Tâm Sự Thứ Bảy (131): Kỷ Niệm Không Quên

13 tháng 11, 2016 1 nhận xét
Năm 1981, sáu năm sau 1975, ngày thống nhất đất nước, lần đầu tiên Việt Nam có Đại Hội Cháu Ngoan Bác Hồ Toàn Quốc với sự tham gia của hơn 500 đại biểu từ hơn 60 tỉnh thành trong cả nước hội tụ về thủ Đô Hà Nội.

Khi ấy, tôi còn nhớ, cuộc sống còn khó khăn lắm. Những gì khó khăn sau chiến tranh còn đang được xây dựng. Cuộc sống người dân khổ hơn khi bị cấm vận kinh tế. Cuộc sống mậu dịch và tem phiếu khốn khó khiến những đứa trẻ chúng tôi gầy gò vì thiếu dinh dưỡng. Đi lại giữa các thành phố không có máy bay, chỉ có xe ô tô, xe thồ (xe đạp), đến xe máy cũng không có. Đường sắt, tầu hoả mới có, là những chiếc tàu cũ kỹ của Liên Xô hay Trung Quốc thải ra, chuyển sang VN dùng tiếp. Khi đó tàu hoả Bắc Nam cả tuần mới có 1, 2 chuyến, mỗi lần đi mất 4-5 hôm. Đi được tới nơi, mặt mũi ai cũng đen đúa vì ‘than’ của đầu máy phả vào, của nóng bức, chật chội, ồn ào, thiếu vệ sinh và nước sạch. 



Vậy mà chúng tôi những đứa trẻ của thời kỳ gian khó đó từ khắp nơi được về thủ đô Hà Nội. Đứa lớn nhất 15-16 tuổi, đứa nhỏ nhất mới khoảng 8-9 tuổi. Có những đứa trẻ băng rừng, lội suối, từ biên giới, hải đảo xa lắm, đi bằng nhiều phương tiện khác nhau, nào đi bộ, rồi thuyền bè, xe ô tô, tàu hoả....Ra đến được thủ đô có khi mất cả 10-15 ngày. Hầu hết với các bạn đại hội CNBHTQ I, đó thực sự là lần đầu tiên trong đời. Vì vậy, khi gặp nhau, chúng tôi hạnh phúc lắm, giống như anh em một nhà, không phân biệt nam nữ, hoàn cảnh, thương mến nhau chân thành lắm.



Có thể đối với các đại hội sau mọi sự đã khác, hoàn cảnh của đất nước đã tốt lên, càng ngày càng phát triển. Nhất là bây giờ sau 35 năm kinh tế hầu hết các gia đình đã đầy đủ, sự đi lại nhanh chóng còn vài tiếng đồng hồ. Điện thoại, internet phát triển thay những cánh thư. Các em có được điều kiện sống và học tập sung sướng hơn chúng tôi khi đó rất nhiều, nên không thể ‘cảm’ được những tình cảm chân thành, niềm vui, và hạnh phúc của những đứa trẻ thời ‘bao cấp’ xa xưa của những năm đầu sau cuộc chiến tranh chống Mỹ.



Khi đó tôi là trưởng đoàn Hà Nội. Ở giữa Thủ Đô mà lúc đó cũng vẫn ‘ngơ ngác’, 'ngố' lắm (chắc chỉ khá khá hơn mấy bạn vùng ven vì may mắn được vào Lăng Bác nhiều lần hơn thôi). Phải nói, 14 đứa chúng tôi trong đoàn khi được chọn tham gia đại hội, đứa nào cũng thấy vinh dự, tự hào lắm, nhưng cũng cảm thấy áp lực vì là đoàn chủ nhà, vì đại diện cho hàng vạn thiếu niên thủ đô, mà trong đó biết bao nhiêu là học sinh giỏi, bao nhiêu là cháu ngoan Bác Hồ. 



Tôi còn nhớ 1 tuần trước đại hội, mấy đứa chúng tôi được đến nhà VHTTTP để tập dượt trước. 3 bạn ở SG và Huế cũng ra trước để phối ráp chương trình. Khi ấy, đại hội còn chưa biết nên đề xuất ai trong Ban Chỉ Huy Liên Đội, ai sẽ làm Liên Đội Trưởng, Liên Đội Phó Đại Hội. Rất nhanh sau đó, các anh chị TW thấy rằng, do đại hội đầu tiên làm ở HN nên trưởng đoàn Hà Nội sẽ kiêm nhiệm luôn chức vụ Liên Đội Trưởng Đại Hội, phụ trách chung và đọc diễn văn chào mừng. Thế là tôi tự dưng trở thành Liên Đội Trưởng 'bất đắc dĩ' của đại hội. 



Thực sự tôi lo lắng lắm. Chuyện hô ‘nghỉ nghiêm’ và làm Liên Đội Trưởng thiếu niên của các trường cấp I,II Lý Tự Trọng, Ngô Sĩ Liên và nhất là ở vai trò Liên Đội Phó thiếu niên tp Hà Nội mấy năm trước đó đã cho tôi khá nhiều kinh nghiệm, nhưng áp lực trước cả rừng CNBH của cả nước như thế này khiến tôi không khỏi lo lắng. Lời chào mừng tôi thuộc lòng, đọc thử suốt mấy ngày đều khá tốt. Vậy mà đúng buổi sáng ấy, khi mọi người đứng lên làm lễ chào Cờ, bác Lê Duẩn xuất hiện, tôi hồi hộp quá, đến nỗi đọc sai mất 1 từ quan trọng. Cho đến giờ tôi vẫn tự dằn vặt mãi về điều ấy. Rất may không ai khiển trách tôi, và đại hội diễn ra suôn sẻ. Tôi bận bịu với họp hành và các nghi thức, các chương trình trong đại hội nên cũng từ từ lãng quên, để hôm nay, mọi kỷ niệm lại trở lại như mới hôm qua.



Hồi đó, vào đại hội rồi BTC mới ‘phát hiện’ ra là chưa có 1 bài hát nào cho thiếu niên nhân sự kiện này cả. Thế là các chú nhạc sĩ phải vất vả sáng tác thật gấp cho kịp. Ngày đầu tiên chúng tôi được học 1 bài hát (tôi k nhớ của nhạc sĩ nào) có ca từ như sau: “ Bình Minh reo trong nắng gió tung bay màu khăn quàng, thủ đô thân yêu vui đón lớp măng non về quây quần...”. Bài hát rất da diết, chân thành, nhất là cao trào: “Hãy nhớ lấy những ngày sống vui đoàn kết, màu khăn yêu thương năm nào Bác đã từng trao, và những ánh mắt trong tựa nước thu hồ biếc….”. Chúng tôi hát mà mắt không khỏi cay cay. 



Truyền tay nhau bài hát, chúng tôi tập say sưa rất nhanh trong đại hội. Sang đến ngày hôm sau, bài ‘Gặp Nhau Giữa Trời Thu Hà Nội’ của chú Phạm Tuyên được chuyển đến. Giai điệu và lời bài hát dễ nhớ nên chúng tôi tập ngay, vừa đi trên xe vừa hát, vỗ tay, giậm chân nữa. Thế là bài hát nhanh chóng được học thuộc và chúng tôi hát suốt 3 ngày còn lại. Đến bây giờ, bài ‘Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội’ đã trở thành bài hát biểu tượng của các đại hội CNBHTQ không chỉ tổ chức ở HN, mà các nơi trên cả nước, cũng như được hát qua các thế hệ suốt 35 năm qua tại VN. Hầu như đứa trẻ con nào cũng thuộc.



Khi chia tay nhau tại Giảng Võ, chúng tôi đã khóc rất nhiều. Khóc vì vui sướng vì đã được gặp nhau trong tình thân ái trong suốt 4 ngày gần như không ngủ ấy. Chúng tôi khóc vì sự ly biệt không biết bao giờ gặp lại nhau. 



Đến tận bây giờ, sau 35 năm từ những ngày mùa thu tháng Tám đó, chúng tôi, một số ít sẽ được gặp lại nhau đây, cũng giữa bầu trời Hà Nội vào ngày 3/12 tới. Với nhiều bạn, cuộc gặp gỡ này cũng là lần trở lại thứ hai trong đời từ hồi ấy nên không khỏi bồi hồi, xúc động. 



Tạm gác lại bài viết ở đây với những cảm xúc khó tả về một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời của một đứa trẻ. Tôi chúc cho các bạn tôi, những người bạn của 35 năm về trước ấy thật nhiều may mắn, niềm vui và sự an bình trong cuộc sống. Chúc cho các bạn sẽ có nhiều cơ hội để được trở lại Thủ Đô, để được thường xuyên trao đổi với nhau trên email, FB, hay điện thoại mà không cần đợi chờ những cánh thư đi suốt dọc đất nước như trước kia. Chúc cho các bạn, những người không thể đến được cuộc gặp lần này, sẽ vui khi thấy bạn bè vẫn nhớ tới các bạn, nhớ tới những ngày tháng bên nhau của 35 năm trước.



Chúc ngày gặp mặt thành công và tràn đầy tình yêu thương.
SG ngày 13/11/2016 
LBH (Bài viết đăng trên FB 'Gặp Nhau Dưới Trời Thu Hà Nội 1981-2016).

1 nhận xét:

  • Vũ Trụ nói...

    LĐT ơi, ko có j là tự nhiên đâu, cơ duyên cả đấy. Ko có cái tự nhiên ấy thì ko có ai bị sét đánh ong thủ đâu, và có khi sp của họ đã rẽ lối khác rùi...hihi

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB