"Trà, Kính Trà, Kính Trà Thơm.."

24 tháng 10, 2018 0 nhận xét
Tô Thức, hiệu Đông Pha cư sĩ, nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời Bắc Tống. Ngày thường ông thích cải trang dạo chơi khắp danh sơn cổ tháp, lui tới đàm đạo cùng các vị tăng nhân.
Năm Hi Ninh thứ 4 (1071), Tô Thức giữ chức Hàng Châu thông phán, làm quan ở đây 3 năm. Một ngày nọ, ông đến một ngôi chùa ở Hàng Châu du ngoạn, đến lúc vừa mệt lại vừa khát, bèn đi vào trong chùa nghỉ tạm.
Phương trượng trong chùa thấy ông ăn vận quần áo giản dị bình thường, liền nghĩ đây chỉ là khách hành hương tầm thường nên tỏ ý xem thường không coi trọng. Vị phương trượng chỉ thản nhiên nói: “Ngồi”. Lại xoay người nói với tiểu hòa thượng: “Trà”. Tiểu hòa thượng vì thế bưng lên một chén trà cũ đã nguội.
Sau khi hàn huyên vài câu chuyện, phương trượng cảm giác vị khách này ăn nói lưu loát, quả là không tầm thường, hơn nữa phong thái phi phàm, liền mời khách vào trong phòng đàm đạo. Sau khi vào phòng, phương trượng khách khí nói: “Mời ngồi!”. Lại bảo tiểu hòa thượng: “Kính trà!”.




Hòa thượng mời trà Tô Đông Pha. Ảnh dẫn theo bloggang.com

Sau một hồi trò chuyện, phương trượng biết được vị khách này chính là đại thi nhân tiếng tăm lừng lẫy Tô Đông Pha, vội vàng thở dài cung kính dẫn ông vào phòng khách, không ngớt lời nói: “Kính mời ngồi!”. Rồi lại gọi tiểu hòa thượng: “Kính trà thơm!”.
Lại nói chuyện một hồi, Tô Đông Pha bèn cáo từ. Phương trượng nhanh nhảu nói: “Tô học sĩ hạ cố đến chơi, mời ngài đề lên mấy chữ làm lưu niệm”. Tô Đông Pha suy nghĩ một chút, mỉm cười múa bút, viết lên một câu đối.

Vế trên là: “Tọa, thỉnh tọa, thỉnh thượng tọa”. (Ngồi, mời ngồi, kính mời ngồi).
Vế dưới là: “Trà, kính trà, kính hương trà”. (Trà, kính trà, kính trà thơm).
Vị phương trượng lúc đó mới thấy xấu hổ đỏ bừng mặt, không nói được lời nào.
Thế nên, người thông minh đều biết rằng, chứng minh giá trị của một người, tuyệt đối không nằm ở lời nói của vài người khác. Tô Thức có sự trải nghiệm và tu dưỡng, khi ông bị người khác khinh thường, không vì thế mà nổi trận lôi đình, bộc phát cơn tức, ngược lại còn rất điềm tĩnh tự nhiên đối đãi, không quan tâm đến thái độ của người khác.
Còn vị phương trượng, mặc dù làm một người tu luyện nhưng chưa tu bỏ được cái tâm phân biệt sang hèn, cuối cùng đã lĩnh ngộ được tài hoa của Tô Thức, từ đó mà cảm thấy xẩu hổ.
Trong cuộc sống, có lẽ chúng ta cũng sẽ gặp không ít những tình huống tương tự như Tô Thức ở trên. Liệu khi đó bạn có giữ được phong thái điềm tĩnh như vậy?
ST 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB