NGƯỜI BIẾT NGỦ

5 tháng 12, 2022 0 nhận xét
Từ khi sinh ra tới giờ, sinh ra cái là ngủ, ngủ chiếm tối thiểu 30% thời gian sống của chúng sinh, người nào mà chả ngủ hàng ngày, vậy làm gì có khái niệm biết hay không biết ngủ? Và ai cũng nghĩ càng lớn càng có kinh nghiệm sống, vậy mà ngủ hình như nằm ngoài quy luật hình thành kinh nghiệm của con người thì phải. Tuổi già sợ lắm chứng mất ngủ kinh niên, chả có giải pháp nào triệt để cả. Đã bao nhiêu kỷ nguyên rồi? Đã vô lượng kiếp sống rồi mà chuyện ngủ vẫn nằm ngoài kinh nghiệm sống của loài người. Nếu ai may mắn được ngủ ngon đều đặn trong kiếp sống này, thì chắc phải do thiện nghiệp của người ấy cho quả.
Khi nói một người biết ngủ thì phải đạt được những tiêu chí thế này:
• Nằm xuống phải ngủ được ngay trong thời gian ngắn bằng ý chí chứ không lệ thuộc vào tình trạng sức khỏe hay tâm lý. Tình trạng nào cũng ngủ được hết. Môi trường nào cũng ngủ được hết, Không có chuyện “lạ nhà”. Không có trằn trọc.
• Tự đặt được thời gian thức giấc mà không cần chuông đồng hồ.
• Ban ngày không có gà gật, buồn ngủ. Không ngáp ngủ trong suốt thời gian không ngủ. Đến giờ đi ngủ là ngủ chứ không xuất hiện trạng thái buồn ngủ ngay cả trước giờ ngủ tối. Không hề buồn ngủ nhưng nằm xuống là ngủ được ngay.
• Trường hợp có thức giấc nửa đêm thì cũng nhanh chóng biết cách ngủ trở lại. Không có trằn trọc.
• Thời gian ngủ trưa rất ngắn. Thực tế chỉ cần đi vào giấc ngủ 5 phút là tỉnh táo cho toàn bộ buổi chiều.
• Sáng thức dậy 4h không có mệt mỏi. Thức dậy là tỉnh luôn không có ngủ lại.
• Không bao giờ có khái niệm mất ngủ. Ngay cả khi những hôm ốm không ngủ được cả đêm, người ta không nghĩ là mất ngủ, mà nằm với tâm tỉnh giác quan sát cảm giác trên thân. Sáng thức dậy với cái thân đau của bệnh nhưng tâm không khởi sự mệt mỏi của việc không ngủ. Nên đó cũng không gọi là mất ngủ.
• Nằm ngủ trong một tư thế duy nhất không có trở người. Tư thế ngủ tốt nhất Đức Phật nói là nằm nghiêng bên phải.
• Mặc dù ngủ rất ngon giấc nhưng lại rất tỉnh. Ví dụ như luôn nghe thấy kẻng dù âm thanh rất nhỏ mà không bị ngủ quên.
• Và có một nội dung rất quan trọng chỉ người tu tập mới hiểu, đó là KHÔNG TẠO NGHIỆP trong giấc mơ. Nghĩa là không sợ hãi, hay đau khổ với những giấc mơ kinh khiếp. Thâm chí không khởi tâm tham dục với những giấc mơ tham dục.
• Và một điểm quan trọng nữa trên tiến trình tu tập, khi tâm của người hành thiền đạt trạng thái tỉnh thức cao, ngay cả giờ ngủ tâm vẫn rất tỉnh, hoàn toàn không buồn ngủ. Người ấy nằm xuống cho thân được nghỉ ngơi, còn tâm thì ở với cảm giác. Dù là suốt đêm không ngủ hoặc chỉ ngủ một vài giờ nhưng suốt đêm họ không có mệt mỏi, sáng thức giấc như một người vừa qua giấc ngủ ngon. Đó là cách ngủ nghỉ của một người tỉnh thức.
• Và ở đỉnh cao của việc biết ngủ phải là của một vị Phật, vị ấy chỉ nằm xuống, tỉnh giác nhập Tứ Thiền.
Cơ bản một người bị mất ngủ, ngủ trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ, ngủ li bì mệt mỏi, ngủ không biết giờ thức, không thức được sớm, tất cả là do tâm luôn luôn phản ứng với cảm giác khó chịu trên thân, và phản ứng với các pháp sinh khởi trong tâm (vọng tưởng hay còn gọi là suy nghĩ), dẫn tới mệt mỏi, khó đi vào giấc ngủ, cơ thể thường thiếu năng lượng nên ban ngày thì gà gật, ủ rũ, đêm thì cần ngủ nhiều, ngủ không biết giờ thức, mà đã mất ngủ là mất ngủ kinh niên luôn. Cả đêm trằn trọc xoay trái xoay phải.
Nhờ có Vipassana, chúng ta huấn luyện tâm để bình tâm với mọi cảm giác trên thân, và mọi pháp sinh khởi trong tâm. Chúng ta không thể ngừng lại được tiến trình sankhara trồi lên trên bề mặt ý thức bằng những cảm giác trên thân để nuôi dưỡng dòng tâm thức, nuôi dưỡng dòng sống của chúng sinh, nhưng ta có thể học cách bình tâm với chúng. Qua thời gian luyện tập, việc không phản ứng sẽ trở thành tự động. Ngay cả ở tầng lớp vô thức chúng vẫn luôn tự động hoạt động.
Như vậy là ta đã học cách làm việc với phần sâu thẳm của tâm, một lĩnh vực vượt ngoài sự nghiên cứu khoa học bình thường của loài người. Do vậy nền y học từ kỷ nguyên này qua kỷ nguyên khác chắc chắn không thể chạm tới mức độ sâu thẳm này được. Con người có thể biết nhiều thứ nhưng vẫn luôn không biết ngủ thực sự nếu không một lần biết tới Vipassana.
Theo Cư Sĩ Áo Trắng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB