HÀNH LÝ CUỘC ĐỜI

4 tháng 12, 2017 0 nhận xét
Tình yêu thương hoặc sự thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ là hành lý mà mỗi người mang theo suốt cuộc đời. Trong chiếc ba lô mà bạn không bỏ được ấy, có thể là những bông hoa thơm và những dòng thư đẹp, là chiếc cuốc, cây dao cần cho cuộc đời. Hay là thức ăn nước uống, là hạt thóc, hạt ngô. Tình yêu có nhiều khuôn mặt.
Nhưng trong chiếc ba lô ấy có những người mang theo nhiều liều thuốc độc, những bức hình xấu xí, cây roi, có khi cả máu.
Trong series truyền hình Mỹ Parenthood về hành trình làm cha mẹ, làm con, mình còn nhớ một đoạn khi nhân vật Sarah nhận được lời khuyên từ người cha của cô, rằng: con ạ, con của con tuy nó rất giống con, nhưng NÓ KHÔNG PHẢI LÀ CON. Vì nó rất giống con nên con muốn ngăn cho nó không mắc những sai lầm của chính con, nhưng điều ấy là bất khả. Hãy để nó mắc sai lầm, và tự nó học cách đứng lên.
Mong muốn được “sống hộ con”, được giúp con tránh né những sai lầm mà chính mình đã trải qua, bằng cách bảo vệ, hoặc ngăn trở nó, là một việc mà gần như cha mẹ nào cũng muốn làm. Ngược lại, có những người lại mong con “sống hộ mình”, nghĩa là mong nó được những gì mình không được, giỏi cái mà mình không giỏi, tới những nơi mình chưa tới. Thậm chí, coi con là minh chứng cho thành công của BỐ MẸ. Nên khi con có thành tích có thể lượng hóa, khoe mẽ được thì cảm thấy yêu thương con vạn lần, đến khi nó thất bại hoặc không thành công theo cách thiên hạ thích, thì lại trở nên THẤT VỌNG TRÀN TRỀ.
Đa phần các bố mẹ như chúng ta đều học được bài học của cô Sarah kia. Nhưng, trong rất nhiều trường hợp, sự giác ngộ không bao giờ đến. Đứa trẻ đã gùi trên lưng những hành lý mẹ cha gửi, không bao giờ bỏ được xuống nữa. Mình biết có người không bao giờ dám ly dị chồng chỉ vì “sợ bố mẹ mất mặt”, hay có người luôn nghĩ bản thân vô dụng vì từ bé tới lớn chưa từng làm được việc gì hài lòng bố, hay có người chân lúc nào cũng lơ lửng trên mây vì suốt thời thơ ấu sống trong sự tâng bốc của cha mẹ…
Nhiều lắm. Hành lý của mình cũng vậy thôi. Đến giờ mình vẫn cố để đặt xuống một số thứ mà mình biết chỉ làm cuộc đời thêm nặng. Nhưng khó lắm, khó vô cùng. Có thể là một thái độ sống, có thể là những nỗi buồn sâu đậm, có thể là những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực….
Nên mỗi khi thấy ai muốn nhét vào hành lý của đứa trẻ một cái gì đó mà nó chưa sẵn sàng đón nhận, chưa biết nó có muốn hay không, là mình thấy bứt rứt, khó chịu. Đừng bắt bọn trẻ mang theo những nỗi niềm của chính mình. Đừng nhân danh tình yêu thương của bố mẹ để sống hộ chúng, hoặc bắt chúng sống hộ mình.
Ah mình còn muốn nói một điều nữa, các bạn có biết rằng chỉ có 10% não bộ con người là thuộc về phần “ý thức”, lý trí; 90% còn lại là vô thức không? Cái vô thức này, theo các nghiên cứu khoa học (vốn hạn chế vì phải lấy 10% não bộ để tìm hiểu về 90% còn lại) thì vốn sẵn có và phát triển mạnh mẽ trong những năm đầu đời. Từ khi xuất hiện bản ngã (lúc khoảng gần 3 tuổi), thì “ý thức” dần dần che lấp “vô thức”; khiến cho “vô thức” ít khi được đánh thức, được sử dụng một cách đầy đủ. Trong những năm đầu đời mà vô thức thống trị, qua những giao tiếp với môi trường, con người xung quanh, đứa trẻ hình thành một thứ “trí tuệ” mà sau này lý trí không lý giải được. Tình yêu hay sự thiếu vắng tình yêu trong những năm này gần như sẽ không bao giờ “sửa chữa” được. Trong tâm lý trị liệu, đôi khi để thay đổi một ký ức nằm trong tầng vô thức, người ta phải dùng tới thôi miên. Cách duy nhất theo mình biết để một cá nhân có thể tự tìm tới và can thiệp vào vô thức của bản thân, là thiền (mình biết những anh chàng hiện đại đang cười ))
Vì thế, đừng nghĩ rằng bọn trẻ con 6 tháng tuổi nó không biết bố mẹ nó cãi nhau đâu. Nó biết hết đấy. Và cái chính là, nó không bao giờ quên.
Cái vô thức này nó còn hay ho ở chỗ, nó mách bảo cho ta rất nhiều điều. Nó đã thu thập thông tin từ lúc nào đó (mà phần lý trí của ta không biết) để một lúc nào đó nó sẽ tuôn ra, cho ta sự thông tuệ mà ta không giải thích nổi. Mà ta vẫn hay gọi là “gut feeling” ấy.
Cái vô thức này đặc biệt ở chỗ nó không thể bồi đắp được thông qua “học tập” (vốn là lãnh địa của thằng lý trí), mà chỉ có được thông qua “trải nghiệm” (hoặc thiền ). Nên nếu cứ nhồi trẻ con học nhiều, mà không cho nó trải nghiệm, cho nó “được sống”, thì giỏi lắm nó cũng chỉ khai thác được 10% não bộ thôi.
Nói lan man vậy để mong ai đó quan tâm đọc được thì hãy để cho những đứa trẻ được lớn lên như chính nó. Nhiệm vụ của bố mẹ chỉ là đi cùng từ một khoảng cách rất xa, hãy kéo con lại nếu con định thò chân vào vũng bùn. Không cần mua tên lửa, máy bay cho con làm gì (nhất là tàu bay giấy), cũng không cần rải hoa trên đường con đi, hay cố thì thầm những lời ngọt ngào hơn cần có vào tai chúng….
-Trích blog một năm nào đó-

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB