Cách nhìn tử tế về v/đ Chuyển giới

20 tháng 6, 2020 0 nhận xét
Năm 2014, tôi nhận được một yêu cầu đánh giá tâm lý kì lạ. Đồng nghiệp người Mỹ đang làm tại phòng khám SOS trong Sài Gòn viết thư cho trung tâm tôi làm việc hỏi xem có ai nhận đánh giá tâm lý cho người chuyển giới không. Được biết người yêu cầu được đánh giá ở Hà Nội, bạn ấy đã đi qua Thái Lan thăm khám và chuẩn bị phẫu thuật. |
Tôi ngạc nhiên hỏi thêm tại sao bạn ấy lại tìm vào Sài Gòn. Đồng nghiệp của tôi cho biết bạn ấy đã đi tìm một số phòng khám tâm lý tại Hà Nội mà không chỗ nào nhận mà được giới thiệu vào Sài Gòn. Nhưng đồng nghiệp của tôi là người Mỹ không hiểu được các chuẩn mực văn hóa về giới nên họ tìm nhà tâm lý Việt Nam. Họ sau đó viết một ghi chú nhỏ rằng, nếu như các bạn không làm thì chắc sẽ không còn tìm được ai làm đâu.
Đó là lần đầu tiên tôi nghe về người chuyển giới,một ý tưởng thực sự khác biệt và phần nào ly kì với tôi lúc đó. Sao mọi người sinh ra đều biết và hài lòng về bản thân mà lại có một số người cứ nói mình không được sống là chính mình? Chuyển giới là chuyển cái gì? Vì sao đang là nam giới mà lại đi đứng nói năng như nữ. Vì sao một người lại không thích cơ thể của mình. Tôi cũng rất tò mò muốn gặp một người chuyển giới xem ra sao.
Tò mò nhưng chưa bao giờ làm nên không vội nhận lời mà hẹn gặp để tìm hiểu thêm. Thật ngạc nhiên, đến trung tâm gặp tôi là hai vợ chồng đạo diễn làm phim. Họ cho tôi biết người muốn có nhu cầu chuyển giới là Phong, nhân vật chính trong phim của họ (phim “Đi tìm Phong”, bộ phim sau này đạt nhiều giải thưởng quốc tế).
Phong là một sinh viên trường điện ảnh. Từ bé đã luôn muốn chuyển giới và em luôn thẳng thẳng chia sẻ với mọi người về chuyện của em. Mọi người định hỗ trợ tài chính cho em để phẫu thuật, và sau đó có nảy sinh ý tưởng làm một bộ phim mô tả chân thật quá trình thay đổi của Phong. Hiện tại, Phong đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, và đã đi khám ở Thái Lan, và đang dùng hocmoon. Trong thời gian chờ đợi, Phong muốn thực hiện đánh giá tâm lý, bởi bác sĩ bên Thái Lan cũng yêu cầu có đánh giá từ nhà tâm lý người Việt.
Khi nghe hết chuyện về Phong, tôi chia sẻ với họ tôi muốn giúp đỡ nhưng phải cân nhắc vì chưa biết làm thế nào. Sau mấy ngày đọc tài liệu và suy nghĩ, tôi quyết định nhận lời và gặp Phong vào tuần sau. Đó là lần đầu tiên tôi gặp một người chuyển giới.
Trong trí nhớ của tôi, Phong là một người nhỏ nhắn, mảnh khảng. Giọng nói của Phong ồm ồm chưa được trong trẻo. Em có vẻ hơi lo lắng và không thoải mái trong nhũng phút đầu tiên. Sau khi chào, giới thiệu và làm quen, câu đầu tiên tôi hỏi Phong: em cảm thấy thế nào khi đến đây? Thật bất ngờ, em trả lời tôi: “Em cảm thấy mình như bệnh nhân tâm thần buộc phải đến đây”.
Đánh giá nhu cầu chuyển giới là một yêu cầu đặc biệt trong y khoa. Thông thường, nhiệm vụ của các bác sĩ là tiến hành chẩn đoán cho bệnh nhân của mình trước khi họ thực hiện các can thiệp y tế. Tuy nhiên, trong trường hợp đánh giá chuyển giới, các bác sĩ phẫu thuật cần nhờ đến những chuyên gia trong vấn đề sức khỏe tâm thần. Nó làm tôi hay một chuyên gia tâm thần nào thực hiện việc này rơi vào vị trí của người đứng giữa, mắc kẹt giữa nhu cầu của người chuyển giới và yêu cầu của bác sĩ phẫu thuật.
Phẫu thuật chuyển giới là một phẫu thuật phức tạp duy nhất mà bác sĩ phẫu thuật phải thực hiện kiểu tay không bắt giặc. Tiêu chí xác định yêu cầu chuyển giới chỉ dựa và những thông tin chủ quan của bệnh nhân mà không có bất cứ một thông tin dựa trên trắc nghiệm sinh hóa nào. Thêm vào đó, mặc dù rất ít và rất hiếm, nhưng có một số chứng tâm thần có thể gây ra mong muốn thay đổi giới tính như tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, rối loạn nhân cách ranh giới. Khi các chứng tâm thần này được can thiệp, mong muốn thay đổi giới tính có thể mất đi. Các bác sĩ phẫu thuật không có đủ thời gian cũng như không biết rõ về các chứng tâm thần. Chính vì vậy, họ yêu cầu các nhà tâm lý hoặc các bác sĩ tâm thần chứng minh cho họ rằng nhu cầu chuyển giới của một người nào đó là chính xác.
Đến lượt mình, người yêu cầu chuyển giới sẽ cảm thấy khó hiểu. Tại sao cơ thể của tôi, tôi lại phải xin phép người khác làm gì? Tại sao đang làm việc với bác sĩ phẫu thuật, tôi lại phải đi đến gặp ông này để đánh giá tâm lý? Những băn khoăn này trực tiếp ảnh đến sự tin tưởng, tôn trọng và cởi mở giữa tôi và khách hàng. Nếu khách hàng cảm thấy mình buộc phải bị đến, hoặc nhà tâm lý đánh giá coi thường mình, thì họ sẽ không trung thực nữa. Như vậy tôi sẽ không hiểu được họ.
Suy nghĩ, cảm nhận mình bị đánh giá là người mắc bệnh tâm thần rất hay gặp khi những người chuyển giới đi đánh giá tâm lý. Suy nghĩ này phần nào bắt nguồn từ thực tế rằng Phiền muộn Giới (tên gọi của hội chứng những người có nhu cầu chuyển giới) vẫn được liệt kê trong bảng phân loại bệnh tâm thần, Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các loại rối loạn tâm thần phiên bản 5, (viết tắt DSM 5) của Hiệp hội Tâm thần học Mỹ.
Đây là một điểm dễ gây hiểu lầm. Bởi lẽ, Hiệp hội Tâm thần Mỹ, đã chính thức không còn coi Phiền muộn Giới là một chứng bệnh tâm thần. Nhưng để bảo hiểm chi trả chi phí y tế cho những người có nhu cầu chuyển giới, cần có một tên bệnh để gọi và ghi vào hóa đơn. Như vậy, gắn cho người chuyển giới một cái tên trong DSM 5 là để họ được hỗ trợ tài chính từ bảo hiểm. Nhưng điều này trở nên khó hiểu hơn khi nó không liên quan đến tình hình ở Việt Nam khi hệ thống y tế Việt Nam chưa chấp nhận việc chuyển giới.
Tôi cảm ơn Phong vì đã thẳng thắn chia sẻ cảm nhận của mình với tôi. Tôi giải thích tất cả điều trên cho Phong và thừa nhận rằng em sẽ cảm thấy việc tôi làm thể hiện rằng tôi coi em như một người tâm thần. Nhưng đó là do bối cảnh của việc này chứ không phải là ý muốn của tôi. Câu chuyện của chúng tôi trở nên thoải mái hơn khi tôi và Phong hiểu rõ bản chất việc mình đang làm.
Phong mô tả mình là một cô Trúc Anh Đài, một người con gái thực sự nhưng giả trai để sống. Ngay từ hồi bé (2 đến 3 tuổi), Phong đã biết mình là con gái. Em rất hay khóc và tủi thân vì những khi không được làm những thứ của phụ nữ. Một trong những chuyện xúc động nhất (với tôi) là đêm trước hôm khai giảng năm cấp ba, Phong đã khóc hết nước mắt vì biết rằng mình sẽ không được mặc áo dài vào sáng hôm sau. Vì Phong rất cởi mở và nhiệt tình chia sẻ, sau ba buổi, tôi đã có đủ thông tin để viết thư giới thiệu cho bác sĩ ở Thái Lan chấp nhận tiến hành phẫu thuật cho Phong.
Sau Phong, tôi cũng gặp tiến hành đánh giá một số yêu cầu chuyển giới khác. Một lần khác, có một bạn có giới tính sinh học là nữ, được mẹ đưa đến để xác định nhu cầu của bạn ấy muốn chuyển đổi cơ thể sang nam giới. Mẹ mặc dù rất ủng hộ bạn ấy nhưng vẫn lo lắng muốn bạn ấy suy nghĩ kỹ hơn.
Trong cuộc hội thoại giữa ba người (tôi, mẹ và bạn ấy), mẹ chia sẻ rằng mẹ muốn bạn lùi kế hoạch cắt ngực lại thêm một năm để sống thử thêm vì bạn ấy chưa phải là người chuyển giới nam điển hình (người có cơ thể nữ muốn chuyển sang cơ thể nam). Khách hàng của tôi gục đầu xuống bàn, lặng người đi, một phút sau bạn ấy ngước mắt lên, hai hàng nước mắt ròng ròng, nhìn mẹ và nói: “Mẹ còn muốn con thế nào nữa, vì sao trời nóng [hôm đó mùa hè, 38 độ] như thế này mà con phải mặc ba cái áo hả mẹ”. Bạn ấy mặc nhiều áo để che đi bộ ngực của mình.
Sau này, các khách hàng chuyển giới khác của tôi chia sẻ những nỗi đau, tủi thân, nỗi xấu hổ và nhiều cảm xúc tiêu cực khác mạnh hơn rất nhiều so với cách trải nghiệm về quần áo. Nhưng tôi luôn nhớ những trải nghiệm quần áo: mặc áo binder (nịt ngực) chặt tới mức hoa mắt vì khó thở, hay lặng lẽ ngắm nhìn những bộ quần áo của nữ giới mà thấy nhói lòng vì mình sẽ không bao giờ được mặc. Những miền vui đơn giản nhỏ nhặt trở thành một cực hình cho người chuyển giới. Tôi có thể không được đi du lịch như tôi muốn khi phải làm việc, hoặc không mua được cái xe tôi muốn mua, nhưng việc đó chỉ thỉnh thoảng diễn ra, trôi đi và cũng không ảnh hưởng lắm. Khác tôi, cảm giác bị soi mói, cảm giác không được làm điều mình muốn diễn ra hàng ngày, hàng giờ với những người chuyển giới.
Đầu tuần này, ca sĩ Lynk Lee, lần đầu tiên lên sân khấu trong một bộ váy đầm sau khi đi phẫu thuật chuyển giới. Có hàng nghìn lời bình luận về sự kiện này, đa số nói về cơ thể, ngoại hình, bộ phận sinh dục, cách làm tình… nhiều bình luận trực tiếp thể hiện sự dung tục, ghê tởm, coi thường với giới tính của ca sĩ. Tôi nghĩ rằng chúng ta đều có quyền có những cảm xúc, và sự đánh giá của riêng mình. Nếu bạn thấy khó chịu, kì lạ đó là cảm xúc của bạn. Không ai có quyền bảo bạn phải suy nghĩ và cảm thấy như thế nào. Chuyển giới là một điều hết sức khó hiểu ngay cả với những nhà chuyên môn trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, tôi khuyến kích mọi người hãy giữ những cảm xúc và đánh giá cho riêng mình. Bởi lẽ những cảm xúc và đánh giá tiêu cực của chúng ta gây tổn hại đến người chuyển giới. Tổn thương đó không chỉ là những lần khóc hết nước mắt, những lần chán nản thu mình ở trong nhà không dám đi ra ngoài. Tổn thương đó còn có thế lấy đi mạng sống của họ. Đã có nhiều người chuyển giới tự tử vì không chịu được sự kì thị của xã hội.
Trong lần tập huấn đánh giá nhu cầu chuyển giới, tôi có vô tình tìm kiếm được một phóng sự của đài truyền Úc. Phóng sự đó nói về hai mẹ con, người con tuổi trung niên, cơ thể sinh học là nam nhưng hiện tại đang ăn mặc giống như nữ giới. Bà mẹ rất đau khổ khi thấy con mình kì dị như vậy. Bà mẹ nói với con: “Mẹ không hiểu tại sao con lại phải làm như vậy và mẹ rất lo lắng khi con đi ra đường mọi người sẽ nghĩ gì, đối xử với con như thế nào”. Người con trả lời: “Mẹ không cần phải hiểu để chấp nhận”.
Tôi và bạn cũng vậy. Không ở trong hoàn cảnh của họ, có rất nhiều điều chúng ta thấy băn khoăn và sẽ không bao giờ hiểu được. Nhưng chúng ta không cần hiểu để chấp nhận họ bởi vì họ xứng đáng được công nhận giống như tất cả mọi người khác.
Người chuyển giới càng ngày càng hiện diện nhiều hơn trong xã hội, họ càng ngày càng đóng một vai trò lớn hơn trong mọi ngành nghề, chuyên môn, và vị trí xã hội. Có thể bạn và tôi không thể hiểu nổi hành vi của họ nhưng có một điều chăc chắn rằng họ đang khát khao được sống với đúng những gì bản thân họ cảm thấy. Những đánh giá không suy nghĩ của ta, như một câu chửi trên mạng, gây tổn thương họ.
Trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật”, Montesquieu viết rằng: “Thời mông muội, người ta chẳng hoài nghi gì, ngay cả khi người ta làm điều bậy bạ nhất. Đến thời văn minh, người ta còn run lên khi làm điều tốt nhất đẹp nhất”. Chính sự suy nghĩ cân nhắc của chúng ta làm nên một xã hội văn minh hiện đại. Tôi tin rằng tất cả chúng ta xứng đáng được sống trong xã hội đó.
FB Minh Nguyen Cao 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB