Khẩu nghiệp quan trọng như thế nào?

24 tháng 10, 2017 0 nhận xét

Bấm like thiếu suy nghĩ, nói quá lời cũng tạo khẩu nghiệp xấu. Đùa cũng có thể nhận hậu quả tiêu cực. Khi đang tức giận thì đừng gửi mail… Khẩu nghiệp vừa có sức sát thương vừa có sức chữa lành.

LTS: Ông Vương Vũ Thắng, Chủ tịch CLB Unesco Thiền và Yoga Trong Suốt là doanh nhân, đồng thời là một Thiền sư theo truyền thống Kim Cương Thừa. Đây là một trong số các buổi trò chuyện với tên gọi là trà đàm của ông với các Phật tử và người yêu quý Đạo Phật, với chủ đề "Ứng dụng Phật Pháp vào đời sống hiện đại nhiều lo toan bận rộn".
Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến Quý độc giả 7 phần của cuộc trò chuyện có rất nhiều điều lý thú này (Khẩu nghiệp là gì - Các loại khẩu nghiệpĐùa cũng phải nghĩNói đúng nhưng quá lời có là khẩu nghiệp không?Facebook - Online cũng là khẩu nghiệpTập thế nào trước và sau khi nói ?; Ứng dụng khi dạy conỨng dụng cho nhà quản lý):
"Cái miệng hại cái thân – ông bà ta từ xưa đã có óc quan sát rất tinh tế và từ đó đúc rút ra những châm ngôn rất đúng với giáo lý nhà Phật" - Ông Vương Vũ ThắngChủ tịch CLB Unesco Thiền – Yoga Trong Suốt mở đầu như vậy trong buổi trò chuyện với các Phât tử về "Khẩu nghiệp".
1. Khẩu nghiệp là gì? Các loại khẩu nghiệp
Thưa Thầy, có thể hiểu "khẩu nghiệp" theo cách đơn giản nhất như thế nào?
Khẩu nghiệp là những hành động bằng lời nói, phát ngôn (miệng) dẫn đến kết quả tốt, xấu hoặc trung tính. Trong cuộc sống con người luôn luôn có khẩu nghiệp và khẩu nghiệp ảnh hưởng đến rất nhiều chuyện trong đời mình.
Khẩu nghiệp xấu có 5 loại: nói dối, nói lời không phù hợp, nói lời vô nghĩa, nói lời gây chia rẽ, nói lời thô lỗ ác nghiệt.
- Ví dụ, đang trong đám ma, mọi người đang khóc, mình vào nói "ôi trời hôm nay đẹp thật". Quả là trời đẹp, mình không nói sai tí nào, nhưng đó là lời không phù hợp, cũng là khẩu nghiệp không tốt.
Ông Vương Vũ Thắng: Sức sát thương của khẩu nghiệp xấu rất lớn. Sếp mắng quân, chồng mắng vợ, mẹ mắng con: Nghĩ thật kỹ trước khi mở lời! - Ảnh 1.
- Nói chuyện phiếm, nói lời vô nghĩa, chả có ích cho ai mà gây mất thời gian của mình và người khác.
- "Đi đứng kiểu đó thì chết đi cho rồi," là kiểu lời thô lỗ ác nghiệt.
- Lời nói vô tình hay cố ý gây chia rẽ người khác như "Hôm qua con bé A bảo cậu béo lắm" cũng là khẩu nghiệp xấu.
Nhà Phật quan tâm hành động thế nào để gây nghiệp tốt và hành động thế nào để tránh nghiệp xấu.
Nói dối thì gây nghiệp xấu đúng không, thưa Thầy? Nhưng nói dối mà động cơ và kết quả tốt thì có được coi là khẩu nghiệp tốt không?
Ví dụ: Bố em gọi điện hỏi các cháu khỏe không. Thực ra các cháu đang ốm nhưng nói ra thì ông lo mà cũng chẳng làm được gì, nên em nói là các cháu khỏe, như vậy là nói dối?
Nói dối mà không hại cho ai hết, sau đó là có lợi cho người khác thì được. Trường hợp này bạn nói dối để bố khỏi lo, có lợi cho bố thì được.
Nhưng không phải là mình không chịu nhân quả. Sau này sẽ có người nói dối bạn như thế. Sau này có thể con bạn ở xa sẽ bảo con chả sao đâu trong khi nó đang gặp khó khăn để làm bạn yên lòng. Đấy là nhân quả không thể thoát được.
2. Đùa cũng phải nghĩ
Vậy làm thế nào để biết là khẩu nghiệp tốt và thế nào là khẩu nghiệp xấu, thưa Thầy?
Có hai thứ liên quan đến khẩu nghiệp: Một là động cơ, hai là kết quả. Phải nhìn động cơ và kết quả sinh ra thì mới biết là khẩu nghiệp tốt hay không tốt.
Ví dụ mắng một người có thể xấu hoặc tốt: Mắng để họ tốt lên thì tốt; mắng để hả giận thì không tốt. Mắng xong làm cho một người sửa đổi thì tốt, mắng xong làm cho họ đi tự tử thì không tốt.
Không thể kiểm soát kết quả hành động nhưng có thể cố gắng gieo khẩu nghiệp tốt và tránh khẩu nghiệp xấu, tuy nhiên điều đó lại rất ít người làm. Vì muốn làm được, trước khi mình nói bất kỳ cái gì, mình phải nghĩ đến "động cơ lời nói của mình là gì?" và "kết quả của nó là gì?".
Khi cân nhắc đến 2 yếu tố đó, thì mới là "quan tâm đến khẩu nghiệp". Còn nếu chưa cân nhắc hai yếu tố đó thì tức là đang gieo khẩu nghiệp lung tung. Ngay cả đùa cũng là khẩu nghiệp.
Ông Vương Vũ Thắng: Sức sát thương của khẩu nghiệp xấu rất lớn. Sếp mắng quân, chồng mắng vợ, mẹ mắng con: Nghĩ thật kỹ trước khi mở lời! - Ảnh 2.
Thực ra thì đùa mọi người cũng chỉ nghĩ là cho vui thôi. Như câu chuyện đang bàn tán xôn xao trên mạng về câu đố vui "đưa cái đầu vào đâu thì nó sẽ bị hư", Hương Giang Idol bèn nói vui rằng "vào cầu tiêu". Chỉ đùa thôi, nhưng nghệ sĩ Trung Dân giận ghê lắm. Bản thân con thấy rằng cô ấy trong sáng và chỉ đùa thôi, thì có sao đâu? Một câu đùa có thể thành chuyện to đến thế ư?
Đúng là cô gái ấy chỉ đùa thôi, nhưng khi đùa cô ấy không nghĩ đến động cơ và kết quả. Trước khi nói cô ấy không quan tâm đến "động cơ của mình là gì" và " kết quả của nó là gì?". Vô tình cô ấy không cân nhắc, cứ thế nói thôi. Vì không quan tâm đến hai điều đó nên kết quả là cô phải chịu.
Ví dụ nếu mình đùa là "đưa đầu vào rượu", động cơ là để mọi người vui và nhắc rượu chè say sưa là có hại. Đưa đầu vào rượu thì đúng là hư mất đầu thật, hư quá còn gì (cười) , thì kết quả là vui và giúp mọi người nhớ là rượu là có hại.
Như hai ví dụ trên nói đùa cũng là khẩu nghiệp, một cái là khẩu nghiệp xấu, một cái là khẩu nghiệp tốt.
Nói đùa cũng có thể sinh chuyện. Ngay cả nói đùa cũng phải cân nhắc, khẩu nghiệp đến trong tất cả các lời nói.
3. Nói đúng nhưng quá lời có phải là khẩu nghiệp không?
Thế thì em thấy là em cũng có rất nhiều khẩu nghiệp. Gần đây em mới mắng em gái là "Chị thấy em toàn nói dối, không thể tưởng tượng em lại vô ơn như thế!" vì trong một ngày em phát hiện nó nói dối hai lần (em đã chăm lo cho nó suốt từ lúc bé, gần như là thay mẹ). Sau đó hai chị em em không nói chuyện với nhau 2 tuần, em thấy buồn và nó chắc cũng khổ.
Nếu mình mắng ai đó, trong đó có phần để thỏa mãn sự khó chịu của mình thì động cơ là có phần ích kỷ. Động cơ ích kỷ thì kết quả xấu chắc chắn quay lại với mình.
Nếu trong động cơ và hành động mình mà có cả phần tốt và xấu thì sao ạ? Ví dụ như em mắng em gái mình, 8 phần là mong muốn tốt cho nó, 2 phần là vì mình muốn xả sự tức giận?
Nhân quả là bạn sẽ nhận quả của 8 phần tốt, nhưng bạn cũng sẽ nhận quả của 2 phần xấu. Phần tốt bạn nhận quả tốt, ví dụ như sẽ có người sếp tốt mắng bạn để bạn sửa đổi. Nhưng phần xấu bạn cũng nhận quả xấu ví dụ như người sếp đó có hôm mắng bạn sai chỉ vì nóng giận.
Đấy là chỉ nói về động cơ, còn bây giờ nói về kết quả. Kết quả là em gái bạn không những không sửa theo ý bạn mà bị khổ 2 tuần liền, bạn cũng buồn - cái đó không thể gọi là kết quả tốt được. Động cơ thì 8 phần tốt, 2 phần xấu nhưng kết quả là cả 2 cùng khổ, thì là quả xấu.
Nếu giỏi hơn thì lần sau mình chỉ giữ phần tốt, bỏ phần xấu, không mắng em để giải quyết bực dọc trong lòng. Mình giải quyết bực dọc xong rồi hãy mắng. Khi đó bạn mắng chỉ để em bạn tốt lên, thì lời nói của bạn sẽ nhẹ nhàng. Thay vì nói câu nặng nề "Chị không thể tưởng tượng em lại vô ơn như thế!", bạn có thể nói: "Em nghĩ xem làm thế có phụ công chị không?"
Vì bạn mắng để xả cơn tức nên mới nói nặng như thế khiến em bạn bị tổn thương. Một người bị tổn thương không bao giờ muốn nghe tiếp nữa. Còn nếu bạn tập các giáo pháp để giải quyết cơn tức trước khi nói, tự khắc lời nói sẽ nhẹ nhàng hơn.
Trong ví dụ trên bạn nên nói: "chị thấy em nói không đúng sự thật lần thứ 2 trong ngày", thay vì nói quá lên rằng: "em toàn nói dối thôi" – cách nói nào đúng sự thật hơn, có bằng chứng xác thực hơn?
Nói đúng nhưng quá lời cũng gây ra khẩu nghiệp xấu.
4. Facebook – Online cũng là khẩu nghiệp
Thế còn trên mạng xã hội, mọi người tức và lên mạng xả cho người khác biết thì có cần tránh không ạ? Bạn bè, bản thân mình like ủng hộ thì sao ạ?
Mình like (ủng hộ) cái gì thì có nghiệp đúng bằng người làm việc đấy, cả xấu lẫn tốt. Ví dụ người ta cứu người, theo quan điểm nhà Phật, nếu bạn chân thành ủng hộ thì bạn sẽ được nghiệp tốt bằng việc cứu người đó, dù bạn không trực tiếp cứu người.
Như câu chuyện có anh lái xe tên Bắc dùng xe tải làm phanh cứu được 37 người trên đèo Bảo Lộc, mình chân thành ủng hộ hành động thiện đó thì mình có nghiệp tốt tương đương cứu 37 người. Ngược lại, bạn lên Facebook chê bai hành động đó thì bạn mất đi một lượng nghiệp tốt tương đương với nghiệp tốt của việc cứu 37 người.
Khi bạn mình đăng FB chê bai một ai đó thì đừng vì đồng cảm, vì là bạn của mình mà ấn like, mình phải xem động cơ của người chê bai là gì. Một bài viết chê bai tiêu cực có thể có những lời vô nghĩa, thậm chí có những lời nói sai sự thật, có lời gây chia rẽ… thì mình ấn like làm gì? Nếu mình like những lời nói đó, mình cũng sẽ tạo ra nghiệp xấu tương đương với những lời nói đó.
Khi like mình nên kiểm tra động cơ like là gì, hậu quả là gì. Động cơ đã không tốt thì đừng like. Ví dụ: đừng like cho bõ tức, đừng like vì bức xúc, đừng like khi mình không chắc chắn chuyện có thật hay không…
Ủng hộ cái gì thì nghiệp bằng cái ấy. Vì vậy hãy like để ủng hộ cái tốt, ủng hộ những việc làm đem lại hạnh phúc cho người khác.
Bình luận, viết Facebook, like phát ngôn của người khác… ngôn từ toát ra từ mình đều là khẩu nghiệp.
Ông Vương Vũ Thắng: Sức sát thương của khẩu nghiệp xấu rất lớn. Sếp mắng quân, chồng mắng vợ, mẹ mắng con: Nghĩ thật kỹ trước khi mở lời! - Ảnh 3.
5. Tập thế nào trước và sau khi nói?
Như vậy là mỗi người cần xác định động cơ và lường trước hậu quả, nhưng trong lúc nóng giận quá không kiểm soát được cảm xúc, trong thời gian rất ngắn, không kịp suy nghĩ thì có cách nào không, thưa Thầy?
Có những cách rất hay mà chúng ta nên tập.
Trước khi nói
Trước khi nói gì, hãy tập thói quen suy nghĩ"Động cơ của tôi là gì? Khi thấy có dấu hiệu không tốt thì việc của mình là dừng lại hít thở 2 giây. Nếu bạn tin vào Phật Pháp thì hãy đọc Om Mani Padme Hum (câu Thần chú Sáu âm của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát).
Bạn chỉ cần hít vào đọc thầm "Om Mani", thở ra đọc thầm "Pê mê Hung", chỉ 2 giây thôi, nếu không đọc gì thì bạn chỉ hít thở cũng được. Khi mình cảm nhận có gì đó không tốt, chỉ cần dừng 2 giây thôi. Ở đây không phải là mình kiềm chế, mà mình chỉ dừng 2 giây rồi nói tiếp.
Nhưng không ngờ 2 giây đó cực kỳ hiệu quả. "Phao cứu mạng" nằm ở 2 giây đó, vì tất cả bình tĩnh sẽ quay lại. Suy nghĩ của mỗi người giống như dòng thác, nếu cứ chảy liên tục thì không dừng được, nhưng bạn chỉ cần dừng 2 giây, thì 2 giây đó là chỗ để tất cả Trí tuệ, bình tĩnh len vào.
Ông Vương Vũ Thắng: Sức sát thương của khẩu nghiệp xấu rất lớn. Sếp mắng quân, chồng mắng vợ, mẹ mắng con: Nghĩ thật kỹ trước khi mở lời! - Ảnh 4.
Ví dụ: khi cơn tức xuất hiện bình thường bạn sẽ nói ngay, làm ngay theo nó – rất dễ phạm sai lầm. Bây giờ, khi cơn tức xuất hiện, bạn hãy dành 2 giây để hít thở.
Chỉ cần bạn hít vào thở ra là một phần cơn tức đã đi ra, bình tĩnh và sáng suốt đã đi vào rồi. Nhưng bạn phải tập thói quen, khi tức lên, hít thở 2 giây rồi làm gì thì làm, cái đấy tập thành thói quen được. 
Cách đây hơn 10 năm, khi chưa đến với thiền, tôi đã là sếp và là kiểu người rất khó chịu với cái sai. Mỗi lần đọc thấy cái thư sai là tôi ấn nút "Reply" (trả lời), và gõ rất nhiều luôn. Những cái thư đó thường gây ra hiệu quả tiêu cực vì nó là những lời gõ ra khi đang tức giận.
Ông Vương Vũ Thắng: Sức sát thương của khẩu nghiệp xấu rất lớn. Sếp mắng quân, chồng mắng vợ, mẹ mắng con: Nghĩ thật kỹ trước khi mở lời! - Ảnh 5.
Khi bắt đầu sửa chính mình, mỗi lần định ấn vào nút "Reply", tôi dừng lại. Vì sao? Vì lúc ấy tôi đang tức. Mà nguyên tắc tôi đặt ra cho mình là "đang tức thì không làm", "đang tức thì không gửi mail".
Tôi vẫn gõ rồi lưu lại, chứ không gửi đi. Sau đó khi hết tức rồi, tôi sửa mail lại thì nó thành tử tế, nói đúng mực, đúng vấn đề. Dễ mà! Nguyên tắc chỉ cần là: "Đang tức giận thì không ấn nút Gửi.". Khi tập thành nguyên tắc thì nó trở thành cái phanh an toàn.
Ông Vương Vũ Thắng: Sức sát thương của khẩu nghiệp xấu rất lớn. Sếp mắng quân, chồng mắng vợ, mẹ mắng con: Nghĩ thật kỹ trước khi mở lời! - Ảnh 6.
Mỗi người nên xác định vài nguyên tắc cứng như đang tức không ấn nút gửi; dừng 2 giây hít thở… Đến điểm mình biết phải phanh là phanh lại. Giận là phải đạp phanh, giống như đứng trước bờ vực, không đạp phanh là rơi. Lúc đầu đạp xong có thể có lúc do đà lao nhanh quá mình vẫn bị rơi, nhưng dần sẽ thành thói quen và sẽ dừng lại được.
Thường thì chuyện xảy ra rồi, nói xong rồi em mới nghĩ lại là có thể nói nhẹ nhàng hơn...
Bạn có biết vì sao bạn lại "không nhẹ nhàng" ngay từ đầu không?
Vì mình không có thói quen CÂN NHẮC trước khi nói. Đó là một thói quen có thể tập được. Nhưng mình không có thói quen đó, thậm chí một số người có thói quen không bao giờ cân nhắc mà cứ thế nói. Sau đó họ mới thấy là dại.
Nói đùa cũng nên cân nhắc, người ta thường không cân nhắc khi nói đùa, nhưng hậu quả thì vẫn có, đúng không?
Vì vậy, trước khi nói bất kỳ cái gì cần phải tập thói quen cân nhắc đến 2 điều sau:
Một: "Động cơ nói là gì?".
Hai: "lời mình sắp nói sẽ gây ra kết quả gì?"
Nhiều lúc em cũng cố để không nói ra những lời giận dữ, nhưng rất bực bội, rồi có lúc lại không kìm được mà bung ra. Liệu cứ nhịn có phải là một cách tốt không Thầy?
Nguyên tắc căn bản là: "Đè nén cái gì để không phát tác ra ngoài thì nó sẽ phát tác vào trong". Chính vì đè nén như thế nên bên trong bạn rất khổ sở, bực bội. Cái gì mình đè thì có ngày nó sẽ bật lại. Mình đè cái lò xo thì nó sẽ bật mạnh hơn. (Cười)
Ở đây mình không phải là đè nén cơn giận xuống mà mình phải dùng trí tuệ để giải quyết. Mình phải dùng trí tuệ để thấy cái gì đúng cái gì sai. Cái nào sai thì tự mình sẽ không muốn nói nữa. Cái nào đúng thì vẫn nói để đem lại kết quả tốt.
Trong câu chuyên của một bạn vừa kể, câu "Em suốt ngày nói dối" là sai. "Em nói sai sự thật 2 lần rồi" mới là đúng. Thấy như vậy, mình sẽ tự không nói câu sai mà nói câu đúng.
Khi thấy rõ nói quá lên vừa là sai, vừa gây tổn thương và có hậu quả xấu trong tương lai, lúc đó Trí tuệ tự nhiên bảo mình là "Đừng nói nữa", chứ không phải là mình nén đừng có nói. Đè nén là mình không quan tâm cái gì đúng cái gì sai, cứ đè nó xuống, thì lúc nào đó nó bung ra còn mạnh hơn.
Hai vợ chồng, ông chồng thường nhịn vợ chuyện nhỏ, bất chợt một ngày xảy ra đúng chuyện nhỏ đó, nhưng chồng lại tát vợ và bỏ đi luôn – (Cười), đó là ví dụ về đè nén.
Sau khi nói
Thế lỡ nói hay ấn like mà gây ra hậu quả xấu rồi thì nên làm gì, thưa thầy?
Có một điều phải làm, nhà Phật gọi là Sám hối hay Tịnh Hóa.
Sám hối có 2 phần. Một là mình "Hối hận" – thực sự hối hận với hành động, lời nói đấy. Hai là mình "Quyết tâm không tái phạm", tự hứa với mình quyết tâm không mắc lại điều đó một lần nữa. Thông thường một số người hối hận nhưng không quyết tâm, nên sau đó lại mắc phải.
Khi mình thực sự hối hận và hạ quyết tâm không mắc lại một lần nữa thì cường độ, số lần gây khẩu nghiệp xấu sẽ giảm chứ không tăng được nữa.
Sức sát thương của khẩu nghiệp là rất lớn. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ trước khi nói và sám hối ngay khi nhận ra đã lỡ gây khẩu nghiệp xấu.
Trích 'Soha'. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB