Tâm Sự Thứ Bảy (209): Một kỷ niệm nhỏ về Trịnh Công Sơn

2 tháng 4, 2020 0 nhận xét
Hôm qua là ngày mất của ông, người nhạc sĩ tài hoa, người mà những bản nhạc của ông, từng lời, từng lời đưa ta trở về với thực tại.. 

Tôi biết đến Trịnh Công Sơn từ rất sớm, sau 75 qua những bài ca của đài 'hàng xóm', tuy nhiên khi đó còn quá bé (vị thành niên) nên chẳng bài nào nghe đến hết được vì bị đánh đồng là 'Nhạc Vàng'. Cho đến khi đi học ở Liên Xô, những ngày thi nhọc nhằn đến, khi đêm xuống ngồi thu mình mở Sơn Ca 7 tôi mới thấm thía từng lời, từng lời những bài hát của ông.. mới thấy sao ca từ đẹp quá, sâu lắng quá!

" Hạt Bụi nào hoá kiếp thân tôi
Để rồi mai tôi về làm cát bụi..
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào xoá bỏ khôn nguôi.. " (Cát Bụi)

"Gọi nắng....
Đời xin có nhau
dài cho mãi sau nắng không gọi sầu
Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau... 
(Hạ Trắng)

Khi đó rất nhiều ẩn ý trong những câu từ của ông mà tôi không hiểu nổi, chỉ biết rằng nó cứ lặng lẽ ngấm vào con người mình, từng chút từng chút một. Mỗi bài hát là một bài.. buồn, nhưng nỗi buồn ấy không bi luỵ. Nỗi buồn ấy có triết lý sâu xa, gần gũi, đến độ khiến ta như hoà vào nó, nó là ta, nói hộ lòng ta vậy.

Cho đến một lần đi nghỉ ở Sô Chi (năm 1987), anh Tam Sa (1 người bạn miền Nam) đã ôm đàn hát nhạc Trịnh hết bài này đến bài khác. Và đó cũng là người đã giải thích cho tôi lịch sử từng bài hát: Vì đâu có bài Hạ Trắng (là viết cho một cô gái mà ông mến mộ, khi qua nhà thăm lên cơn sốt cao nên nhìn nắng hoa mắt.. Gọi Nắng, là gọi tên em 'suốt con sông dài' là vậy! Hay tích 'Về sau sỏi đá cũng cần có nhau' trong  'Diễm Xưa' nói về tích điển của nhà Thờ Công Giáo cho những người sắp mất họ còn 'cần có nhau' như 'sỏi đá' nữa là con người) và rất nhiều điển tích khác.

Nếu để lại ấn tượng nhiều nhất trong thời sinh viên của tôi thì phải nói đến bài Bốn Mùa Thay Lá. Những lời hát cứ bàng bạc bay xa, bay xa..
"Bốn mùa như gió
Bốn mùa như mây
Những dòng sông nối đôi tay về với biển khơi
Đêm chờ ánh sáng
Mưa đòi cơn nắng
Mặt trời lấp lánh trên cao vừa xa vừa gần.."

Và nhất là:
"Không hẹn mà đến,
Không chở mà đi
Bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta..."

Giống như lời tâm sự thủ thì của một người đang yêu gặp trắc trở, thấy TY như bốn mùa thay mãi, chẳng có mùa nào ở lại bên mình, TCS cũng vậy, biết bao cuộc tình đi qua, nhưng không nàng Thơ nào ở lại với người nhạc sĩ tài hoa ấy đến phút cuối cùng, âu cũng là một duyên phận trớ trêu mà Trời Đất dành cho ông vậy. Đổi lại là những ca từ của ông thật đắt giá, chắt chiu từ sâu trong tâm khảm…

TCS đã ra đi khi tuổi đời mới 62. Tôi vẫn nhớ đó là ngày 1/4/2001, cô bạn của tôi (khá nổi tiếng ở SG) gọi tôi và bảo: "Tụi mình đến nhà đặt vòng hoa cho TCS nhé, đi với tao k lo". Tôi chỉ biết gật và đi ngay. Ừ thì mình với ông ấy (TCS) chả quan hệ gì, nhưng những gì nhạc của ông đã là 1 phần của thời sinh viên của mình, tại sao không chứ? 

Chọn một vòng hoa thật đẹp, chúng tôi bước chân qua cánh cổng ngôi nhà cuối ngõ Hai Bà Trưng Q3 ấy. Đó chính là ngày mùng 2/4 đầy nắng (như hôm nay). Một ngôi nhà giản dị & yên tĩnh giữa đất Sài Gòn ồn ào. Có rất nhiều bức tranh do chính hoạ sĩ vẽ treo trên tường, hay để góc nhà. Còn rất nhiều các bản nhạc ở trên mặt bàn. Dưới đất là 1 bộ tách trà cũ kỹ, cả điếu cày xếp cạnh cây đàn... Căn nhà thiếu ánh sáng, nhưng ngồi đây thu mình lại và nhìn ra khoảng nắng ngoài ngõ thì thật là một cảm giác khác lạ... 

“Các chị viết vài dòng cảm nghĩ trong sổ tang nhé”. Người nhà ông đề nghị. Cô bạn tôi ngồi cắm cúi ghi ghi chép chép. Còn tôi tranh thủ ngồi yên trong căn nhà nhỏ (đã trở thành lịch sử sau khi ông ra đi) hồi ức lại một vài bài ca mà mình ưa thích, để mà thương một đời người, một nhạc sĩ tài hoa mà sẽ lâu lắm mới xuất hiện trên thế gian một lần nữa.

TCS đã chọn cho mình một cuộc sống bình dị, bình dị đến.. ngạc nhiên như thế, giữa đô thị Sài Gòn hoa lệ này. Nghe nói ông được cấp nhà mới nhưng ông từ chối, vì ở chỗ thân thương này, nhìn qua khung cửa với nắng sớm và lũ chim gọi nhau bên cành trúc đang sà xuống kia mới là nguồn cảm hứng để ông viết nhạc, làm thơ, vẽ tranh.. Với một người suốt đời sống cô đơn như ông thì nơi ồn ào nhất lại là nơi náu mình tốt nhất. Nơi ấy ông cần bạn bè, cần 'một cõi đi về', cần một TY hơn bao giờ hết, dù đó chỉ là 'tình yêu bạn bè'...
"..Hãy yêu nhau đi, quên ngày u tối
Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới
Mặt đất đã cho ta những ngày vui mới
Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời..."
 (Hãy Yêu Nhau Đi)

Hôm nay 2/4, nhớ đến ông, dù đã gác bút gần 2 năm rồi mà tôi vẫn muốn viết lại một kỷ niệm nhỏ về ông, người nhạc sĩ tài hoa mà những tác phẩm của ông đã trở thành một phần cuộc sống của mỗi người Việt Nam, trong đó có tôi. Đến tận bây giờ khi đã ngoài năm mươi, những ca từ ấy vẫn còn thấm thía, sâu lắng và thiết tha hơn bao giờ hết…
 BH 2/4/2020 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB