta không thể sống bằng niềm tin đẹp” (Viết lại một bài thơ Hà Nội)
Từ đâu có sự thay đổi “tách đàn” như vậy của Vũ? Từ cái nhìn của Vũ vào hiện thực chiến tranh. “Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều / Rách tan cả những làn sương đẹp phủ” (Gửi một người bạn gái).
Bài thơ “Gửi một người bạn gái” tưởng như thơ tình nhưng thực chất đây là bài thơ bộc lộ toàn bộ tâm trạng của Vũ trước hiện thực cuộc sống mà anh đang trải qua những ngày tháng chiến tranh. Toàn bài là cả một chuỗi đối lập chát chúa:  
-“Nghe tiếng chim không thấy mùa nắng nữa”
-“Mưa không mơ hồ mà tàn nhẫn từng cơn”
-“Trang sách tình yêu có ngôi sao lên
Không giống với cuộc đời thô bạo”
-“Tin bình minh nhưng chỉ gặp sương chiều”
Tâm trạng này Vũ sẽ còn nhiều lần bộc lộ trong các bài thơ tình nói với những người con gái anh yêu. Giọng thơ luôn da diết đến day dứt, nồng nàn đến cay đắng, yêu thương đến đau đớn. 
“Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi / Về cuộc đời ghê gớm ta yêu” (Viết cho em từ cửa biển, 10/1970). Và Vũ thấy mình đối diện “Những câu hỏi ban đầu đơn giản nhất / Ngỡ giải đáp rồi nay vẫn xé lòng em”. Từ đó Vũ bắt mình đi tìm lời giải khác. Anh làm một cuộc hành trình chân lý của mình. Trên hành trình đó anh độc hành.
Một câu hỏi lớn, rất lớn, đã được Vũ đặt ra ngay trong bài thơ này: “Vì ta LẦM ĐƯỜNG hay vì trời nổi bão?” Chiến tranh giờ đây trong mắt Vũ là sự đổ vỡ cả trên mặt đất và trong lòng người. Cái chết do chiến tranh mang lại không chỉ là xác người mà còn là tính người.
Thành phố đang thời hỗn loạn
Nghèo túng lọc lừa bội phản
Giết người trộm cắp khắp nơi
Con người nói với con người
Những lời hằn thù sỉ nhục
(Vẫn thơ tình về một người đàn bà không có tên II)
Vũ nhìn thẳng vào hiện thực và thấy ra sự thật. “Em gái mười lăm đã không còn thiếu nữ” (Những tuổi thơ, 1971). Các câu hỏi anh đặt ra là để phá đi sự yên ổn giả tạo trong cuộc sống và trong lòng mình. Và như thế anh phải đương đầu với một trật tự đã được lồng khung và xếp đặt:
"thật ra chẳng nên đặt quá nhiều câu hỏi
chúng ta đang sống trong tổ quốc của mình
mọi người đều anh dũng đều thông minh
mọi ý định đều có ghi trong sách
nếu bữa cơm hôm nay còn cực
đã sẵn cho anh ngôi nhà đẹp ngày mai"
(Một bài thơ, 2/1974)
Đó là cái “phải tồn tại” và thời ấy mọi người sống theo cái đó. Nhưng Vũ lại muốn sống cái bây giờ, ở đây, “cái đang tồn tại”, dù có vì thế mà bị coi là lạc lõng và tiêu cực, thậm chí là nguy hiểm, phản động.
chúng ta những kẻ thiển cận và yếu đuối
không biết chờ đến ngày mai
chúng ta muốn hôm nay ngay ở nơi này
cuộc đời chân thực
Đơn giản vậy thôi: “cuộc đời chân thực” ở thì hiện tại. “Ít ra, đó cũng là điều anh tin tưởng” Vũ đã viết thế, “trong khi cuộc đời cay nghiệt / cho ta uống toàn một thứ NƯỚC SUÔNG / trong khi anh chẳng phải thánh thần / có thể khổ suốt đời mà vẫn chưa tới đích”.
Vũ một mình bước tới. Trong nhiều bài thơ Vũ đã nói lên sự cô đơn của mình khi dấn thân vào hành trình chân lý, tự nguyện “tách đàn”. 
“Anh chẳng mang cho đời những tiệc vui ảo ảnh / Nỗi buồn chân thành đời chẳng nhận hay sao?” (Anh đã mất chi anh đã được gì). 
Tên bài thơ như một sự tính sổ nhận thức để lên đường. Vũ cũng đã từng cố ép mình theo thói đời vứt bỏ “bao kỳ diệu chân thực thuộc về anh”, suy nghĩ cảm xúc theo khuôn phép. Nhưng rồi anh không thể. 
Sau tất cả, “anh vẫn còn nguyên cái tinh chất của đời”. Đó là cái được lớn nhất của Vũ. Từ đó “dẫu anh mất nhà ga êm đẹp đó / vẫn còn con tàu chuyển bánh đi xa”. Nhà ga êm đẹp là ảo ảnh dối lừa, con tàu đi xa là hành trình chân lý.
Vũ đi xa về phía nhân dân. Điều đó có nghĩa Vũ “bỏ đàn”, ra khỏi dàn đồng ca hợp xướng, hát lên bằng giọng điệu riêng mình. 
Anh có hai bài thơ mang tính tuyên ngôn, thông cáo cho sự lựa chọn dứt khoát, quyết liệt này. Bài thứ nhất “Nói với mình và các bạn” (1970). 
Anh thanh niên 22 tuổi Lưu Quang Vũ mở đầu bài thơ đã vạch trần căn bệnh của những người làm thơ thế hệ mình:
“Chúng ta tụm năm tụm ba
Họp hành, giễu nhau, uống trà, đọc thơ, đi thực tế
Ta viết những suy tư ngây ngô vờ là trí tuệ
Những câu nhạt phèo chiếu lệ
Những lời nhàm tai ai cũng quen rồi
Mọi người quanh ta mang nỗi khổ oằn vai
Ngực đất nước tai ương xé rách
Ta viết mãi những điều vô ích
Vô duyên sao ta cứ nhoẻn miệng cười
Như phường bát âm thánh thót
Mong cuộc đời xuôi tai”
Một thế hệ tự lừa mình, “cần cù ngồi viết nhảm”, để rồi lừa dối nhân dân mà không biết rằng “nhân dân có cần thơ của ta đâu”. Vũ lên án không thương tiếc thái độ hèn nhát này của mình và các bạn. Và anh dõng dạc tuyên bố: “Tôi không muốn viết những lời như thế / Tôi không thể viết những lời như thế”. Từ đó anh đòi hỏi mình và các bạn phải quyết liệt thay đổi: 
“Giữa tàn bạo hư vô giữa đấu tranh khốc liệt
Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật
Đập vào mặt ta không cho ta cúi mặt
Không cho ta lảng tránh
Đập cửa mọi nhà
Đứng ở ngã ba
Không hát ta say mà lay ta thức”.
Anh kêu gọi các bạn hãy dũng cảm tỉnh thức và hành động. Hãy phá bỏ những cái giả dối, màu mè. Thơ không còn là những lời ru ngủ, vỗ về, mà là “bó đuốc đốt thiêu bàn tay thắp lửa”, là “sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả”. 
Vũ quyết liệt đến tận cùng khi anh thiết tha gọi kêu các bạn đi cùng đường với mình, nhưng cũng sẵn sàng đoạn tuyệt: “Ta đã hẹn cùng nhau đi tới đích / Nay rất buồn nếu phải chia xa”. Từ đây đến “tôi bỏ ra đi họ ngồi ở lại” chỉ càng cho thấy sự quyết tâm và quyết liệt của Vũ muốn đổi khác mình triệt để. 
Từ buồn đến chán, từ xót thương đến bỏ đi, Vũ đã đoạn tuyệt với bạn bè thế hệ về mặt tư tưởng, nhận thức và cảm xúc. 
Anh đã nói rất thật: “Các bạn tôi hiền lành trong sạch / Là bạn nhau thôi chắc là bạn tốt / Nhưng bạn ơi ta là những nhà thơ / Lòng tốt ở đây chẳng đáng một xu / Càng có tài lộc lọc lừa càng nặng”. 
Bài thơ mang tính tuyên ngôn này vẫn mãi còn tính thời sự. Nó cho thấy tầm vóc tư tưởng của kẻ dám bỏ đàn Lưu Quang Vũ.
Khi đã quyết định chọn một con đường thơ khác, Vũ đã có một tuyên ngôn mỹ học khác. Một mỹ học ngôn từ mới đã được Vũ nêu lên trong bài thơ “Những chữ” (1972). Cái nhìn mới về hiện thực, cảm xúc mới về cuộc sống, tư tưởng mới về nhân sinh đòi hỏi phải có những từ ngữ mới, những cách biểu đạt mới. Vũ kiên quyết đuổi đi những chữ đẹp xưa từng dùng đến “nhẵn mòn sờn rách”. Anh không tiếc chúng vì chúng không giúp anh tả được hiện thực và nói được sự thật. 
Cái thật trong đời và trong thơ là điều Vũ khát khao và hướng đến: “Không giấu che sự thật của lòng mình” (Người con giai đến phòng em chiều thu) mặc cho “Có ai nghe lời nói thật của ta đâu” (Mặt trời trong nước lạnh, 6/1972). Anh cần nói thật nên giờ đây anh cần “những chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật”. Anh gọi đó là “những chữ TRẦN TRUỒNG”. Không đắp điếm, che đậy. Không tô vẽ, giả trang.
"Những chữ như đinh nhìn tôi sắc nhọn
Chữ gầy guộc, chữ bùn lầy, cống rãnh
Từ ho lao, giận dữ, than tro
Tên những bông hoa thường mọc trên mồ
Tên những con chó hoang, những quả bom, những đứa giết người, những thằng lừa dối
Tên những dãy phố nghèo u tối
Những bàn tay đang mọc dậy âm thầm."
Những chữ như thế mới đáp ứng được một quan niệm thơ khác, một tư thế làm thơ khác mà hành trình chân lý đã đưa Vũ đến. Đó là những chữ mới đang ầm ầm đập cửa đòi được vào thơ để chắp cho thơ đôi cánh lớn vươn đến tầm cao phản ánh và suy tư về cuộc sống và con người trong một thời loạn lạc, binh đao, đổ nát và đổ vỡ. Như trong một bài thơ khác Vũ viết về những người bốc vác ở cảng biển đã dạy anh cách nhìn cách nghĩ không thể nào dối trá và anh muốn nghĩ ra một bài hát khác “thật và đẹp hơn mọi điều trong sách” vì trong những cuốn sách cũ “có những điều ngày ấy say mê / nay trên cảng bỗng thành nhợt nhạt”.
Vũ nói, Vũ kêu gọi và tuyên ngôn, và Vũ đã chứng quả bằng thơ mình. Những bài thơ càng về cuối cuộc chiến của Lưu Quang Vũ càng sắc nhọn, đau đớn hiện thực và càng day dứt, trăn trở những nghĩ suy số kiếp nhân dân, thân phận đất nước. 
Cảm hứng bi thương về đất nước, nhân dân đã cho Vũ có được những bài thơ hay lay động sâu sắc để lại giá trị lâu dài (Đất nước đàn bầu, Việt Nam ơi, Người cùng tôi, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Sông Hồng, Năm 1954, Khâm Thiên, Hồ sơ mùa hạ 1972…). Mảng thơ này của Vũ biệt ra một cõi, không ai sánh được. Đó là một đỉnh cao của thơ Việt Nam thời chiến và đỉnh đó mang tên Lưu Quang Vũ lẻ loi và chất ngất.
“Da vàng nhược tiểu” là cụm từ hay được nói đến ở miền Nam thời chiến tranh. Nó cám cảnh cho hoàn cảnh đất nước, số phận dân tộc trong một cuộc chiến có sự dính líu của các siêu cường với những mục đích và tham vọng khác nhau. 
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hẳn một album mang tên “Ca khúc da vàng” được thể hiện bằng giọng hát Khánh Ly gây ám ảnh không nguôi cho người nghe về phận số dân tộc, đồng bào khổ nạn đau thương. 
Ở miền Bắc cụm từ này ít nghe thấy, hầu như là không được nói. Chế Lan Viên có bài thơ “Trận tuyến này cao hơn cả các màu da” thì là nói chuyện chính trị. Lưu Quang Vũ có lẽ là nhà thơ duy nhất thời chiến ở miền Bắc đã dùng hai chữ “da vàng” theo nghĩa cảm thương giống nòi, chủng tộc. Trong bài thơ có cái tên dài như kiểu thơ tự thuật thời xưa “Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn” – bài thơ này thực sự là một tuyệt tác – Vũ viết:
“Tối đen thành phố đêm lưu lạc
Máy bay giặc rít ở trên đầu
Ba đứa da vàng ngồi uống rượu
Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu”
Hai câu thơ cuối có thể tạc khắc thành hình nói lên được tâm thế một thời của một thế hệ, một đất nước. Hai tiếng “da vàng” ở đây tưởng không thể hợp hơn, đúng hơn, và đau hơn. Một lần khác nhìn cánh hoa vàng Vũ liên tưởng: “Sắc hoa vàng như da mặt chúng ta / Một chủng tộc đói nghèo bên biển cả” (Những đêm hoa vàng). Giữa những ngôn từ trịnh trọng, lớn lao, nhiều khi rủng rẻng, nói về đất nước hồi ấy, câu thơ của Vũ sắc như một mũi kim châm.
Và Vũ đã tự nhận về mình phận sự:
“Có một gã làm thơ da vàng
Không đêm nào ngủ được”
(Liên tưởng tháng Hai, 1973-1974)
Gã đó thao thức, trăn trở để viết “Những câu thơ âm thầm / Muốn nói hết sự thực / Về đất nước của mình”. 
Những câu thơ đó với ba từ LẦM ĐƯỜNG – NƯỚC SUÔNG – TRẦN TRUỒNG đã in lại dấu chỉ cho đất nước và nhân dân nhìn thấy và nhìn rõ hành trình chân lý của “gã làm thơ da vàng” Lưu Quang Vũ để biết ơn và ghi công.
Hà Nội VIII.2018.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB