1. Hội chứng thấp kém
Hội chứng mặc cảm thấp kém là một phát kiến của nhà tâm lí học trứ danh người Áo Alfred Adler. Năm 1907, Adler bàn về hội chứng này lần đầu tiên, mà trong đó ông nêu lên một số đặc điểm có tác động đến cuộc sống hàng ngày. Ông xem hội chứng mặc cảm thấp kém là một rối loạn thần kinh (neurosis).
Adler nghĩ rằng yếu tố căn bản của rối loạn thần kinh là cảm giác thấp kém, và những người mắc chứng này tiêu ra thì giờ để cố gắng đối phó và chiến thắng cảm giác đó mà không biết gì đến thực tế.
Adler cho rằng tất cả trẻ con đều có mặc cảm thấp kém ngay từ khi họ được sanh ra. Trẻ con làm tất cả để được ba má chú ý tới. Những nỗ lực đó của họ (trẻ con) dần dần theo thời gian giúp chúng hình thành những mục tiêu tưởng tượng trong tiềm thức. Những mục tiêu này giúp đứa trẻ phấn đấu chỉnh sửa mặc cảm thấp kém và phát triển khả năng. Khi đứa trẻ được chăm sóc tốt, nó sẽ chấp nhận những thách thức và học cách vượt qua. Ông gọi đó là Quá trình Compensation (Đền bù).
Tuy nhiên, Quá trình Đền bù đôi khi không diễn ra một cách bình thường, và cảm gíac thấp kém trở nên căng thẳng hơn. Đứa trẻ bắt đầu cảm thấy nó không có khả năng kiểm soát môi trường chung quanh. Họ phấn đấu để được đền bù, nhưng không đạt được hiệu quả. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng mà Adler gọi là 'Overcompensation' (Đền bù thái quá). Đứa trẻ bắt đầu tập trung vào việc đạt được những mục tiêu ngoài khả năng của nó.
Chứng Overcompensation có thể dẫn đến hội chứng mặc cảm thấp kém. Đây là mặc cảm thiếu tự tôn (self-esteem). Theo Adler, đặc điểm chánh của người bị chứng mặc cảm thấp kém là người đó lúc nào cũng phấn đấu tìm một tình huống để chứng tỏ mình nổi trội.
Động cơ làm người nổi trội là một triệu chứng của mặc cảm thấp kém.
Theo sách tâm lí học, người có hội chứng thấp kém thường có những biểu hiện sau đây:
• cảm giác bất an, không xứng đáng;
• rụt rè trong các giao tiếp xã hội;
• hay so sánh mình với người khác;
• cảm giác thù ghét, nản lòng, bồn chồn, nóng nảy;
• mất ngủ;
• không có khả năng hoàn tất công việc;
• dấu hiệu trầm cảm, lo lắng.
Chẳng hạn như lần tiếp xúc Tập Cận Bình, một ông lãnh đạo VN làm mọi người ngạc nhiên khi ông so sánh trà Tàu ngon hơn trà Việt Nam! Ngạc nhiên là vì ông ấy ở vị trí lãnh đạo quốc gia mà lại thốt ra một câu không cần thiết.
Sau này ông ấy và đồng nghiệp còn có nhiều câu phát biểu mang tính so sánh Việt Nam như là một ‘cường quốc’ trên thế giới. Có thể đó là cảm nhận cá nhân, nhưng cảm nhận đó chắc chắn xuất phát từ tiềm thức hay mặc cảm nào thấp kém.
Thỉnh thoảng, người mắc chứng mặc cảm thấp kém còn tỏ ra tự tin thái quá hay ái kỉ (narcissist) mặc dù trong thực tế họ rất thiếu tự tin. Những biểu hiện này bao gồm:
• tự trình diễn mình như là một người tài năng;
• tỏ ra là người hoàn hảo, và do đó rất nhạy cảm với những phê bình;
• tìm lỗi của người khác;
• thích được chú ý và tìm sự chú ý của người khác;
• không có khả năng nhận ra sai sót của mình.
2. Hội chứng nổi trội
Nhưng Adler còn chỉ ra một hội chứng mặc cảm nổi trội (superiority complex). Người mắc chứng này cảm thấy lúc nào cũng có nhu cầu để chứng minh rằng mình hơn chính mình (để nổi trội hơn người khác). Adler chỉ ra rằng trẻ con cũng hay mắc chứng này, và chúng lúc nào cũng tỏ ra xấc láo, phách lối, và thích gây hấn. Đứa trẻ mắc chứng này chỉ vì nó cảm thấy nó thấp kém hơn người khác.
Thật vậy, mặc cảm nổi trội được phát sanh từ mặc cảm thấp kém. Nó (mặc cảm nổi trội) là một cách thức mà bệnh nhân hay dùng để thoát khỏi sự khó khăn và thấp kém của chính họ.
Những biểu hiện của Hội chứng nổi trội bao gồm:
• tự đề cao mình hay tự đánh giá mình quá cao;
• tuyên bố những điều khoác lác không đúng với thực tế;
• chú ý đến bề ngoài;
• tự xem ý kiến của mình là quan trọng;
• cố gắng trình diễn mình như là một người ưu việt và có thẩm quyền;
• không lắng nghe người khác;
• hay so sánh mình với người khác để ngầm cho thấy mình hơn họ;
• nhưng tự trong lòng thì thiếu tự tôn và cảm thấy mình thấp kém.
Nguyên nhân của Hội chứng nổi trội thì có nhiều. Nhiều tình huống dẫn đến Hội chứng nổi trội. Chẳng hạn như họ đã bị thất bại nhiều lần trong quá khứ, nên họ cố gắng 'nổ' để bù đắp cho những thất bại đó. Cũng có thể họ đang bị căng thẳng nên giả bộ rằng mình đã vượt qua sự căng thẳng. Nói tóm lại, nguyên nhân chánh của Hội chứng nổi trội là họ tìm cách thoát khỏi thực tế và giả bộ rằng họ hơn người khác.
ST
0 nhận xét:
Đăng nhận xét