NÓI KHOÁC LÀM TRÍ TUỆ ĐẦN ĐỘN

24 tháng 6, 2022 0 nhận xét


Không thể khác được, người Việt có bài thơ:

"Mồm ăn, mồm nói, mồm cười
Mồm đi nói chuyện cho người ta yêu
Đến khi mồm lại nói điêu
Nhà tan cửa nát, nước xiêu vì mồm"
Nói điêu có thể có 3 cấp độ:
1-“nói dối” sáu lạng bảo một cân để vụ lợi.
2-“nói khoác” không vụ lợi trực tiếp nhưng uống nhiều bột nở để làm phồng mình lên như chiếc bánh mì.
3- “chém gió” huyên thuyên bát sát để khoe mẽ trí tuệ, và ngăn cản không cho người khác nói.
Tại sao người ta nói khoác? Triết gia tổ sư Aristote lý giải rất cặn kẽ: “Tuổi trẻ thường hay nói dối, vì đó là cách tốt nhất để hy vọng!” Tuổi trẻ chưa làm được gì ra tấm ra món nên thường nói dối để tăng bột nở cho mình. Chẳng hạn thấy người ta coi thường mình là ngây ngô mặt bấm ra sữa, thế là liền nói tăng vài tuổi, hay thường khoe cô này cô kia thích mình… nhưng đó là cái nói dối bản năng đáng yêu, không bao hàm những vụ lợi hay xấu xí!
Về già, thì người ta đã làm được ít nhiều, đã từng trải, chín chắn, có thành quả thì sẽ trân trọng lời nói của mình “uốn lưỡi bảy lần mới nói”. Nhưng than ôi, người nói khoác chém gió từ nhỏ, càng thấy mình tay trắng, càng bất lực và càng chém gió nói khoác tơi bời. Nói khoác thường trực, nói phét như một điều kiện sống, bởi họ run sợ, chỉ cần dừng bốc phét thì lâu đài bằng cát không chân móng của mình sẽ sụt lở, vì thế phải cướp diễn đàn, bốc phét như một điều kiện bất khả nhượng.
Người đời có câu “Thùng rỗng kêu to”, trí tuệ càng thấp bé thì càng thích bốc phét. Đó là nguyên lý luôn, triết gia Aristote nói: “Cái gì không dựa trên sự thật thì không phải trí tuệ”. Ngay từ nhỏ trẻ con đã được dạy: không được đưa sỏi đá hay kim vào mồm, cái đó biến thành trí tuệ. Khi cả đời nói phét thì làm sao có trí tuệ?
Các triết gia, đặc biệt Platon và nhân loại đều biết: Ngôn ngữ là trí tuệ và trí tuệ là ngôn ngữ. Vì thế đạo đức, lương tâm nằm song song ngôn ngữ của con người. Người đức cao vọng trọng như vua chúa thì “vua không nói chơi”, hoặc “Nhất ngôn cửu đỉnh”, hay “Nhất ngôn xuất ký, tứ mã nan truy” – một lời nói ra bốn ngựa (ngựa Tứ) khó đuổi. Còn người Việt thì bảo “Lời nói đọi máu” – tức lời nói ngang ngửa với sinh tồn, “nói chắc như đinh đóng cột” , và chớ có “nhổ rồi lại liếm”. Người Việt cũng xác định đẳng cấp của lời chính là đẳng cấp con người: “Lời người sang có gang có thép, đồ kẻ khó vừa nhọ vừa thâm” …
Càng nói khoác trí tuệ càng thấp, càng thấp lại càng hoang mang sợ hãi lại càng phải khoác lác. Có ông chàng, chém gió bất cần ba hoa rằng: “Tôi chưa in sách, nhưng sách tôi viết ra, cả thế giới nên đốt sách đi!” Trời ơi, ông ta đâu đã đọc sách thế giới là gì, chỉ cần đưa cho một cuốn của Kant thôi, đã ù tai chóng mặt. Đó là chưa kể ông ta chẳng biết một ngoại ngữ nào để đọc sách gốc. Nhìn cách đi đường, người ta biết phẩm chất của kẻ hành hương. Con lạc đà có thể vượt sa mạc vì nó chịu xấu đeo khối u lưng, và uống cả mét khối nước trước khi vượt sa mạc… còn mấy anh lèo tèo xuất bản mồm chuẩn bị cái gì mà đòi nhân loại đốt sách, hay là đang mơ tưởng ta là Tần Thuỷ Hoàng đốt sách giết nho?
Người chém gió không bao giờ thành công cũng như chạm ngưỡng vinh quang. Bởi vinh quang có nguyên lý của nó. Đó là: làm được mới nói được! Và muốn để người đời trọng thì phải như danh ngôn: “Người ta chỉ được yêu quí ngang với những gì cống hiến cho đời!” Và đơn giản rằng: muốn chinh phục người khác thì phải làm cho người ta “tâm phục – khẩu phục”. Vậy thì những anh chém gió có gì ngoài nói khoác để khiến người tâm phục khẩu phục?
Vậy mà than ôi, xã hội ta đầy rẫy những kẻ lười biếng, chỉ lo khoác lác và chém gió, lại còn thêm tội nói nước đôi nước ba, rồi có cả thứ “ngậm miệng ăn tiền”, khi biết mình thất thế về nhận thức liền im bặt hoàn toàn, ngậm miệng như hến, đó là chưa kể những thứ bạo lực mồm như “cưỡng từ đoạt lý” văng bậy, dùng chân tay uy hiếp đe doạ người khác… Những kẻ đó vừa phá sản trí tuệ cũng như lương tâm mình, phá vỡ gia đình bởi lẽ trong nhà “chồng hiền vợ thảo”, “cha từ con hiếu” thì không có chỗ cho ba hoa, và cũng là cách làm khánh kiệt quốc gia bởi vì người người lo làm ăn còn anh ta chỉ lo khoác lác, bốc phét.
Thiên Chúa dạy “Đức tin không việc làm là đức tin chết!” Vậy người khoác lác cũng chỉ là thứ “mồm miệng đỡ chân tay”, làm gì nuôi dưỡng trí tuệ và lao tâm khổ tứ hành động để kiến thiết cuộc đời cho mình cũng như cho đời?!
Than ôi, nước ta còn nghèo và dốt, khổ quá, vì loại khoác lác chém gió này đông ở mức hầu hết?!
Paul Đức 24/6/2022

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB