SÁU QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ GIẬN DỮ

12 tháng 3, 2018 0 nhận xét
1. Thật tệ khi ta giận dữ
Dù giận dữ thường khiến ta cảm thấy rất tệ, nhưng nó cũng chỉ là một cảm xúc mà thôi, và về bản chất thì nó không có gì là tệ cả. Thậm chí, nó còn đóng vai trò như một tấm biển cảnh báo cho ta biết rằng tình huống đang có gì đó không được ổn. Giận dữ cũng có thể là nguồn cơn, động lực để cho ta nói ra điều cần phải nói và kiến tạo những thay đổi cần phải có.
2. “Xả” cơn giận dữ ra sẽ giúp ta cảm thấy thoải mái hơn
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc “xả” cơn giận dữ ra là phương án tệ nhất để xử lý giận dữ. Bởi nó có xu hướng là cho tình hình căng thẳng leo thang. Và việc để cho cơn giận bộc phát ra sẽ chẳng có ích gì về lâu về dài mà thậm chí còn có thể dẫn tới việc tạo ra một không khi căng thẳng, thù địch. Ngay cả việc đấm đá đạp thụi vào một cái gối cũng đã được chứng minh là lợi bất cập hại. Trong khi đó, nếu ta có thể nhẫn nại một chút để cho cường độ của cảm xúc và cảm giác khó chịu nguôi ngoai đi thì ta có thể lựa chọn được một cách thức ứng thử phù hợp nhất trong tình huống đó.
3. Không nghĩ gì đến cơn giận dữ nữa thì nó sẽ biến mất
Nói chung thì giận dữ là một phản ứng trước một tình huống không được mong đợi hay không thể kiểm soát. Giả vờ như không biết hay lảng tránh không thể nào làm cho tình huống đó biến mất được, mà nó có nghĩa là người ta đã không dám đứng lên bảo vệ quan điểm của mình vào thời điểm họ đáng ra cần phải làm điều đó. Nó cũng dẫn tới kiểu hành xử thụ động - gây hấn, nổi khùng, căng thẳng, ảnh hưởng tới sức khỏe.
4. Ta không thể kiểm soát được giận dữ
Đúng là giận dữ là một cảm giác tự nhiên và vượt ngoài tâm kiểm soát của ta. Tuy nhiên, chúng ta ứng xử ra sao thì hoàn toàn tùy thuộc vào ta. Ta cần học cách ứng xử với cơn giận mà ta cảm thấy sôi sục trong lòng. Nếu chúng ta đã quen ứng xử nóng vội thì vấn đề là ta cần phải học lại cách dừng lại và suy nghĩ để có những lựa chọn tỉnh táo hơn.
5. Người khác sẽ tôn trọng ta khi ta giận dữ, điều đó có nghĩa là ta đang tỏ ra nghiêm túc
To tiếng hơn hay giận dữ hơn trong một cuộc thảo luận rất có thể sẽ làm cho người ta khó chịu, chứ nó chẳng giúp người khác hiểu hơn chút nào điều ta muốn nói, hay giúp người khác kính nể ta. Thực ra, mọi người thường có hướng phòng vệ và nín lặng thay vì lắng nghe những gì bạn nói. Là một người có kỹ năng truyền thông, có ý tưởng hay, và có thể xử lý bất đồng một cách khách quan, tất cả những điều đó mới giúp bạn có thể chiếm được cảm tình, sự tôn trọng của người khác.
6. Giận dữ chỉ thực sự là vấn đề rắc rối khi nó được bộc lộ ra
Để cho giận dữ bộc lộ ra không phải là vấn đề sai trái. Người ta có thể tỏ ra giận dữ một cách lành mạnh, tự tin và tôn trọng đối phương. Chỉ khi mà người ta có những hành vi gây hấn và vượt quá những gì tình huống có thể biện hộ thì lúc đó mới có vấn đề. Tương tự như vậy, giận dữ không được nhận diện có thể dẫn tới những vấn đề rắc rối trong mối quan hệ, sức khỏe, và hạnh phúc.
Nguồn: This emotional life
Đỗ Hoàng Tùng dịch
7
Comments

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB