Nỗi buồn khổ của con người đến từ đâu? Là đến từ ngoại cảnh, là người khác gây ra cho mình? Thật ra đều không phải, đau khổ của con người thường là đến từ nỗi sợ bị mất đi một thứ gì đó, mà sở dĩ người ta sợ là bởi vì họ đã quá quen thuộc đến nỗi trở thành thói quen hay phụ thuộc vào sự tình, sự vật, con người đó rồi.
Một khi những thứ đó bị mất đi thì mục tiêu cuộc sống của họ, trọng tâm của họ lập tức bị hút ra, khiến cho họ không cách nào tiếp nhận được sự thật mà rơi vào đau khổ.
Có một câu chuyện rất ý nghĩa, kể rằng:
Một ngày nọ, ông chủ một khách sạn phát hiện ra có một kẻ lang thang ngày nào cũng ngồi bất động ở ghế đá công viên mà nhìn chằm chằm vào khách sạn của mình. Ông cảm thấy rất tò mò.
Đến một hôm, ông chủ khách sạn ấy không thể giấu mãi nỗi tò mò của mình được nữa, vì vậy ông đi đến chỗ kẻ lang thang và hỏi: “Xin lỗi, anh bạn, tôi muốn hỏi anh một chút, tại sao ngày nào anh cũng nhìn chằm chằm vào khách sạn của tôi vậy?”
Kẻ lang thang nói: “Bởi vì cái khách sạn này quá đẹp! Mặc dù tôi chỉ có hai bàn tay trắng và ngủ trên ghế đá, nhưng mỗi ngày tôi đều nhìn nó như vậy, đến tối sẽ mơ thấy mình được ngủ ở trong đó”.
Ông chủ khách sạn sau khi nghe xong thấy rất đắc ý, liền nói: “Anh bạn, đêm nay tôi sẽ cho anh được mãn nguyện, anh có thể ở miễn phí tại phòng tốt nhất của khách sạn trong một tháng”.
Sau một tuần lễ, ông chủ khách sạn trở lại và muốn xem xem tình hình của kẻ lang thang kia như thế nào. Nhưng ông phát hiện người này rõ ràng là đã chuyển khỏi khách sạn rồi và trở lại ghế đá của công viên ngủ như trước đây.
Ông chủ khách sạn bèn đến hỏi kẻ lang thang: “Rốt cuộc thì đã xảy ra chuyện gì?”
Kẻ lang thang nói: “Lúc trước tôi ngủ trên ghế đá, mơ thấy được ở trong khách sạn, nên thấy rất vui vẻ, thế nhưng khi ngủ trong khách sạn, tôi lại thường mơ thấy mình trở lại với chiếc ghế đá cứng nhắc này. Thật là đáng sợ, cho nên, tôi không thể chịu đựng được nữa!”
Ông chủ khách sạn nghe xong liền phá lên cười và nói: “Thì ra, đôi khi không có cũng khổ mà có cũng khổ!”
Quả thực, nỗi khổ của con người thực ra không liên quan gì đến việc “có” hay “không có” thứ mình mong muốn. Nó là đến từ “sự chấp trước” (dính mắc) của con người. Nếu như chúng ta coi đồ vật nào đó là thứ nhất định phải có được, khi không có thì ao ước thèm muốn, mà khi có rồi thì lại sợ mất đi… như thế đều là khổ.
Thử ngẫm nghĩ một chút, nếu như trong cuộc sống ngày nay, không có điện thoại, không có internet, không có các cửa hàng tiện lợi… thì con người sẽ không sống được sao? Con người sẽ không vui vẻ hạnh phúc sao? Đương nhiên sẽ không là như thế.
Nhận ra những thứ mà bạn “nhất định phải có”, đó chính là mấu chốt của tự do. Nói cách khác, một khi “thói quen” đó được cải biến, những điều trước đây “nhất định phải có” đã không còn là nhu cầu cần phải có nữa, thì bạn sẽ thấy mình được tự do và không còn bị ràng buộc bởi nó. Như thế, bạn cũng sẽ không phải vì có hay không có nó mà rơi vào khổ sở.
Đôi khi, thay đổi khía cạnh nhìn nhận, thay đổi ý niệm, chúng ta có thể thấy tương lai phía trước sẽ rộng mở và sáng sủa hơn rất nhiều.
ST
0 nhận xét:
Đăng nhận xét