Trở về quê, một vùng biển miền Trung (ngoại ô của huyện Ninh Hoà,
Khánh Hoà) sau 6 năm, thấy mọi sự thay đổi khá nhiều. Nhiều chuyện vui buồn để
kể.

Giỗ quê.
Đám giỗ
ông nội thật đông, gần 150 người
họ hàng. Ai cũng ra chào mà chẳng biết con ông cậu nào, dì nào… Rồi bên ngoại,
bên nội của ông nữa. Chỉ tính riêng một nhà chú út mà có đến.. 72 người cả con
cái cháu chắt. Vậy tập hợp hết hơn 10 gia đình (con của ông bà nội mình) thì chắc lên gần
cả ngàn người.
Thói quen ăn giỗ ở
miền này là lẩu gà lá giang hay lẩu hải sản, cá mú hấp, mực xào và.. bia. Bàn
nào bàn nấy nhậu rôm rả. Họ không kêu ‘Dzô’ như ở SG mà kêu ‘Lên nào’ rồi cụng.
Hết lon, họ quẳng xuống dưới chân bàn. Xương cá, tôm, thịt gì gặm xong là cũng xuống
chân bàn. Sau đó chủ nhà đi dọn. Thường đàn ông uống
nhiều, ‘chém gió’ cười nói ha hả. Xong tiệc lôi nhau vào nhà chủ... làm một giấc. Chiều
các bà vợ tự biết chồng mình đang ngủ ở chỗ nào mà gọi về. Văn hoá nông thôn
vùng biển là thế, như thế từ lâu rồi...
Ở vùng quê này hình như ai cũng biết ai, ai cũng
là họ hàng của ai đó, trải dài từ cổng Ninh Diêm cho đến cuối Dốc Lết, lên tới cả
vùng Phú Hữu, Ninh Hoà. Nên, nếu ông nào lơ mơ có bồ là vợ biết liền. Có điều là bà nhà
chấp nhận hay không thôi. Nhiều bà vợ ở quê đành im lặng thay vì la lối, chấp
nhận thay vì phản đối, bởi họ thường lam lũ, đứng sau bóng chồng.
Tảo Mộ.
Mộ ông nội là đầu tiên ở khu nghĩa trang tự
phát (mà đám em trong nhà mình gọi đùa là ‘ông chủ tịch’) giờ ngày một đông lên,
phải vài trăm lớn bé. Ngôi mộ đôi nằm giữa được con cháu chăm sóc, tôn tạo giờ
cũng đẹp lên nhiều. Kẻ đi người ở thường đến thăm nom nên chắc ông cũng khuây khoả. Nhất là khi mộ bà được bốc
về nằm cạnh bên ông. Thôi thì khi sống không được trọn bên nhau, thì khi chết về
gần nhau cũng ấm cúng.
Kể cho chị về cuộc
đời bà Nội, chị sững người vì không biết bà khổ như thế, cuộc đời éo le đến thế.
Kể xong hai chị em lặng im, trầm ngâm. Ờ, đời ai cũng khổ, nhất là phụ nữ, nhưng
những người mà chết trẻ, như bà, cuộc đời éo le như bà chắc cũng không nhiều. Và
cả ông nữa… Ông cũng sống một đời cô độc đấy thôi. Chiến tranh... nhà ai mà chẳng có
nỗi đau, phải không?
Ngoại trừ 2 nhánh đường
chính là buôn bán cửa hàng nhỏ, còn lại dân
toàn làm đìa tôm, đìa cá, và canh tác ruộng muối. Cây cối ở đây cũng ít nên nắng
lên là chang chang, cháy mái đầu. Nghe nói mấy năm nay mất mùa nuôi tôm, dân
quay sang nuôi ốc hương, nuôi bè cá Mú. Vậy mà một đìa bị bệnh, tất cả các đìa
mất trắng bởi dùng chung 1 kênh dẫn và thoát nước. Rồi thiên tai, nước biển
tràn vào, cá tôm đi sạch. Mất mùa liên miên thế. Có nhà nuôi 6,000 con cái mú,
nước lên cá đi mất 5,000 con. Vậy là lỗ gần 3 tỷ cộng thêm công lao nuôi cá suốt
1.5 năm.
Nhờ du lịch phát triển mấy năm gần đây nên Dốc Lết được nhiều người biết đến, dân ngoại tỉnh chạy
về đầu cơ đất, đẩy giá nhà đất lên cao. Nhờ bán đất nên dân cũng có đồng ra đồng
vào, xây nhà cao tầng thay cho nhà gỗ, nhà tranh. Khu vực Dốc Lết giờ khách sạn
tư nhân nhiều hơn, nhưng vắng khách, do chưa biết cách làm du lịch cho khách
nước ngoài. Chủ yếu vẫn là khách vãng lai người Việt. Thi thoảng có khách tây
ba lô đến ở Homestay hoặc vài nhà nghỉ ven biển. Ít khách, biển sạch, tắm thích hơn.
:D)
Ăn chơi.
Chả có gì chơi ở đây ngoài tắm biển. Mượn chiếc xe máy chạy 1 vòng
15 phút là hết vùng Ninh Diêm này. Qua 1 nhà thờ, 2 cái chùa làm mốc, còn lại là
những cánh đồng muối trắng và đìa tôm cá. Thương cho dân ở đây vì chỉ loanh quanh
ra vào nhà mình và nhà hàng xóm. 9h đã đi ngủ hết rồi, chắc thế nên họ mới đẻ nhiều :D).

Đồ ăn ở đây khá ngon,
chủ yếu là hải sản tươi sống do đây là nơi đánh bắt và nuôi trồng của tỉnh Khánh Hoà.
Đồ ăn rẻ lắm:1kg tép biển tươi chỉ 30-40 ngàn. 1 mâm cỗ mặn chỉ mất khoảng 1 triệu
cho 10 người mà toàn hải sản cao cấp. 2 mâm cỗ chay với khoảng 6 món mà chỉ hết
300 ngàn tiền chợ. Rau xanh thì nhiều, rẻ như đi cho. Sáng mà ăn 1 hộp xôi thập
cẩm rất ngon hết có 5 ngàn, 6 cái bánh xèo hết 12 ngàn. Các món chè thì đa dạng, vừa ngon vừa rẻ. Nem lụi, nem nướng, nem chiên là đặc sản quê mình. Thế nên về có mấy ngày mà lên mấy ký. :D).
Muốn ăn đồ Tây thì đừng ăn ở đây nhé, vì họ không biết nấu và
thường là tối về nhà ăn uống với gia đình, nhậu cũng nhậu trong sân nhà mình hoặc
hàng xóm.
Về quê kể cũng vui,
nhưng cũng buồn. Buồn vì người dân vẫn chỉ nghĩ bé, làm bé, nên không vượt ra khỏi
cái vòng luẩn quẩn của buôn bán nhỏ. Cách làm đìa tôm, cá vẫn theo trào lưu nên mất là mất trắng (chỉ giàu tụi bán thuốc, bán giống). Vui vì dù sao cuộc sống đã khá giả, đã lên
nhà lầu. Một vài con cháu đã sắm cả SH, xe hơi, hay mua được vài miếng đất.
Quê.. vẫn cảm thấy
nơi này không thật sự gần gũi vì nhiều thứ lạ lẫm, không gắn với kỷ niệm tuổi thơ của mình. Quê là quê của cha, của ông, của những kỷ niệm thời chiến
tranh.
Quê.. đối với mình vẫn là Hà Nội. Nhưng ở đó không còn ai để về thăm nữa,
ngoại trừ những đứa bạn cũ giữ chân mình lại, những hàng sấu già, mùi hoa sữa, hay những bó hoa
cúc hoạ mi khiến xao lòng mỗi khi trở về.
'Quê hương' thật ra định nghĩa cũng đơn giản lắm: chỉ là nơi khi
trở về ta thấy vui, khi chia xa ta bịn rịn. Thế thì, nơi nào cho ta cảm giác 'quê' như vậy thì đó chính là quê hương của ta rồi, phải không bạn hả? Chúc bạn luôn có một nơi như thế để bịn rịn khi đi xa, hạnh phúc khi trở về!
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương đường đi học
Con về rợp bóng cò bay
Quê hương là con diều nhỏ
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Em đềm khoả nước bên sông...
(Đỗ Trung Quân)
BH. 15/1/2019
0 nhận xét:
Đăng nhận xét