Có một thứ bạo hành đáng sợ - 'Bạo hành cảm xúc'

4 tháng 6, 2017 1 nhận xét
Bạo hành cảm xúc không phải điều gì xa lạ. Đó đơn giản là khi bạn trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, người mệt rũ chỉ muốn lăn lên giường để nằm nghỉ thay vì phải dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm. Nhưng lũ trẻ không để bạn yên, chúng sẽ ào vào với hàng chục các câu hỏi và những lời đề nghị: “Mẹ ơi, bông hoa nên tô màu xanh hay màu vàng?”, “Mẹ ơi, con muốn ăn bánh, mẹ vào lấy hộ con” hay “Mẹ ơi, mẹ chơi búp bê cùng con được không?”. Cảm giác bực tức xuất hiện, bạn bắt đầu trừng mắt nhìn con rồi bùng nổ như một núi lửa phun trào. Và ngay sau đó, bạn thấy đôi mắt trẻ thơ mở to, ngỡ ngàng nhìn bạn đầy khó hiểu. Đó có phải lúc bạn ước gì mình đừng bao giờ thốt ra những câu nói thô lỗ vừa xong?
Có một thứ bạo hành rất đáng sợ, đó chính là bạo hành cảm xúc trẻ. Khi bố mẹ lờ trẻ đi, không lắng nghe, không quan tâm và không đáp ứng nhu cầu được yêu thương của trẻ. Hầu hết các bậc làm cha mẹ đều từng ít nhất một vài lần khiến con cái cảm thấy buồn bã hay tức giận, thậm chí là tổn thương mà chẳng hề hay biết. Dưới đây là những câu nói phổ biến nhất mà bố mẹ tuyệt đối tránh nếu không muốn con bị "bạo hành" về cảm xúc.
1. Bạo hành cảm xúc trong câu nói: “Để bố, mẹ yên”
Tất nhiên cuộc sống có con nhỏ rất mệt mỏi và áp lực Vấn đề ở đây là khi bạn thường xuyên nói với trẻ “Đừng làm phiền mẹ nữa” hoặc “Bố đang rất bận”, bọn trẻ sẽ ghi nhớ điều đó. Chúng bắt đầu nghĩ rằng chẳng có gì hay ho để nói chuyện với bố mẹ khi bố mẹ luôn xua đuổi mình. Nếu bạn để con hình thành suy nghĩ đó từ nhỏ thì chúng càng ít khả năng giao tiếp với bạn khi lớn lên.
Từ thời thơ ấu, trẻ em nên được cha mẹ dành thời gian cho bản thân mình. Bố mẹ cần biết “xả van” các áp lực trông cuộc sống và công việc của mình bằng cách nhờ sự giúp đỡ của ông bà, thuê người trông trẻ theo giờ, chia sẻ công việc nhà với bạn đời hay thậm chí cho con xem tivi để bạn có thêm nửa tiếng thư giãn và nghỉ ngơi. Vào những lúc bạn quá bận rộn hoặc căng thẳng, hãy nói với bé: “Mẹ phải hoàn thành xong việc này trước đã. Con có thể để mẹ yên lặng làm việc trong vài phút được không, sau đó mẹ con mình sẽ chơi cùng nhau nhé”.
2. Bạo hành cảm xúc cũng có thể là khi bố mẹ nói: "Con thật là ..."

Có phải bạn thường xuyên gắn cho con những tính cách kiểu như: “Tại sao con lại ích kỷ như vậy?”, “Sao con hậu đậu thế nhỉ?”. Hay đôi khi, bạn còn nói với người khác trước mặt con: “Con gái em nhát như cáy ý”. Trẻ nhỏ tin vào những gì chúng được nghe mà không hề nghi ngờ gì cả, ngay cả khi đó là câu nói về bản thân chúng. Vì vậy, khi bạn “dán nhãn” các tính cách tiêu cực cho trẻ, nó có thể trở thành những lời tiên tri bạn dành cho con mình. Tuấn nhận được thông điệp rằng ích kỷ là bản chất của cậu bé. Còn cô bé Anh Thư “hậu đậu” thì bắt đầu suy nghĩ về mình theo đúng cách đó.
Những câu nói nặng nề hơn để lại những vết sẹo sâu hơn trong lòng con trẻ. “Con thật ngu ngốc” hay “Con đúng vô tích sự” sẽ phá hoại sự tự tin của con trước mặt bạn bè cùng trang lứa. Một cách tiếp cận tốt hơn để giải quyết các vấn đề cụ thể là phân tích cho con hiểu và tránh nhắc đến những tính cách mà bố mẹ áp đặt vào con. Ví dụ như: “Thắng rất buồn khi con nói rằng con không cho bạn ấy chơi đồ chơi của con nữa. Theo con, mình nên làm thế nào để bạn vui hơn?”.
3. Bạo hành cảm xúc bằng cách nói ngăn chặn cảm xúc: “Đừng khóc nữa"
Các biến thể khác của câu nói trên là: “Đừng buồn”, “Đừng có trẻ con thế” hay “Chẳng có lý do gì khiến con lo lắng”. Nhưng khi những đứa trẻ khóc tức là chúng đủ buồn đến mức phải khóc, nhất là với trẻ mới tập đi – lứa tuổi mà chưa thể diễn đạt hết được cảm xúc của mình bằng lời. Chúng cảm thấy buồn. Chúng sợ hãi. Và chúng khóc!
Làm cha mẹ, chúng ta xuất hiện mong muốn bảo vệ con khỏi những cảm giác như vậy, nhưng câu nói “Con đừng….” không khiến trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Thông qua câu nói của mình, bạn đang gửi thông điệp rằng cảm xúc của con là không thích hợp, việc con buồn hay sợ hãi không đúng một chút nào.
Thay vì điều an ủi con theo cách đó, bạn nên thừa nhận cảm xúc của con và nói: “Chắc chắn con đang rất buồn vì Nam nói không muốn làm bạn với con nữa đúng không?” hoặc “Sóng trông có vẻ đáng sợ khi con chưa quen với nó, nhưng hai mẹ con mình sẽ cùng đứng đây để thử cho nó vuốt ve bàn chân mình nhé. Mẹ hứa là không buông tay con ra đâu”… Bằng cách gọi tên những cảm xúc thực sự của con, bạn sẽ cho con thấy được sự đồng cảm của mình. Cuối cùng, con sẽ khóc ít đi và mô tả cho bạn nghe những gì cậu bé đang thật sự cảm thấy.
co mot thu bao hanh dang so bao hanh cam xuc tre
Thay vì "bạo hành cảm xúc" của con, bố mẹ nên thừa nhận cảm xúc của con để giúp con thoải mái hơn trong việc bộc lộ và kể lại cảm xúc của mình. (Ảnh: Yowoto).
4. Bạo hành cảm xúc khi so sánh: "Tại sao con không thể cư xử giống như chị?”
Việc lấy một đứa trẻ khác làm ví dụ là thói quen thường gặp của các bà mẹ: “Nhìn kìa, Tuấn Anh đã tự cài được cúc áo đấy”, hoặc “Chị Bảo Châu năm lên ba tuổi đã biết gọi mẹ cho ngồi bô rồi”. Nhưng bố mẹ cần nhớ, con bạn là chính mình, không phải Tuấn Anh hay Bảo Châu nào cả.
So sánh một đứa trẻ khác để tìm kiếm cột mốc tham khảo về sự phát triển của trẻ em là điều hoàn toàn tự nhiên, nhưng đừng để con nghe thấy bạn nói điều đó. Mỗi đứa trẻ phát triển theo một tốc độ riêng cũng như với tính cách của riêng mình. So sánh con bạn với một đứa trẻ khác là bạn đang gửi một ngụ ý ngầm: bạn muốn con là một người khác. Chưa kể việc làm này cũng không giúp thay đổi hành vi của bé. Bị buộc phải làm điều gì mà con chưa sẵn sàng (hoặc không thích làm) có thể làm con bị nhầm lẫn và giảm sự tự tin của mình. Thậm chí, con còn thấy khó chịu và tức giận với bạn đến mức cô bé sẽ quyết tâm làm ngược lại bất cứ những gì bạn muốn nhằm đối đầu với mẹ.
Thay bằng việc so sánh, mẹ hãy khuyến khích những “thành công” nhỏ của con: “Ồ, con đã tự xỏ được tay vào áo một mình rồi đấy”, hoặc “Con đã biết gọi mẹ khi đi tè rồi, nhưng lần sau mình thử ngồi bô nhé”.
5. "Dừng lại nếu không bố sẽ cho con một trận!"
Các câu nói đe dọa, thường là kết quả của sự thất vọng của cha mẹ, hiếm khi có hiệu quả. Cha mẹ thường quát “Hãy làm đi nếu không con đừng trách mẹ!”, hoặc “Nếu con còn tiếp tục một lần nữa, bố sẽ cho con một trận!”. Vấn đề là sớm hay muộn, bố mẹ phải thực hiện câu đe nẹt của mình, nếu không bố mẹ sẽ tự làm mất quyền lực của mình trước mặt trẻ. Việc này thường dẫn tới các trận đòn – một loại hình phạt đã được chứng minh là cách không có hiệu quả để thay đổi hành vi của trẻ.
Trẻ càng nhỏ thì thời gian học cách cư xử càng dài. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ một đứa trẻ 2 tuổi lặp lại đúng cách cư xử xấu của nó trước đó trong cùng một ngày lên đến 80%, bất chấp hình phạt kỷ luật nào mà bố mẹ áp dụng. Ngay cả với những đứa trẻ lớn tuổi hơn, không có chiến lược kỷ luật nào mang lại kết quả chắc chắn. Vì vậy, để hiệu quả hơn, bố mẹ cần có các chiến thuật khác như chuyển hướng sự chú ý, đưa con ra khỏi tình huống khó xử hoặc phạt bằng cách không cho chơi những trò chúng yêu thích trong một khoảng thời gian, hay vì dựa vào những hình phạt có hậu quả tiêu cực như đe dọa bằng lời nói và đánh đòn.
co mot thu bao hanh dang so bao hanh cam xuc tre
Dọa nạt và đánh đòn là các biện pháp không hiệu quả trong việc thay đổi hành vi của trẻ (Ảnh: Generalnews).
6. Bạo hành cảm xúc khi giễu cợt: “Con phải làm tốt hơn chứ”
Giống như so sánh, một lời nói giễu cợt có thể mang đến kết quả theo cách mà cha mẹ không bao giờ nghĩ đến. Con bạn có thể thật sự không thể làm tốt hơn. Học là một quá trình của thử nghiệm và mắc sai lầm. Liệu đứa con của bạn thật sự hiểu rằng một cái bình đầy sẽ khó rót nước? Có thể cái bình hôm qua cậu bé rót nhẹ hơn, hoặc nó khác hoàn toàn với bình nước mà cậu đã thành thạo sử dụng ở trường mẫu giáo.
Và ngay cả khi hôm qua cậu vừa mắc phải sai lầm tương tự thì lời giễu cợt của bố mẹ chẳng có chút hiệu quả hay mang ý nghĩa tích cực nào đối với con. Bạn có thể nhận thấy câu nói của mình không có vấn đề gì, nhưng khi nó được lặp đi lặp lại nhiều lần, nó sẽ gửi một thông điệp đến lũ trẻ rằng chúng chỉ khiến người khác vướng chân và chúng không bao giờ có thể làm được điều gì đúng cả. Vì vậy, thay vì những câu nói kiểu như “Không thể tin được con đã làm đổ tung tóe sữa ra bàn” hay “Mẹ nghĩ con phải làm được việc đó một cách cẩn thận hơn ở tuổi này chứ”, mẹ hãy cụ thể hơn “Mẹ nghĩ lần sau con rót theo cách này sẽ tốt hơn”.
co mot thu bao hanh dang so bao hanh cam xuc tre
Thay vì bạo hành cảm xúc con những lời nói giễu cợt , bố mẹ hãy khuyến khích bằng các câu hướng dẫn tích cực, con bạn sẽ học được cách làm đúng mọi việc nhanh hơn (Ảnh: Newsgam).
7. Bạo hành cảm xúc bằng cách đe nẹt: “Cứ chờ đấy, lúc nào bố về mẹ sẽ mách bố để bố cho con biết tay!"
Câu nói này không thể là một lời đe dọa, nó chỉ làm giảm hiệu lực của kỷ luật. Để có hiệu quả, bạn cần phải xử lý tình huống ngay lúc nó xảy ra. Kỷ luật bị trì hoãn không giúp kết nối các hành động của con với hậu quả đã xảy ra. Bởi khi người cha, hoặc người mẹ về nhà, con bạn có thể đã quên bẵng mất chuyện gì cậu bé đã làm.
Chuyển sự trừng phạt sang người khác có thể làm giảm quyền lực của bạn. Con bạn có thể nghĩ “Tại sao mình phải nghe mẹ khi mẹ chẳng bao giờ làm gì hết mà toàn phải đợi bố về”. Thêm nữa, bạn đang đặt chồng mình vào vai trò “ông ba bị độc ác” trong mắt con.
8. Bạo hành cảm xúc ngay cả khi không cho trẻ thời gian: "Nhanh lên, con lề mề quá thế nhỉ?"
co mot thu bao hanh dang so bao hanh cam xuc tre
Khi giục giã, chúng ta có khuynh hướng khiến con cảm thấy tội lỗi vì cho rằng vì chúng mà bố mẹ vội vàng. Đó là cũng là một dạng bạo hành cảm xúc (Ảnh: Báo mới).
Có cha mẹ nào trong sự bận rộn, thiếu ngủ, tắc nghẽn giao thông mà chưa từng thốt lên câu nói “bất hủ” này? Có phải con bạn luôn không thể tìm thấy chiếc tất còn lại, để quên mũ trong nhà, không nhớ nổi bạn vừa nhắc mặc chiếc quần áo, hay tệ hơn, cậu bé chẳng thể nhớ nổi cái gì? Còn bạn thì bắt đầu rên rỉ, hò hét với tay chống hông và mặt cau lại. Hãy cẩn thận! Khi vội vã, chúng ta có khuynh hướng khiến lũ trẻ cảm thấy tội lỗi vì cho rằng chúng đã khiến bố mẹ vội vàng. Cảm giác này có thể khiến chúng khổ sở nhưng không thể giúp chúng di chuyển nhanh hơn. Nhà hoạt động xã hội Paul Coleman, tác giả cuốn sách “Làm thế nào để đối thoại với trẻ” cho biết, thay vì yêu cầu con phải tìm bằng được thứ gì đó ngay khi cả nhà đi ra ngoài, ông đã tự mình đẩy nhanh tốc độ mọi việc lên trước 10 phút để con có thêm thời gian.
ST

1 nhận xét:

  • Như Hải nói...

    Ai trong chúng ta cũng đã từng là nạn nhân, và cũng hơn 1 lần là người bạo hành những đứa bé ngây thơ của mình mà không biết. Bài viết rất thấm thía và chưa bao giờ 'cũ'.

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB