Tâm Sự Thứ Bảy (186): Cậu Long

18 tháng 3, 2018 0 nhận xét
(Từ phải qua: nhà văn Nguyễn Thành Long, nhạc sĩ Nguyễn Bích Ngọc, nhà ngoại giao Nguyễn Linh Quy và má mình , hoạ sĩ Nguyễn Phi Loan - 1961). 

Mình phải gọi Cậu là bác mới đúng vì Cậu là anh cả của mẹ, thế nhưng vì gia đình mình người Nam nên tất cả đàn ông anh/em của mẹ đều được gọi là Cậu. Vì vậy mình vẫn gọi Cậu thân mật là Cậu Long.

Cậu cao, gầy, đầu lớn, tóc xù, trán cao và rộng, mắt to hơi buồn, môi dầy và một nụ cười rất hiền. Ký ức về cậu nhiều lắm, vì từ khi còn rất nhỏ mình thường lên nhà Cậu, gần như là cuối tuần. Nhà mình ở đầu này đường Trần Hưng Đạo, còn nhà Cậu nằm trên con đường Dã Tượng đâm ra ga Hàng Cỏ, ở đầu kia.

Hồi bé, mình rất hay được lên đó và ngủ lại cùng 2 chị gái, con của Cậu (1 chị bằng tuổi mình nên 2 đứa khá thân nhau). Mình còn nhớ, đó là những năm 70, 80 đất nước nghèo đói nhưng lên nhà Cậu lúc nào cũng được ăn ngon vì cơm...có thịt. Có lẽ do cô Ng. vợ cậu là bác sĩ nhi nên thường được hay biếu quà, toàn giò, chả, gà vịt dưới quê lên. Nhà lại có bà giúp việc nấu ăn ngon nữa. Thời bao cấp mà, thế là sướng lắm.

Nhưng cái sướng được ăn ngon không bằng sướng được nằm ngủ trên sàn gỗ nhà cậu. Nhà thời Pháp nên cái gì cũng được làm bằng gỗ. Xà, cửa, gầm, cả cầu thang cũng bằng gỗ, mỗi lần đi lên toàn kêu cót két. Khi lên nhà Cậu, mình thường dậm chân rõ to để báo là ‘có khách đến’. :D). Sàn nhà bằng gỗ gì mình không biết nữa, chỉ biết là mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, chỉ cần đắp cái chăn là ngủ khò khò :D). 

Nhưng cái thú ‘đã’ nhất của mình khi được lên nhà cậu là được đọc sách. Nhà cậu khá nhỏ, nhưng có rất nhiều sách. Ít nhất là có 2 cái tủ sách quý rất to, được Cậu xếp cẩn thận, ngăn nắp. Mình còn nhớ 1 cái thì  luôn khoá chặt. Mình và HH cứ thòm thèm nhìn vào và đọc tên trên gáy sách, toàn những sách ‘người lớn’ (cậu bảo thế) nên không cho tụi mình đọc. Chỉ được đọc sách trẻ con thôi, toàn những Ti Mua Và Đồng Đội, Không Gia Đình, Tôm SoiƠ, Robison Crusơ.... Có lần mình đọc trộm được cuốn Người thứ 41 thấy hay quá, mà bị la vì chưa đến tuổi (chuyện có tình yêu mà). Hehe. Lần nào lên mình cũng sà vào hỏi sách mới và ôm một cuốn đọc ngấu nghiến, chưa nói còn rúc vào các ngõ ngách để kiếm tạp chí hay các báo mới để đọc. Nói chung là mình đọc tất cả những gì ‘bên ngoài cái tủ khoá’.

Cậu chiều mình lắm. Mình còn nhớ trong khoảng 13-16 tuổi mình hay dỗi mẹ (tuổi dậy thì mà, tính tình nửa mùa lắm). Mỗi lần bị mẹ la là mình xách xe, đạp thẳng lên nhà ‘mách’ Cậu. Mình toàn được Cậu bênh, giữ ở lại cho ăn ngon, đọc sách nên mình ‘hay dỗi’ lắm.  Hihi.

Nằm góc nhỏ nhà Cậu nghe thấy tiếng chân mẹ lên, rồi tiếng mẹ xin mình về và nghe Cậu la mẹ, là mình khoái lắm. Có khi nước mắt rơi, nhưng sung sướng trong lòng. Thường mẹ mình phải về một mình, rồi hôm sau mình mới mò về nhà. Ba mình đi công tác nước ngoài suốt nên Cậu là chỗ dựa tinh thần cho mình và chị. Nhớ nhất là thời thi đại học, ba mình về nước và bị stress nên cấm mình học khuya. Mình lên khóc với Cậu. Thế là Cậu giận Ba và Má, cho mình lên ở trên nhà riêng với HH (con út của cậu) để 2 đứa học thi cùng nhau. Hàng ngày chị QH mang đồ ăn tiếp tế cho tụi mình. Nghĩ lại những tháng ngày đó sao mà sung sướng thế! Cũng nhờ vậy mà mình quyết tâm thi thật tốt để không phụ lòng Cậu và mọi người.

Quả táo Tây đầu tiên trong đời mình được ăn cũng là của Cậu cho. Con bé đã giữ rất lâu, vì.. thơm quá. Lần đầu trong đời nó được thấy một quả Táo như trong chuyện cổ tích vừa đỏ đẹp, vừa thơm ngào ngạt. Nó cứ để dành mãi, ngửi mãi, đến khi vỏ héo rồi mới cắt ra, ăn từng miếng nhỏ.

Cái Tết đầu tiên trên đất Nga mình nhận được quà gia đình gửi, trong đó món quà bất ngờ và xúc động nhất chính là lá thư ngắn ngủi của Cậu. Cậu động viên mình học tốt và cuối thư cậu nói: ‘Cậu gửi cho con 1 bông hoa đào trên cành đào nhà Cậu..’ Mình đã rơi lệ khi cầm bông đào đã ngả màu hồng sậm. Bông hoa đào ấy mình ép và giữ lại mãi sau này như một kỷ vật quý. Mỗi lần nhớ nhà, mình thường mang ra ngắm. Bởi, Tết nào cả nhà mình cũng lên ăn Tết ở nhà Cậu. Tết nào mình cũng hồi hộp để được xem cành đào năm nay của Cậu (cắm trong cái túyt đạn màu vàng ấy) là cành đào rừng hay mai rừng. Tết nào lũ trẻ cũng được Cậu chúc Tết, lì xì ở cây đào đó.

Cậu là nhà văn, là thầy giáo của trường viết văn Nguyễn Du , thầy của Trần Đăng Khoa, Lê Lựu.. và rất nhiều người nổi tiếng khác. Nhưng Cậu không nổi tiếng như họ vì Cậu thường viết theo thể ký, ít truyện ngắn. Cậu không có óc khôi hài và hóm hỉnh như bác Tô Hoài (bạn thân của Cậu), hay kiểu dào dạt, da diết như chú Xuân Diệu, sắc sảo như bác Nguyễn Tuân… Những bài viết của Cậu thường là những trải nghiệm thực tế, là tuỳ bút, ký sự về rất nhiều những vùng đất của Tổ Quốc trong những chuyến đi dọc ngang đất nước. Cậu thường viết với giọng văn giản dị,  nhẹ nhàng, nhưng tinh tế và sâu lắng. Thường phải đọc một lúc lâu người đọc mới ngấm, mới quên mất là đang 'bị' Cậu dẫn dắt vào câu chuyện. Cậu không bao giờ là người khoe chữ, không dùng tiểu xảo trong khi viết, nhưng Cậu rất kỹ từng chữ viết ra. Mình thấy rất nhiều những bản thảo của Cậu bị xoá gạch nhiều. Cậu cẩn thận đến từng dấu phẩy, dấu chấm.

Nhờ những lần ‘dỗi mẹ’ mà mình được gặp rất nhiều các nhà văn lui tới đây. Ngoài Tô Hoài, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải, Xuân Sách..còn rất nhiều các nhà phê bình, nhà thơ cũng hay tới xin ý kiến của Cậu. Cả những lớp nhà văn nhà thơ trẻ hơn trong thời kỳ đổi mới như Lê Lựu, Lưu Quang Vũ... Có người đến chỉ để nghe Cậu an ủi chuyện nhà, có người đến để khoe một cuốn sách mới ra, hay một bài phê bình trên tờ Văn Nghệ.  Mỗi lần đến, họ đều cùng Cậu uống trà, trao đổi ở góc phòng đầu kia, trong khi 2 con bé (có mình) thì len lén ở đầu này nghe trộm. Thật sự, giờ mình chẳng còn nhớ (vì không chủ đích nhớ chuyện người khác), nhưng HH thì chắc sẽ nhớ rõ lắm. HH còn hay tham gia ý kiến với các bác nhà văn bạn của bố nữa. (Chả thế HH được giải nhì văn Toàn Quốc năm lớp 10 hay 11 gì đó mặc dù thi khối A và chuyên thủ khoa, thủ khoá…).

Ở nhà, chưa bao giờ mình thấy Cậu to tiếng với Cô. Cậu thương 2 cô con gái lắm và rất chiều vợ. Cô lớn vì vậy được Cậu đặt tên là Quê Hương, và cô nhỏ là Hoa Hồng.  Cậu có 1 cuộc đời không mấy xuôn xẻ (bị 'đánh' vì một tác phẩm hơi hướng Nhân Văn Giai Phẩm...) nhưng Cậu không vì thế mà phiền lòng hay trách tha nhân. Cậu là một nhà văn chân chính, mẫu mực, cần mẫn đi và viết, một nhà văn già nhân hậu, một đàn anh đáng tin cậy của giới Văn Đàn ở Hà Nội.

Hôm nay một người bạn tự dưng nhắc tới ‘Lặng Lẽ Sa Pa’ của Cậu trên FB khiến mình nhớ Cậu quá. Nhớ lần gặp cuối cùng khi Cậu nằm trong bệnh viện năm 1990. Thấy mình vào thăm, Cậu không nói được, chỉ đưa tay cho mình nắm. Tay Cậu gầy gò rung nhè nhẹ vì chứng bệnh Parkingson, một căn bệnh không thuốc chữa. Mình thấy nước mắt Cậu trào ra. 

Và đó là lần cuối cùng mình gặp Cậu khi về phép thăm nhà. Sau đó khi vừa từ Nga sang Ba Lan thì nghe tin cậu mất, bên cạnh không có cô Ng, vợ cậu. Thương Cậu, thương cả cuộc đời ngắn ngủi Cậu đã trải qua với rất nhiều điều Cậu chỉ giữ trong lòng.... 

Viết dòng này cho Cậu mình chỉ muốn trải lòng về một phần tuổi thơ ấm áp của mình mà Cậu là một phần ký ức ấy. Nhớ về Cậu, một người anh cả trong gia đình hết mực thương yêu và chăm sóc cho các em, một người Cha hiền hậu, một người chồng yêu thương vợ hết mực, và hơn tất cả : đó là người Cậu  mà mình rất mực yêu quý!
BH. 18/3/2018

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB