Phải làm sao để ai đó quý mình?

13 tháng 6, 2020 0 nhận xét
Benjamin Franklin là một trong những vị lập quốc của Hoa Kỳ. Ông là nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, là nhà ngoại giao lỗi lạc, là nhà tư tưởng, nhà văn có nhiều tác phẩm nổi tiếng. Hình ảnh ông có trên tờ đô la xanh mệnh giá $100 đang được lưu hành.
Trong khoa học tâm lý có thuật ngữ ‘tác động Franklin’ đề cập đến bí quyết làm cho mọi người tự nhiên thích mình. Mọi người thường mặc định rằng người ta chỉ thích những người biết chào hỏi niềm nở, cử chỉ thân ái, hay giúp người, hay làm việc thiện vân vân. Vậy nên người ta cho rằng muốn để ai thích mình thì cũng phải tỏ rõ rằng mình phải là tử tế, phải là người đáng tin cậy. Nhưng ông Franklin chơi kiểu khác.
Có lần đối thủ kình địch trên chính trường của ông, không ưa gì ông nên luôn tìm mọi cách cản trở ông, làm mọi việc của ông thật khó khăn. Ông thấu hiểu phải làm sao biến người đó thành người cùng phe với ông, chứ để người đó là địch thủ thì cuộc đời sẽ lắm phiền hà! Nhưng thay vì tán dương, hoặc làm gì đó lấy lòng người kia theo cách gọi là thu phục nhân tâm, ông chủ ý làm theo cách riêng của mình.
Biết người này có trong tay một cuốn sách quý, ông liền hỏi “làm ơn cho tôi mượn đọc trong vài ngày được không? Cuốn sách hiếm nên không tìm đâu ra.” Sau đó vài ngày ông trả lại cuốn sách kèm theo một chiếc thiệp xinh xinh ghi dòng chữ “Xin cám ơn đã cho tôi được đọc cuốn sách quý.” Chỉ lời cám ơn chân thành như vậy thôi mà người kia trở thành bạn của ông Franklin.
Điều mà ông Franklin đã làm là áp dụng nguyên tắc rất phổ biến trong khoa học tâm lý – trong tiếng Anh gọi là “cognitive dissonance”. Nguyên tắc này đại để cho rằng nếu trong tâm trí của ta luôn phải duy trì hai luồng suy nghĩ đối kháng sẽ gây ra sự bế tắc vì hai luồng suy nghĩ này ‘chọc’ nhau gây cho người ta nỗi bất an và cuốn đầu óc người ta vào nỗi căng thẳng triền miên. Giải pháp cho tình thế tâm lý ấy là cần phải tự mình biến đổi, làm sao để cho suy nghĩ này hoà hợp với suy nghĩ kia, để hai luồng tinh thần đó từ hai trở thành một thôi, từ đó tạo nên một dòng sinh khí mới sẽ trở nên mạnh hơn cho tâm trí.
Trong trường hợp của ông Franklin, địch thủ của ông vẫn nuôi một ý chí “Ta chẳng ưa lão Franklin.” Nhưng khi bị đưa vào tình thế phải cho mượn cuốn sách, người này có trong đầu hai luồng suy nghĩ ‘Ta chẳng muốn giúp kẻ ta không ưa, ta chỉ muốn giúp người nào ta ưa thôi nhé”. Nhưng trước hoàn cảnh không thể nói lời từ chối với Franklin, người này buộc phải làm nhẹ dòng suy nghĩ nặng nề kia để cho ông mượn sách, rồi khi nhận được chiếc thiệp cám ơn thân ái, những suy nghĩ đầy đối kháng với Franklin tự nhiên mất đi năng lượng thù địch và dòng suy nghĩ dịu dàng mới xuất hiện đấy đã tự nhiên biến người đó thành bạn của ông Franklin, chí ít cũng trong lĩnh vực liên quan đến ‘sách’!
Từ đó trong khoa học về tâm lý con người, được tổng kết thành bí quyết Benjamin Franklin “Nếu muốn một người nào đó quý mình, hãy hỏi người ấy làm giúp mình một việc gì đó.”
Chỉ có vậy thôi.
ST

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB