Tâm Sự Thứ Bảy (132): Đơn Dương một ngày nắng đẹp

29 tháng 11, 2016 0 nhận xét
Chiếc xe ngoặt vào một con đường nhỏ thuộc thị trấn Ka Đô sau khi đi qua rất nhiều những gập ghềnh. Từ Đà Lạt xuống đây có 50km mà thấy xa quá chừng. Có thể do đường xấu, bụi bay tung từng đám. 50 năm mà nơi đây vẫn rải đường bằng nhựa đen đúa. Con người vẫn lầm lũi bám đường nên đành chịu bụi. Bụi vương vào các ô cửa, bụi vương vào nhà, vào cả mâm cơm, bụi vương vào mắt...

Chiếc xe đậu trước một tịnh xá rộng rãi. Cửa chùa không khoá. Chẳng có ai cả. Sân chùa vắng tanh. Giữa sân là một cây đa cao vút đã 70 tuổi. Có lẽ đất ở đây tốt nên cây đa trông cao lớn to khoẻ như đã có100-200 tuổi đời.

Đón tôi là một ni cô nhỏ bé. Cô bẽn lẽn ra chào. Chắc thấy người lạ nên chỉ gật đâu ‘Mô Phật, mời chị đi lối này’. Tôi cũng im lặng cởi giầy vào theo. Phía sau chùa là khu tịnh xá nhỏ, có khoảng 3-4 phòng ở. Mỗi phòng chỉ giản dị 1 chiếc giường, 1 chiếc bàn con và một chiếc tủ. Sàn láng sạch sẽ bằng xi măng. Chắc lâu ngày nên xi măng bóng lên một màu nâu đen thẫm. Phía bên trái là sảnh từ đường. Cạnh bức tượng đức Đạt Ma Tổ Sư là bài vị của một người.

Đây rồi.
Tôi quỳ xuống thắp nén hương. Nhìn khuôn mặt của người trong ảnh. Hoá ra gần một năm nay cô ở đây sao? Tôi nhìn đôi mắt cô, đôi mắt sống động cũng nhìn lại tôi như vậy. Người sống đấy, chết đấy. Nhanh quá. Sắp một năm ngày giỗ cô, Ni Lệ Khánh, người em mà tôi đã từng viết một lần trong bài Tâm Sự Thứ Bảy số 104 ('Đu đủ' liệu đã đủ?) của một năm về trước. Cô ấy được hoá ở đây, tro cốt còn nguyên đây. Linh hồn chắc vẫn còn đây, chưa khuất hẳn.

Ni cô nhỏ dắt tôi vào phòng khách giữa am. Một bộ bàn ghế đơn sơ nhưng sạch sẽ. Chắc cũng có đôi chút tò mò về người khách không mời mà đến này nhưng cô không tỏ ra một chút gì, chỉ nhẹ nhàng đi lấy nước mát mời khách rồi lặng lẽ ngồi một phía nhìn tôi.

Nhìn cô ngồi lặng yên trước mặt, thần thái thật giống ngừơi đã khuất, bỗng dưng tôi bắt đầu câu chuyện: “ Nhà chị với cô Khánh có duyên lắm, mỗi lần lên Sài Gòn cô ấy thường ở nhà chị, và chị xuống Cần Thơ luôn qua thăm cô ấy. Cô ấy và chị hay tâm sự lắm...Cô ấy còn nói, cuộc đời em khổ lắm. Nếu em được sinh làm con nhà anh chị chắc em không đi tu đâu..”. Nói đến đây nước mắt từ đâu bỗng trào ra. Bao kỷ niệm với cô gái bé nhỏ ấy lại ùa về trong tôi. Giời ạ, người đi không muốn thấy nước mắt vì họ khó siêu thoát. Tôi thấy xấu hổ, vội vàng lấy khăn lau. Vậy mà ngờ đâu nước mắt ra nhiều hơn, rồi lại như mắc cục gì nơi cổ, nghẹn ngào không nói tiếp được. Thằng bé bên cạnh nhìn mẹ ngạc nhiên. Có lẽ lâu lắm rồi nó không thấy mẹ nó khóc nhiều như vậy. Hẳn mẹ phải đau lòng lắm. Nó cũng biết cô Khánh, thương cô Khánh, nhưng chỉ như vậy thôi. Nó đâu hiểu cuộc đời của một người tu lắm gian truân từ khi rời nhà 12 tuổi bệnh tật đầy người, bao lần chết đi sống lại, cho đến khi rời bỏ thân xác mới ngoài 30 tuổi, chưa một lần được yêu thương trọn vẹn...

“Chị uống nước nhé”. Ni cô nhắc khẽ. “Em là em ruột của chị Khánh chị ạ. Em tu sau chị ấy. Lúc chị ấy ra đi chỉ còn 20 kg thôi. Chị ấy đi nhẹ nhàng trên tay em. Chị ấy nghiệp nặng quá nhưng phước cũng nhiều. Các thầy đức cao vọng trọng đến làm lễ cho chị ấy chị ạ..”. Tiếng cô nhỏ nhẹ, thì thầm như rót vào tai tôi. Tai tôi ù lên...

Cuộc nói chuyện lại tiếp tục trong sân chùa. Cả hai đều tiếc thương người vừa mất. Cả hai đều thấy có gì đó thật gần gũi nên quên mất đã sắp đến giờ Ngọ. “Chị ở lại ăn cơm trưa với chùa rồi hãy về”. “Cám ơn cô, chị phải về Đà Lạt lại bây giờ không xe đợi ngoài kia”.  “Vâng, vậy 1 tháng nữa khi tro cốt rải nơi Cần Thơ, chị có duyên thì về với Ni Khánh nhé chị”. Tôi gật đầu, chào cô, rồi rút vội ít tiền trong ví ngập ngừng: “ Cô giúp.. mua nhang....”. Rồi những giọt nước mắt lại rơi. Tôi không thể nói tiếp 3 từ ‘...cho Ni Khánh’.

Ngoài kia đường vẫn bụi. Bụi vương vào những khóm hoa Dã Quỳ còn sót lại vàng ệch và héo hắt. Có ai đó nói Dã Quỳ không đẹp và là biểu tưởng của sự héo hon. Cũng phải. Khi tâm mình héo hon thì nhìn hoa đẹp cũng thành hoa héo. Vậy mà khắp các triền đồi Dã Quỳ vẫn vươn mình nở trong một ngày nắng chan hoà của mùa đông. Giống như Ni Khánh, một bông hoa đồng nội đẹp đẽ đã ra đi để tiếc thương cho người ở lại về một con người bình dị, chân chất, nhưng vô cùng trong sáng và đầy tình yêu thương con người và cuộc đời.
“Cho chị dừng xe ở đây nhé, để chị làm một bức ảnh với Dã Quỳ làm kỷ niệm”.  Người tài xế đỗ xe trong im lặng. 

Đứa bé ngoan ngoãn xuống xe chụp cho mẹ một tấm hình thật đẹp. Nơi ấy, nụ cười của mẹ nó không còn héo úa như trước. Có lẽ do ý nguyện đã được trọn vẹn trong chuyến đi này.
Đơn Dương, 26/11/2016.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB