Cho những ai còn mẹ: GIÁNG SINH CỦA HAI TỬ TÙ

22 tháng 12, 2022 0 nhận xét

Giới thiệu: Đại sư Chagdud là bậc cao tăng nổi tiếng của Phật Giáo Tây Tạng. Trong thời gian hoằng dương Phật Pháp tại Tây Phương, ngài thu nhận một tử tù làm đệ tử. Tử tù tên là Jarvis Jay Masters, người da đen, sinh năm 1962 tại Long Beach, California. Anh bị kết án tử hình vì có liên can đến việc một nhân viên an ninh nhà tù bị hai tù nhân đâm chết. Mặc dù anh không trực tiếp giết và cũng không có mặt khi án mạng xảy ra, nhưng bị kết án vì đã mài lưỡi dao. Trong thời gian ở Death Row, Jarvis tìm hiểu về tôn giáo và cảm thấy đạo Phật đã đem lại cho anh sự an lạc mà từ lúc sinh ra anh chưa được hưởng. Năm 1989 (có tài liệu cho rằng năm 1991), Jarvis phát nguyện làm môt Phật tử theo truyền thống Tây Tạng và được ngài Chagdud truyền giới ngay tại nhà tù San Quentin, California. Đại sư Chagdud Tulku rất thương Jarvis Jay Masters và thường đến nhà tù San Quentin, California để thăm anh ta cho đến khi ngài viên tịch năm 2002. Bài này dịch trước đây với tựa “Hai Tử Tù và Tình Mẹ”, đăng lại nhân mùa Giáng Sinh nên chọn một tựa khác thích hợp với mùa.


******
Không lâu sau khi được tin đại sư Chagdud viên tịch, có lẽ một tuần, tôi được đưa ra phòng thăm viếng. Tôi ngồi ở đó, nhìn xuyên qua cửa sổ, cố gắng đoán chừng ai sẽ đến thăm tôi. Ai lại phải dành thời gian thông qua bao thủ tục nhà tù phức tạp để vào thăm tôi? Tôi nghĩ về những người từ lâu tôi chưa từng gặp lại. Và trong ánh mắt rưng rưng, hình ảnh của thầy tôi, ngài Chagdud, lại đến với tôi. Tôi thầm ước đó chính là thầy. Nhưng rồi tôi chợt ý thức ngài sẽ không còn xuất hiện từ góc phòng thăm và bước tới gần cánh cửa kiếng này lần nào nữa, như thầy đã đến bao lần trước đây.
Tôi kính trọng đại sư, như thầy và cha của tôi. Tôi nghĩ đến bao nhiêu khó khăn thầy phải trải qua để vào được nhà tù thăm tôi. Những giờ dành cho tôi thầy phải gác một bên bao nhiêu người khác. Những giờ thầy lẽ ra đã dành để thuyết pháp trong các đại giảng đường với hàng ngàn người mơ ước được quy y với thầy, với những bài pháp của thầy. Giữa nỗi buồn của tôi, tôi cũng biết mình thật có phước khi được chính thầy vào tận nhà tù San Quentin để ngồi xuống trước mặt tôi, phía bên kia cửa kiếng này. Những năm sau, dù bịnh nặng phải ngồi trên xe lăn, thầy vẫn cố gắng vào thăm tôi. Thầy là người đã chỉ cho tôi con đường tinh thần mà tôi đang đi hôm nay.
Nhìn ra bên kia cửa kiếng, tôi chờ người thăm tôi sẽ đến. Ba mươi phút trôi qua, tôi thắc mắc không biết người đến thăm tôi đã hủy bỏ chuyến viếng thăm không, nhưng tôi ngồi nán lại, hy vọng có một người sẽ đến.
Tất cả tù nhân khác đều đã có mặt, tôi có thể nghe được tiếng người nói chuyện chung quanh. Bạn tôi, Russell, và tôi, là hai người duy nhất từ Trung Tâm Điều Chỉnh (The Adjustment Center) được đưa đến phòng thăm viếng hôm đó.
Russell cũng là tù nhân trong khu tử tội. Tôi biết anh ta khoảng chục năm nay. Russell nhắc tôi rằng anh ta hy vọng em gái đến thăm và muốn tôi gặp chào cô ta. Nhưng khi cô em Russell đi ngang, tôi không kịp để ý. Hai anh em Russell ngồi nói chuyện bên ngăn kế tôi.
Tôi nghe tiếng nói nặng nề của Russell. Anh ta dặn em gái không được đưa mẹ đến thăm. Chắc cô em đang bực bội vì giọng của Russell trầm trọng và gần như giận dữ. Cơn bộc phá của Russell thật sự làm tôi chú ý.
Một trong những điều nuối tiếc lớn nhất mà tôi đã phải sống với nó là tôi không hề gặp mặt mẹ mình trong bảy năm đầu bị giam ở đây, trong khi bà còn sống. Và nữa, tôi đang nghĩ đến thầy tôi và thầm ước gì tôi sẽ gặp mặt ngài lần nữa. Vì vậy, tôi thật ngạc nhiên khi nghe Russell dặn dò em gái anh ta như thế.
Làm thế nào một người như Russell, lớn hơn tôi nhiều, có lẽ đã gần bốn mươi tuổi, lại không muốn mẹ vào thăm?
Càng nghe anh ta dặn em dù với điều kiện gì đi nữa, anh ta cũng không muốn mẹ vào thăm, lòng tôi sống dậy ước muốn ngày xưa, là được thấy lại mặt mẹ mình.
Russell càng nói càng lên cao giọng: “Đừng bao giờ đưa mẹ vào đây – Nếu em không nghe lời, thì thôi, anh sẽ chấm dứt, không bao giờ nói chuyện với em nữa. Anh thà bị xử tử hơn là để mẹ thấy anh như thế này.”
Tôi nghĩ đến những người thân yêu của tôi đã qua đời trong lúc tôi trong cảnh lao lung, không có dịp cho tôi gặp, bởi vì họ hay vì tôi đã nghĩ rằng, có thể có một lúc nào đó thích hợp hơn, đoàn tụ với nhau mà không phải cách ngăn bởi cánh cửa kính như thế này.
Không ai thăm tôi ngày hôm đó, suy nghĩ của tôi hoàn toàn cuốn hút vào câu chuyện của anh em Russell. Và càng nghe Russell cương quyết, tôi càng thấm sâu vào ký ức và tiếc thương của chính mình.
Tôi biết rằng với tất cả nước mắt tôi đã nhỏ xuống và nỗi đau sâu thẳm mà tôi phải chịu đựng vì mất đi cơ hội để được nhìn vào đôi mắt mẹ, tôi nghĩ mình cần phải khuyên can Russell sớm. Dù chúng tôi sống khác tầng, cách sân, tôi đoán chừng có thể trao đổi với anh ta xuyên qua lớp hàng rào.
Thật không dễ dàng để chờ một cơ hội nói chuyện với Russell. Gần cả tuần lễ tôi mới có dịp thấy Russell tập thể dục trong sân sát với sân tôi.
Trời mưa suốt đêm qua, buổi sáng hôm đó trời tuyệt đẹp, sáng mùa đông quang đãng. Cả hai chúng tôi đi dạo dọc hàng rào. Suốt mấy giờ tôi cố tìm một chữ thích hợp để bắt đầu câu chuyện giữa Russell và em gái cậu ấy đã lọt vào tai tôi. Cuối cùng, tôi không cố tìm kiếm lý do nữa, và gọi Russell để nói thẳng với anh ta rằng tôi có nghe anh ta dặn em gái đừng bao giờ đưa mẹ vào thăm.
Điều đầu tiên Russell nói với tôi là “Vâng, Jarvis, mình cũng biết cậu cũng chẳng muốn mang mẹ cậu đến đây làm gì. Sẽ không bao giờ có chuyện mình đưa mẹ mình vào nơi tệ hại này và phải chứng kiến mình như thế này.”
“Russell, mẹ mình qua đời rồi!” Tôi trả lời.
Một thoáng nhìn buồn trên khuôn mặt Russell, “Jarvis, mình thật xin lỗi khi nghe tin đó.”
“Vâng, Russ”, tôi nói tiếp, “Mẹ mình chết mấy năm trước, có lẽ cũng cùng khoảng thời gian mình gặp cậu lần đầu. Từ đó đến bây giờ, mình mãi hối tiếc mỗi khi nghĩ đến nhiều lần mẹ mình đã có thể đến thăm mình. Cậu biết không, mỗi lần ngước nhìn tấm ảnh mẹ trên tường xà-lim mình ao ước được thấy mặt mẹ mình trong phòng thăm tù.”
“Thật vậy sao, Jarvis?” Russell đáp, “Cậu không nên thấy mẹ cậu bước vào chỗ tệ hại như thế này chứ? Để gặp cậu trong khu tử tội sao? Phải chen lấn trong hàng, nhiều khi bị đám an ninh lên giọng xúc phạm? Và cũng chỉ gặp cậu nhiều lắm là một giờ đồng hồ? Thôi, cậu ơi, mẹ mình đối với mình quá quan trọng để chỉ nghĩ đến việc bà phải vào nơi tệ hại mà mình đã sa chân vào. Mà vào đây để làm gì nhỉ?"
Tôi ngắt lời, “Cậu nói để làm gì là sao? Để làm gì bởi vì mẹ cậu muốn thăm cậu. Này Russell, bởi vì mẹ cậu sinh ra cậu – Không có lý do nào khác hơn.”
“Lắng nghe mình nói đây Russell. Không phải vì nơi này, về nơi cậu đang sống, bộ quần áo cậu buộc phải mặc, cũng không phải vì sự kiện tên cậu đang nằm trong danh sách những kẻ sẽ bị xử tử – Những điều đó không bao giờ xóa được hình ảnh một đứa con trai trong tấm lòng người mẹ. Mẹ cậu cũng thế, mẹ cậu cũng đang đối phó với bản án tử hình, mỗi lúc bà nghĩ đến nơi cậu đang sống. Bà đang chờ, đang hy vọng, đang cầu nguyện cậu sẽ không bị xử tử. Bà đang chiến đấu chống lại nỗi lo sợ bị mất cậu đi.”
“Jarvis nầy, mình hiểu những điều cậu đang nói,” Russell đáp, “Những câu nói đúng, và mình cũng cảm nhận được điều cậu đang nói. Nhưng nè, khi sa chân vào chỗ lao tù, mình đã làm mẹ mình đau đớn nhiều rồi. Bây giờ mẹ mình quá già, với tuổi 80. Thật sẽ nát lòng mẹ nếu bà thấy mình ra nông nỗi này. Cậu biết không. Ngay cả viết thư cho mẹ mình đã thấy khó khăn rồi. Cậu cũng biết đám quản đốc nhà giam tạo khó khăn cho người đi thăm đến mức nào. Thật không đáng, Jarvis, thật không đáng đi thăm chút nào.”
“Này Russell, nghe mình nói. Không phải là bênh vực mẹ cậu. Bà biết cậu ở đây rồi, mặc quần áo tù nhân. Nhưng bà cũng hiểu sự quan trọng dường nào khoảng thời gian của bà và cậu.”
“Cậu nói thế nghĩa là sao?” Russell hỏi lại, “Về thời gian của bà? Mình đã dặn em mình nói với mẹ tất cả cơ hội tốt mà các luật sư cho mình biết sẽ thắng kháng kiện và bước ra khỏi nơi này.”
“Ồ, đúng vậy sao?” tôi nói, “Rồi những gì sẽ xảy ra nếu một ngày mẹ cậu, chứ không phải cậu, chết đi? Tuần sau? Tháng sau? Rồi sau đó thì sao? Những điều nằm trong tâm thức mà cậu hằng mơ ước có dịp để nói với mẹ cậu rồi sẽ đi về đâu? Thấy không Russ. Không phải về cậu – cậu ra khỏi đây một ngày nào đó – chờ và chờ cho điều đó đến với cậu. Không nên để thời gian lãng phí đi, không cần phải tính toán đến việc ngày mai chúng ta sẽ ra sao. Bởi vì không có lời hứa hẹn nào cả. Mình biết điều đó bây giờ, nhưng trước đây mình đã không ý thức được như vậy; thật vậy, cho đến một ngày khi vị tuyên úy nhà tù gõ cửa xà-lim, nhìn sâu vào mắt mình và nói, ‘Tôi xin báo tin buồn rằng mẹ anh đã chết’”.
Tôi bắt đầu khóc trước mặt Russell. “Và cậu hãy đoán thử xem, cuối cùng mình đã được yêu cầu để làm việc gì cậu biết không? Hãy đoán thử xem những gì sẽ thay vào chỗ những câu nói mà mình từng mơ sẽ kể cho mẹ mình nghe?"
“Gì vậy? Mình không biết.” Russell nói.
“Cậu đoán thử đi,” tôi nói, “ráng đoán thử sao.”
“Bạn ơi, Jarvis” Russell nói với giọng buồn “Mình không biết, mình còn không thể tưởng tượng nếu mẹ mình chết, đừng nói chi là mấy chuyện khác.”
“Vâng, mình được yêu cầu viết vài điều để đọc trong lễ cầu nguyện bà,” tôi nói “và mình sẽ kể cậu nghe vài điều. Trong mỗi chữ phát xuất từ đáy tim mình, trong mỗi câu, mỗi dấu chấm, có hàng tỷ điều nhiều hơn trong tim mà mình ước gì đã có cơ hội được tỏ bày với mẹ khi bà viếng thăm mình. Và nếu mình biết lúc đó những gì mình đang biết hôm nay, mình đã không ngần ngại, nếu chỉ có một cơ hội được ngồi với mẹ mình dù phải ngồi trên tảng băng trôi trên biển Bắc Cực đi nữa.”
Russell và tôi đứng yên, dựa vào hàng rào. Trong một lúc không ai nói gì. Chúng tôi không cần phải nói thêm gì nữa. Tôi đã hiểu ra rằng, cho đến phút này, Russell chưa hề nghĩ đến việc mẹ anh có thể qua đời khi anh ta còn ở trong tù. Trong khu tử tội, nỗi lo sợ gần nhất của một tù nhân là cái chết của riêng mình. Điều đó cuốn hút bạn nhiều đến nỗi mọi kẻ khác có vẻ như là bất tử. Dường như những người thân của bạn bên ngoài được bảo đảm sẽ sống lâu hơn bạn. Không biết bao lần tôi đã tưởng tượng chính mình ra khỏi nhà tù và được ngồi cạnh đại sư Chagdud tại một trong những nơi ẩn dật của ngài.
Trong một chốc, Russell chỉ nhìn chầm chập vào tôi, dường như anh ta đang đến một nơi chỉ một anh ta đến được.
Rồi, Russell nói, “Jarvis, mình không biết mình đang đi đâu đây. Đã bao nhiêu năm nay, mẹ mình năn nỉ để vào thăm, mình đã dám nói với bà là không. Cậu biết không, mình thương mẹ vô cùng.”
Russell rưng rưng nước mắt. “Và Jarvis ơi, mình là đứa con bất hiếu lắm cậu biết không?”
“Không đâu, Russ,” tôi đáp, “Có rất nhiều người, không phải tất cả đều ở trong tù thôi đâu, những người bôn ba trong cuộc sống hàng ngày, khi mẹ của họ ở ngay khu phố kế bên, hay chỉ một cú điện thoại, và họ cứ tiếp tục chạy theo cuộc sống, không buồn gọi thăm mẹ, không buồn tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ để mang theo trong đời, thật lâu sau khi mẹ họ qua đời.”
“Đúng thế Jarvis ạ,” cậu ta nói, “Sau khi trở về xà-lim, mình sẽ ngồi xuống viết cho mẹ mình một lá thư dài. Và có thể, chỉ có thể thôi, vào Giáng Sinh, bà sẽ có thể đến thăm mình.”
“Ồ,” tôi chọc ghẹo Russell, “Coi chừng cậu quá xấu để có thể gọi là món quà trong mắt của mẹ, Russ. Nhưng chắc chắn, mẹ cậu sẽ là món quà Giáng Sinh quý giá nhất mà cậu nhận được trong hơn mười năm đấy, phải không?”
Chúng tôi cùng cười. Và may mắn cho tôi nữa, không những Russell mà cả tôi cũng được thăm viếng trong ngày Giáng Sinh. Tôi còn có được cơ hội gặp mẹ Russell. Tôi để ý thấy sau buổi thăm viếng chấm dứt, một bà cụ thấp người, hớn hở cười, trên đường ra về còn ra dấu gởi một nụ hôn nồng thắm đến con trai mình. Bà cụ gởi nhiều nụ hôn đến nỗi gởi cả cho tôi một hay hai nụ hôn như vậy nữa. Nhưng hơn thế, tôi cảm thấy tình thương của bà dành cho Russell.
Và cũng ngay trong lúc đó tôi chợt ý thức đến tình thương sư phụ tôi, đại sư Chagdud đã dành cho tôi. Tôi cảm nhận được sự hiện diện chan chứa tình thương của ngài đang chảy xuyên suốt trong tất cả chúng tôi.
Trần Trung Đạo
(Theo "Finding Freedom" của Jarvis Jay Masters)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB