(Cảm nghĩ khi đọc Suối Nguồn).
Howard Roark: Nếu anh muốn lời khuyên của tôi thì anh đã mắc sai lầm rồi. Sai lầm vì hỏi ý kiến tôi hoặc bất kỳ ai khác. Đừng bao giờ hỏi ai khác. Đừng bao giờ hỏi về công việc của anh. Chẳng nhẽ anh lại không biết mình muốn gì sao? Làm sao anh có thể chịu được việc không biết mình muốn gì?
Peter Keating: Đấy đấy, đấy là điều mà tôi luôn ngưỡng mộ cậu, Howard. Cậu luôn luôn biết.
Howard Roark: Bỏ qua chuyện tán tụng đi.
Peter Keating: Nhưng tôi nói thật đấy. Làm sao mà cậu luôn có thể tự quyết định?
Howard Roark: Làm sao anh có thể để người khác quyết định thay anh?
Peter Keating vừa trở về nhà sau một ngày trọn vẹn của chiến thắng: Tốt nghiệp thủ khoa trường kiến trúc Stanton. Điều này mang tới cho anh hai lời đề nghị: Một suất học bổng toàn phần từ ngôi trường danh tiếng tại Paris và một lời mời công việc hấp dẫn từ công ty hàng đầu tại New York. Peter là mẫu nam sinh ưu tú điển hình: Chủ tịch hội sinh viên, đội trưởng đội điền kinh, thành viên của hầu hết các hội nam sinh quan trọng, và được bầu là người được yêu thích nhất trường.
Howard Roark, ngược lại vừa nhận được quyết định đuổi học do những bài thi không theo lẽ thường. Anh được các giáo sư nhìn nhận như một thiên tài, và sẽ tốt hơn nếu anh chấp nhận làm các bài thi của mình theo đúng lối mòn mà các tiền nhân đã xây nên qua hàng trăm năm.
Nhưng tại sao Peter lại phải xin tư vấn của Howard về lựa chọn của mình?
Có thể nói thế này.
Peter là người sống theo sự kỳ vọng của xã hội. Anh trở thành thủ khoa, trở thành ngôi sao trong mọi hoạt động của trường, vì mẹ anh muốn vậy và vì xã hội muốn vậy. Anh không thể là chính mình khi có khán giả xung quanh, dù chỉ một người. Peter hỏi để biết tiếp theo mình nên làm gì để được khán giả tung hê, không phải làm gì thì mình thấy thích nhất.
Thành công trong mắt khán giả
Sau khi ra trường, Peter có một bước phát triển rực rỡ; địa vị, danh vọng nhanh chóng lên tới đỉnh cao trong giới kiến trúc thế giới. Thành công càng lớn, anh càng dần đánh mất cái tôi, cái đam mê thực sự của mình. Anh mặc những bộ đồ hoàn hảo, xuất hiện trong những bữa tiệc lung linh đèn hoa của giới thượng lưu. Nhưng, cũng đến lúc Peter quá mệt mỏi trong vai diễn cuộc đời. Anh mất tích khỏi thành phố vào mỗi cuối tuần, lên đồi cao, thụ hưởng cái đam mê thực sự của mình từ khi còn nhỏ là vẽ tranh. Quá lâu rồi anh mới cầm vào cây cọ vẽ. Và anh khóc như một đứa trẻ con khi vẽ xong mỗi bức tranh.
Khóc vì hạnh phúc.
Khóc vì hối hận.
Khóc vì một đời quay trở lại.
Anh đã thành công trong mắt hàng triệu khán giả, nhưng không thành công trong hạnh phúc của đời anh.
Peter tìm đến Howard, khoe bức tranh mới vẽ. Howard, khi đó vẫn là một gã bướng bỉnh một cách hoàn hảo (hoặc là gã kiên tâm hoàn hảo với chân lý sống của mình) lần đầu tiên trong đời thể hiện một chút tình cảm với Howard sau khi xem bức tranh: “Đã quá muộn rồi”.
Đích đến cuộc đời là hạnh phúc chứ không phải danh tiếng
Sự tung hê ngưỡng mộ của các khán giả là một chất gây nghiện quá ngọt ngào khó cưỡng lại được, dù có đôi khi ai đó vẫn nhận ra. Nó chễm chệ đứng trên ngôi đầu trong tháp nhu cầu Maslow. Người ta chỉ thực sự nghĩ về nó nghiêm túc khi một biến cố lớn nào đó xảy ra, khi đã quá muộn, hoặc khi đã chuẩn bị về vòng cát bụi luân hồi.
Chưa bao giờ, xã hội lại có nhiều ngôi sao như hiện nay. Chưa bao giờ người ta truy cầu sự nổi tiếng gấp gáp như hiện nay. Internet kết nối con người gần nhau hơn. Facebook khiến mỗi người có nhiều khán giả hơn, nhiều người ngồi đếm like dạo hơn. Nhưng đích đến của cuộc đời không phải là sự nổi tiếng, càng không phải là sự hài lòng của các khán giả. Khán giả có thể vỗ tay trên sân khấu, mang lại cho ngôi sao chút hạnh phúc ngắn ngủi, nhưng họ không thể vỗ tay lúc anh ta quay về đời thực.
Đích đến của cuộc sống là hạnh phúc. Muốn hạnh phúc, hãy sống sao để mình luôn thấy bình an, luôn ngủ ngon mỗi tối, luôn tươi vui mỗi sáng thức dậy, luôn luôn có thể trung thực với bản thân và với người xung quanh.
Thích vẽ tranh hãy trở thành họa sĩ, đừng cố gắng làm kiến trúc sư.
Thích viết báo thì hãy theo đuổi nghề phóng viên, đừng thành một nhà địa ốc.
Thích dạy học thì cứ làm một ông đồ làng và hạnh phúc với việc giúp cho hàng trăm cuộc đời khác hạnh phúc hơn.
Và phải có đủ dũng khí để luôn trung thực với đam mê của mình, dù là trong tiếng chế giễu của các khán giả.
Cao Đức Thái
0 nhận xét:
Đăng nhận xét