Tâm Sự Thứ Bảy (114): Muối Mặn

18 tháng 6, 2016 5 nhận xét

Quê nội mình ở Dốc Lết, Ninh Hoà, Nha Trang. Ngày xưa chả ai biết đến vùng quê nghèo hẻo lánh này nên biển Dốc Lết lúc đó chỉ có đám trẻ trong vùng là hay ra ‘Lết’. Người ta đặt tên cho nó là Dốc Lết vì lâu lắm từ đường vào chỉ toàn là cát. Sau rất nhiều thời gian cát tạo thành những đồi nhỏ, lên xuống nối nhau. Ra được đến biển hay từ biển về nhà cũng mệt vì dốc thoai thoải và phải ‘lết’qua đồi cát nên gọi là Dốc Lết.

Dân vùng Dốc Lết có nghề làm muối. Ở đâu cũng thấy mênh mông là muối. Người ta làm muối đơn giản lắm. Dẫn những con nước vào những ô đất phẳng để sẵn rồi để tự nhiên, nước sẽ bốc hơi. Đến ngày muối khô nước, ra lấy cào cào muối lại thành đụn. Muối ở vùng này thường sạch sẽ, muối trắng, hạt đều. Nhà ai cũng 'trồng' muối nên muối nhiều lắm, giá thu mua cũng rẻ khiến người dân nghèo khó vẫn hoàn nghèo khó.

Ở Dốc Lết có gia đình bà Chín với hơn 10 người con, nhà rất nghèo, chỉ biết nương vào nghề muối kiếm sống suốt mấy đời. Không đủ nuôi con, bà quay sang làm nem. Nem của bà đặc biệt vì lên men chua tự nhiên ủ với lá cây Chùm Ruột. Thịt heo tươi với chùm ruột và tiêu ớt ủ chua 3 ngày là nem có thể ăn được rồi. Lá chuốc bọc ngoài mỏng khoảng 3 lớp thôi, mở ra bên trong là miếng nem đỏ hồng, lẫn bì heo, ăn giòn tan. Bà Chín thường mang theo cái bếp quạt nem nướng cho thơm. Dân ăn quen cứ chạy theo bà nài làm thêm mà bà chỉ làm vừa đủ, chỉ bán buổi chiều, mỗi ngày 1 gánh. Sau này ngoài Nem Chua, con cháu bà làm thêm Nem Lụi (là thịt heo xay ướp vừa ăn đắp vào que gỗ nướng trên lửa thơm phức ăn với bún và nước chấm chua ngọt pha đặc biệt, khởi đầu cho món Nem Ninh Hoà nổi tiếng bây giờ). Ngày ấy, Bà Chín nhờ gánh Nem ấy mà nuôi được cả 10 người con còn bé tẹo, đứa nhỏ còn ẵm ngửa, đứa lớn mới 15. 

Hoà bình 1954, theo tiếng gọi Bác Hồ, đứa lớn nhất theo chồng bà ra Bắc còn bà ở lại nuôi đàn con nhỏ chờ ngày chồng trở về. Ngày chia tay, bà mới ngoài 30 tuổi, gánh trên vai gần chục đứa nhỏ. Đứa lớn lại lo phụ mẹ 'trồng muối' làm nem, và nuôi mấy đứa em. Ngôi nhà sát bờ Dốc Lết sơ sài, cửa không cánh gió thổi tung căn nhà lúc nào cũng ồn ã tiếng con nít.

Cứ tưởng một vài năm.. mà cuộc chiến mãi không dứt. Thi thoảng nhận được thư chồng, mừng mừng tủi tủi. Vừa vui vì biết tin người thân, vừa tủi phận mình nuôi con trong lòng địch. Không ngày nào bà không bị địch gọi lên khảo tra, rồi chửi mắng đánh đập...Rồi chuyện không mong muốn cũng xảy ra. 

Bà bị địch cưỡng bức. Nỗi đau không thành lời khi bà biết mình mang thai. Đứa trẻ vô tội ấy ngày càng lớn, nỗi khổ của bà cũng lớn theo. Bà nào có biết cách làm sao! Ở nhà quê, lại không học hành, làm sao bà biết đến các biện pháp tránh ngừa. Bà nghẹn ngào đau đớn nhìn cái bụng lớn lên hàng ngày. Hàng xóm dị nghị, con cái dị nghị... Cuối cùng bà vẫn nén lòng để sinh ra đứa bé gái không mong đợi mà bà đặt tên nó là Mười Dẹo. Có lẽ nó sinh ra trong khổ đau và hận thù nên nó cũng dặt dẹo như tên gọi và không bình thường về tâm lý. Cuộc đời của nó cũng đầy đau khổ về sau này.

Người hiểu được bà chỉ có cô con gái lớn. Khi đủ tuổi lấy chồng, vì có sắc đẹp nên cô tình nguyện lấy tỉnh trưởng ngụỵ để bảo vệ mẹ và các em không phải sống trong áp bức và kỳ thị. Cuộc đời bà đã nhẹ nhàng hơn vì không bị khảo tra nữa. Thế nhưng nỗi lo giờ chuyển sang nỗi sợ ngày gặp lại chồng bà, người đang ở chiến tuyến ngoài kia. Liệu ông có hiểu cho bà không? Ông có chấp nhận và tha thứ cho bà không? Biết bao câu hỏi dằn vặt bà.

Thế rồi cái ngày hạnh phúc của cả dân tộc cũng đến, ngày độc lập 1975. Ông viết thư tràn đầy hạnh phúc, rằng đang trên đường trở về, rằng sẽ gặp bà 1 tuần sắp tới. Bà gầy rộc. Bà yên lặng suốt mấy ngày mất ăn mất ngủ. Rồi một buổi sáng, cô con gái tìm thấy bà đã quyên sinh và một lá thư trong đó bà xin lỗi ông, xin lỗi các con đã không đủ can đảm và danh dự để chờ đến ngày gặp ông.

Nước mắt ông không còn để rơi khi về nhìn những đứa trẻ trong lễ tang của mẹ. Căm hận quân địch bao nhiêu ông lại giận ông bấy nhiêu vì đã không bảo vệ được bà, lo được cho con. Ông giận cả bà nữa, bà không chịu gặp ông mà đã bỏ ông đi.. Ông giận cả cuộc đời cống hiến cho tổ quốc mà khi về hưu thương tích đầy mình, chẳng có gì ngoài tấm giấy chứng nhận, chiếc Huân Chương Kháng Chiến hạng 2 và ánh mắt trách hờn của những đứa con... 

Ít năm sau ông cũng mất trong lặng lẽ, cô độc. Ngày ông mất, ông cũng không kịp gặp mặt người con trai yêu quý đang sống ở ngoài Bắc. Ngày ấy tàu nhanh cũng mất mấy hôm. Khi con vào thì ông đã mồ yên mả đẹp. Mộ của ông được các con đặt cạnh mộ của bà. Ngôi mộ đôi ấy nổi tiếng cả một vùng Dốc Lết.

Cũng từ đấy, nhờ có bà linh thiêng phù hộ nên món nem Ninh Hoà giờ đã nổi tiếng khắp cả vùng Nha Trang, Khánh Hoà. Con cái bà ai cũng thành đạt nhờ món nem dân dã ấy. Chỉ có điều, chúng đã bỏ quê ra thành phố lập nghiệp, để rồi vùng Dốc Lết lại đón những cư dân xa lạ đầu tiên đến làm du lịch.

Muối vẫn trắng xoá trên các cánh đồng Dốc Lết. Ngôi mộ ông, bà vẫn còn đấy như minh chứng đau buồn cho một cuộc chiến tranh đầy đau thương và mất mát đi qua. Muối vẫn mặn chát, mặn hơn trong những ngày nắng lớn...


BH.18/6/2016

5 nhận xét:

  • Như Hải nói...

    Khi nào cả bọn vào Nha Trang, mình sẽ đưa tới đây để tắm biển. Bãi Biển Dốc Lết giờ nổi tiếng lắm, có resort 5 sao rồi. Và mình sẽ đãi các bạn món nem nướng, nem lụi (ở Nha Trang thôi, ở Dốc Lết giờ chỉ có hải sản). Và nếu ai muốn thăm mộ đôi này thì mình sẽ dắt ra thắp nhang nhé.

  • Hà "Béo" nói...

    Mình đã từng đến vùng rừng núi nơi trước kia bố, mẹ mình công tác thời chiến tranh, vì quá heo hút, hẻo lánh nên ko nuôi được anh cả mình quá 10 tháng... tuy ko thể so sánh hai câu chuyện nhưng mình cũng hiểu được phần nào những gì các cụ phải trải qua, thật đau xót...

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB