Tâm Sự Thứ Bảy (162). Ám Ảnh Sơn Mỹ

19 tháng 9, 2017 0 nhận xét
Tình cờ khi đến Quảng Ngãi làm từ thiện mình được đi thăm khu tưởng niệm vụ thảm sát Sơn Mỹ, hay còn được nhắc đến với cái tên khác - Mỹ Lai, nơi ghi lại dấu ấn một tội ác chiến tranh nổi tiếng khắp thế giới trên chính đất nước VN.

Được nghe, được học, được đọc, được biết về nó khá nhiều rồi, vậy mà đến tận nơi, xem tận mắt, đứng đúng từng vị trí của cuộc thảm sát mới thấy hết sự kinh hoàng mà người dân trải qua.

Có lẽ đây là một vụ thảm sát người dân Việt Nam vô tội duy nhất được tổ chức quy củ và ghi hình đầy đủ (nhờ một nhà báo người Mỹ đi theo đoàn quân này) nên thế giới mới biết về nó – Sự kiện Sơn Mỹ ngày 16-3-1968.

Chỉ trong 4 giờ đồng hồ, 504 con người bị thảm sát dã man. Trên bức tường là vô số những tấm ảnh về cuộc tàn sát từ lúc 12 chiếc trực thăng mang 100 lính Mỹ đổ bộ xuống cánh đồng của 4 thôn Sơn Mỹ vào một buổi sáng bình yên. Toàn bộ là người già, phụ nữ, trẻ con. Hầu hết các bức ảnh được ghi lại sống động đến mức trong từng bức ảnh các khuôn mặt đều lộ rõ sự kinh sợ trước giây phút lìa đời. Nếu ai muốn biết 'cận tử' trông như thế nào thì có lẽ hãy đến đây để thấy và cảm nhận. 

Có một người bố già ngơ ngác vừa bước ra khỏi nhà bị một loạt đạn bắn ngã ngay trên sân. Người con gái mang bố vào hầm, nhưng k cầm được tiếng khóc, bị giặc chạy lại tìm ra hầm trú ẩn và bắn chết cả 2 bố con. Có ảnh người mẹ quỳ van xin mà vẫn bị bắn, miệng còn cắn chặt vành nón, óc văng cả ra ngoài. Hình một họng súng đen xì chĩa vào đầu 1 người mẹ khác chuẩn bị bóp cò. Góc kia là xác người phụ nữ trẻ có con 5 tháng tuổi bị cưỡng bức tới chết. Đứa bé nằm bên cạnh bị bắn vào miệng toác cả đầu. Một phụ nữ mang thai bị rạch bụng bằng lưỡi lê. Thai nhi lòi ra ngoài bị bọn chúng đâm nát. Ảnh này là 2 cậu bé ở bờ ruộng, thằng em chạy trước bị trúng đạn, thằng anh chạy tới ôm em và cũng bị bắn xối xả cho đến chết. Hình con mương đẫm máu với 187 con người bị lùa vào, lính Mỹ xả súng trường tan nát. Máu đỏ quạch bờ mương. Rồi hàng loạt thây người chồng chất, hàng loại ảnh giết chóc, hãm hiếp, tàn sát xóm thôn nghèo. Những ngọn lửa ngùn ngụt khắp nơi, xác người cháy không toàn thây trong rơm rạ. Có 2 người phụ nữ bên xác 4 người thân bị giết và thiêu không toàn vẹn...

Ôi Sơn Mỹ, hoá ra là thế này đây! Ám ảnh, đau xót quá. Hoá ra những gì mình biết còn quá ít ỏi. Chiến tranh thật kinh khủng, thật phi lý, vô nhân tính và tàn bạo.

Tiếng cô gái giới thiệu vang vang. Những bức ảnh cứ mờ trước mắt.

Đối với mình, chiến tranh trong ký ức chỉ là tiếng còi rú lên khắp Hà Nội và những căn hầm trú ẩn đầy mùi đất mới. Đã vài lần chạy máy bay địch, đã nhiều lần sơ tán trong rừng sâu, nhưng chưa một lần nào mình thấy xác chết của cuộc chiến. Hôm nay dù chỉ nhìn thấy ảnh chụp, mà như thấy lại được nỗi đau của cuộc chiến đi qua. Hỏi tại sao những người mẹ người chị, người em bé nhỏ cũng cầm súng đứng dậy. Những người lính VN ngày trước đều căm ghét chiến tranh. Bởi chiến tranh là mất mát, là đau thương dù ở chiến tuyến nào và dù nó đã qua đi bao lâu.

49 năm sau ngày tàn sát Sơn Mỹ vẫn còn có những người sống sót trong núi xác chết ngày ấy. Giờ đây họ đang là những cán bộ của trung tâm này. Còn 1 số gia đình binh sĩ Mỹ tham gia trận thảm sát vẫn tìm về vào ngày 16- 3 hàng năm thắp hương tưởng niệm như để sám hối tội lỗi ngày nào. Họ là những nhân chứng sống của cuộc chiến, kêu gọi cả thế giới biết về Sơn Mỹ, về cuộc chiến phi lý ở Việt Nam.

Đáng tiếc là những kẻ chủ mưu của vụ thảm sát đẫm máu này vẫn không bị đưa ra vành móng ngựa chịu tội ác chiến tranh. Chỉ có những linh hồn vô tôi trong mấy nấm mồ tập thể kia là vẫn ngơ ngác và sợ hãi vì không hiểu tại sao họ lại bị giết hại trong một ngày bình yên như thế trên chính quê hương của mình. 

Còn biết bao nhiêu những vụ thảm sát tương tự trên đất VN nhưng không được biết đến bởi không có hình ảnh hay thước phim nào ghi lại. Mà, hình như đều xảy ra ở miền Trung là nhiều nhất, khốc liệt nhất, nơi 'khúc ruột' đau thương và nghèo khổ này.

Quảng Ngãi hôm nay đã khác, Sơn Mỹ đã khác, không còn tiếng súng. Thanh bình đã trở về nơi đây. Nhưng cho đến tận bây giờ sao vùng đất ấy vẫn còn khổ thế với những cơn bão lớn hay những mùa nắng cháy khô đến toác đất?

Đi trên từng viên gạch, qua từng cánh đồng mình vẫn tự hỏi, có phải vì cuộc thảm sát dã man này mà sau 49 năm ở đây vẫn không thể hiện diện bóng dáng một cuộc sống bình thường? Hay bởi sau nửa thế kỷ vẫn còn quá nhiều u uất, những nỗi căm phẫn của người nằm xuống vẫn còn đâu đó trên những cánh đồng và ngọn cỏ, gốc cây kia...
BH. 19/9/2017




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB