Bạn cần biết: Bạo Hành Cảm Xúc

30 tháng 4, 2021 0 nhận xét

 

5 hành vi yêu đương tưởng bình thường nhưng độc hại

Không giống như bạo hành thể chất, bạo hành cảm xúc thường khó nhận ra, thậm chí khiến bạn lầm tưởng mình được yêu thương.

Trong giai đoạn đầu của tình yêu, kẻ bạo hành cảm xúc thường thể hiện như một người quan tâm, yêu thường và để ý. Dần dần, họ mới bộc lộ rõ bản chất.

"Sự tử tế đó nhằm chiếm lòng tin của con mồi, khiến họ trở nên dễ tổn thương và bị điều khiển", Lisa Ferentz, chuyên gia nghiên cứu sang chấn tâm lý ở Maryland (Mỹ), nói.

Dưới đây là những hành vi tưởng bình thường nhưng có thể ẩn chứa nguy cơ bạo hành cảm xúc mà bạn cần lưu ý ở nửa kia.

Chỉ muốn thời gian riêng tư của bạn dành cho họ

Khi mới yêu, việc dành thời gian tìm hiểu nhau là điều cần thiết. Tuy nhiên, dần dần, cả hai phải gặp gỡ thêm gia đình, bạn bè của nhau. Nếu đối tác của bạn chỉ muốn hai người ở cạnh nhau và nói những câu như "thời gian chúng ta ở riêng rất quý giá, anh/em không cảm thấy vui khi có mặt người khác", nhiều khả năng họ đang cố cô lập bạn khỏi những mối quan hệ khác.

"Khi đó, bạn bè và gia đình sẽ không thể chứng kiến người kia đối xử với bạn ra sao. Bạn cũng không thể nhờ họ đưa ra lời khuyên và sự trợ giúp cần thiết để rời bỏ mối quan hệ", Ferentz nói.

Hãy để ý cả những lúc bạn kể cho đối tác nghe về mâu thuẫn với gia đình, bạn bè. Thật tốt nếu người đó nói ủng hộ bạn vô điều kiện. Nhưng cẩn thận nếu anh/cô ta tìm cách chia rẽ bạn với thân nhân, ví dụ như gợi ý bạn đừng gặp họ nữa.

Muốn kết hợp tài chính từ sớm

Mở tài khoản chung hoặc chia sẻ thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng cho thấy sự tin tưởng nhau tuyệt đối và thường chỉ xuất hiện khi hai người đã kết hôn. Việc đối tác của bạn vội vã đề nghị hai người kết hợp tài chính chưa chắc là dấu hiệu muốn cam kết mà có thể nhằm mục đích loại bỏ sự độc lập kinh tế của bạn, từ đó khiến bạn không thể rời bỏ mối quan hệ.

Bên cạnh đó, theo Ferentz, kẻ bạo hành cảm xúc hay tỏ ra muốn minh bạch về tài chính theo kiểu "cái gì của anh/em cũng là của em/anh" nhưng thực chất, mối quan hệ này chỉ diễn ra một chiều. Bạn sẽ là người chia sẻ mọi thứ còn họ hoặc lợi dụng số tiền bạn kiếm được hoặc lập "quỹ đen" riêng.

Kiểm tra bạn liên tục

Hai người trong mối quan hệ yêu đương lành mạnh thường cho nhau biết lịch trình trong ngày vì họ tò mò về cuộc sống của nhau. Tuy nhiên, kẻ bạo hành cảm xúc sẽ đòi bạn báo cáo thường xuyên về vị trí và người đi cùng, thậm chí liên tục nhắn tin và gọi điện.

"Hành động này trông giống như sự quan tâm, tình yêu chân thành nhưng thực chất lại là cơn ghen tuông độc hại và tính chiếm hữu", Ferentz phân tích.

Đôi khi, kẻ bạo hành cảm xúc đóng vai "vệ sĩ", muốn giữ cho bạn được an toàn. Từ chỗ đưa đón bạn hoặc gọi điện để chắc chắn bạn đã về nhà, họ bắt đầu đề nghị bạn bớt ra ngoài, tra hỏi bạn gọi điện cho ai thậm chí buộc tội bạn ngoại tình những khi không thể liên lạc được.

Kẻ bạo hành cảm xúc ban đầu tỏ ra tử tế, quan tâm nhưng về sau lại hay nổi giận, chỉ trích. Ảnh: Womens Health.

Kẻ bạo hành cảm xúc ban đầu tỏ ra tử tế, quan tâm nhưng về sau lại hay nổi giận, chỉ trích. Ảnh: Women's Health.

Mua những món quà xa xỉ

Thật tuyệt khi được người yêu chiều chuộng nhưng kẻ bạo hành cảm xúc sẽ biến những món quà xa xỉ thành công cụ thao túng.

"Choáng ngợp trước những bó hoa hay đồ trang sức đắt tiền, bạn sẽ không còn mấy để tâm khi bị người kia từ chối một số mong muốn", Carol A. Lambert, nhà trị liệu tâm lý, tác giả cuốn sách Women With Controlling Partners (Những phụ nữ yêu phải kẻ kiểm soát) nhận định.

Vấn đề ở chỗ, giai đoạn ngọt ngào này chẳng kéo dài lâu. Kẻ bạo hành cảm xúc sẽ nhanh chóng than phiền rằng bạn không đối xử với họ đủ tốt như cách họ đối xử với bạn. Kết quả, bạn cảm thấy tội lỗi, thậm chí nghĩ rằng tại mình mà người kia thay đổi và cố gắng cư xử theo ý người đó.

Không hỗ trợ bạn cải thiện bản thân

Trong những mối quan hệ lành mạnh, hai người sẽ cho nhau tình yêu và sự hỗ trợ cần thiết để ngày càng tiến bộ hơn trong cuộc sống, thể hiện qua những thứ nhỏ nhặt như cổ vũ nhau tập thể dục, giúp nhau chuẩn bị phỏng vấn cho công việc mơ ước hoặc cùng bỏ một thói quen xấu.

Kẻ bạo hành cảm xúc ban đầu tỏ ra ủng hộ nhưng sau đó, thay vì hỏi "anh/em có thể giúp đỡ em/anh thế nào", họ chỉ chỉ trích bạn, thậm chí trầm trọng hóa vấn đề. "Ví dụ, họ kêu ca rằng khi say, bạn hành xử rất tệ, nói quá to và tất cả những người khác đều kêu ca về bạn trong khi thực tế chưa chắc bạn đã làm những điều đó", Beverly Engel, nhà trị liệu tâm lý kiêm tác giả cuốn sách The Emotionally Abusive Relationship (Mối quan hệ bạo hành cảm xúc) nói.

Bằng cách chỉ trích và làm bạn mất niềm tin vào bản thân, kẻ bạo hành cảm xúc dễ khiến bạn nghe theo lời họ.

Cần lưu ý, không phải lúc nào các hành vi tử tế cũng là dấu hiệu bạo hành cảm xúc.

"Có những người thực sự đầy yêu thương và hào phóng", Sharie Stines, nhà trị liệu chuyên về hồi phục sau lạm dụng, cho biết. Vấn đề chỉ xảy ra khi bạn cảm thấy sợ hãi, ép buộc hay tội lỗi trước những cử chỉ quan tâm của đối phương

Để thoát khỏi một mối quan hệ bạo hành cảm xúc, bạn hãy nhờ đến một người bạn, gia đình hoặc tìm đến các chuyên gia trị liệu.

Thu Nguyệt (Theo the St

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB