Được vẫn dửng dưng, mất vẫn ung dung

3 tháng 6, 2017 0 nhận xét
Cuộc đời con người qua đi thật không khác gì một vở kịch. Khi quay đầu ngoảnh nhìn lại, người ta mới thấy thành bại chỉ là hư ảo, công danh lợi lộc cũng thành mây thành khói. Cho dù là đế vương thừa tướng hay tiểu thương sai nha, dù là anh hùng hay kẻ nhu nhược, cuối cùng cũng chỉ là một nắm đất mà thôi. Ngay cả những dấu tích hoành tráng và hào hùng cuối cùng cũng trở thành tro bụi trong dòng sông lịch sử.
Lúc ban đầu khi được sinh ra, vạn vật tự nhiên vốn là yên bình, trăng thanh gió mát. Nhưng con người trong suốt chiều dài lịch sử, vì quan niệm ích kỷ, vì để được nhiều lợi hơn nên chỉ biết tranh giành, chiến tranh liên miên, luôn tự hủy diệt lẫn nhau, cá lớn nuốt cá bé. Cùng với những thay đổi đó là sự biến hóa của thiên tượng như mưa lũ, bão lụt, động đất thiên tai.
Tâm thái của con người quyết định hành vi, còn hành vi quyết định hướng đi của cuộc đời. Tâm hồn tự tại, tính cách phóng khoáng, tấm lòng rộng rãi, và khí chất thoát tục sẽ khiến cuộc sống êm đềm. Phải tu tâm dưỡng tính mới có thể đạt được cảnh giới như thế.
Người nào có thể bảo trì được tâm thái từ bi, hòa ái thì mới có thể có tâm cảnh yên bình và trí tuệ sáng suốt, tự tin và lạc quan đối diện với muôn vàn nghịch cảnh và gian khó, mới có thể lấy lòng khoan dung độ lượng để tha thứ cho người và tiếp nhận chính mình.
Vì đại cuộc mà quên tư lợi
Có câu nói chí lý: “Được vẫn dửng dưng, mất vẫn ung dung”. Câu nói này khiến chúng ta không khỏi nhớ đến nhân vật lịch sử thời Đường được ghi chép trong “Cựu Đường thư”.
Năm Trinh Quán thứ 8, Trưởng Tôn Hoàng hậu bị lâm trọng bệnh, Thái tử Lý Thừa Càn trong lúc chăm sóc thân mẫu đã thưa: “Hiện đã dùng đủ mọi cách nhưng bệnh tình của người vẫn chưa có chuyển biến gì. Giờ xin người cho con bẩm tấu Hoàng thượng đặc xá tù nhân, phổ độ để cầu đạo, mong rằng cách làm này có thể tăng thêm phúc thọ cho người”.
Hoàng hậu nghe thấy thế liền trả lời: “Sống chết có mệnh, sức người không thể thay đổi được. Đặc xá là đại sự quốc gia, sao có thể vì một người đàn bà như ta mà làm loạn phép tắc thiên hạ được?”
Thái tử không dám tấu xin Hoàng thượng, mà chỉ kể lại với tể tướng Phòng Huyền Linh. Nhưng tể tướng Phòng Huyền Linh lại đem chuyện này kể lại với vua Đường Thái Tông. Vua Đường Thái Tông cùng các bề tôi ai nấy đều cảm động. Các quan đại thần trong triều đình đều thỉnh cầu đặc xá và Đường Thái Tông đành phải nghe theo. Tuy nhiên khi Trưởng Tôn Hoàng hậu biết việc ấy đã cực lực phản đối, cuối cùng vua Đường Thái Tông đành từ bỏ ý định.
Câu chuyện lịch sử cho thấy tâm thái điềm nhiên của Trưởng Tôn Hoàng hậu khi đối diện với cảnh giới sinh tử cuộc đời, quyết không vì chuyện riêng mà thay đổi pháp luật xã tắc.
Sự thành tín và uy đức của con người bắt nguồn từ phẩm đức cao thượng biết hy sinh cái tôi nhỏ nhen vì đại cuộc. Đức hạnh của Trưởng Tôn Hoàng hậu thật cao quý, thà chết cũng không muốn mưu lợi riêng vì bản thân và gia tộc mình.
Khi bệnh tình nguy kịch, Trưởng Tôn Hoàng hậu đã nói lời từ biệt vua Đường Thái Tông. Khi đó tể tướng Phòng Huyền Linh vì bị Vua quở trách đã trở về nhà. Hoàng hậu nói: “Phòng Huyền Linh theo hầu Bệ hạ thời gian dài nhất, cẩn thận nhất, là vị tướng tài mưu kế không ai đoán được và luôn kín đáo, mọi việc đều biết dự tính trước mà không để lộ, vì thế mong Bệ hạ đừng bỏ ông ấy.
Tổ tiên thần thiếp may mắn được kết thông gia cùng Bệ hạ. Họ sẽ không vì đạo đức mà từ bỏ vinh quang, sau này dễ có lúc gặp nguy hiểm. Muốn bảo toàn họ thì xin đừng xếp cho họ những vị trí quan trọng.
Chỉ cần để họ lấy thân phận bên ngoại mà thừa hành, yết kiến triều đình, như thế là may mắn cho họ rồi. Thiếp khi còn sống không có ích gì cho triều đình, giờ chết cũng không cần an táng long trọng. Thiếp xin chỉ an táng âm thầm, đừng cho ai biết.
Từ xưa, các bậc thánh hiền đều xem trọng việc mai táng giản tiện, chỉ có thời loạn vô đạo mới xây lăng tẩm to lớn, hao tổn sức người vô ích, bị những người hiểu biết chê cười. Thiếp thỉnh cầu hãy chôn thiếp núp vào núi, không cần xây mộ, không cần quan tài, những đồ thiết yếu chỉ dùng ngói gỗ, ma chay thật giản tiện, làm như thế chính là Bệ hạ đã không quên thần thiếp.”
“Được mất” trong cuộc đời chỉ thoảng qua như mây khói
Ngày 21/06 năm Trinh Quán thứ 10, Hoàng Hậu qua đời tại điện Lập Chính, lúc vừa mới 36 tuổi. Cung nữ trong cung dâng vua Đường Thái Tông một cuốn sách tên “Nữ tắc” do Hoàng hậu biên soạn và nói: “Hoàng hậu khi còn sống đã sưu tập những câu chuyện về nữ nhân tham gia việc triều chính trong lịch sử rồi soạn thành sách này, vì người cảm thấy viết chưa được chặt chẽ nên chưa dám trình dâng. Không ngờ Hoàng hậu chưa kịp sửa xong thì…”
Theo sử sách ghi lại, vua Đường Thái Tông khi mở sách ra xem đã không kìm được mà bật khóc nghẹn ngào, tiếng khóc vô cùng bi thương.
Vua Đường Thái Tông tay cầm sách “Nữ tắc” nói với các cận thần: “Sách này của Hoàng hậu có thể lưu lại làm mô phạm cho muôn đời!”
Vua Đường Thái Tông còn nói, mình không phải không biết đây là mệnh trời, đau thương cũng không làm được gì. Nhưng từ nay về sau vào cung điện không còn nghe được những lời khuyên nhủ của Hoàng hậu, cũng có nghĩa là đã mất đi một người phụ tá xuất sắc, ta cảm thấy vô cùng đau xót!
Lợi ích vật chất trong cuộc đời rồi cũng qua đi như mây khói, giành được cũng không đáng để vui, không cần phải đắc chí, mất đi cũng không cần quá xót xa khiến tinh thần sa sút, chán nản thất vọng. Tấm lòng độ lượng, quên mình sẽ luôn được tạc đá ghi vàng, phẩm đức cao thượng và tinh thần kiên trung bất khuất sẽ lưu danh muôn đời, người người ngưỡng mộ.
Cuộc sống đơn giản, mộc mạc, tâm thái khiêm nhường, khoan dung mới khiến tâm hồn luôn thanh thản. Vạn sự đừng gò ép mà hãy thuận theo tự nhiên, như thế mới có thể đạt tới cảnh giới tinh thần thong dong tự tại.
An Hòa (biên dịch)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB