Tâm Sự Thứ Bảy (82): Khi gặp nghịch cảnh, bạn làm gì?

13 tháng 5, 2017 1 nhận xét
Khi gặp hoàn cảnh trái nghịch (bị người/vật khác gây tai nạn cho mình, hay những gì trái ngang, oan gia trong cuộc sống) hãy nghĩ là ta đang trả nghiệp mà ta đã gây nên cho người/vật đó ở kiếp trước. Hiểu rõ được như vậy, ta cần im lặng để trả xong nghiệp ấy, cần cám ơn hoàn cảnh, cám ơn những người mang nghịch cảnh ấy đến cho ta, vì nhờ thế ta sẽ trả xong nghiệp ở kiếp này.

Hầu hết mọi người khi những gì thuận với mình xảy ra, mang lại niềm vui cho mình thì họ chấp nhận, ưa thích, còn khi nghịch cảnh thì thường có tâm lý chống đối, không chấp nhận nó. Thường thấy nhất đó là con người hay kêu Trời, hay than thân trách phận: “Con ở hiền cả đời sao lại khổ thế này, Trời ơi!”. Hơn thế nữa, nhiều người còn tìm cách gây hoạ lại cho người mang đến nghịch cảnh cho mình. Điều ấy thật vô minh và vô cùng nguy hiểm. Bởi chính nó gây ra chiến tranh và thù hận không bao giờ dứt cho 2 người, một gia đình, cao hơn nữa là một dân tộc hay cả thế giới.

Nói vậy sẽ có nhiều người không bằng lòng. Bởi, họ cho rằng ‘chấp nhận hoàn cảnh là thụ động, là yếu đuối, là không có động lực sống’. Thực ra, trong cuộc đời, ví như ta sinh ra là người tàn tật. Điều ta cần thấy rõ là ta cần chấp nhận để mà sống yêu đời trong hình hài tàn tật ấy. Cái mà ta cố gắng vươn lên chính là ý chí sống, biết yêu lấy bản thân tật nguyền (vì thực ra điều ấy là không thay đổi được) chứ không phải nói ta không phấn đấu để sống. Hai việc rất khác nhau: Chấp nhận hoàn cảnh (tật nguyền) để mà sống tốt, sống an bình, chứ không phải làm mọi cách để chống lại hoàn cảnh, kêu than đổ lỗi cho mình, hay bố mẹ sinh ra tấm thân này, hay xã hội, người thân, rồi có tâm lý tiêu cực, vừa làm khổ mình và mọi người xung quanh.

Trong một bài Tâm Sự Thứ Bảy trước đây, mình đã kể một câu chuyện trong tích nhà Phật, về hai vợ chồng nhà kia luôn xô xát, người chồng đánh người vợ suốt ngày. Người vợ vừa đau khổ, vừa hận chồng mà không biết làm sao. Rồi một ngày khi chồng đi vắng, có một nhà sư khất thực đi ngang qua, chị vợ mang cơm cho nhà sư và mang chuyện mình ra kể, xin nhà sư cho 1 lời khuyên để chấm dứt hoàn cảnh đó.

Nhà sư đã chỉ cho chị thấy rằng, trong 1 kiếp nào đó, chồng chị là một con cừu, và chị là người đi chăn. Ngày nào chị cũng mở cửa cho đàn cừu, và ngày nào cũng quất roi lên con cừu ấy. Giờ ở kiếp này, chị và con cừu ấy trở thành vợ chồng, chỉ khác vai: Con cừu là chồng chị và chị chính là kẻ chăn dắt cừu ngày xưa. Muốn dừng lại duyên nghiệp này, chị phải chấp nhận hoàn cảnh, và sẵn sàng trả nghiệp với tâm thức bình an (không phải cam chịu. Cam chịu có nghĩa là không hiểu hoàn cảnh). Ngày hôm đó, người chồng ngạc nhiên khi chị không chống trả, mà chịu cho anh ấy đánh đòn (bằng cái que phât trần, vì theo lời nhà sư, chị cất hết những gì có thể là roi gây thương tích và đau đớn cho mình). Người chồng đã được người vợ kể lại câu chuyện, và anh ta biết rằng, nếu tiếp tục đánh chị, họ sẽ lại gặp nhau ở kiếp khác và hoán đổi vị trí, mãi không hề dứt. Ngộ ra được điều ấy, anh chồng không tiếp tục đánh vợ nữa, và từ đó họ sống hoà thuận yên vui. 

Điều gì sẽ khiến ta được và mất trong nghiệp quả, hả bạn?

Bạn à, thực ra với tấm thân hữu hạn của mình, chúng ta không thể hiểu hết về luật Nhân Quả của Tự Nhiên. Vì thế, nên ta mới hay kêu Trời là lẽ đó. Nếu ta hiểu hoàn cảnh nào đến với ta cũng là ‘việc cần phải đến’ và đó là duyên nghiệp của nhiều kiếp, hay là bài học mà ta phải học ra trong kiếp này, như câu chuyện trên, thì chính thái độ chấp nhận hoàn cảnh sẽ khiến ta vượt lên trên nó, hay đi qua nó một cách dễ dàng, ngay trong kiếp này. 

Ngoài ra, với tâm an lành, với tình thương cho mình và cho người trong nghịch cảnh ta tiếp tục gieo một hạt mầm mới, với duyên lành tốt đẹp cho một nghiệp khởi lên tốt đẹp. Như vậy cái ta được sẽ là một nghiệp thiện, cái ta mất (hay hết) là chấm dứt một nghiệp bất thiện. Còn nếu không, thì nghiệp cũ không những không trả được mà một nghiệp bất thiện mới lại khởi lên, trùng trùng bất tận, không khi nào dứt. Kiếp này không trả hết, lại tiếp tục ở kiếp sau.

Mong rằng sau bài viết này, bạn sẽ không còn những suy nghĩ kiểu: "Ai tử tế với mình, mình tử tế lại. Ai ác với mình, mình ác lại” nữa nhé. Mà thay vào đó sẽ là: “ Ai tử tế với mình, mình tử tế lại, còn ai ác với mình thì mình gửi tâm từ và tình thương đến kẻ đó”. Bởi, xét cho cùng, họ thật đáng thương do vô minh che đậy, nên không biết dừng nghiệp dữ của họ lại mà thôi. Chỉ với tâm từ của bạn, kẻ ác mới hết ác tâm được, nghiệp bất thiện mới dừng lại được. Còn nếu không thể thế, thì bạn hãy.. tránh xa họ còn hơn, bạn nhé.

Nice week end cả nhà!
7/5/2015

1 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB