9 sự thật khác nhau

1 tháng 3, 2018 0 nhận xét

1. Thanh niên Tây 18 tuổi ra ở riêng. Thanh niên Ta 50 tuổi vẫn ở chung với cha mẹ (nhất là con trai).

Phương Tây, cha mẹ nuôi con ăn học chỉ chờ đến khi con trưởng thành độc lập là hết nghĩa vụ. Khi đó thân ai nấy lo, thậm chí con cái kiếm được nhiều tiền còn giúp đỡ hoặc cho cha mẹ vay tiền.
Ở Việt Nam, cha mẹ lo nuôi con đến hết đời, ra trường thì nhờ vả người này người kia xin việc làm cho con, đến tuổi lấy chồng lấy vợ thì lo đám cưới, mua nhà, lo chỗ ăn chỗ ở cho đôi trẻ, sinh con đẻ cái thì ông bà chăm. Là con gái thì theo chồng về ở nhà chồng, con trai thì sống chung một nhà với cha mẹ và vợ con. Do vậy sự bất đồng mâu thuẫn khó tránh khỏi, nhất là giữa mẹ chồng với nàng dâu.

2. 18 tuổi, thanh niên Tây tự đi làm kiếm tiền tự chi tiêu. Thanh niên Ta xin tiền cha mẹ để chi tiêu, bao bồ.

Khi còn là sinh viên, thanh niên Tây đã đi làm thêm kiếm tiền tự trang trải chi phí thuê phòng. Học phí có thể vay quĩ hỗ trợ sinh viên hoặc vay tiền cha mẹ. Tiền kiếm được bao nhiêu tự biết suy tính chi tiêu sao cho vừa. Đây là cách tốt nhất để học được giá trị của đồng tiền, xây dựng cho tương lai sau này khi có vợ có con.
Ở Việt Nam, cha mẹ luôn có xu hướng hỗ trợ tài chính cho con cái, kể cả khi con đã trưởng thành, đang ở độ tuổi lao động. Điều này tưởng là thương con nhưng hóa ra hình thành tính ỉ lại cho con. Con cái không tự lập được, luôn cần sự hỗ trợ của cha mẹ, kể cả khi đã ngoài 30 tuổi.

3. Thanh niên Tây sống tự lập, tự nấu ăn, giặt quần áo. Thanh niên Ta được mẹ nấu ăn, giặt quần áo cho.

Khi ra ở riêng, điều tất yếu là phải tự nấu ăn, vệ sinh nhà cửa, giặt giũ, rửa bát, quét nhà. Điều này rất tốt cho cuộc sống về sau, con trai sẽ không bị phụ thuộc vào mẹ hay vợ hay người giúp việc, có thể sống độc lập và sống tốt. Sau này còn có thể chia sẻ việc nhà vợ, góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình và cũng chính là hạnh phúc của bản thân.

4. Thanh niên Tây: “Tôi yêu cô ấy vì tâm hồn cô ấy đẹp”. Thanh niên Ta: Tôi yêu cô ấy vì cô ấy đẹp”.

Người ta yêu nhau ở sự hòa hợp tâm hồn, ngoại hình là thứ yếu. Không thể phủ nhận vẻ ngoài là cái bắt mắt đầu tiên gây sự chú ý nhưng để yêu nhau và chung sống lâu dài thì sự hòa hợp tâm hồn đóng vai trò chủ đạo. Khuôn mặt đẹp có thể xuống cấp theo thời gian, ngực to mông nở có thể héo mòn sau khi sinh đẻ, vẻ đẹp ngoại hình chỉ là tạm thời. Tính cách, tâm hồn mới là vĩnh cửu.

5. Thanh niên Tây: “Tôi bỏ anh ấy vì anh ấy không xứng đáng với tôi”. Thanh niên Ta: “Tôi không thể bỏ anh ấy vì anh ấy không xứng đáng với tôi, nhưng…”.

Con gái Việt Nam luôn có khả năng mang tình yêu ra biện minh cho mọi thứ, kể cả những hành vi sai trái của người mình yêu: “Anh ấy chơi bời lăng nhăng nhưng em yêu anh ấy”. Sau này lấy nhau rồi thì “anh ấy ngoại tình, sống vô trách nhiệm nhưng em yêu con, sợ con không có cha nên em không thể bỏ anh ấy”. Lúc nào cũng có lý do để ở lại mặc dù biết rằng người ấy không xứng đáng với ta.
Chính vì vậy con gái Việt Nam luôn luôn than khổ nhưng cái khổ đó lại do chính mình ôm vào, không phải ai khác.

6. Thanh niên Ta: “Em không thể ngủ với anh vì em muốn giữ trinh tiết”. Thanh niên Tây: “Em không thể ngủ với anh vì hôm nay em chưa cạo lông”.

Nói như vậy hơi cường điệu hóa nhưng để thấy con gái Việt Nam rất sợ bị đánh giá, sợ miệng lưỡi người đời, luôn sống trong khuôn khổ của Xã hội” mà quên đi mong muốn của bản thân.
Con gái Tây luôn biết giá trị của mình, làm những điều mình muốn hay không muốn, khi bản thân cảm thấy không thoải mái (vì chưa cạo lông) thì từ chối, không phải vì bất kỳ ai hay điều gì khác.

7. Thanh niên Tây: “Anh không muốn thành đôi với em vì tình bạn của chúng ta quá đẹp”. Thanh niên Ta: “Anh muốn thành đôi với em vì tình bạn của chúng ta quá đẹp”.

Thanh niên Tây biết phân biệt rõ ràng giữa tình bạn và tình yêu trong khi thanh niên Ta thường lầm tưởng sự thân thiết giữa hai người bạn khác giới là tình yêu.
Tôi có 2 người bạn khác giới đều là người Úc chơi rất thân với nhau, hợp nhau về quan điểm và sự hài hước. Tôi hỏi “Sao hai người không yêu nhau?”. Bạn trả lời: “Bởi vì tình bạn của chúng tôi đẹp quá, trong vạn người mới tìm được một người tâm đầu ý hợp như này. Nếu yêu nhau, một ngày nào đó chúng tôi có thể bỏ nhau để yêu người khác, nhưng nếu là bạn, chúng tôi có thể là tri kỉ đến hết đời”.
Quả thật là như vậy, tình yêu bao gồm cả sự ích kỷ ghen tuông trong khi tình bạn chỉ có sự tâm đầu ý hợp và giúp đỡ lẫn nhau, có thể tồn tại mãi mãi.

8. Thanh niên Tây: “Học nghề gì mình thích”. Thanh niên Ta: Học nghề gì cha mẹ thích”.

Chính vì phụ thuộc vào cha mẹ từ nhỏ nên ngay cả việc lựa chọn nghề nghiệp thanh niên Việt Nam cũng phải để cha mẹ lựa chọn cho.
Thanh niên Tây được tự do lựa chọn nghề nghiệp bởi vì cha mẹ không can thiệp vào mơ ước, mong muốn hay niềm say mê của con. Cha mẹ không thể nào sống hộ cho con được, sự nghiệp của con phải do nó tự tạo ra và theo đuổi, không nhất thiết phải học Đại học.
Phương Tây có rất nhiều trường dạy nghề đào tạo những kỹ năng nghề nghiệp như thợ mộc, làm vườn, sửa xe ô tô, chăn nuôi gia súc, làm bánh, nấu ăn, làm tóc, tổ chức sự kiện, thiết kế website..v..v… Học hết phổ thông, họ không thích làm giáo sư bác sĩ (phải có bằng Đại học, Cao học, Thạc sĩ), chỉ cần học nghề 1-2 năm là có thể đi làm, ra đời sớm.
Nhiều khi những người này thành công sớm khi còn rất trẻ trong khi những bạn học cùng lứa còn đang đi học Đại học, tốt nghiệp ra trường vẫn không có việc làm.

9. Thanh niên Tây đi chơi, cha mẹ dúi bao cao su vào tay. Thanh niên Ta đi chơi, cha mẹ dúi tiền vào tay.

Người phương Tây rất thực tế, họ luôn “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Việc giáo dục giới tính cho con chính là “phòng bệnh”, trang bị bao cao su cho con không những phòng tránh cho con khỏi bị bệnh lây nhiễm qua đường tình dục mà còn ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng như mang thai ngoài ý muốn khi con còn quá trẻ, chưa sẵn sàng để làm cha/ làm mẹ.
Một thực tế là cha mẹ không thể ngăn cấm con quan hệ tình dục khi con đến tuổi dậy thì, họ cũng không thể giám sát con 24/24 để bảo vệ cái “ngàn vàng” của con nên thay vì lo lắng chờ tin “sét đánh”, hãy để nó diễn ra trong phạm vi an toàn.
Tâm Phan 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB