NGƯỜI ĐẾN LÀ PHÚC, NGƯỜI ĐI LÀ PHẬN

15 tháng 8, 2022 0 nhận xét
Khi đến kiếp sống này, dù muốn hay không chúng ta cũng phải hoàn thành những bài học còn dang dở. Những bài học mà chúng ta đã soạn sẵn đề tài từ đời trước, thông qua những việc tốt xấu đã làm.
Gặp một người tốt hay xấu, thương hay ghét, yêu hay hận, dĩ nhiên cũng không nằm ngoài bài học mà chúng ta đã tự chọn, tự gieo.
Có những người có thể hung dữ với người khác, nhưng đối với ta họ lại cực kỳ dễ thương. Có những người dù ta không làm gì, chỉ tình cờ gặp nhau qua một ánh mắt thôi, mà cũng khiến ai đó phải nhớ thương trong lòng. Nhiều khi chỉ vì vài giọt nước mắt lúc chia xa, mà rồi người ta tìm nhau, chờ nhau đến gần cả cuộc đời. Bởi vì đời trước chúng ta và họ đã gieo tạo những nhân duyên, những lời ước hẹn, những xoay vần của tình cảm nào đó. Nên khi gặp lại tự động trong người kích hoạt, nhớ ra được bài học khi đến đời này cần phải tiếp nối.
Nếu ví cuộc đời này là một vở kịch, thì có những người phải nói là đóng thật tròn vai, và xuất sắc để giúp chúng ta nhận ra nguồn năng lượng tích tụ có sẵn từ sâu thẳm trong tâm hồn, nên dù người đó có mang đến niềm vui, hạnh phúc, hay thậm chí mang lại đau khổ dằn vặt cho chúng ta thì vẫn xem “người đến là phúc”. Nhờ họ mà chúng ta biết được hành trình của kiếp sống này đâu phải chỉ để ăn cho no, kiếm tiền cho nhiều, chết an lành là xong. Nó còn là cơ hội thăng tiến của tâm thức, tạo nên một rung động lực để linh hồn khi rời khỏi thân xác sẽ tiến nhập vào những cảnh giới cao và tốt đẹp, tương ứng với tần số năng lượng mà chúng ta phát ra.
Người đến là phúc, còn bởi vì nhờ họ mà chúng ta biết bản thân còn đang bị tắc nghẽn, chứa đựng những loại năng lượng tiêu cực nào. Ví dụ có người nói hai ba câu gì đó tự nhiên chúng ta nổi nóng lên. Cái nổi nóng đó đâu phải do mấy lời từ họ, mà do nó có sẵn trong người ta rồi, nên gặp tác nhân là lời nói, nó khởi lên thôi. Nên có câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” - quán chiếu xem xét lại bản thân trước mới trách cứ tới người.
Giống như một chui cắm vào ổ điện. Đâu phải nhờ cái chui mà có điện, do nhờ dòng điện mới giúp cho quạt chạy, đồ dùng hoạt động. Cái chui nó chỉ là vật trung gian thôi. Nếu như không có dòng điện thì cho dù cắm chui vào ổ thì quạt cũng đâu có chạy.
Nhìn ra như vậy để thấy, những người xuất hiện quanh chúng ta họ cũng như là phương tiện thử thách, “vật dẫn”. Họ đến đời ta, đứng trước mặt ta, để coi thử bên trong chúng ta đang chứa đựng cái năng lượng gì nhiều. Sân hận, tham lam, yêu thương, nhân ái, vui vẻ hay đa sầu đa cảm...
Bởi vậy để ý mới thấy có những người nghe những lời khó chịu mà họ vẫn “trơ trơ”. Là tại bởi bên trong họ đâu có nuôi cái nguồn năng lượng sân si, hay cũng có, nhưng nó không có nhiều, thành thử cũng đâu có tác dụng.
Tương tự, có những điều chúng ta thấy rất đơn giản để vượt qua, nhưng với người khác mất đi rồi là như mất cả cuộc đời, bám víu không thoát được. Và chúng ta khi rơi đúng vào hoàn cảnh, bài học của mình thì nếu không tỉnh táo, sáng suốt nhận diện ra cũng rất dễ bị cuốn theo những dẫn dắt của nguồn năng lượng tự thân đó mà trôi lăn mãi trong biết bao phiền khổ.
Cách nhận diện bài học có nhiều khía cạnh, nhưng đơn giản nhất là thế này bạn ạ. Nếu gặp một ai đó khiến chúng ta từ trạng thái bình thường bỗng nhiên cứ “rần rần” như có điện trong người thì biết họ là duyên lành hoặc xấu, họ là người “khảo”, họ là giám thị mang đến đề thi coi chúng ta có vượt qua bài học hay rớt tiếp. Yêu từ cái nhìn đầu tiên, ghét từ cái nhìn đầu tiên cũng từ đây mà ra. Một người đã nặng về nghiệp ái tình thì rất dễ bị cám dỗ từ người khác, không biết kiềm chế sẽ chạy theo nghiệp lực, dù cho đã có gia đình người yêu cũng không cưỡng lại được.
Chúng ta hay trách người thứ ba xuất hiện phá vỡ hạnh phúc mà quên mất rằng nếu bản thân người phản bội kia không có sẵn sự thay lòng thì cho dù một trăm người thứ ba cũng không khiến họ lung lay. Khổ một cái, con người chúng ta không nhận ra được bản thân có khả năng làm chủ được tất cả những xúc cảm đó. Cứ điên đảo để cho xúc cảm nhất thời dẫn dắt mà gây ra biết bao sai lầm.
Hay nếu chúng ta có sẵn lòng tham, tức năng lượng tham trong người thì gặp ai đó nói dỗ ngọt đầu tư cái này cái kia sẽ có lời thì tự nhiên không suy xét kỹ càng mà “đưa đầu” vào làm chung rồi bị lừa đảo, thất bại.
Bạn phải nhớ rằng, khi tái sanh là loài người thì tình và tưởng đều bằng nhau mới đủ cái phước được làm người. Tưởng sáng suốt thì thông minh, tình ám muội thì ngu độn. Chúng ta hoàn toàn có thể cân bằng hai thứ đó như bản chất vốn dĩ. Để tuỳ tình huống, chúng ta biết phát huy những điều tốt đẹp hay lắng xuống những thứ cảm xúc dẫn dắt sai lầm.
Bài học đến là để chúng ta trưởng thành, chứ không phải để làm khổ ai cả. Cũng vậy, chúng ta phải chịu khó thường xuyên đặt ra những câu hỏi để biết chúng ta là ai, vị trí chúng ta là gì trong xã hội, có đang làm tròn trách nhiệm với vị trí đó chưa? Để đừng bị lạc mất bản tâm khi chạy theo vọng tưởng, và cái nhìn với người khác.
Như thấy người ta làm chuyện này chuyện nọ thành công, chúng ta không rập khuôn bắt chước theo ngay trong khi thế mạnh bản thân trong lĩnh vực đó không có. Nghe theo người này người khác bảo phương pháp rèn luyện tinh thần, thân thể này vi diệu mà nó lại không phù hợp với nhận thức và trình độ hiểu biết của chúng ta thời điểm đó.
Giá trị của mỗi người được định đoạt ở việc họ làm có thật sự bằng cái tâm hay không, dù cho đó là một việc nhỏ nhặt, đơn giản nhất.
Khi đặt toàn tâm toàn lực, có sự chú tâm vào bất kỳ điều gì bạn làm thì bạn sẽ có định lực, chính kiến, hiểu rõ con đường mình phải đi và bài học cần phải hoàn thành trong mỗi giai đoạn, không cần chạy theo số đông. Từ định lực đó sẽ giúp bạn nhận rõ ra được giá trị chân thật của những bài học đến với đời bạn. Để có cách ứng xử, điều chỉnh, chuyển hoá khôn khéo nhất có thể.
Hãy cứ bình thản quan sát, kiểm soát nguồn năng lượng tự thân, hơn là để ý chuyện một người ở lại bên ta bao lâu hay thắc mắc sao họ nỡ lòng rời xa ta. Vì ai cũng có những chặng đường riêng, bài học riêng. Chúng ta làm sao gặp nhau là để tương trợ nhau, giúp nhau phát triển, dù đó có là người nợ ta hay ta nợ họ. Có nợ thì đến, hết nợ thì đi. Cảm ơn tất cả những điều, những người ở lại và ra đi trong đời. Như đoạn thơ ngắn sưu tầm dưới đây:
“Người đến là phúc, người đi là phận
Duyên sâu thì hợp, duyên mỏng thì tan
Vạn pháp do duyên, vạn sự tuỳ duyên
Không cưỡng không cầu, không mong không khổ”.
(Chuyện của Soul)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB