Trong đời ai cũng sẽ có một lần thất bại, có thể trong chuyện
kinh doanh, trong chuyện tình cảm lứa đôi, trong chuyện dậy con, trong chuyện sống
với bố mẹ, và trong cả chuyện sức khoẻ nữa. Thất bại là khi sự việc xảy ra không theo như ý muốn của ta, phải không?
Một con người sinh ra rất tự nhiên được lớn lên như cây lá, hoa
cỏ.. Tuy nhiên tuỳ điều kiện chăm sóc và tác động của gia đình, xã hội.. thì tầm nhận
thức của họ sẽ thay đổi, ảnh hưởng đến sự
thay đổi về nhân cách và lối sống, tạo thành cả một hệ quả cuộc đời. Trong cuộc đời ấy con người từ từ xây dựng nên những giá trị 'của mình' và dốc lòng theo
đuổi nó. Khi đạt được thì gọi là ‘thành công’ khi không đạt được thì gọi là ‘thất
bại’. Ngẫm ra, thất bại hay thành công cũng chỉ là khái niệm từ mình mà ra cả.
Này nhé, nếu một người xây cho mình một ‘nấc thang’ rẳng đến
40 tuổi phải trở thành một ai đó, có một địa vị nào đó trong xã hội, mà đến lúc
đó không đạt được như vậy gọi là thất bại phải không? Rồi một anh chạy maraton, anh ấy chay nhanh hơn người bình thường rất nhiều. Nhưng mỗi lần anh ấy lại tăng lên số km, hoặc rút ngắn thời gian. Và khi không vượt qua được 'ngưỡng mình đặt ra' thì anh ta đau khổ nhận là 'thất bại', đúng không?
Thông thường mỗi người có những nấc thang giá trị khác nhau nên thất bại của người này có khi lại là thành công của kẻ khác. Lấy ví dụ, với anh chạy maraton chẳng hạn: 100m của anh ấy mất có 5 giây, trong khi 100m của một kẻ tàn tật cần cả 5 phút. Một anh thì đau khổ, một anh thì sung sướng! Rồi một
anh nông dân có được một ‘con trâu và mảnh ruộng’ thế là thấy mình thành công
quá đỗi. Trong khi một anh thành phố muốn có nhà lầu xe hơi vài chục tỷ, mà chỉ
được ‘một con trâu và mảnh ruộng’ thì chắc chắn anh thành phố sẽ nói là ‘tôi đã
thất bại rồi!' Rõ buồn cười phải không nào?
Trong tình cảm cũng vậy. Một gia đình ly hôn, có thể với một
hoặc cả 2 người sẽ coi là họ bị thất bại trong hôn nhân. Và cũng có thể họ cảm thấy vô cùng đau khổ, thậm chí tự ti hoặc thù hận. Nhưng đó có phải là
'sự thất bại thật sự' hay không thì chưa chắc. Chẳng qua một trong hai, hoặc cả hai
đã không còn có duyên nợ với nhau nữa mà thôi, chưa chắc sống tiếp với nhau đã tốt hơn ấy chứ! Biết đâu sống một mình hoặc hôn nhân sau lại tốt hơn thì sao? Thế thì cuộc chia tay đó nên gọi là thành công hay thất bại đây nhỉ?
Trong kinh doanh việc thành công và thất bại cũng hết sức
bình thường! Mình vẫn còn nhớ lần phỏng vấn 1 doanh nhân nữ nổi tiếng của Mỹ (bạn
thân của Hilary) khi đến thăm VN, ai
cũng hỏi về thành công của bà ấy, và bà say sưa chia sẻ. Khi mình hỏi ‘có bao
giờ bà bị thất bại không, xin bà chia sẻ bí quyết vượt qua’, thì bà ấy buộc
miệng nói ‘không’ và tỏ ra hơi khó chịu. Nhưng ngay sau đó bà ấy cũng phải chữa
lại là có một lần đã mất tất cả, bà ấy phải làm lại từ đầu. Rất có thể nỗi
đau ấy người ta không muốn nói tới, chỉ nói tới những gì thành công thôi, nên
bà ấy mới phản ứng như vậy.
Con người cũng lạ lắm, ‘tốt khoe, xấu che’. Trong khi ngay
chính cái họ gọi là tốt hay xấu ấy là hết sức tương đối. Lão tử có nói ‘cao thấp
cùng chiều, tốt xấu cùng loại, trước sau cùng hướng..” Vì khi ta nói ‘cái này tốt’
có nghĩa là trong ta đã mặc định một cái khác xấu hơn rồi (luôn là tốt hơn một cái gì đó, nghĩa là cái kia xấu hơn cái này). Như vậy tốt xấu giống như là hai mặt của lòng bàn tay vậy. Xoay hướng này là 'tốt', mà hướng kia thì lại 'bị' coi là 'xấu' đấy. Các bạn có thấy như vậy không?
Mỗi một ngày ở SG có khoảng vài trăm công ty phá sản. Từ đầu năm đến giờ khoảng 30 ngàn công ty phá sản. Người
khác sẽ thấy rằng họ ‘thất bại’. Chưa chắc! Ở Mỹ, phá sản có khi là một cách
kinh doanh tốt để nhà nước giúp cho mình trả nợ xấu. Còn ở ta không có nhà nước lo nếu kinh doanh của bạn
là tư nhân. Vậy thì phá sản thì..là phá sản thôi, đóng cái cũ, mở ra cái mới, có gì đâu! Với nhiều người thì họ có thể vượt qua dễ dàng và coi đó
như là một bài học bình thường (giống như học sinh đi học bị điểm dưới trung
bình một bài học, và phải học, thi lại), nhưng với nhiều người khác thì phá sản là sự thất bại đau đớn, là
nỗi đau khó lòng vượt qua, thậm chí có nhiều người phát điên dại, hoặc tìm đến cái chết. Nhưng ngẫm kỹ mà xem, trước khi ‘có’ những thứ 'thành công' đó thì chẳng phải là họ ‘không có gì’ hay
sao? Vậy, bây giờ cùng lắm mất hết thì cũng chỉ là trở lại như ban đầu là lúc ‘không có
gì’ thôi mà, chứ có gì ghê gớm đâu? Tại sao lại đau đớn thế? Chẳng qua ta đã xây dựng cho ta những ‘ảo vọng’
về việc phải đạt được những giá trị đó, nên khi không đạt được (những cái ta đã vẽ ra, và mong mỏi đó) hoặc đạt được một thời gian, rồi mất nó đi thì ta đau khổ, phải không?
Bài học về thất bại cũng chắng khác bài học thành công. Nếu
đã một lần thất bại, bạn sẽ biết làm lại từ đầu, quan trọng là đừng bao giờ thối
chí. Tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức của bạn mà thôi. Nhận thức đúng thì
hành vi sẽ đúng. Trong Đạo Phật nói rõ phải có ‘chánh kiến’ trước rồi mới ‘chánh
tư duy’, ‘chánh tinh tấn’… Nếu nhận thức đã là ‘tà’ rồi thì sẽ kéo theo ‘tà tư
duy’, ‘tà tinh tấn’.. và khổ sở đi theo sau. Tóm lại, thành công hay thất bại chỉ là khái niệm tương đối. Hiểu ra được điều ấy thì nếu thất bại có đến
chúng ta không bị nó đánh gục và nếu thành công có đến chúng ta cũng không quá
vội mừng.
Chúc cho các bạn luôn an vui và hạnh phúc nhất là trong kỳ nghỉ dài này nhé! Happy holidays to you all!
BH 28/4/2012
2 nhận xét:
Chúc các bạn lớp mình kỳ nghỉ vui vẻ nhé!
Post lại bài đăng 4 năm trước, cho những ai chưa đọc nhé! Chúc các bạn luôn thành công trong từng việc nhỏ của cuộc đời
Đăng nhận xét