MÙA XUÂN MƠ ƯỚC ẤY...

10 tháng 2, 2021 0 nhận xét
Năm nào cũng vậy, cứ Tết đến, nghe lại "Mùa xuân đầu tiên" của Nhạc sĩ Văn Cao, tôi vẫn thấy luôn tràn ngập xúc cảm !
Đối với tôi, đó có thể xem là một bài hát Việt hay nhất về mùa Xuân. Hay là bởi vì trong điệu valse dìu dặt, khoan thai viết về Xuân - mùa của tình yêu và hy vọng - thế mà nó vẫn phảng phất một nỗi buồn mênh mông, sâu kín, dù rằng, theo lời Nhạc sĩ nói với con trai, ông viết bài này để mừng đất nước thống nhất, nhân dân đoàn tụ. Riêng tôi, cứ mỗi lần nghe bài hát, tôi như thấy tâm tư của dân tộc mình trong đó, tất nhiên gồm cả cuộc đời cay đắng của người nghệ sĩ tài hoa Văn Cao.
Đã có nhiều bài viết về Văn Cao và "Mùa Xuân đầu tiên" cũng như những nhạc phẩm khác của ông. Và ai cũng biết rằng sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Văn Cao đã hoàn toàn khép lại kể từ sau khi ông bị kết cái án "Nhân văn giai phẩm" vào năm 1956. Một nhạc sĩ đã từng mang lại cho đời những tuyệt phẩm lãng mạn thời tiền chiến như "Suối mơ", "Thiên thai", "Buồn tàn thu", "Bến xuân", "Cung đàn xưa"..., cũng đã từng cống hiến cho Việt Minh và chính quyền Việt Nam Dân chủ cộng hoà những khúc ca hào hùng đến say lòng người như "Tiến quân ca", "Ngày mùa", "Bắc Sơn", "Sông Lô", "Chiến sĩ Việt Nam", "Tiến về Hà Nội"..., thậm chí cả "Ca ngợi Hồ Chủ tịch", vậy mà trong suốt 20 năm đã im lìm không thể viết được thêm bất kỳ một bản nhạc nào nữa ! Tôi nghĩ, chỉ có một tâm hồn nghệ sĩ thực thụ mới đủ nhạy cảm để bộc lộ sự tổn thương bằng thái độ im lặng như thế ! Khác với nhiều văn nghệ sĩ cùng thời khi đó đã chọn (hoặc buộc phải chọn) những con đường để tồn tại và tiến thân theo ý Chính quyền, Văn Cao đã chọn sự lặng im và lui về ẩn dật hoàn toàn cho mãi đến năm 1976 ông mới tặng lại cho chúng ta một "Mùa Xuân đầu tiên" tuyệt vời. Như con chim hoạ mi bị thương đã tắt tiếng và đến gần cuối đời mới bật ra trở lại một tiếng hót thanh tao để người đời biết rằng nó vẫn là một con hoạ mi, không thể lẫn vào đâu được ! Với tôi, đó là sự câm lặng của một nhân cách lớn !
Thời gian gần đây, có một số ý kiến chê bai bài "Tiến quân ca" đại loại là "khát máu", là "không phù hợp để trở thành Quốc ca của một đất nước văn minh trong thời đại ngày nay" v.v... Tôi nghĩ số phận Văn Cao thật kỳ lạ. Cả những người mà ông đã chọn đi theo, cũng một thời đã từng tìm đủ mọi cách để hắt hủi, thậm chí muốn tẩy xoá bài hát đó, mặc dù nó là bài duy nhất trong danh sách các tác phẩm của ông còn có lý do để được phép lưu hành sau cái án "Nhân văn giai phẩm".
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những bội bạc, nhỏ nhen, "Tiến quân ca" vẫn tiếp tục sống đến ngày nay. Và dù bây giờ ai có nói gì, nó vẫn là bài Quốc ca đủ để làm tôi luôn gai người vì xúc động mỗi khi nghe "Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...". Tôi nghĩ khi viết những ca từ ấy, Văn Cao đã thực sự rất tin yêu, rất hăm hở. Hàng triệu triệu con người ngày ấy cũng đã cùng "chung lòng" như thế khi bắt đầu con đường "cứu quốc" và kiến quốc sau đó. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, để bảo vệ cũng như xây dựng đất nước, lời hiệu triệu "vì nhân dân chiến đấu không ngừng", cho "nước non Việt Nam ta vững bền" trong "Tiến quân ca" vẫn luôn vẹn nguyên giá trị, bởi chỉ có nhân dân và đất nước mới là đối tượng xứng đáng tôn vinh và cần được bảo vệ. Thế hệ chúng tôi thuộc hàng con cháu của Văn Cao, sinh ra và lớn lên ở miền Bắc trong những năm 60-70. Thật đau lòng khi chúng tôi chỉ được biết về "Cải cách ruộng đất" cùng với "Nhân văn giai phẩm" như là những phong trào cần thiết và tích cực của thời kỳ bắt đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc mà không hề được thấy mặt trái khủng khiếp của chúng ! Đến nay, nhìn lại vệt tối ấy trong cuộc đời của một người tài như Văn Cao, tôi luôn tự hỏi rằng không biết ông đã nghĩ gì và đã sống ra sao trong những ngày u uất đó ? Làm sao có thể tả được nỗi đau khi lòng tin trong con người bị vụn vỡ ? Khi người ta nhận chân ra rằng những giá trị mà mình đã tin và con đường mà mình đã chọn hoá ra không phải như mình tưởng ?
Thế nên, không có gì khó hiểu khi trong tâm trạng nao nức chung của cả dân tộc ngay sau năm 1975, ông đã le lói trở lại một niềm hy vọng rằng : "Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người" khi viết "Mùa Xuân đầu tiên". Phải hiểu cuộc đời của Văn Cao rồi mới có thể cảm được sâu sắc những nỗi niềm gửi gắm trong các ca từ đó. Và hiểu tại sao ông lại mong đợi điều giản dị này. Tất cả người dân hai miền Bắc, Nam sau ngày 30/4/1975 cũng đã từng hồ hởi hy vọng như thế...
Nhưng rất tiếc, ngay cả khúc ca cuối cùng này của ông cũng phải chịu đựng sự bạc bẽo như chính cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa của dân tộc. Người ta không thích nó bởi vì nó không mang âm hưởng ca ngợi chiến thắng một cách hào hùng như nhiều bản nhạc đỏ hồi đó. Người ta cũng phê bình là nó có ca từ quá đơn giản, mơ hồ, uỷ mị và thiếu tính giai cấp (!)... Lại thêm một lần 20 năm nữa, sau khi Văn Cao qua đời vào ngày 10 tháng 7/1995, "Mùa Xuân đầu tiên" mới được phổ biến và cho biểu diễn chính thức ! Cũng sau khi ông qua đời, người ta mới phong tặng cho ông đủ thứ danh hiệu, huân, huy chương mà tôi chắc rằng nếu còn sống để chứng kiến những điều này, có lẽ ông cũng sẽ chỉ nhếch môi cười lặng lẽ, trong cái dáng ngồi cô đơn khắc khoải đến lạnh người...
Cách đây 48 năm, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nghĩ đến một ngày "dựng lại người, dựng lại nhà" để "xây lại Việt Nam". Và cũng 40 năm về trước, Nhạc sĩ Văn Cao đã ước "từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người". Tôi biết hai con người tài hoa lừng lẫy này, lúc sinh thời sau năm 1975 đã có dịp hội ngộ với nhau để rồi sau đó bắt đầu một tình bạn tri kỷ của những tâm hồn nghệ sĩ. Không biết giờ đây hai ông có gặp lại được nhau trong cõi mênh mông kia để cùng ngồi uống rượu đàm đạo, và để lại ngậm ngùi thấy rằng dù đã bước sang thế kỷ 21, nhưng những gì các ông mong ước cho quê hương Việt Nam vẫn còn đó. Vẫn chưa dựng lại được nhà nên đã tụt hậu nhiều lắm so với người ta. Vẫn chưa dựng lại được người nên đến giờ người vẫn chưa thể biết thương yêu nhau.
Và vì thế, vẫn là mùa Xuân mơ ước ấy...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB