Tâm Sự Thứ Bảy (145): Bố mẹ hay trẻ cần được học?

22 tháng 4, 2017 1 nhận xét
Tuần trước mình gặp một cậu bé lớp 11 cao to, khá đẹp trai, dễ thương đi chữa bệnh trầm cảm nhà một lang y ở Bà Rịa. Nhìn cháu đi qua lại thì chưa thấy có gì bất thường, chỉ khi cháu ngồi ăn cơm, cười ngô nghê mới thấy không bình thường. 

Mình hỏi thăm mới biết ở lớp cháu thường xuyên bị đám bạn trai bắt nạt do quá hiền, rồi bị nhục mạ, doạ dẫm. Chắc chúng biết bố cháu là công an nên tụi chúng càng doạ nạt, thách thức mà cháu thì không dám phản kháng.  Cháu đã sống trong sợ hãi nhiều thời gian, mấy lần van xin bố cho chuyển lớp, chuyển trường, nhưng ông bố (là công an) chắc do bận việc nên k quan tâm đến lời đề nghị của cháu.

Cho đến 1 tháng trước, sau 1 lần bị đánh hội đồng, cháu đã bị trầm cảm nặng. Hiệu trưởng gọi lên gặp, cháu run rẩy sợ hãi trốn ở nhà. Người bố đã hoàn toàn đau đớn khi được bs cho biết con mình đã bị chuyển thể sang tâm thần. Họ đã đi chạy chữa khắp nơi, cho cháu thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm, thuốc thần kinh.. Nhưng do đã bị một quá trình căng thẳng kéo dài cháu không hồi phục.

Hai bố con xuống thầy lang này đã một tuần rồi. Ông bố bỏ hẳn việc mang con đi chữa bệnh. Hằng ngày lặng lẽ nấu cơm cho cháu ăn. Nhìn bố đút cơm cho con mà ai cũng không khỏi đau lòng. Đáng ra cháu phải đang được vui chơi học hành trong trường giống như những đứa trẻ khác. Chỉ còn 1 năm nữa là tốt nghiệp, tương lai đang ở phía trước. Vậy mà chỉ một cú sang chấn tâm lý, cháu đã không còn tương lai, không còn cả sức khoẻ như một người bình thường.

Người bố im lặng, lầm lũi đi ra vào nơi bếp, rồi ngồi một mình tư lư, ai hỏi cũng không nói gì. Chắc ông ấy ân hận lắm, nhưng đã quá muộn. 

Chúng ta có lẽ quá lo lắng đến việc kiếm tiền, bươn chải để nuôi gia đình. Nhưng có một điều hết sức quan trọng lại quên mất đó là: Trẻ cần chúng ta. Chúng cần bố mẹ để lắng nghe, chia sẻ cùng chúng. Kiếm tiền là chuyện của người lớn. Không thể ra rả nói với trẻ rằng ‘bố mẹ kiếm tiền là lo cho mày đấy’. Chuyện đó là tất nhiên, là quy luật muôn đời nay. Trẻ nào cũng biết, chỉ là chúng im lặng và bất lực vì chưa đến tuổi kiếm tiền cho bố mẹ.

Đừng làm trẻ phải thêm gánh nặng. Trẻ con phải được học tập và vui chơi, Đó là quyền của trẻ mà chúng ta cần tôn trọng. Và hơn hết thảy, trẻ cần được yêu thương. Lắng nghe trẻ, nói chuyện với chúng thay vì rúc đầu vào máy tính, hoặc chit chát trên điện thoại, nhậu nhẹt ngoài quán xá. Tuổi nào trẻ cũng cần bố mẹ. Càng lớn càng cần. Ở tuổi teen trẻ thay đổi nhiều nhất, trầm cảm nhiều nhất, tự tử cũng nhiều nhất.

Amstedam là ngôi trường chuyên, mẫu mực ở HN. Vậy mà cũng trẻ tự vẫn vì không chịu nổi áp lực cạnh trạnh, bị các bạn làm nhục (vì gia đình nghèo quá, vì học không bằng các trẻ khác). Chắc không thiếu cô thầy rơi nước mắt, chắc không thiếu nhiều bố mẹ shock trước kết cục bi đát và đắng cay ấy. Nhưng dường như là đã muộn.

Không biết đến bao giờ sẽ hết bạo hành trường học ở VN? Bao nhiêu người bố người mẹ biết lắng nghe con trẻ? Bao nhiêu đứa trẻ không có tuổi thơ, hoặc có 1 tuổi thơ đau buồn như thế? Bao nhiêu đứa trẻ đang bị dồn nén tâm lý bên trong không được chia sẻ? Bao nhiêu? Chắc là nhiều lắm.


12 năm trước mình đã đau đáu vì chuyện này và bỏ tiền túi ra mở 1 trường dạy kỹ năng sống cho trẻ. Bao nhiêu đứa trẻ bấy nhiêu câu chuyện cuộc đời. Chúng đến trung tâm của mình vì được các anh chị lắng nghe, chơi cùng, hiểu và thông cảm, động viên. Cá nhân mình đã soạn khá nhiều giáo án và đứng lớp dậy trẻ ‘Vượt qua sợ hãi’, “ Làm cách nào để Tự Tin hơn’ dậy chúng ‘ Yêu Thương & Cảm Thông’ hay ‘Làm chủ cuộc sống’. Mình đã mang yoga, và Thiền để dậy cho chúng như là một phương pháp tự mình bình tĩnh khi gặp phải nỗi sợ, hay khó khăn.


Nhưng mình đã thất bại. Sau 3 năm mình đã mất nguyên 1 căn nhà để nuôi trung tâm này. Cái thất bại lớn nhất không nằm ở kinh tế, đó là mình đã không tìm được tiếng nói chung với bố mẹ chúng. Đa số các bố mẹ muốn chúng học Anh văn và văn hoá thật giỏi, điểm cao để tự hào với mọi người mà coi thường những kỹ năng sống cơ bản mà trẻ cần. Những kỹ năng như nấu ăn đơn giản, sắp xếp nhà cửa, đọc sách, trồng cây, những kỹ năng tự bảo vệ mình, nói lên chính kiến, biết cảm thông và chia sẻ, yêu thương động vật và mọi người xung quanh… được các vị phụ huynh cho là ‘ra đời trẻ sẽ học được’.

Hơn 10 năm rồi, càng ngày bạo lực học đường càng lớn tại VN: tin trẻ bị đánh hội đồng, tạt axít, xé quần áo nữ sinh giữa trường nhan nhản trên mặt báo hàng ngày… khiến không biết bao nhiêu trẻ bị rơi vào trầm cảm, thần kinh, tự vẫn.

Có lẽ đã đến lúc trẻ cần có bác sĩ hay tư vấn viên tâm lý ngay tại trường học như ở các nước phát triển. Có lẽ, mỗi người cần giúp một tay cho cộng đồng, cho việc giáo dục bố mẹ và thầy cô, trước khi giáo dục trẻ, bởi trẻ, xét cho cùng, là sản phẩm của trường học và gia đình. Đã đến lúc người lớn phải thay đổi thái độ của chính mình, học cách yêu thương và tôn trọng, lắng nghe trẻ nhiều hơn. Họ cần nhìn nhận lại bản thân của chính mình và thay đổi cách hành xử với trẻ, đừng để có kết cục đau buồn thì đã quá muộn.
 BH. 22/4/2017

1 nhận xét:

  • Hà "Béo" nói...

    Thương cháu trai ở câu chuyện đầu quá... chỉ cần các con ngoan & làm người tốt cho xã hội đã là quá sa xỉ đối với xã hội bây giờ í nhỉ!!!

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB