NGƯỜI BA LẦN TỪ CHỐI CỨU SỐNG MẠNG MÌNH

4 tháng 9, 2016 2 nhận xét
(Tặng các vị phụ huynh nhân ngày khai trường của trẻ em)
Yanush Korchak (Janusz Korczak, tên thật là Hendric Goldschmit) - nhà sư phạm, nhà văn, bác sỹ trẻ em, nhà tâm lý và nhà hoạt động xã hội xuất sắc của Ba Lan, gốc Do Thái. Ông đã ba lần từ chối cứu mạng sống của mình.
Lần đầu tiên đó là lúc Yanush quyết định không di tản sang Palestin, trước khi Ba Lan bị chiếm, để không bỏ rơi “Trại trẻ mồ côi” (do ông thành lập từ 1911 ở Warsau-dành cho trẻ con đường phố không gia đình, chủ yếu là trẻ Do Thái), trước khi các sự kiện kinh khủng của thế chiến 2 xảy ra.
Lần thứ hai-từ chối trốn khỏi "nhà tù lớn" Varsava.
Lần thứ ba, theo lệnh SS, cả trại lên tàu hỏa về trại tập trung, lần đầu tiên nhà sư phạm nói dối trẻ em. Ông bảo chúng mặc những bộ đồ đẹp nhất, mỗi đứa cầm theo một đồ chơi hay quyển sách yêu thích nhất, vì ông bảo chúng được dừng giờ học để về nông thôn, có hoa, có bướm...Khi tất cả những con người từ “Trại trẻ mồ côi” lên tàu hỏa đi về trại tập trung có một sỹ quan SS đến hỏi ông:
-Có phải ông đã viết quyển “Ông vua Matiush đệ nhất” không? Tôi đã đọc từ bé, quyển sách rất hay. Ông được tự do!
-Thế còn các cháu?
-trẻ em sẽ phải đi!
-thế thì ông nhầm! Không phải tất cả mọi người đều khốn nạn...
Sau đó vài ngày, tại trại tập trung Treblinka, Korchak cùng với tất cả trẻ em của mình, 196 đúa bé và hơn chục người giúp việc, bảo mẫu... đã đi vào lò hơi ngạt. Trên đường đi ông dắt tay hai cháu bé nhỏ nhất và kể cho chúng câu chuyện cổ tích còn dở, để chúng không để ý gì khác. Cảnh sát Ba Lan (theo phát xít) đứng thành hàng, giơ tay chào, bọn Đức thắc mắc hỏi người đàn ông này là ai, còn bọn họ nhiều kẻ không cầm được nước mắt...
Năm 1978 UNESCO tuyên bố là năm kỷ niệm Janusz Korczak.
Về con người ông, có thể không cần kể thêm gì, ngoài 10 điều răn ông để lại về đề tài giáo dục trẻ em:
1) Đừng chờ đợi con bạn sẽ giống mình, hay sẽ như mình muốn. Hãy giúp trẻ không trở thành bạn, mà là chính mình.
2) Đừng đòi con trẻ trả lại tất cả những gì bạn đã làm cho nó. Bạn cho nó cuộc sống, nó sẽ lại cho sinh linh khác cuộc sống, và cứ tiếp diễn như thế-quy luật bất biến của sự biết ơn.
3) Đừng trút giận lên trẻ em, để tránh ăn trái đắng lúc về già. Vì gieo gì, gặt nấy!
4) Đừng coi thường các vấn đề của trẻ. Mỗi người có một số phận, và hãy tin rằng-cuộc sống của nó cũng sẽ nặng nề không kém, có khi còn hơn ấy chứ, vì trẻ không có kinh nghiệm.
5) Đừng chà đạp!
6) Đừng quên rằng những cuộc gặp gỡ quan trọng nhất của một con người-đó là gặp gỡ trẻ em. Hãy chú ý hơn nữa đến trẻ em-ta không biết đang gặp ai trong hình hài đứa trẻ đâu.
7) Đừng dày vò bản thân, nếu bạn không làm được việc gì đó cho trẻ, đơn giản hãy nhớ rằng: ta chưa làm hết cho trẻ, nếu chưa làm được tất cả mọi thứ trong khả năng!
8) Con trẻ không phải là bạo chúa chiếm đoạt hết cuộc sống của ta,cũng không phải là sản phẩm của thể xác, máu thịt ta. Đấy là một cái bình quý, mà Cuộc sống ban cho ta để giữ và nuôi dưỡng ngọn lửa sáng tạo. Đó là tình yêu được chắp cánh của bố mẹ, những người sẽ nuôi dưỡng không phải con “tôi”, con “chúng ta” mà là một tâm hồn được trao cho ta để gìn giữ.
9) Hãy yêu quý trẻ con nhà khác. Đừng bao giờ làm gì với chúng điều mà ta không muốn người khác làm với con mình.
10) Hãy yêu con mình bất kể nó thế nào-bất tài, không may mắn, đã lớn rồi...Hãy giao lưu với chúng, hãy vui với con trẻ-đó là ngày lễ mà hiện nay ta đang có!
Ước gì tất cả các thầy, cô giáo nước ta cũng đọc qua câu chuyện nhỏ này...
(blog Nam Nguyen)

2 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB