“ Để vẽ được như Raphael, tôi mất 3 năm. Để vẽ được như trẻ em, tôi mất cả đời “. Pablo Picasso.
Trẻ em vẽ với một cái nhìn hồn nhiên, nó khiến tác phẩm hiện ra thật đẹp và các yếu tố tạo hình bố trí bất ngờ và độc đáo một cách đáng kinh ngạc. Nếu có thể so sánh giữa tranh trẻ em và tranh của nhiều họa sĩ, kể cả một vài người đã thành danh,riêng tôi thường nhận thấy:
1. Ở tranh trẻ em, một tinh thần tự do, bất quy tắc, cởi mở, trong sáng và rất khúc triết trong bố cục và hình. Một cái nhìn thật hồn nhiên và chính xác đối tượng. Một sự giản lược tối đa các chi tiết không cần thiết. Một trí tưởng tượng bay bổng và phóng khoáng. Một bảng màu tươi tắn và không một chút câu nệ vào tự nhiên. Đó là những gì được tạo ra từ những họa sĩ thực thụ, ở độ tuổi chưa kịp “ ngộ độc “ sự khôn ngoan mà cuộc đời đem lại trong những năm khôn lớn sau này.
2. Ngược lại ở người lớn, trong một số trường hợp, kể cả ở những người đã từng được coi là rất có năng khiếu hồi nhỏ, những nguyên lý về tạo hình một mặt nâng cao tầm hiểu biết và một số kỹ thuật biểu hiện, mặt khác lại làm khô cứng tâm hồn, biến họ thành những cỗ máy sản xuất những tác phẩm gần như mô phỏng một cái gì đó đã có từ trước. Đặc biệt trí tưởng tượng hay bị lấn át bởi lý trí.
3. Trẻ em không cần phải cố gắng khi vẽ. Nếu có dịp chúng ta hãy quan sát một em bé vẽ. Đấy là một hành vi sáng tạo đúng nghĩa nhất: toàn tâm toàn ý vào hành động vẽ, thật thanh thản đưa ra giấy những hình ảnh đang có trong trí tưởng tượng, vẽ liên tục không ngừng nghỉ cho đến lúc kết thúc, không dập xoá hay ngần ngừ khi thể hiện. Tranh vẽ một hơi. Giống hệt một bậc thầy đang sáng tác. Thật không ngạc nhiên những tác phẩm ra đời như thế truyền đến người xem một hơi thở, một sự chia xẻ xuyên thẳng vào tim!
4. Tôi nhớ đến một câu nói của Picasso: “Để vẽ được như Raphael tôi mất 3 năm. Để vẽ được như trẻ em, tôi mất cả đời.” Ý rằng, để có được cái kỹ thuật siêu việt của bậc thầy Phục hưng đối với ông không khó. Nhưng để có được một cái nhìn hồn nhiên , chân thật của trẻ thơ thì cần một quá trình tự lột xác quyết liệt và lâu dài.
5. Trẻ em nhìn đối tượng bằng sự cảm thụ chứ không bằng mắt. Chúng thấy đối tượng trong trí tưởng tượng của mình và thể hiện ra một cách không ngần ngại. Ồ, hoá ra đấy lại là tuyên ngôn của nghệ thuật hiện đại! Bắt đầu từ chủ nghĩa Lập thể, được đánh dấu từ “ Những cô gái ở Avignon”, Picasso, 1907, tiếp đến các chủ nghĩa Biểu hiện, chủ nghĩa Vị lai, rồi chủ nghĩa Siêu thực, Trừu tượng, vv.. đều lấy cái bên trong tâm thức, chứ không phải cái đối tượng nhìn thấy, để biểu hiện. Trẻ em, có thể là một sự tiếp nối trinh nguyên nhất của tâm thức con người truyền qua nhiều thế hệ, và nơi mà chúng được quyền thể hiện cảm xúc và trí tưởng tượng nhất, là nghệ thuật, đặc biệt là hội họa do cái đặc thù vốn là trừu tượng của nó.
6. Có một sự tương đồng đáng lưu ý. Các bậc giác ngộ, các bậc minh triết đều khuyên chúng ta nên quay vào bên trong để điều chỉnh tâm thức, để chữa lành các vết thương tâm lý, và quan trọng nhất, để nhìn thế giới gần với sự thật nhất. Nhìn vào bên trong để tìm kiếm sự hiểu biết, trong khi xoá bỏ những chi tiết rườm rà, chỉ có tác dụng làm mờ sự thật. Đây có lẽ là cách các họa sĩ nhí tạo ra tác phẩm của mình Đây cũng lại chính là chủ trương của nghệ thuật hiện đại: xoá bỏ những chi tiết hiện thực để tìm ra vẻ đẹp đích thực, chính là hiện thực chân thật theo sự hiểu chứ không theo sự thấy.
7. Đơn cử một vài bức tranh tình cờ thấy trên fb và trong lưu trữ cá nhân. Tình cờ các họa sĩ nhí toàn họ Phạm:)
Hoạ sĩ Phạm Hồng Thái
0 nhận xét:
Đăng nhận xét