Tâm sự Thứ Bảy (163): Lặng Lẽ Sapa

1 tháng 10, 2017 0 nhận xét
'Lặng Lẽ Sapa' là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thành Long (bác cả mình) viết những năm 70, cùng với 'Lý Sơh Mùa Tỏi' đã được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học (https://vanhaiphong.com/tac-pham/190-lng-l-sa-pa.html).  Bao năm qua đọc nó, mình vẫn tâm niệm sẽ phải đến đây, Sapa, Lý Sơn.. Những địa danh mà nhờ những câu chuyện của bác đã để lại nhiều dấu ấn trong tuổi thơ của mình.

Đến Sapa vào một buổi tối mùa thu ấm áp, giữa tiết Trung Thu, lại vào đúng tối thứ Bảy nên mình không còn thấy một Sapa 'lặng lẽ' như bác kể nữa. Sapa bây giờ ồn ào đông đúc lắm, ngợp thở với những nhà trọ, khách sạn xây theo kiểu hiện đại mọc lên như nấm. 

Giữa trung tâm Sapa là Chợ Tình (Love Market) tụ hội ngay gần nhà thờ Đá. Ngày xưa trai gái yêu nhau hay tìm đến đây 'bắt' vợ, bắt chồng, ca hát suốt đêm. Giờ chỗ ấy là một sân vận động kín người. Tây cũng ngán, không muốn chui qua rừng người ấy để vào xem sự hỗn tạp ở bên trong. Mà xem gì khi không còn không khí lễ hội của ngày xưa cũ. Trai gái dân tộc không còn thoải mái mà hẹn hò (vì giữa 1 rừng người như thế làm sao còn chút 'lãng mạn' nào). Mệt mỏi trở về phòng khách sạn, 2 đứa tụi mình lăn quay ra ngủ đến sáng để bắt đầu một cuộc 'thám hiểm' Sapa theo kiểu 'ta ba lô'.

Buổi sáng mây u ám bởi trận mưa lớn đêm qua. Con đường dẫn vào bản Tả Pìn, Tả Van, Lao Chải, Bản Dền ngoằn nghèo, đi qua những ruộng bậc thang đã qua mùa gặt trơ gốc rạ, những ngôi nhà người Mông, Người Dao, Người Tày, Người Dáy lấp ló qua những tán cây nhỏ. Thi thoảng gặp những đứa trẻ con mặt mũi đen đúa, có đứa chẳng mặc quần, nhưng nét ngây thơ đọng lại trên khuôn mặt dễ thương và giọng Kinh ngọng nghịu đáng yêu.

Mưa bỗng chợt đến, rồi rơi như trút nước. Hai đứa tại vào một ngôi nhà nhỏ bên con suối lớn. Mùa này nước cạn. Cô chủ người Mông mang coffee ra mời. Chiếc xích đu bằng tre, bộ bàn ghế bằng gỗ, căn nhà sàn cũng bằng gỗ 2 tầng với mấy tấm chăn trắng phơi lấp ló. Vài ba đứa trẻ dân tộc chào mời những chiếc túi, khăn thổ cẩm xinh xinh.

Một lúc, nắng lên lấp lánh sau mưa khiến cho cung đường như được tươi mới hơn. Những ngôi nhà sàn theo nhau hiện ra với những vườn ngô, những ruộng lúa hay vài cây đào núi hoa màu nhạt. 

Đi tiếp 20 km lên tới khu người Dao, sống bên cạnh một resort mới mở. Giá vé vào xem 500 ngàn, quá đắt nên tụi mình quyết định đi bộ lên thăm nhà 2 người gánh rau vừa hái dưới ruộng. Họ líu lo mời ở lại ăn cơm. Lên tới nơi, thấy nhà họ nghèo quá, chỉ có vách đất, ít thóc lúa chất trên cao. Một bé trai 13 tuổi mà bé như 7 tuổi trông 1 đứa em gái đang ốm nằm co quắp trên giường. Cô bạn mình là dược sĩ liền lấy thuốc ra cho, còn mình thì cho họ ít tiền rồi 2 đứa rời đi. 

Cơm giữa đường có măng rừng, hoa gừng xào tỏi, thịt lợn bản xiên nướng, trứng gà nhà và canh cải. Đói nên thấy bữa cơm thật ngon. 2 cậu xe ôm người Dao thật thà kể chuyện bằng tiếng Kinh chưa sõi, vui vẻ vì được tụi mình mời cơm.

Buổi sáng hôm sau mặc dù người bạn đi cùng can ngăn nhưng mình vẫn quyết định lên đỉnh Phanxipang một mình, nơi cao nhất của Việt Nam. Mưa nhẹ, gió lạnh, trời mù và vắng tanh do là ngày thứ 2 đầu tuần ai cũng đi làm. Cảnh vật hiện ra thật hùng vĩ. Những con suối bạc chảy thành từng dòng từ ngút ngàn mây bay, đổ thành dòng mạnh mẽ xuyên qua rừng lá để nhẹ nhàng êm ả khi về xuôi.

Gần đến nơi chỉ còn vài phút mình bỗng thấy khó thở, rồi tim đập nhanh.. cứ ngỡ chắc Thần Chết gọi (hì). May mà mang theo thuốc trợ tim nên lập cập lấy ra uống.

Rồi cũng tới nhà ga với độ cao hơn 3000 m so với mặt biển và chiều dài cáp treo lớn nhất thế giới - hơn 6 ngàn mét. Nghe nói để làm được hệ thống vĩ đại này đã không biết bao nhiêu người nằm xuống sau 2 năm vất vả thi công. Dù đã đi cáp treo bao nhiêu công trình trong và ngoài nước, lên cả đỉnh Fuji, Hankone của Nhật quanh năm tuyết phủ, nhưng đây là kỳ tích cao nhất thế giới lại là của người Việt Nam, thật đáng tự hào.

Trải nghiệm Sapa ở Phaxipang hôm nay thật đặc biệt. Đặc biệt khi bạn ở trên đỉnh cao mênh mang của trời đất, xa hẳn sự ồn ào phố thị để cảm nhận sự yên lặng của thinh không, sự mong manh của sự sống, sự cô độc của con người và sự vô thường của cuộc đời.

Cám ơn Sapa đã cho mình trải nghiệm thực sự chứ không phải là tưởng tượng qua truyện đọc ngày thơ bé. Cám ơn Sapa vì nhờ trải nghiệm lần này mình biết yêu hơn cuộc đời này, yêu hơn mỗi con người mà mình đã được gặp. Dù thời gian khác nhau nhưng mình tin ai đã một lần đến đây sẽ không thể nào quên mảnh đất này.
BH 1/10/2017





















0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB