Đứa trẻ bên trong chúng ta

24 tháng 2, 2022 0 nhận xét

Năm 1997, Giáo sư Arthur Aron của Đại Học bang New York ở Stony Brook có công bố một kết quả nghiên cứu về khả năng tạo việc kết nối gần gũi của các đôi trong phòng thi nghiệm bằng cách dùng một bản 36 câu hỏi.* Các câu hỏi được chia làm 3 phần 3 mức độ. Nếu câu đầu tiên ở mức độ thứ nhất là “Nếu được quyền chọn ăn tối với bất kỳ người nổi tiếng nào trên thế giới, bạn sẽ chọn ai?” thì một câu hỏi ỏ mức độ thứ ba sẽ là, “Người nào trong gia đình bạn nếu qua đời sẽ làm bạn khủng hoảng nhất? Vì sao?”
Mặc dù kết quả của bài báo khoa học đầy đủ này phức tạp hon nhiều những tường thuật đăng trên các tạp chí phổ thông, kết quả chính của nghiên cứu này cho thấy chỉ cần 45 phút tương tác bằng những câu hỏi được thiết kế, các khách thể trong nghiên cứu đã có độ thân mật gần gũi cao hơn mức độ gần gũi cao nhất của 30% các sinh viên có bối cảnh tương tự. Trong một bài báo trên tờ New York Times, chuyên gia tâm lý Mandy Len Catron khi lập lại thí nghiệm này cho bài báo cũng cảm thấy “phải lòng” người thực hiện “hỏi-đáp” với mình. Một kết quả thật bất ngờ nhưng thú vị. Điều gì đã xảy ra?
Có lẽ tốt nhất chúng ta sẽ hỏi thẳng nhóm nghiên cứu thí nghiệm 36 câu hỏi ấy. Tác giả của nhóm nghiên cứu cho biết, “Một mô thức chính liên quan đến sự phát triển mối quan hệ thân mật giữa hai người là việc bộc lộ bản thân cho nhau một cách lâu dài và ngày càng về những tâm sự sâu kín.” Việc tâm sự vốn đã không dễ dàng gì, huống chi là viêc chia sẻ những điều thầm kín đã từng gây cho mình tổn thương và nhất là có thể tạo cơ hội cho người đối diện gây tổn thương cho mình. Ba mươi sáu câu hỏi là chìa khóa mở ra từng lớp thành lũy mà chúng ta đã xây dựng từ ấu thơ để bảo vệ đứa trẻ bé bỏng chân thực nhưng cũng rất dễ tổn thương.
Trong các bài nói chuyện về Sức Mạnh của Sự Dễ Tổn Thương trên TED và nhiều tác phẩm khác, giáo sư tâm lý Brené Brown đã cho chúng ta thấy giá trị của việc trưng ra phần lòng dạ mềm yếu của chúng ta trong việc kết nối với người khác, đặc biệt là trong các quan hệ thân mật như tình yêu. Chúng ta có thể ngưỡng mộ nhưng sẽ không cảm thấy thân thiết với một người mà chúng ta chỉ biết vẻ bề ngoài “hoành tráng” quá đỗi an toàn của họ. Thậm chí, chúng ta sẽ thấy thân thiết hơn với những người biết rõ những tâm sự sâu kín, kể cả những nỗi sợ hãi khờ dại đến những ước mơ ngây ngô của chúng ta. Nếu hạnh phúc và bền vững trong tình yêu dựa trên sự kết nối, thì chắc chắn sự kết nối không hình thành từ một bảng kiểm [checklist] những tiêu chí thời thương được yêu chuộng của xã hội. Nó phải đến từ sự thông hiểu và đồng cảm.
Chúng đều muốn được thông hiểu và đồng cảm, từ phía cha mẹ, anh em, thầy cô, bạn bè, thậm chí cả hàng xóm. Và nhất là người bạn tình và bạn đời của chúng ta. Chúng ta mong muốn không phải đóng kịch, không phải phòng thủ, không phải đối đầu. Đó là người mà chúng ta có thể sống chân thực, là chính mình mà không bị phán xét. Trong thâm tâm, chúng ta đều muốn trở thành đứa trẻ chạy òa vào lòng mẹ khóc lóc kể lể khi bị đám bạn ngoài kia ức hiếp bắt nạt, và mẹ sẽ âu yếm vỗ về, “Có mẹ đây con.” Tương tự, sau một ngày chiến đấu với thế giới mỏi mệt, điều chúng ta mong muốn là một mái nhà mà ở đó chúng ta không phải đóng kịch, không phải chiến đấu, nhưng được thông hiểu và đồng cảm. Đau đớn thay nếu chúng ta không có một mái nhà để trở về bình yên, mà cuộc đời là một bãi chiến trường vô tận.
Thế nhưng đa phần khi lớn lên chúng ta ít nhiều tạo dựng các mối quan hệ thân thiết dựa trên sự lừa dối lẫn nhau. Để được chấp nhận và yêu thương, chúng ta thường phủ nhận chính mình để mang một mặt nạ đáp ứng với những kỳ vọng của người đối diên. Thói quen hình thành từ ấu thơ này mạnh mẽ và ăn sâu đến mức khiến chúng ta hành động không ý thức khi trưởng thành và bước vào giai đoạn hẹn hò yêu đương. Những câu nói vô tình hay hữu ý từ người bạn tình như “anh thích em thế này. . .,” “em thích người chồng tương lai của em thế này. . . “ đã khiến chúng ta phải cố gắng tự thể hiện, tự dối gạt, hay thậm chí mang một mặt nạ vẽ vời những tính chất hay phẩm chất được kỳ vọng để duy trì quan hệ. Càng ngày những mặt nạ chồng chất lên trên căn tính chân thật của ta càng nhiều đến lúc chúng ta cũng không biết chúng ta là ai. Chúng ta yêu thích những tấm mặt nạ của nhau nhưng không ý thức dưới những tầng mặt nạ đó là một đứa trẻ e thẹn, mong manh, mong muốn được yêu thương như là chính nó.
Khi những chiều chuộng mơn trớn của các chiêu trò tán tỉnh dừng lại, đặc biệt sau hôn nhân, điều còn lại chỉ là nỗi cô đơn sâu sắc vì đứa trẻ bên trong vẫn cảm nhận rõ ràng: nó không được yêu như là chính nó khi người kia chỉ yêu những mặt nạ của nó tạo nên cho tương xứng với những kỳ vọng trong một tình yêu có điều kiện của người kia.
TS Lê Nguyên Phương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB