Tâm Sự Thứ Bảy (120): Sự quan tâm của con cái

8 tháng 8, 2016 2 nhận xét
Mẹ ốm nằm một chỗ. Thứ Bảy con đi ăn với bạn rồi ngủ lại nhà bạn. Chủ nhật, con trai lớn đi chơi từ sáng. Cậu út thì từ 8h sáng xách vợt đi đánh tennis rồi gọi điện thoại không về, đi sinh nhật bạn cho đến tận 8h tối. Hai cú điện thoại về chỉ hỏi “Anh đã về chưa? Con phải đi cắt tóc đây nên về trễ...”. Cũng không có câu hỏi thăm nào cho sự chờ đợi của mẹ nó. 

Mẹ nó nằm xây lưng vào tường, nước mắt rơi lã chã. Nuôi con cho đến giờ, vắt kiệt sức để làm việc kiếm tiền cho nó đi du học, mà những lúc cần một lời hỏi han, một lời động viên như thế này cũng không có. Có thể nào bây giờ tụi trẻ nó vô cảm hơn, hay những xúc cảm được giấu vào bên trong nhiều hơn, không thể hiện ra bên ngoài? Hay có thể nào sự thiếu quan tâm ấy đến từ chính cách dậy con của bố mẹ nó?

Mẹ nó bắt đầu suy nghĩ. Có lẽ có một phần lỗi này là của bố mẹ nó. Bố mẹ nó đã quá quan tâm đến con, chăm sóc kỹ quá nên con cái coi như đó là bổn phận, nghĩa vụ của bố mẹ. Sáng ra nó đã có sẵn bánh mỳ kẹp, sữa, không thì cũng bánh bao, bánh giò, trứng chiên. Mà nói nó ăn nó còn cằn nhằn trễ giờ học. Bao lần ly sữa còn nguyên trên bàn. Tối về, mẹ nó lo dọn bàn ăn, cơm nóng canh ngọt, gọi đến 3 4 lần mà hai đứa vẫn cắm đầu vào máy tính. Tụi nó đã quá quen với việc được gọi ra ăn như thế, quá quen với việc mẹ nó, hay bố nó sẽ tự ăn một mình như thế...

Mở những cuốn album đầy dẫy những khoảng khắc lưu lại từ khi mỗi đứa sinh ra cho đến lớn, mẹ nó thấy thưa hẳn những tấm hình 1-2 năm gần đây, hầu như nó chỉ toàn chụp với bạn bè. Nếu có cũng chỉ một vài lần ăn uống với ông bà hay khi gia đình có khách khứa. Giở từng bức hình còn bé, những tấm hình nó rúc vào lòng mẹ, ôm hôn mẹ, hay mẹ ôm hôn nó.. khiến mẹ nó càng thấy buồn. Cái cảm giác của một người mẹ khi con cái đã trưởng thành chắc đều giống nhau, nhất là khi có biến cố để nhìn lại, để mà thấy ‘con còng xe cát’ quằn lưng mãi chỉ để ‘sóng đánh cho tan hết’.

Lại nghĩ đến đứa cháu ruột cũng là con trai (khoảng chừng ấy tuổi) mà nó biết làm mọi thứ, từ nấu cơm, dọn nhà, đến chợ búa, chăm lo cho mẹ nó đến thế. Lúc nào nó cũng chỉ lo mẹ ốm, mẹ mệt. Mỗi khi hai mẹ con gặp nhau là nó ôm vai mẹ. Trước mặt cả người lạ nó không tiếc lời nói “ Con yêu mẹ”, cái câu nói mà hàng bao nhiêu bà mẹ nghe đã muốn rơi lệ, đã mong ngóng có khi cả đời chả được nghe lấy một lần. Hay bởi cách cư xử ấy được hình thành từ chính cuộc hôn nhân tan vỡ của bố mẹ nó khiến con cái trở nên là chỗ dựa tốt hơn, lo lắng cho mẹ nó nhiều hơn, ý thức hơn, nhất là tuổi dậy thì khi gánh trên vai những nỗi đau đến sớm, khi hiểu được nỗi khổ của một người mẹ đơn thân nuôi con... Chả nhẽ phải đánh đổi nhiều đến thế để có được những điều ấy từ một đứa con hay sao?

Cuộc sống đúng là cả quá trình trả nghiệp. Đạo Phật có nói, gia đình hay con cái cũng là nghiệp phải trả từ kiếp nào. Có đứa đến để trả nghiệp cho bố mẹ nên hiếu thuận, chăm ngoan.  Lại có đứa đến để bố mẹ trả nghiệp cho nó, lo cho nó mặc dù chả nhận lại gì, có khi chỉ gây bao nhiêu đau khổ.

Và mẹ nó nghĩ gở nếu như tai nạn hôm trước ở ngoài đường khiến trấn thương nặng hơn, có lẽ chẳng thể mong sẽ có đứa nào chăm sóc nếu mẹ nó liệt giường. Thậm chí nếu 'có đi luôn' thì chắc tụi nó cũng chỉ khóc lóc vài ngày rồi quên. Có chăng (và may lắm) thì chỉ có ông già chăm sóc cho bà già mà thôi. Thôi thì biết điều một tý để còn có người nấu cháo cho mà ăn, nếu không thì cũng lại tự mình mà lo cho đến khi xuôi tay, nhắm mắt.

Linh tinh một tý. Thở ra một tý. Lảm nhảm một tý. Mẹ nó chúc cho các mẹ 12CD luôn vui, được chăm sóc, được yêu thương và được nghe từ miệng những đứa con yêu của mình 3 chữ “Con yêu mẹ!”.
BH 8/8/2016

2 nhận xét:

  • Hà "Béo" nói...

    He he đúng là lảm nhảm vớ vẩn, tao thấy con trai thường là rất yêu mẹ mà bọn nó không nói ra thôi, còn con gái thì suốt ngày "con yêu mẹ"..., mày thử sản xuất thêm một bé gái là biết ngay í mà... Chúc mau khỏi nhá 😛😛😛

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB