1. Tiết Thu Phân là gì?
Tiết Thu Phân (秋分) trong đó Thu (秋) để chỉ mùa thu, Phân (分) tức là chia đôi, vậy Thu Phân có nghĩa là thời điểm chia đôi mùa thu, chia đôi ngày đêm thành hai phần bằng nhau. Tiết Thu Phân năm 2021 bắt đầu từ 23/9 và kết thúc trước 8/10 dương lịch. Thời điểm này, điểm chiếu sáng của mặt trời gần như chạm vào đường xích đạo, tiếp tục di chuyển xuống phía nam, vì vậy Thu Phân còn được gọi là Giáng Phân.
Vào ngày bắt đầu tiết Thu Phân, mặt trời ở vị trí xích kinh 180 độ, thời điểm 12h trưa sẽ tạo tiếp tuyến với xích đạo một góc 90 độ, do đó sẽ chia một ngày 24 giờ thành hai phần đều nhau: ngày 12 giờ, đêm 12 giờ. Sau Thu Phân, các địa phương ở Bắc bán cầu ngày ngắn dần, đêm dài dần, còn phía Nam bán cầu thì ngược lại: ngày dài dần, đêm ngắn dần.Trong tiết khí này không có nửa bán cầu nào của trái đất nghiêng về phía mặt trời nên lượng ánh sáng, nhiệt độ, thời gian chiếu sáng tương đương nhau.
Do sự dịch chuyển về phía Nam của mặt trời nên ở nửa bán cầu Bắc và khu vực phía trên đường xích đạo nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm tiếp tục giảm. Vì thế đa số các loài thực vật quang hợp kém, và trút lá vàng nhiều hơn, cây cối chuyển sang trạng thái tích lũy, tiềm ẩn như tạo củ, phát tán hạt để chờ cơ hội tiếp tục phát triển sinh sôi. Cũng vì thế mà các loài động vật trở nên khan hiếm thức ăn, nước uống nên hoặc di dời xuống phía Nam để tìm nguồn sốn tốt hơn, hoặc ẩn náu trong hang trong kén để tiết kiệm năng lượng.
Trong tự nhiên, Thu Phân thể hiện tiêu biểu ở 3 đặc điểm chính:
- Sấm thu thanh: Theo cổ nhân, sấm là tiếng thăng phát của dương khí, vào Thu Phân âm khí bắt đầu vượng, dương khí bị thu về, nên từ thời điểm này trong năm sẽ không còn tiếng sấm cho đến tiết Kinh Trập năm sau.
- Trùng đi ngủ: Thời tiết chuyển mát rồi lạnh dần, nên các loài côn trùng bắt đầu chui vào hang hoặc ẩn mình trong kén để tránh rét.
- Nước cạn dần: Không khí khô nên nước bốc hơi nhanh, do vậy nước ở các khu vực sông, suối cạn dần.
2. Các điểm cần lưu ý trong dưỡng sinh tiết Thu Phân?
Trong Đông y, một năm Xuân Hạ Thu Đông bốn mùa chia làm hai nửa, Xuân Hạ dương thịnh, Thu Đông âm thịnh. Thu phân chính là thời điểm chia đôi âm dương, trước Thu phân dương thịnh hơn âm, sau Thu phân âm thịnh hơn dương. Do đó tại thời điểm này âm dương nằm ở trạng thái cân bằng nhất, thời tiết và môi trường đều khá bình hòa, con người cũng thân thiện hơn. Chúng ta thường nhấn mạnh, trạng thái mà sức khỏe con người theo đuổi chính là sự cân bằng âm dương, và con người tương ứng với vũ trụ, khi đất trời cân bằng lại, con người cũng thuận theo đó mà cân bằng. Vì thế trong 15 ngày của Tiết Thu Phân, ứng với tự nhiên, chúng ta sẽ cảm thấy cơ thể thoải mái, dễ chịu nhất.
Tuy vậy, chúng ta nên biết rằng, đây chỉ là sự yên bình trước giông bão, bởi sau Thu Phân, âm khí sẽ làm chủ vạn vật, bắt đầu mở màn cho khí lạnh tràn về, kéo theo một loạt cơ hội phát tác những căn bệnh theo mùa như bệnh hô hấp, bệnh xương khớp, bệnh tim mạch... “Xuân Thu phồn lộ . m dương xuất nhập thượng hạ thiên” có nói: “Thu Phân giả, âm dương tương bán giã, cố trú dạ quân nhĩ hàn thử bình.” Lúc này, âm dương chi khí chuyển từ Hạ ngoại tán thành Thu nội liễm, và khí huyết trong cơ thể con người cũng vậy. Sự chuyển giao từ dương sang âm tất nhiên sẽ cho chúng ta một khoảng thời gian để thích ứng dần, vì thế mỗi chúng ta đều cần lưu ý thực hiện 2 nguyên tắc dưỡng sinh Tiết Thu Phân như sau:
(1) Ngủ đủ: Vào đời Tống, cứ đến tiết Thu Phân là bách quan được nghỉ, không phải lên triều để ở nhà nghỉ ngơi, có thể thấy cổ nhân vô cùng xem trọng thuận ứng thiên thời. Sau Thu Phân, âm khí tăng dần, dương khí giáng xuống. Chúng ta cũng cần thuận theo sự biến đổi của tự nhiên để điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt. Thời điểm này, các loài vật đều bắt đầu ẩn mình, con người cũng cần thu dương khí vào trong, do đó, không có gì quan trọng hơn giấc ngủ đủ.
3 Hành động để có giấc ngủ đủ: Ngủ sớm dậy sớm, Không vận động buổi tối, Không tắm đêm.
Vào Thu Phân do cơ thể chưa kịp thích ứng với dương tiêu âm trưởng nên thường xuất hiện 2 tình trạng điển hình: Khó ngủ và Khó tỉnh.
- Khó ngủ: Thường do dùng não nhiều, suy nghĩ nhiều khiến đêm không thu được dương khí vào trong, khó vào giấc ngủ.
Cách giải quyết: trước khi ngủ, dùng ngón trỏ và ngón giữa khép vào nhau day theo chiều kim đồng hồ từ huyệt Ấn Đường lên trên tầm 3-5 phút, hoặc lấy 1 hạt đậu xanh, dán lên huyệt, sáng hôm sau gỡ ra là được.
- Khó tỉnh: Thường do dương khí trong người yếu, thu vào được nhưng sáng sớm không phát ra ngoài được nên rất khó tỉnh, hoặc cảm thấy mệt mỏi, uể oải, khó tập trung...
Cách giải quyết: Day huyệt Thân Mạch hoặc vỗ đập huyệt Đại Bao.
(2) Ôn nhuận: Sau Thu Phân, nhiệt độ không khí ngày càng giảm, mang một chút hơi lạnh, cộng thêm độ ẩm không khí cũng giảm, tạo thành dạng tà khí gọi là lương táo (vừa khô vừa lạnh). Lương táo không chỉ sinh ra do cơ thể không đủ tân dịch mà còn từ bên ngoài nhiễm vào, khiến cho phế khí bế uất, tân dịch không thể tuyên giáng đưa đến toàn thân từ đó sẽ xuất hiện các triệu chứng: khô môi, khát nước, ho khan, da dẻ khô nẻ… Vì thế cần lựa chọn phương pháp ôn nhuận để dưỡng sinh, cải thiện tình trạng này.
Ôn pháp: Tức là giữ ấm, ôn dương. Thời tiết lạnh giúp chúng ta thu dương khí vào trong tốt hơn nhưng vẫn cần tránh bị nhiễm lạnh phòng cảm cúm, việc che chắn 3 vùng đầu cổ, bàn chân, bụng vẫn rất cần thiết. Đồng thời, để nuôi dưỡng dương khí ứng phó cho mùa đông sắp tới, thời gian này có một thói quen vô cùng quan trọng mà mỗi người cần thực hiện hàng ngày đó là: ngâm chân nước ấm 20 -30 phút trước khi ngủ. Ngoài ra để ôn kinh thông lạc bổ dương, có thể kết hợp hơ ngải các huyệt vị sau: Thái Khê, Bát Liêu, Tam m Giao, Túc Tam Lý, Thủy Đạo, Quan Nguyên, Mệnh Môn.
Nhuận pháp: Tức là dưỡng âm sinh tân, nhuận phế. Để dưỡng âm sinh tân cần chú ý uống đủ nước ấm, ăn các loại thức ăn dưỡng âm như: mộc nhĩ, a giao, mè đen, hạt óc chó, hạt dẻ… Để nhuận phế, có thể bổ sung các loại rau quả như: bách hợp, củ cải trắng, ngân nhĩ, lê, hồng chín, mía…
3. Một số loại trà thuốc đơn giản cho tiết Thu Phân:
- Khương Tô trà: có tác dụng khu phong tán hàn, rất hữu hiệu cho người bị cảm lạnh do phong hàn, đau đầu, sốt, nôn, đau dạ dày hoặc tiêu chảy. Cách làm: Gừng 3g cắt thành sợi, lá tía tô 3g rửa sạch cho vào ấm nước sôi ngâm 10 phút, uống thay trà, ngày ít nhất 2 lần uống nóng.
- Ngân nhĩ trà: tác dụng dưỡng âm nhuận phế, đặc biệt phù hợp với người bị ho lâu ngày, ho khan. Cách làm: ngân nhĩ 20g rửa sạch đun với đường phèn (20g), rồi pha 5g trà xanh trong 5 phút rồi đổ nước trà vào canh ngân nhĩ, trộn đều uống mỗi ngày.
Đông y nhấn mạnh “Thuận theo tự nhiên” , sự vận hành biến hóa của vũ trụ luôn diễn ra không ngừng, để thích ứng với sự thay đổi đó con người chúng ta cần có những điều chỉnh phù hợp. Tiết Thu Phân đang đến, những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn và gia đình có phương hướng chăm sóc sức khỏe, điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt và thói quen ăn uống hợp lý để giữ gìn cơ thể luôn khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật.
ST
0 nhận xét:
Đăng nhận xét