Người Hà Nội Ở Sài Gòn

18 tháng 3, 2021 0 nhận xét
Em ở Sài Gòn mới ra à? Vầng!
Em đi công tác à? Không, em về thăm nhà.
Sao lại vào trong ấy? Dạ, đi làm ạ.
Trong đấy lương cao hơn à? Lương bao nhiêu? Hay em vào đấy lấy chồng? Thế đã có con chưa?...
Những ai vào sống ở Sài Gòn, một ngày về lại Hà Nội có lẽ cũng đã từng gặp một anh lái taxi và bị hỏi chuyện như tôi, và họ nhận ra ngay sự khác biệt. Người Sài Gòn sẽ thấy cách giao tiếp như “hỏi cung” ấy thật kỳ quặc, vì họ đã quen với văn hóa tôn trọng tự do cá nhân. Ngay cả tôi sau mấy năm ở Sài Gòn, khi về lại quê nhà cũng thấy kém thoải mái vì đã quen với những dịch vụ chuyên nghiệp hơn ở Sài Gòn, nơi hầu hết người ta đi làm việc là lo làm việc, không quen thói tọc mạch, nhiều chuyện.
Hầu hết người ở miền Nam biết rằng có một khoảng không cá nhân nơi người khác mà họ không nên bước vào. Bởi vậy, họ hiếm khi hỏi bạn làm lương bao nhiêu, cuộc sống gia đình ra sao, vì họ hiểu đó là sự riêng tư cần thiết. Hồi mới vào Sài Gòn tôi ngỡ ngàng quá xá khi có người giới thiệu: “Đây là ông anh, bà chị xã hội của tôi”. Mãi sau này tôi mới hiểu cái “tính xã hội” trong các mối quan hệ này cực kỳ cao, bởi có khi đã nhậu với nhau cả chục lần rồi người ta vẫn chưa biết rõ ràng nhà bạn ở đâu, bạn làm nghề gì, có hoàn cảnh éo le nào hay không.
Nhóm bạn tứ xứ từ mọi miền đến Sài Gòn sinh sống của chúng tôi mỗi khi tụ tập hay đùa nhau rằng “cái bọn Bắc kỳ” nên kiểm điểm lại “ăn ở thế nào” mà hiếm khi thấy người Nam di cư ra Bắc, toàn chỉ thấy người Bắc vào Nam làm ăn. Từ hàng trăm năm nay, “vào Nam làm ăn” là cụm từ không xa lạ gì với các làng quê Bắc bộ. Tôi hỏi thăm một số người Bắc sống ở Sài Gòn, có người nói là vì họ “thích, nên chuyện chuyển vào sống ở miền Nam chỉ là vấn đề thời gian”. Nhưng số đông hơn thì thừa nhận “đùng một cái là vào”!
Ông chủ một công ty khá lớn là người “Hà Nội gốc” kể anh không định đưa cả gia đình từ Hà Nội vào Sài Gòn, vì ở Hà Nội, anh có biệt thự to đẹp, cuộc sống rất đầy đủ, thuận tiện. Rồi một lần đi gặp đối tác ở quận 7, TPHCM, hỏi giá mấy căn nhà cho vui, ai dè thấy đẹp và rẻ quá nên anh tiện tay đặt cọc luôn. Đi công tác về anh bảo vợ: “Anh mua nhà Sài Gòn rồi nhé”. Vợ anh cứ ngỡ chuyện đùa, còn anh thì bảo với vợ: “Hà Nội khó quá mà Sài Gòn thì dễ quá nên nó hút người ta tự nhiên thôi”. Cả gia đình anh bây giờ đều hài lòng, vui vẻ với ngôi nhà to đẹp ở Sài Gòn. Các cụ cũng thấy mãn nguyện vì hết đau xương khớp vào những mùa đông dài và lạnh. Các con anh thích môi trường học hành, nơi thành tích không bị thúc ép gay gắt như Hà Nội. Một chị bạn tôi chỉ mới “khảo sát tình hình” Sài Gòn có một ngày thôi đã nhất quyết mua nhà vào ở ngay. Chị tấm tắc khen cái “kiểu Sài Gòn”: “Ở đây mua hàng không bị mắng mà còn được người ta tươi cười cám ơn. Cũng là đồng tiền mà có giá trị. Trong này văn minh thật!”.
Còn biết bao lý do chưa biết hết, cũng như chẳng ai đếm đủ có bao nhiêu người Bắc đã di cư vào Nam. Chưa ai làm thống kê này nhưng chắc chắn là rất nhiều. Cứ nhìn những nhà hàng, quán ăn vị Bắc mọc lên ngày càng dày ở Sài Gòn hay giọng Bắc phổ biến ở nơi công cộng thì biết. Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của TPHCM, trong vòng 10 năm qua, mỗi năm dân số ở đô thị này tăng thêm 200.000-400.000 người, và hơn một nửa số người nhập cư đến từ Bắc và Trung bộ.
Tha hương là một ngã rẽ đặc biệt của số phận, nhưng nó không xảy ra với thiểu số người Việt. Chẳng phải đến khi phát hiện ra những người Việt nhập cư trái phép vào nước Anh phải bỏ mạng trong thùng xe tải người ta mới nhận ra di cư là một điều dị thường. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều cuộc di cư lớn từ Bắc vào Nam để lại nhiều cộng đồng đồng hương tại Tây Nguyên, Nam bộ, cao nguyên Nam Trung bộ hay một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là các cộng đồng di cư đã thành nổi tiếng tại Sài Gòn và ở các nước Mỹ, Úc, Đức, Pháp... Có những nhà nghiên cứu từng cho rằng Việt Nam là dân tộc có “gen di chuyển” vượt trội để sinh tồn.
Tôi cũng là một người di cư ngay trên chính đất nước mình khi từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống. Sài Gòn từ xưa tới nay được coi là thành phố cởi mở nhất với người nhập cư, cũng là nơi nhiều người tứ phương coi như miền đất hứa. Riêng với người Bắc di cư, người ta nghe thấy những cách gọi “Bắc 75”, “Bắc 54”. Tôi còn thấy một thế hệ “Bắc 2000”. Họ là nhiều người 9x, 8x, 7x và cả 6x “tính chuyện lâu dài” với thành phố này. Họ cũng như tôi, trở thành những cá thể gồm hai mảnh ghép: Hà Nội lắng đọng và Sài Gòn sôi nổi.
Hai mảnh ghép đó thực sự khác nhau rất nhiều. Vì thế mà những người Hà Nội ở Sài Gòn ấy, mỗi lần về lại quê nhà, cảm giác bối rối vì bị khai thác thông tin kiểu như anh lái taxi nhắc ở trên khiến họ mong nhanh nhanh quay lại Sài Gòn. Nhưng ở Sài Gòn, đôi khi bị nghe từ “Bắc kỳ” cùng vẻ mặt khó chịu của ai đó thì lại chạnh lòng nhớ về Hà Nội. Cái khoảng không gian cá nhân vì thế cứ co vào giãn ra mệt nhoài mỗi lần đi về giữa hai thành phố. Một là nhà, nơi có cha mẹ, bà con, bạn bè chung thủy, một thời niên thiếu nhiều kỷ niệm; một là nơi sống và làm việc, được thấy cuộc sống rộng hơn, bầu trời rộng hơn và được là mình nhiều hơn. Một là cảm xúc và mơ mộng, một là lý trí và thực tế. Một là sương giăng phố vắng, một là nắng gió xôn xao. Một là bún riêu cua ốc, một là hủ tiếu bún bò. Một là hoa đào năm ngoái, một là mai cúc chói chang... Cả trăm lần dân xa xứ ngay trên chính quê hương mình như tôi tự hỏi: phải nghiêng về nơi nào?
Thôi thì đành cứ yêu Hà Nội nhưng vẫn thích Sài Gòn.
Thích là vì cuộc sống dễ thở hơn, ra đường ít bon chen mệt mỏi hơn, ít bị để ý hơn, dịch vụ thuận tiện, con người đối xử với nhau chân phương. Nhưng thích mới chỉ là một bước trên đường để trở thành yêu, còn có thể trở thành yêu được hay không lại là chuyện khác. Thích mới là điều kiện để khởi động hành trình khám phá, tìm tòi, suy nghĩ, trăn trở và cân đong đo đếm. Nhưng khổ nỗi dù đã thích, khi thấy một bóng cây, một tiếng nhạc, một ngõ hẻm hay tiếng rao, trong lòng người Hà Nội vẫn bất chợt rung lên một nỗi nhớ.
Và, trong yêu mà có nhiều điều không thích; trong thích lại có những điều chưa thể thành yêu. Đó là cái tơ nhện đầy ngang trái của cuộc đời. Và vì cuộc đời luôn đi kèm kịch tính nên vẫn còn biết bao người đang di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn, từ Việt Nam ra nước ngoài để trở thành những người xa xứ. Mỗi ngày của chúng ta tiếp tục là một chuyến du ngoạn, khám phá, thích nghi, tương tác để giữ sáng ngọn lửa của chính mình.
Nguyễn Hoài Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB